Thứ Ba, 09/06/2009 05:00

Quá trình hồi phục kinh tế Mỹ sau khủng hoảng

(Vietstock)- Trong những tháng gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến nhiều thông tin kinh tế công bố mang tính tích cực, đem lại tâm lý lạc quan cho các thị trường thế giới. Liệu rằng kinh tế Mỹ có thể thực sự như những gì thị trường đang kỳ vọng và đang bắt đầu hồi phục. Bằng những số liệu thu thập được, Vietstock cùng bàn về quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ.

Tín hiệu lạc quan

Theo những số liệu vừa được công bố, nền kinh tế Mỹ dường như đã vượt qua đáy của một trong những cuộc đại khủng hoảng có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng trong tháng thứ ba liên tiếp từ 40.8 trong tháng 4 lên mức 54.9 trong tháng 5. Như vậy, tính đến thời điểm này, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tuy còn thấp nhưng đã tăng hơn gấp đôi so với mức đáy 25.3 được lập vào tháng 2 vừa qua.

Hình 1: Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong 4 tháng vừa qua

Nguồn: Vietstock.com.vn

Cũng theo một số liệu vừa được Bộ Lao Động Mỹ công bố trong ngày thứ sáu 5/6/2009, số người mất việc làm ở Mỹ trong tháng 5 là 345.000, giảm gần 32% so với con số 504.000 được công bố trong tháng 4 và lạc quan hơn nhiều so với con số 520.000 đã được dự đoán trước đó. Tuy nhiên, khách quan mà nói, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn cho lao động Mỹ bởi lẽ tính đến thời điểm hiện tại, đã có 2.9 triệu người mất việc làm trong năm 2009 và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã đạt mức 9.4%, mức cao nhất trong suốt hơn 25 năm qua.

Hình 2: Số người mất việc làm tại Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2009

Nguồn: Vietstock.com.vn

Tất cả những sự cải thiện trong các chỉ báo kinh tế dường như đang ngày càng củng cố niềm tin của công chúng Mỹ vào hồi phục của nền kinh tế. Tại Mỹ, số người tin rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng và đã thực sự bước vào giai đoạn hồi phục ngày một gia tăng. Chính vì vậy, mối quan tâm hiện nay của toàn nước Mỹ có vẻ đang dần chuyển từ chủ để khủng hoảng và hậu quả của nó sang chủ đề liệu nền kinh tế sẽ phục hồi theo cách thức nào và yếu tố nào sẽ dẫn dắt nền kinh tế trên con đường hồi phục lần này.

Yếu tố dẫn dắt sự hồi phục

Trên quan điểm của kinh tế học vĩ mô, đối với bất kỳ một nền kinh tế nào, bốn yếu tố cấu thành nên GDP (bao gồm chi tiêu cá nhân, chi đầu tư của khu vực tư nhân, xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ) đều có vai trò quan trọng và phải là những yếu tố đầu tiên cần được xem xét trong phân tích kinh tế. Phần tiếp theo đây sẽ làm rõ vai trò của ba yếu tố đầu tiên đối với quá trình hồi phục của nền kinh tế Mỹ. 

Chi tiêu cá nhân

Chi tiêu cá nhân đóng góp gần 70% trong tăng trưởng kinh tế Mỹ. Nhiều nhà kinh tế cho rằng cải thiện chi tiêu cá nhân là điều kiện tiên quyết cho sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Quan điểm này bắt nguồn từ bài học của cuộc đại khủng hoảng 1929 – 1933, vốn còn được gọi dưới cái tên “khủng hoảng thừa”. Trong giai đoạn đó, tiêu dùng của công chúng Mỹ đã giảm mạnh đến mức, hàng hóa tồn kho bị chất đầy trong các doanh nghiệp Mỹ. Hàng hóa không tiêu thụ được đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Mỹ đang bị ứ đọng một lượng vốn lớn, không thể tái đầu tư mở rộng sản xuất hoặc dịch chuyển dòng vốn sang các khu vực khác của nền kinh tế. Chỉ khi niềm tin và chi tiêu của công chúng được cải thiện giai đoạn sau đó, nền kinh tế Mỹ mới dần bước vào giai đoạn phục hồi.

Nhưng liệu kịch bản này có còn lập lại trong bối cảnh hiện nay? Câu trả lời dường như là không. Nguyên nhân xuất phát từ việc hiện nay đại đa số người tiêu dùng Mỹ đang trong tình trạng mắc nợ ở mức độ nghiêm trọng. Nếu như tỷ lệ nợ trên thu nhập khả dụng của công chúng Mỹ chỉ tăng nhẹ khoảng 10% trong giai đoạn 1960 – 1980 (từ mức 55% năm 1960 đến 65% vào giữa những năm 80), thì con số này đã gia tăng một cách chóng mặt lên hơn gấp đôi vào hai thập kỷ sau đó, đạt mức đỉnh 133% vào năm 2007. Đi cùng với sự gia tăng nhanh chóng trong tỷ lệ nợ là sự sụt giảm trong tỷ lệ tiết kiệm của công chúng Mỹ. Kết quả của sự gia tăng trong tỷ lệ nợ và sụt giảm trong tỷ lệ tiết kiệm là khuynh hướng gia tăng nhanh chóng của chi tiêu cá nhân (bao bồm các khoản nợ) so với tốc độ gia tăng của thu nhập khả dụng. Điều này đã làm cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng trong suốt giai đoạn trước năm 2008.

Tuy vậy, xét trong dài hạn, chi tiêu cá nhân không thể tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ gia tăng trong thu nhập khả dụng. Cần nhớ rằng, chi tiêu cá nhân không thể gia tăng một cách vô hạn do luôn tồn tại một tỷ lệ giới hạn giữa nợ và thu nhập khả dụng. Đối với rất nhiều người Mỹ, tỷ lệ nợ hiện nay đã là quá cao so với khả năng chi trả của họ. Và hậu quả nhãn tiền chính là những khoản nợ khó có khả năng thu hồi cũng như những vụ thu hồi nhà liên tục xảy ra ở Mỹ trong năm vừa qua. Với tỷ lệ nợ đang ở mức cao như vậy, điều tất yếu sẽ diễn ra đó là tỷ lệ nợ sẽ phải giảm và tỷ lệ tiết kiệm phải gia tăng trong tương lai.

Hình 3: Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Mỹ

Nguồn: Vietstock.com.vn

Từ biểu đồ có thể dễ dàng nhận ra một điểm là tỷ lệ nợ của công chúng Mỹ đã gia tăng chóng mặt trong thập kỷ vừa qua trước khi bắt đầu điều chỉnh giảm vào đầu năm 2008. Nguyên nhân chính của sự điều chỉnh này bắt nguồn từ việc giá trị tài sản (bao gồm cả tài sản thực và giá trị chứng khoán) mà công chúng Mỹ đang sở hữu suy giảm nặng nề (2 đường gạch chấm trên đồ thị), mà dẫn đầu là sự suy giảm của giá cả chứng khoán và giá trị bất động sản tại Mỹ. Theo số liệu của cục dự trữ liên bang, giá trị tài sản thực của công chúng Mỹ đã bốc hơi khoảng 20% từ mức 64.361 nghìn tỷ USD vào quý 2 năm 2007 xuống còn 51.476 nghìn tỷ USD vào quý 4 năm 2008. Sự sụt giảm này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ nợ trên tài sản sẽ gia tăng, đồng nghĩa với sự sụt giảm trong khả năng thanh toán của công chúng Mỹ. Công chúng Mỹ sau khi nhận ra lượng tài sản mà mình đang sở hữu ngày càng sụt giảm so với các khoản nợ sẽ phản ứng bằng cách thắt chặt chi tiêu để trả nợ. Chính vì vậy, có rất ít cơ sở để cho rằng, chi tiêu cá nhân sẽ cải thiện trong thời gian gần và dẫn dắt nền kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.

Đầu tư của khu vực tư nhân

Có thể thấy rằng, đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ đã âm 9 trong số 12 quý vừa qua, kể từ quý 2/2005. Nói cách khác, nền kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn suy thoái về đầu tư của khu vực tư nhân. Cũng như tiêu dùng cá nhân, có rất ít cơ sở để tin rằng đầu tư tư nhân chính là yếu tố sẽ dẫn dắt nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn hồi phục. Để thấy được điều này, các nhân tố số nhà mới được mua sắm bởi khu vực tư nhân, chỉ số thâm dụng năng suất và giá cả bất động sản sẽ được xem xét.

Hình 4: Đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ từ quý 2/2005 đến quý 1/2009

Nguồn: Vietstock.com.vn

Hình 5: Số lượng nhà mới được sở hữu của công chúng Mỹ

Nguồn: Vietstock.com.vn

Đồ thị trên thể hiện số lượng nhà mới được sở hữu của công chúng Mỹ trong suốt nửa thế kỷ trở lại đây. Những vùng màu xám cho thấy kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn suy thoái. Có thể dễ dàng nhận ra số lượng nhà mới được sở hữu đang ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua.

Hình 6: Mức thâm dụng năng suất của công cụ sản xuất hiện hữu trong nền kinh tế Mỹ

Nguồn: Vietstock.com.vn

Kết luận tương tự cũng có thể được tìm thấy trên biểu đồ, mức thâm dụng năng suất của công cụ sản xuất hiện hữu trong nền kinh tế Mỹ cũng đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp Mỹ ít nhất trong ngắn hạn không có động lực để mua sắp trang thiết bị mới.

Hình 7: Chỉ số giá cả bất động sản tại Mỹ

Nguồn: Vietstock.com.vn

Chỉ số giả cả bất động sản tại Mỹ cũng có sự sụt giảm đáng kể, nói cách khác, nhu cầu mua sắm bất động sản của công chúng Mỹ đang suy giảm và không có bất cứ một lý do nào khiến các nhà thầu tại Mỹ tiếp tục hoặc mở rộng xây dựng các bất động sản mới trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy có thể nói, trong ngắn hạn, không có nhiều cơ sở để tin rằng đầu tư của khu vực tư nhân sẽ mang lại một luồng sinh khí mới.

Xuất khẩu

Có vẻ như xuất khẩu không phải là yếu tố khả thi để dẫn dắt nền kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng; bởi lẽ, trong suốt nhiều thập kỷ vừa qua, cán cân thanh toán của Mỹ luôn ở tình trạng thâm hụt hơn là thặng dư. Người Mỹ thật sự đang tiêu dùng hàng hóa của thế giới nhiều hơn những gì thế giới đang sử dụng của họ.

Hình 8: Cán cân thanh toán liên tục thâm hụt của Mỹ (tỷ USD)

Nguồn: Vietstock.com.vn

Bên cạnh đó, các đối tác thương mại của Mỹ cũng đang trong tình trạng suy thoái dưới những tác động của khủng hoảng kinh tế; vì vậy, sự sụt giảm trong chi tiêu đặc biệt là đối với chi tiêu hàng ngoại nhập là điều có thể dự báo. Điều này cũng sẽ gây tác động làm suy giảm xuất khẩu của Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Nói cách khác, người Mỹ không nên quá kỳ vọng vào xuất khẩu như một điều thần kỳ giúp nền kinh tế của họ phục hồi nhanh chóng.

Nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục như thế nào?

Qua những gì đã phân tích, có thể thấy được rằng, quá trình hồi phục kinh tế Mỹ sẽ diễn ra với tiến độ chậm và trong ngắn hạn sẽ chưa thể xuất hiện yếu tố nổi bật nào đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế Mỹ. Người Mỹ phải tập chung sống với mức thất nghiệp cao và những khó khăn đang diễn ra ít nhất là trong một năm tới. Nền kinh tế Mỹ trong năm tiếp theo cũng khó có thể phục hồi với tốc độ vượt quá mức 2% như Mohammed El-Erian, CEO của Pacific Investment Management Co. đã phát biểu: “vào thời điểm này năm sau, nền kinh tế Mỹ sẽ khó có thể hồi phục trên mức 3%, tuy nhiên khả thi hơn cả vẫn là mức 2% hoặc nhỏ hơn”.

Chính vì vậy, giai đoạn phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu, tuy nhiên sẽ không có một kịch bản nào cho sự hồi phục nhanh chóng cũng như sự xuất hiện của các yếu tố dẫn dắt trong ngắn hạn. Điều này đã lý giải tại sao chỉ số Dow Jones đang sideway quanh mức 8.200 đến 8.700 điểm.

Khánh Hưng

Các tin tức khác

>   Kim ngạch XK tháng 5/2009: Cải thiện nhưng chưa khả quan (05/06/2009)

>   Các ngân hàng Mỹ thoái lui khỏi TARP: Tác động gì đến TTCK ? (04/06/2009)

>   Kinh tế đã vượt qua đáy khủng hoảng? (01/06/2009)

>   TCT: Thận trọng trước ngày chốt quyền (01/06/2009)

>   General Motor thất thủ (31/05/2009)

>   Phân tích ngành sữa Việt Nam theo chuỗi giá trị (21/05/2009)

>   Cơ hội đầu tư vào Công ty Gang thép Thái Nguyên (14/05/2009)

>   Phân tích cổ phiếu VNM của Vinamilk (13/05/2009)

>   Hấp dẫn cổ phiếu ngành cao su (12/05/2009)

>   Các vấn đề tăng trưởng kinh tế Việt Nam (28/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật