Thứ Sáu, 27/03/2009 15:39

Ngành sản xuất vật liệu xây dựng qua báo cáo tài chính 2008

(Vietstock) - Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn trong năm 2008, nhưng ngành sản xuất vật liệu xây dựng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Bước sang năm 2009, ngành vật liệu xây dựng sẽ gặp phải nhiều thách thức do nền kinh tế suy yếu, thị trường địa ốc và ngành xây dựng chưa khởi sắc.

Phân ngành vật liệu xây dựng ngoài thép: Khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng

Giá vật liệu xây dựng tăng trong những tháng đầu năm 2008 đã giúp cho phân ngành sản xuất vật liệu ngoài thép duy trì được sự tăng trưởng về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong bối cảnh nhiều ngành đang sụt giảm lợi nhuận thì kết quả tăng trưởng doanh thu 19.1% và lợi nhuận sau thuế 21.9% trong năm 2008 có thể được coi là một thành công của phân ngành này so với rất nhiều ngành khác.

Tuy nhiên, diễn biến khó khăn của nền kinh tế vào thời điểm cuối năm, sự đóng băng trên thị trường địa ốc và tình hình ảm đạm của ngành xây dựng đã tác động mạnh đến phân ngành vật liệu xây dựng ngoài thép. Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng doanh thu (38.5%) và lợi nhuận (76.5%) của năm 2007, phân ngành đã có sự sụt giảm mạnh. Không ngạc nhiên khi thấy rằng, hàng tồn kho của phân ngành này tăng gấp 2.1 lần so với năm 2007. Bước sang năm 2009, ngành vật liệu xây dựng ngoài thép tiếp tục gặp nhiều thách thức do thị trường bất động sản chưa hồi phục và triển vọng của ngành xây dựng cũng không mấy sáng sủa.

Điểm sáng đáng chú ý của phân ngành vật liệu xây dựng ngoài thép là các mã cổ phiếu thuộc “dòng họ Viglacera” như DTC, DAC…Với mức tăng trưởng lợi nhuận 6.83 lần và EPS của hầu hết các công ty dao động từ 8,000-12,000 đồng, “họ Viglacera” tạo nên sức hấp dẫn cho phân ngành vật liệu xây dựng ngoài thép.

Các chỉ tiêu sinh lợi của phân ngành không thay đổi nhiều so với năm 2007. Năm 2008, ROEA và ROAA của phân ngành lần lượt là 15.8% và 5.12% so với mức 15.47% và 6.0% của năm 2007. Nguyên nhân là do việc tăng sử dụng đòn bẩy tài chính. Theo thống kê, tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu của phân ngành đã tăng từ 1.58 năm 2007 lên 2.56 vào cuối năm 2008. Mặc dù vậy, khả năng chi trả của phân ngành chưa đến mức phải quá lo ngại khi tỷ số thanh toán ngắn hạn tăng từ mức 1.35 vào năm 2007 lên 2.54 trong năm 2008.

Nguồn: VietstockFinance

Năm 2008, chỉ tiêu EPS bình quân của phân ngành này là 2,029 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu loại bỏ kết quả EPS thấp của một số công ty lớn như: CTCP gạch men Viglacera Thăng Long (-9,868); Tổng CTCP Khoáng sản Hà Nam (1,041) và CTCP Xi măng Bút Sơn (1,147), EPS toàn phân ngành ổn định ở mức 3,270 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu trong phân ngành vật liệu xây dựng ngoài thép được chia thành hai nhóm: nhóm có mức giảm giá thấp và nhóm có mức giảm giá mạnh. Các mã cổ phiếu như KSH, DAC, HLY, BHV.. . có mức giảm chỉ từ 14%-22% trong khi các mã cổ phiếu như DXV, BCC, BTS, PPG, TLT…có mức giảm từ 60%-90%.

Phân ngành thép: lao đao vì giá

Trong 5 tháng đầu năm 2008, giá thép tiếp tục xu hướng đi lên của năm 2007 và đạt mức đỉnh 21 triệu đồng/tấn thép. Trên thị trường quốc tế, việc chính phủ Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu thép xây dựng từ 10% lên 15% và thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25% vào ngày 1/1/2008 càng gián tiếp tạo nên cơn sốt giá thép ở trong nước. Trong thời gian đầu, một số công ty thép đã thu được lợi nhuận khá cao do giá thép tăng.

Tuy nhiên, chính sự tăng giá quá mạnh của thép và nhiều mặt hàng xây dựng khác đã gây khó khăn cho nhiều chủ công trình và buộc phải trì hoãn tiến độ xây dựng. Các biến động bất lợi của thị trường tài chính càng khiến cho hoạt động xây dựng bị đình trệ do lãi suất tăng lên đến 21%/năm vào giữa tháng 6/2008. Một khi hoạt động xây dựng gặp khó khăn thì nhu cầu sử dụng thép cũng giảm sút. Từ tháng 6/2008, giá thép bắt đầu giảm mạnh và đến thời điểm hiện nay chỉ còn 10 - 11 triệu đồng/tấn (giảm 70% so với đỉnh giá). Tương tự, giá phôi thép cũng giảm từ mức 1,150 – 1,200 USD vào giữa tháng 6/2008 xuống còn 350 - 400 USD/tấn ở thời điểm cuối năm 2008 (giảm 70%). Sự sụt giảm mạnh của giá thép đang khiến cho nhiều doanh nghiệp thép phải sản xuất cầm chứng, thậm chí cho công nhân nghỉ việc vì lượng phôi thép và thép thành phẩm tồn kho lớn (đến cuối tháng 2/2009, có khoảng 200,000 tấn thép thành phẩm và gần 400,000 tấn phôi thép tồn kho).

Những biến động trong giá thép cũng tạo nên những bất ổn trong hoạt động sản xuất của phân ngành thép. Vào thời điểm tháng 6/2008, do hoạt động sản xuất thép trong nước giảm sút nên một số doanh nghiệp “lỡ” nhập phôi thép đã quay sang xuất khẩu ngược trở lại do giá phôi thép thế giới còn ở mức cao.  Đây là một hiện tượng bất hợp lý vì sản lượng sản xuất phôi thép hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu trong nước. Bộ tài chính buộc phải nhiều lần điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép nhằm ổn định tình hình sản xuất.

Bảng 1: Diễn biến thuế xuất khẩu phôi thép

Bước sang năm 2009, triển vọng của phân ngành thép không hề sáng sủa. Quyết định tăng giá điện lên gần 9% chắc chắn sẽ làm gia tăng giá thành sản xuất vì chi phí điện chiếm tỷ lệ khoảng 5%-7% trong giá bán. Hơn nữa, phân ngành thép cũng đang đứng trước nguy cơ cung vượt cầu khi có quá nhiều nhà máy thép mới được xây dựng. Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, ngành thép có tới 32 dự án ngoài quy hoạch được cấp phép trong hai năm 2007-2008.  Với số lượng doanh nghiệp thép như hiện nay, ước tính công suất sản xuất thép có thể lên đến khoảng 60 triệu tấn, gấp 3 lần nhu cầu thép được dự kiến vào năm 2020 là 20 triệu tấn/năm. Điều này khiến giá thép càng có nguy cơ giảm mạnh.

Hơn nữa, ngành thép sẽ phải đối diện với áp lực cạnh tranh lớn hơn khi Trung Quốc đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng thép xây dựng từ 15% xuống 0% kể từ đầu tháng 12/2008. Mặc dù Bộ Tài chính cũng tiến hành tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ mức 2% lên 5%, thép thành phẩm từ 8% lên 12% vào ngày 21/12/2008 để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, nhưng điều này khó mang lại hiệu quả cao khi giá thép của Trung Quốc vẫn thấp hơn trong nước. Đó là chưa kể đến một số lượng thép được nhập lậu vào trong nước sẽ tạo ra khó khăn hơn cho các doanh nghiệp.

Những khó khăn của phân ngành thép có thể thấy qua kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên sàn. Mặc dù tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của phân ngành thép lần lượt đạt 60.3% và 35% trong năm 2008; các chỉ số ROEA và  ROAA tương ứng đạt 19.3% và 11.3%, cao hơn so với toàn thị trường, nhưng phần lớn các công ty đều có sự thua lỗ nặng nề trong quý IV/2008 do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Cụ thể, HPG lỗ 231 tỷ đồng; HLA lỗ 11.8 tỷ đồng; TKU lỗ 23 tỷ đồng… Hiện lượng hàng tồn kho của phân ngành thép đã tăng 22% so với năm 2007.

Các công ty có kết quả kinh doanh đáng chú ý

Trong tình hình khó khăn chung của ngành vật liệu xây dựng, các công ty của dòng họ Viglacera có thể gợi mở cho cơ hội đầu tư trong năm 2009:

DAC: Năm 2008 là một năm thành công đối với CTCP Viglacera Đông Anh khi công ty đã thực hiện thành công các biện pháp cắt giảm chi phí. Doanh số của công ty tăng trưởng 50%, trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng 18% là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận gộp tăng 1.8 lần. Đồng thời, các chi phí như quản lý, chi phí bán hàng, chi phí tài chính ít thay đổi so với năm 2007 nên lợi nhuận sau thuế đã tăng hơn 10 lần so với năm 2007. Cổ phiếu DAC tỏ ra hấp dẫn khi EPS của công ty đạt 12,000 tương ứng với P/E bằng 2.7x. Năm 2008, cổ phiếu DAC chỉ giảm giá 13.15%, thấp hơn so với mức 67% của toàn thị trường.

DTC: Tương tự như DAC, CTCP Viglacera Đông Triều có một năm thành công nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí. Trong khi doanh số của công ty tăng 65% thì giá vốn hàng bán chỉ tăng 41% nên lợi nhuận gộp đã tăng 1.59 lần. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng 4.79 lần so với năm 2007. Kết quả tăng trưởng cao đã đem lại cho tạo nên các chỉ tiêu sinh lợi hết sức hấp dẫn. Trong năm 2008, DCT là công ty có ROEA (76.7%) cao nhất toàn thị trường.

Đối với chỉ tiêu EPS của DCT, nhà đầu tư cần thận trọng khi sử dụng vì công ty có sự pha loãng cổ phiếu khá mạnh. Theo công bố của công ty, EPS của năm 2008 là 23,039 đồng. Trong khi đó, theo khuyến cáo của công ty chứng khoán Tân Việt thì EPS điều chỉnh của công ty là 12,479 và tính toán của Vietstock đối với chỉ tiêu này là 13,206. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm mất đi tính hấp dẫn của  cổ phiếu này khi có P/E ở mức 3.4x. Một thông tin cần được lưu ý, cổ phiếu DTC là cổ phiếu duy nhất trên thị trường có mức tăng giá lên đến 83.9% trong năm 2008 (tính theo giá điều chỉnh).

Trương Minh Huy

Các tin tức khác

>   Toàn cảnh kết quả kinh doanh các Doanh nghiệp niêm yết 2008 (24/03/2009)

>   Từ xu hướng dòng vốn quốc tế đến khó khăn của VN (19/03/2009)

>   Ngành dược: Tiềm năng phát triển? (17/03/2009)

>   Ngành Điện – Sức bật từ lộ trình tăng giá điện? (16/03/2009)

>   Ngành xây dựng: Khó khăn còn ở phía trước (13/03/2009)

>   Ngành Giấy đương đầu với khó khăn (12/03/2009)

>   Ngành Thủy sản: Khó khăn hơn trong năm 2009 (12/03/2009)

>   Ngành Bất động sản: Rủi ro và cơ hội (11/03/2009)

>   Ngành Nhựa qua BCTC 2008 (11/03/2009)

>   Ngành Cao su qua báo cáo KQHĐKD 2008 (10/03/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật