Hoa Kỳ, điểm sáng thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam
(Vietstock) – Mỹ là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế hiện nay. Thương mại xuất nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng đầu năm giảm mạnh, tuy nhiên mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Mỹ không hề suy giảm mà còn tăng đáng kể. Đây là một điểm sáng trong thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
7 tháng đầu 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 2.17 tỷ USD, giảm 8.9% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Nhật Bản. Xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm của Việt Nam vào Mỹ đạt 380.83 triệu USD, tăng 11.36% và là một trong ít thị trường có kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng.
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2009 và so với cùng kỳ năm 2008
|
Nguồn: TCTK và Vietstock tổng hợp
|
Quan sát biểu đồ trên cho thấy, 10 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2009 (chiếm 65.73% kim ngạch xuất khẩu thủy sản) có 5 thị trường tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2008. Trung Quốc tăng lớn nhất với gần 46%, tuy nhiên giá trị xuất khẩu vào thị trường này tương đối nhỏ (chỉ 52 triệu USD trong 7t/2009). Các thị trường khác như Hàn Quốc, Đức và Tây Ban Nha cũng đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Từ biểu đồ trên ta cũng thấy được tầm quan trọng của Hoa Kỳ đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam.
Tôm là sản phẩm xuất khẩu lớn của Việt Nam vào Mỹ
Phân theo mặt hàng, tôm vẫn là mặt hàng có giá trị lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, kim ngạch 7 tháng năm 2009 đạt 185 triệu USD chỉ đứng sau thị trường Nhật Bản (242 triệu USD). Tôm xuất khẩu vào Mỹ chiếm 24.5% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Điều này cho thấy Mỹ vẫn là một thị trường quan trọng đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam.
Sản phẩm từ cá tra và basa đứng thứ 2 trong số các mặt hàng thủy sản lớn nhất xuất khẩu vào Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 88 triệu USD, chiếm 9.64% giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Kể từ sau vụ kiện chống bán phá giá “Cat fish” ở Mỹ năm 2002 đến này, kim ngạch xuất khẩu loại cá này không ngừng tăng và thị trường cũng được mở rộng rất nhiều nước. Thị trường Mỹ mặc dù không tăng mạnh như các thị trường khác nhưng vẫn đạt tốc độ tăng khả quan. Đây vẫn là một thị trường lớn cho xuất khẩu cá tra và basa lớn của Việt Nam dù cho tháng 6/2009, Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vẫn quyết định duy trì thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Ngoài tôm, cá tra và basa, các sản phẩm khác như cá ngừ, trứng cá và cua đều đạt kim ngạch trên 10 triệu USD, các sản phẩm còn lại trị giá 53 triệu USD.
|
Nguồn: Bộ công thương và Vietstock tổng hợp
|
Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn vào Mỹ không có công ty nào đang niêm yết
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2009 có 182 doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Công ty TNHH chế biến Thủy sản Minh Phát có kim ngạch lớn nhất và đạt 32 triệu USD, công ty đứng thứ 2 là Hùng Vương Vĩnh Long. Điều đáng chú ý là những công ty đứng đầu trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Nam Việt hay Minh Phú không phải là những công ty có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ. Trong số 15 công ty thủy sản đang niêm yết trên sàn chỉ có 4 công ty xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
|
Như vậy bất chấp kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ đều suy giảm mạnh nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Mỹ vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Có thể nói đây là một điểm sáng đối với ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nguyên nhân có thể do thủy sản được xem là một mặt hàng cơ bản, mặt dù thu nhập giảm sút nhưng sức mua của mặt hàng này giảm không nhiều, thậm chí một số loại còn tăng lên do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng mặt hàng rẻ hơn.
Theo nhận định của giới phân tích xuất khẩu thủy sản vào những tháng cuối năm sẽ khả quan hơn khi kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái. Thực tế trong những năm qua, những tháng cuối năm là thời điểm mà xuất khẩu thủy sản thường cao hơn đầu năm. Từ đó chúng ta có thể tin tưởng rằng, dù gặp một số rào cản và khó khăn nhất định nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Mỹ tiếp tục tăng.
Hồ Bá Tình
|