Thứ Hai, 06/07/2009 17:01

Vị thế cổ phiếu cao su 6 tháng đầu năm 2009

(Vietstock) - Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho ngành cao su gặp nhiều khó khăn cả về sản lượng và giá cả. Liệu tác động này có làm suy yếu tiềm lực tài chính của các công ty niêm yết trong ngành?

Ngành cao su lao dốc trong 6 tháng đầu năm 2009

Xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên để sản xuất săm lốp và các sản phẩm từ cao su giảm mạnh. Nhiều hãng xe hơi trên thế giới thua lỗ thậm chí đi đến phá sản do nhu cầu xe trên thế giới giảm mạnh,… Điều này đã đẩy giá cao su từ mức đỉnh 3,000 USD/tấn vào tháng 7/2008, xuống chỉ còn 1,200 USD/tấn tại thời điểm tháng 1/2009. Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây cho thấy nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục nhẹ đã kéo giá cao su tăng nhẹ trở lại từ tháng 3 đến nay. Chính vì vậy, tình hình xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2009 của Việt Nam khả quan hơn những dự báo trước đó.

 Theo số liệu từ Bộ Công thương, sản lượng cao su xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 245 nghìn tấn, chỉ giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu cao su chỉ bằng 58% so với cùng kỳ năm 2008 nên giá trị xuất khẩu giảm tới 44% so với 6 tháng đầu 2008, đạt 351 triệu USD. Đặc biệt tháng 4, không những kim ngạch xuất khẩu thấp nhất trong 6 tháng mà còn giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình này đã được cải thiện rõ nét trong tháng 5 và tháng 6 khi sản lượng và giá trị đều tăng  mạnh.

Nguồn: VietstockFinance

 Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 72.1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, đạt 184.3 triệu USD. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 2 nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 11.5 triệu USD, bằng 6% so với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây được xem là điều may mắn cho ngành cao su Việt Nam khi kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay và các năm tiếp theo.

 Đặc biệt trong một thị trường nội địa rộng lớn, sức tiêu dùng trong nước rất cao giúp Trung Quốc đầu tư mạnh cho thị trường nội địa, các chính sách kinh tế sẽ dễ dàng hấp thụ và phát huy tác dụng. Chính vì vậy, đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể được các tổ chức dự báo tăng trưởng lên đến 7,2% trong năm 2009 và 7,7% trong năm 2010. Mức tăng trưởng này được xem là khá cao khi mà nhiều nền kinh tế lớn chỉ mong vượt qua ngưỡng không. Chính điều này tạo một niềm tin cho sự tăng trưởng trong nhu cầu sản lượng cao su nhập khẩu. Việt Nam là nước láng giềng với Trung Quốc nên thuận lợi cho hoạt động giao thương. Do đó, khả năng xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai trên thị trường Trung Quốc.

Nguồn: VietstockFinance

Tuy nhiên, việc Trung Quốc chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của cao su Việt Nam thật sự rất rủi ro cho ngành. Hiện vừa có thông tin là hơn một nửa trong số khoản vay tín dụng khổng lồ của Trung Quốc được giải ngân trong 6 tháng đầu năm nay tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán hơn là đi vào các lĩnh vực thuộc kinh tế thực. Nếu điều này được xác minh là hoàn toàn chính xác thì khi kinh tế Trung Quốc không thực sự khả quan như những dự báo trước đó thì nguy cơ bong bóng tài chính vỡ là rất cao. Như vậy, việc ngưng hay giảm mạnh nhập khẩu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành cao su Việt Nam. Việc mở rộng cũng như đi tìm thị trường mới trong bối cảnh kinh tế vẫn trong đã suy thoái như hiện này là điều cực kỳ khó khăn. 

 Top các doanh nghiệp xuất khẩu 

 Hiện có 64 doanh nghiệp, cơ sở đạt kim ngạch xuất khẩu cao su trên 1 triệu USD trong tổng số gần 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cao su trong 5 tháng đầu năm 2009. Trong đó, dẫn đầu là Công ty Cao Su Dầu Tiếng đạt 19.7 triệu USD, doanh nghiệp duy nhất có kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD. Thị trường xuất khẩu của công ty rất đa dạng nhưng tập trung chủ yếu là Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Đài Loan,.., riêng Trung Quốc và Đức thì thị phần tương đương nhau, khoảng 17%.

   Tuy nhiên, Công ty TNHH Chế biến Cao su Đồng Bảo đã có sự bức phá mạnh, lên vị trí dẫn đầu trong tháng 5 với hơn 6 triệu USD mặc dù 4 tháng đầu năm 2009 luôn nằm ở mức khá thấp, có tháng chỉ đạt 117 ngàn USD. Điểm đáng chú ý là thị trường xuất khẩu của công ty chỉ duy nhất có Trung Quốc. Rõ ràng thị trường này đã có sự dịch chuyển khá mạnh trong tháng 5 giữa các công ty xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể là giảm nhập khẩu của Cao su Dầu Tiếng và tăng cường nhập khẩu tại Cao su Đồng Bảo.

Nguồn: VietstockFinance

Dự báo cung cầu cao su trong năm 2009

Cung cầu cao su trên thế giới năm 2009

Theo số liệu công bố từ tổ chức nghiên cứu cao su thế giới (IRSG), cung cầu cao su thiên nhiên trong năm 2008 ở thế cân bằng nhau, sản lượng và lượng tiêu thụ lần lượt đạt 10 triệu tấn và 9.84 triệu tấn. Năm 2009, dự báo cầu cao su thiên nhiên trên thế giới sẽ giảm nhẹ 0.9% so với năm 2008, đạt mức 9.56 triệu tấn, cân bằng so với lượng cung dự kiến trong năm 2009 là 9.5 triệu tấn. Nguồn cung dự kiến giảm chủ yếu là do 3 quốc gia xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) đã thống nhất với nhau sẽ cắt giảm sản lượng trong năm 2009. Được biết 3 quốc gia này chiếm tới 70% lượng cao su thiên nhiên sản xuất ra trên thế giới.

Biểu đồ sản lượng cao su tự nhiên trên thế giới

Nguồn: Agroinfo

Trong năm 2009, Trung Quốc được dự báo sẽ là quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên nhiều nhất, ở mức 2.75 triệu tấn, chiếm 29% tổng sản lượng tiêu thụ toàn thế giới. Kế đến là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Brazil được đánh giá sẽ là thị trường tiềm năng trong năm 2009.

 

Nguồn: IRSG

Nguồn cung cao su tại Việt Nam năm 2009

Việt Nam liên tục mở rộng diện tích trồng cao su kể từ năm 1995 cho đến nay. Sản lượng và năng xuất khai thác dần được cải thiện. Trong năm 2008, sản lượng khai thác cả nước đạt 644.2 nghìn tấn, đứng vị trí thứ 5 trên toàn thế giới, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Cho tới thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc sản xuất cao su chủ yếu để xuất khẩu, nhu cầu cao su thiên nhiên trong nước chỉ chiếm gần 20% tổng sản lượng khai thác của ngành.

Diện tích và sản lượng cao su của cả nước từ 2000 – 2008

Nguồn: Agroinfo

Dự kiến, diện tích trồng cao su trong năm 2009 sẽ đạt 640 nghìn ha, sản lượng khai thác cao su đạt khoảng 680 ngàn tấn, tăng hơn 5% so với năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của cao su Việt Nam (chiếm trên 60%). Vì vậy, nhu cầu cao su Trung Quốc tiếp tục tăng cao trong năm 2009 sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành.

Xu hướng giá cao su trong năm 2009

Khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra trong năm 2008 đã đẩy giá hàng hóa giảm mạnh, giá dầu và cao su là hai mặt hàng được xem là biến động mạnh nhất. Theo tính toán của chúng tôi, mối tương quan giữa giá dầu và cao su từ năm 1997 đến nay là rất lớn, 94%, được thể hiện qua biểu đồ bên dưới:

Nguồn: IMF

Theo dự báo của Financial Forecast Center, giá dầu có xu hướng giảm trong 6 tháng cuối năm, xuống mức 46 USD/thùng vào tháng 12/2009. Vì vậy, với mối tương quan khá cao đã đề cập ở trên, dự báo giá cao su cũng sẽ trong xu hướng giảm chung với giá dầu. Với mức giá dầu như vậy, thì giá cao su trong 6 tháng còn lại của năm khó cao hơn giá cao su xuất khẩu hiện nay là 1,600 USD/tấn.

 Dự báo triển vọng các doanh nghiệp niêm yết 

Hiện nay, trên Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) có 5 công ty trong ngành cao su đang niêm yết. Tuy nhiên, chỉ có 3 doanh nghiệp là CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), CTCP Cao su Hòa Bình (HRC), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) là có thể so sánh với nhau vì doanh thu chính của 3 doanh nghiệp này đều từ khai thác mủ cao su.

 Trong đó, Cao su Đồng Phú là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất so với 2 doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 doanh nghiệp này trong 5 tháng chỉ đạt khoảng 7.6 triệu USD, bằng 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, có khoảng cách khá xa so với top 10 doanh nghiệp có kim ngạch cao nhất đã đề cập trên. Với tỷ lệ khá nhỏ như vậy, 3 doanh nghiệp trên không đủ tính đại diện cho ngành trên thị trường chứng khoán.

Nguồn: Bộ Công thương

  Cùng chung xu hướng của ngành, kết quả hoạt động kinh doanh của 3 doanh nghiệp trong quý I/2009 tương đối khả quan hơn so với những dự đoán trước đó. Mặc dù giá cao su giảm mạnh nhưng doanh thu của 3 doanh nghiệp này không giảm quá mạnh so với cùng kỳ năm 2008. Các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều hoàn thành theo đúng tiến độ kế hoạch năm 2009.

Nguồn: VietstockFinance

 Đây được xem là tín hiệu khả quan cho các doanh nghiệp này trong quý II/2009 và các quý còn lại của năm 2009. Cũng không phủ nhận thị trường chứng khoán phục hồi mạnh từ tháng 3 đến đầu tháng 6, nhưng quan trọng nhất là triển vọng của các doanh nghiệp này trong thời gian tới đã giúp giá cổ phiếu các doanh nghiệp này liên tục tăng, được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Nguồn: VietstockFinance

 Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chiếm chủ yếu (>60%) trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp này trong kế hoạch kinh doanh 2009. Tuy nhiên, tính toán của chúng tôi dựa vào doanh thu và giá trị xuất khẩu được công bố thì hoạt động xuất khẩu trong quý 1 chiếm chưa tới 50% tổng doanh thu của các công ty này, riêng HRC thì được 63%. Vì vậy, có thể thấy rằng doanh thu của 3 doanh nghiệp này hoàn thành đúng kế hoạch quý đề ra chủ yếu từ việc giá cao su tăng lên cũng như là được hỗ trợ từ thị trường nội địa.

Nguồn: VietstockFinance

 Không nên hi vọng quá nhiều vào kết quả kinh doanh Quý II/2009

Mặc dù sản lượng xuất khẩu cao su 5 tháng đầu năm của ngành chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2008 nhưng nếu so sánh 2 tháng đầu quý II/2009 với các tháng trong quý I/2009 thì rõ ràng sản lượng đã sụt giảm mạnh, đặc biệt là trong tháng 4. Sản lượng và giá trị xuất khẩu của hai tháng này chỉ bằng 53% và 58% so với quý I/2009. Theo số liệu ước tính của Tổng cục thống kê, sản lượng và giá trị xuất khẩu cao su trong tháng 6 tăng mạnh so với hai tháng trước đó. Vì vậy, những lo lắng về giá trị xuất khẩu của quý II/2009 có nguy cơ giảm so với quý I/2009 đã không xảy ra. Nếu so sánh giữa 2 kỳ là quý I/2009 và quý II/2009, sản lượng và giá trị của quý II/2009 có phần khả quan hơn, tăng nhẹ 3.1% về sản lượng và 11.9% về giá trị.

Nguồn: VietstockFinance

Với tình hình xuất khẩu tháng 6 của ngành cao su tăng mạnh so với hai tháng đầu quý II/2009 thì có thể giúp chúng ta đánh giá được hoạt động xuất khẩu của 3 doanh nghiệp đang niêm yết trong tháng 6 cũng tương đối khả quan. Tuy nhiên, sản lượng và giá trị của 3 doanh nghiệp này trong tháng 4 và tháng 5 khá thấp, không bằng 50% so với quý I/2009, thậm chí giá trị xuất khẩu của TRC và HRC chỉ lần lượt bằng 16% và 18% so với quý I/2009.

 

Nguồn: Bộ Công thương

Như đã trình bày ở trên, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp này trong quý I hầu hết là không hoàn thành kế hoạch đề ra, doanh thu của công ty chủ yếu được hỗ trợ từ giá cao su tăng và tiêu thụ nội địa ổn định. Quý II tình hình có vẻ bi đát hơn khi giá trị xuất khẩu trong tháng 4 và 5 quá thấp, kinh tế trong nước vẫn đang trong giai đoạn khó khăn nên khả năng về đột biến trong tiêu thụ nội địa là điều khó xảy ra. Vì vậy, cho dù tháng 6 tình hình xuất khẩu có tốt đi chăng nữa thì kết quả kinh doanh trong quý II được dự báo sẽ giảm so với quý I, ngoại trừ DPR có khả năng bằng hoặc tăng nhẹ so với quý trước do kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 cũng tương đối khả quan so với HRC và TRC.

Ngô Thị Như Diễm

Các tin tức khác

>   Tình hình XK của các công ty thủy sản niêm yết (02/07/2009)

>   Giá nào cho ngày giao dịch đầu tiên của Vietcombank? (29/06/2009)

>   Khởi động làn sóng thanh lý cổ phiếu quỹ ? (25/06/2009)

>   Kinh tế Việt Nam từ dự báo của EIU và thực tế (24/06/2009)

>   Sàn UpCom, còn nhiều bỏ ngỏ (22/06/2009)

>   Các doanh nghiệp lớn lựa chọn UPCoM, HoSE hay HaSTC? (22/06/2009)

>   Bất thường nhà Từ Liêm – NTL (18/06/2009)

>   Quá trình hồi phục kinh tế Mỹ sau khủng hoảng (09/06/2009)

>   Kim ngạch XK tháng 5/2009: Cải thiện nhưng chưa khả quan (05/06/2009)

>   Các ngân hàng Mỹ thoái lui khỏi TARP: Tác động gì đến TTCK ? (04/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật