Chủ Nhật, 31/05/2009 14:26

General Motor thất thủ

(Vietstock) - Thời hạn nộp đơn phá sản 1/6 đang đến gần, số phận General Motor (GM) sẽ ra sao, sự ra đi của GM có ảnh hưởng gì đến TTCK?

Kế hoạch giờ chót

Ngày 28/5, GM đã có nỗ lực cuối cùng trước khi phải nộp đơn phá sản sau thông báo chỉnh sửa kế hoạch tái cấu trúc của mình. Theo kế hoạch ngày 28/5, ngoài đề nghị cho phép các trái chủ sở hữu 10% cổ phần trong công ty khi chuyển đổi 27 tỷ USD nợ thành vốn cổ phần như kế hoạch ngày 27/4, GM còn đưa thêm đề nghị mới là các chủ nợ sẽ có thêm chứng quyền (warrants) để được mua thêm 15% cổ phần mới. Quá trình mua cổ phần mới sẽ trải qua hai bước. Bước đầu tiên, sẽ được mua thêm 7.5% cổ phần khi giá trị thị trường của GM đạt 15 tỷ USD và phần còn lại khi GM đạt 30 tỷ USD.

Với kế hoạch mới này, cơ cấu nợ trong GM sẽ bao gồm 8 tỷ USD của Bộ Tài chính, 2.5 tỷ USD của Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô (United Auto Workers Union) và 6.5 tỷ USD chứng khoán ưu đãi đang trả cổ tức. Bộ Tài chính sẽ có khoảng 2.5 tỷ USD cổ phần ưu đãi với mức cổ tức 9%/năm.

Tuy nhiên, chỉ có 35% trái chủ ủng hộ hế hoạch mới này của GM. Nếu kế hoạch trước đây chỉ có 15% trái chủ ủng hộ việc chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần như kế hoạch ngày 27/4, thì nay tỷ lệ này tăng lên thêm 20%. Với tỷ lệ này đã không đủ để có sự đồng thuận trong việc giải quyết các khoản nợ của GM, và GM đã thất bại trong việc đàm phán với các chủ nợ vì vậy việc đệ trình đơn xin phá sản là điều đương nhiên.

Với việc thay đổi phương án tái cấu trúc, phản ứng của thị trường đối với giá trái phiếu (đáo hạn vào tháng 7/2033) tăng từ 3.88 cent lên 11 cent vào ngày 28/5, mức giá cao nhất trong vòng 7 tuần qua. (tỷ suất sinh lợi của trái phiếu này là 96.8%). Giá cổ phần cùng tăng thêm được 15 cent (13%) lên 1.3 USD.

Nhưng phá sản là không thể tránh khỏi

Mặc dù thị trường đã phản ứng tốt trước kế hoạch này, nhưng việc GM có thể chuyển “bại thành thắng” là gần như không thể. Nói cách khác, chỉ có 35% trong tổng số 27 tỷ USD nợ cần chuyển đổi đồng ý thì chưa đủ giúp GM khỏi phá sản.

Kết cục thất bại của cuộc đàm phán này là điều dễ hiểu, các trái chủ khó chấp nhận những đề nghị bất lợi cho chính họ. Bản thân các trái chủ cũng lên tiếng về cách đối xử phân biệt của GM giữa trái chủ và Nghiệp đoàn. Trong khi Nghiệp đoàn chỉ có 20.4 tỷ USD nợ nhưng lại được chuyển đổi đến 17.5% cổ phần trong GM (các trái chủ có 27 USD nợ nhưng chỉ có 10% cổ phần). Không những thế, Bộ Tài chính tỏ ra tham vọng “thâu tóm GM” khi nói rằng nó sẽ bổ sung thêm một lượng vốn khổng lồ vào GM (hiện Bộ Tài chính đang cho GM vay 19.4 tỷ USD) và chuyển đổi 40 tỷ USD thành vốn cổ phần trong GM. Ước tính, Bộ Tài chính Mỹ sẽ có khoảng 72.5% cổ phần trong kế hoạch tái cấu trúc này.

Các trái chủ kỳ vọng rất ít vào sự phục hồi của GM và lợi ích có được từ sự phục hồi này. Các trái chủ hiểu rằng họ chỉ là đối tượng ưu tiên cuối cùng sau những người cho vay có bảo đảm, chính phủ Mỹ và Nghiệp đoàn. Nếu suy xét kỹ hơn kế hoạch mua cổ phần mới dựa trên chứng quyền chúng ta cũng nhận thấy rất khó để thực hiện. Theo dữ liệu của Bloomberg, giá trị vốn hóa thị trường của GM đạt mức 30 tỷ USD vào tháng 1/2004  trong khi giá trị thị trường hiện nay chỉ khoảng 702 triệu USD. Nghĩa là giá trị cổ phần của GM phải tăng thêm 21 lần so với hiện nay, các trái chủ mới có hy vọng mua thêm cổ phần mới.

Bản thân chính quyền Obama cũng đang tính đến chuyển hậu sự của GM sau ngày nộp đơn phá sản. Ngày 28/5, một quan chức cấp cao cho biết, đợt phá sản của GM sẽ kéo dài khoảng 60 đến 90 ngày thay vì 30-60 ngày (ước tính) cho Chrysler.

Đợt phá sản lần này sẽ là một thất bại cay đắng trong lịch sử 100 năm tồn tại của gã khổng lồ GM vốn được xem như biểu tượng của nền công nghiệp Mỹ. GM được thành lập năm 1908 bởi William “billy” Durant. Vào năm 1962, GM chiếm tới 51% thị trường xe của Mỹ vào thời kỳ đỉnh cao của công ty. Tuy nhiên, năm 2008, GM đã chấm dứt thời đại thống trị kéo dài 77 năm khi chỉ bán được 8.35 triệu xe trên toàn cầu, thấp hơn so với số lượng xe mà Toyota bán ra.

Ảnh hưởng đến TTCK: Tâm lý là chủ yếu

Sau khi GM nộp đơn phá sản, cổ phiếu của nó sẽ bị hủy niêm yết và loại khỏi chỉ số Dow Jones. Tuy nhiên, lợi ích của việc hủy bỏ này là nhỏ bé vì đến nay cổ phiếu GM chỉ chiếm tỷ trọng 0.13% trong chỉ số Dow Jones, nhỏ nhất trong số 30 công ty trong chỉ số này. Hơn nữa, cổ phiếu GM đã sụt giảm quá nhiều và không có nhiều khả năng giảm mạnh. Tính từ tháng 10/2007, cổ phiếu GM đã giảm giá 97% và kể từ tháng 2/2009, cổ phiếu GM chỉ dao động trong khung từ 1.25-2 USD/cổ phiếu. Do đó, việc cổ phiếu GM “đi hay ở lại” trong chỉ số Dow Jones cũng không gây ra nhiều tác động đến chỉ số này.

Nói như vậy không có nghĩa TTCK Mỹ không chịu bất kỳ tác động nào từ sự phá sản của GM khi chính quyền Mỹ họp vào lúc 17h (giờ New York) ngày 30/5 để xem toàn bộ các trái chủ có đồng ý chuyển đối sang vốn cổ phần hay không? Dù GM đóng góp một phần nhỏ vào chỉ số Dow Jones nhưng lại đóng góp rất lớn trong tâm lý của nhà đầu tư. Cần phải nói rằng, sự gia tăng của chỉ số Dow Jones trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của vấn đề niềm tin và sự ưa thích rủi ro của nhà đầu tư. Do đó, khi thông tin về sự phá sản của GM được phát ra, rất có thể nhà đầu tư sẽ bán ra cổ phiếu bởi tâm lý bất ổn của họ.

Trong vòng một hay hai tháng tới, việc phá sản của GM sẽ gây nên những tác động gián tiếp đến TTCK. GM phá sản sẽ làm gia tăng số người thất nghiệp ở Mỹ vốn đang ở mức cao và như vậy sẽ làm xấu đi tình hình kinh tế Mỹ. Vào tháng 4, sau khi Chryler nộp đơn phá sản, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ bị đẩy lên mức 8.9%, cao nhất trong vòng 25 năm qua. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại đối với GM. Khi những con số này được thông báo chắc chắn các chỉ số chứng khoán Mỹ sẽ chịu cú sốc.

Đối với Việt Nam, GM hoàn toàn không có bất cứ một mối liên kết nào về mặt kinh tế. Do đó, sự phá sản của GM gần như không liên quan gì đến kinh tế Việt Nam. Nếu có tác động thì đó là tác động tâm lý đến TTCK Việt Nam thông qua sự tác động của biến động TTCK Mỹ (vì VN-Index có sự tương quan với Dow Jones trong thời gian xảy ra khủng hoảng kinh tế).

Trong các phiên giao dịch gần đây, chỉ số VN-Index đang tiến hành điều chỉnh. Điều này là hiển nhiên về mặt kỹ thuật sau khi nhiều nhà đầu tư đạt được mức sinh lợi kỳ vọng  tương ứng với mức 420 điểm của VN-Index. Do đó, dù có hay không sự phá sản của GM trong ngày 1/6 tới, thì VN-Index vẫn cần một đợt điều chỉnh để có một quá trình tăng điểm mới. Và cũng giống như TTCK Mỹ, sau mức tăng 1.15% vào phiên đóng cửa đã đẩy chỉ số Dow Jones đến gần mức kháng cự 8,500.33 điểm nên sự phá sản của GM có thể tác động đến việc điều chỉnh của TTCK nên tác động đến tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam và làm cho quá trình điều chỉnh của TTCK VN trở nên cần thiết hơn.

Trương Minh Huy

Các tin tức khác

>   Phân tích ngành sữa Việt Nam theo chuỗi giá trị (21/05/2009)

>   Cơ hội đầu tư vào Công ty Gang thép Thái Nguyên (14/05/2009)

>   Phân tích cổ phiếu VNM của Vinamilk (13/05/2009)

>   Hấp dẫn cổ phiếu ngành cao su (12/05/2009)

>   Các vấn đề tăng trưởng kinh tế Việt Nam (28/04/2009)

>   Tình hình công bố BCTC kiểm toán 2008 (27/04/2009)

>   Tình hình và triển vọng một số kênh đầu tư tại Việt Nam  (22/04/2009)

>   General Motor cần một Big Bang để tái sinh (20/04/2009)

>   Xu hướng ngành BĐS và chiến lược đầu tư (03/04/2009)

>   PPC - cổ phiếu lướt theo sóng Yên Nhật! (29/03/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật