Thứ Hai, 22/06/2009 09:35

Đến lộ trình:

Các doanh nghiệp lớn lựa chọn UPCoM, HoSE hay HaSTC?

(Vietstock) - Trước nhu cầu đầu tư chứng khoán ngày càng đa dạng của giới đầu tư cùng sự sôi động của giao dịch phi tập trung, UBCKNN đã có quy định về lộ trình giao dịch tại sàn UPCoM (Sàn giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc hủy niêm yết tại HaSTC và HoSE) nhằm quản lý tập trung và tăng tính minh bạch, an toàn hơn cho nhà đầu tư.

Lộ trình giao dịch tại UPCoM

Theo đó, các công ty đại chúng phải tiến hành đăng ký, lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán theo 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (từ 01 – 15/6): dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết đã đăng ký tham gia giai đoạn đầu của thị trường;

- Giai đoạn 2 (từ 15/6 – 30/9): dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết có công ty chứng khoán quản lý sổ cổ đông và các công ty đại chúng tự nguyện;

- Giai đoạn 3 (từ 30/9 - 31/12): gồm các công ty đại chúng còn lại.

Sau khi đăng ký, lưu ký tập trung, các công ty sẽ phải chọn một trong các phương án lên sàn UPCoM hoặc HoSE, HaSTC.

Tính đến thời điểm này, đã có 22 công ty đăng ký giao dịch tại UPCoM bắt đầu khởi động từ ngày 24/6/2009. Theo những thông tin từ các CTCK kết hợp với HaSTC giới thiệu đến nhà đầu tư, chúng ta có thể điểm qua một vài lợi ích và bất cập nhất đối với doanh nghiệp niêm yết tại sàn này để xem xét họ có thể lựa chọn hướng niêm yết nào có lợi nhất.

Một vài đặc tính nổi bật của UPCoM so với OTC

Ưu điểm nổi bật của sàn UPCoM có lẽ là tính tập trung, minh bạch và an toàn hơn so với giao dịch phi tập trung hiện tại. Nhiều doanh nghiệp niêm yết tại đây sẽ được các nhà đầu tư chú ý hơn trước. Thực ra, trên thị trường phi tập trung hiện tại, tính thanh khoản tốt, giao dịch thường xuyên, tập trung chủ yếu vào cổ phiếu khối ngân hàng, một số CTCK và những công ty đứng đầu các ngành có nhiều triển vọng. Do đó, việc tham gia sàn UPCoM sẽ giúp cho các doanh nghiệp khác có cơ hội quảng bá thương hiệu, thu hút được sự quan tâm của cổ đông và nhà đầu tư nhiều hơn.

Về phía các nhà đầu tư, họ sẽ được giảm thiểu rủi ro khi mua bán trên sàn UPCoM so với thị trường phi tập trung rất nhiều. Ngoài tính minh bạch và công khai, thì độ an toàn, thuận tiện và tính thanh khoản trong giao dịch cũng được nâng cao. Vì trên thị trường tự do có nhiều cổ phiếu nhỏ và ít người biết nên hầu như ai cũng ngại giao dịch, do đó người nắm giữ muốn chuyển nhượng cũng rất khó khăn. Khi lên sàn UPCoM, các nhà đầu tư sẽ dễ lựa chọn và quyết định hơn.

Hạn chế của sàn UPCoM – Các doanh nghiệp lớn sẽ chọn UPCoM hay niêm yết trên HoSE và HaSTC?

Ngoài những ưu điểm, sàn UPCoM cũng có 1 số mặt hạn chế nhất định. Đầu tiên là phương thức thanh toán của sàn này khiến giới đầu tư không mấy hài lòng. Theo đó, giao dịch chứng khoán được bù trừ đa phương T+3. Khung thời gian để thực sự sở hữu cổ phiếu và tiền không khác gì so với 2 sàn HoSE và HaSTC, làm giảm tính hấp dẫn của UPCoM. Vì hiện nay, giao dịch trên thị trường tự do rất nhanh, thậm chí là trong ngày đã kết thúc hợp đồng được. Do vậy, quy định T+3 trên sàn UPCoM làm chậm lại quy trình giao dịch của nhà đầu tư khá nhiều.

Tiếp theo, có một vấn đề ảnh hưởng khá nhiều đến các thành viên đăng ký niêm yết tại UPCoM. Cụ thể, nếu các doanh nghiệp giao dịch trên thị trường tự do, có các CTCK quản lý sổ cổ đông, thì mỗi lần giao dịch nhà đầu tư phải trả một khoản phí cho CTCK này (thông thường các CTCK này là công ty con, quan hệ làm ăn… với các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết: ví dụ như CTCK Thăng Long quản lý sổ cổ đông của MB, CTCK Rồng Việt quản lý sổ cổ đông của Eximbank…) thì các CTCK có thêm một nguồn thu khá lớn qua các giao dịch trên. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp đăng ký tham gia UPCoM, họ sẽ phải trả một khoản phí cho cơ quan quản lý với mức phí thấp hơn so với niêm yết tại HoSE và HaSTC. Như vậy, một phần “quyền lợi” của các CTCK sẽ giảm đi khi các doanh nghiệp này lên niêm yết tại UPCoM.

Qua các vấn đề nêu trên, có thể thấy UPCoM đem lại nhiều tiện ích hơn cho khối doanh nghiệp nhỏ và ít tên tuổi. Còn các doanh nghiệp nổi bật như MB, Eximbank, Đông Á… thì tính thanh khoản và minh bạch vẫn đang hiện hữu trên thị trường tự do hiện nay. Do đó, việc giao dịch tại UPCoM có thể chỉ được thực hiện khi lộ trình bắt buộc gần hết hạn hoặc họ nhận thấy sàn này vận hành thực sự tốt và đem lại nhiều lợi ích.

Bên cạnh đó, mức độ phân hóa giữa các sàn cũng không quá cách biệt ngoài quy mô vốn là chủ yếu. Các doanh nghiệp lớn như Eximbank, Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Doanh nghiệp ngoài quốc doanh, May Việt Tiến,… đều có khả năng để niêm yết tại 2 sàn HoSE và HaSTC nhưng họ vẫn giao dịch trên thị trường tự do. Có nhiều lý do để họ lựa chọn việc niêm yết chính thức hay không, nhưng theo quy định của UBCKNN, các công ty đại chúng có lưu ký chứng khoán do các CTCK quản lý sổ cổ đông sẽ phải giao dịch trên UPCoM hoặc trên HoSE hay HaSTC. Do vậy, theo lộ trình như đã nêu trên, thì trước sau gì các doanh nghiệp này cũng phải lựa chọn hình thức niêm yết. Tuy nhiên, có vẻ như họ đang cố gắng trì hoãn đến thời gian cuối cùng có thể. Điều này được thể hiện khá rõ qua danh sách đăng ký tham gia giai đoạn 1 không có tên tuổi nào nổi bật như cổ phiếu của MB, NH Đông Á, Eximbank,…

Và dấu hỏi đặt ra cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn này sẽ niêm yết trên HoSE, HaSTC hay giao dịch tại UPCoM khi mà các ưu đãi tại UPCoM không nhiều để “lấn át” những ưu điểm của HoSE và HaSTC. Sự so sánh thiệt hơn khi lộ trình ngày càng đến gần là điều hiển nhiên xảy ra, nhưng liệu các cổ phiếu lớn như MB, EIB, Đông Á,… đều không lựa chọn UPCoM thì sàn này có thể thu hút được sự chú ý nhiều từ phía nhà đầu tư không cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Trước một vài vấn đề nêu trên, chúng tôi thiết nghĩ nếu việc vận hành UPCoM được thực hiện tốt thì một thời gian sau các doanh nghiệp sẽ tự nguyện đăng ký tham gia nhiều hơn. Các quy định về mức phí, thời gian thanh toán, quản lý quy trình đặt và hủy lệnh… được thực hiện tốt và có nhiều điểm vượt trội thì các nhà đầu tư cũng sẽ giao dịch nhiều hơn.

Hoàng Vy

Các tin tức khác

>   Bất thường nhà Từ Liêm – NTL (18/06/2009)

>   Quá trình hồi phục kinh tế Mỹ sau khủng hoảng (09/06/2009)

>   Kim ngạch XK tháng 5/2009: Cải thiện nhưng chưa khả quan (05/06/2009)

>   Các ngân hàng Mỹ thoái lui khỏi TARP: Tác động gì đến TTCK ? (04/06/2009)

>   Kinh tế đã vượt qua đáy khủng hoảng? (01/06/2009)

>   TCT: Thận trọng trước ngày chốt quyền (01/06/2009)

>   General Motor thất thủ (31/05/2009)

>   Phân tích ngành sữa Việt Nam theo chuỗi giá trị (21/05/2009)

>   Cơ hội đầu tư vào Công ty Gang thép Thái Nguyên (14/05/2009)

>   Phân tích cổ phiếu VNM của Vinamilk (13/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật