Chủ Nhật, 13/09/2009 15:57

Thị trường chứng khoán tháng 8 và cơ hội tháng 9

(Vietstock) - Tháng 8/2009, một tháng khởi sắc của hầu hết các thị trường chứng khoán (TTCK) và các chỉ số chứng khoán trên thế giới đều tăng điểm khá mạnh và tiếp tục có sự tương quan khá chặt chẽ với nhau. Chứng khoán Việt Nam phục hồi khá mạnh và có sự phân hóa  mạnh giữa các nhóm cổ phiếu.

1. Chứng khoán thế giới tháng 8/2009

Trong tháng 8, hầu hết các chỉ số chứng khoán đều khởi sắc ngoại trừ chỉ số chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong. Các chỉ số chứng khoán ở Mỹ như S&P 500 tăng 2.54%, Dow Jone 5.04%, chỉ số chứng khoán châu Âu FTSE 100 của Anh tăng 6.52%, chỉ số NIKKEI 225 của Nhật Bản tăng 1.71%.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, hầu hết các chỉ số chứng khoán trên thế giới đều đạt mức cao nhất tính từ đầu năm. Chỉ số S&P 500 đạt 2,028.77 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones đạt 9,544.20 điểm, lần lượt tăng 59.91% và 46.33% so với thời điểm thấp nhất vào ngày 09/03/2009. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng đã tăng hơn 50% kể từ mức thấp nhất.

Trái với xu thế chung của thế giới, chứng khoán Trung Quốc lại sụt giảm khá mạnh. Tháng 8/2009 chỉ số Hang Seng giảm 2.31%, chỉ số Shanghai Composite giảm  21.78%.

Hình 1: Biến động một số chỉ số chứng khoán 8 tháng đầu năm 2009

(Chỉ số này có giá trị 100 vào ngày 03/01/09)

2. Tương quan giữa chứng khoán thế giới và Việt Nam

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ nổ ra, hầu như các TTCK trên thế giới đều tương quan rất chặt chẽ với nhau. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó dù hệ thống tài chính và kinh tế của Việt Nam chưa thực sự hội nhập sâu với thế giới.

Để đánh giá sự tương quan giữa TTCK Việt Nam và thế giới chúng tôi tính mức độ tương quan qua hệ số Correlation (R) giữa chỉ số chứng khoán tính theo ngày. R có giá trị trong khoảng -1 ≤ R ≤ 1. Nếu R =1 thì có nghĩa là giữa các thị trường có một sự tương quan thuận hoàn toàn, nếu R = -1 thì giữa 2 thị trường tương quan nghịch hoàn toàn. R càng gần 0 chứng tỏ các thị trường càng ít tương quan.

Từ đầu năm 2008 đến nay TTCK Việt Nam và Trung Quốc tương quan khá chặt chẽ với nhau khi chỉ số R bình phương (R2)  của VNI-Index và Shanghai Composite bằng 0.76. Việt Nam và Mỹ ít tương quan hơn khi R2 của VNI-Index và S&P 500 chỉ là 0.52. Tuy vây, kể từ tháng 10/2008 đến nay thì chỉ số R2 giữa các chỉ số thị trường trên thế giới thường lớn hơn 0.85%

Trong tháng 8, TTCK Việt Nam đã tăng mạnh, vượt khá xa mức tăng trung bình của nhiều thị trường khác. Tính từ ngày 31/07 đến ngày 31/08, VNI-Index tăng 14.95%, còn HNX-Index tăng 11.86%. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại giảm khá mạnh trong tháng 8 khi thị trường điều chỉnh sau một khoảng thời gian tăng nóng. Điều này làm cho hệ số tương quan giữa TTCK Việt Nam và Trung Quốc được thể hiện bằng số âm. Chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cùng nỗi lo về bóng bóng tài sản ở Trung Quốc là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này. Tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tình hình có vẻ khả quan hơn do có những thông tin tích cực về kinh tế.

Bảng 1: Tương quan giữa các chỉ số chứng khoán trong tháng 8/2009

3. Tháng 8/2009: chứng khoán Việt Nam tăng mạnh

Chỉ số VN-Index sau khi chạm đáy 242.53 điểm vào ngày 26/02/2009, đã phục hồi mạnh và đạt đến mức 511.27 điểm vào ngày 11/06/2009. Đợt phục hồi này của TTCK Việt Nam được nhiều người đánh giá là đã chấm dứt chu kỳ giảm dài hạn để bước sang một chu kỳ tăng điểm mới. Trong giai đoạn này, VN-Index tăng 110.80%, và TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường phục hồi mạnh nhất trên thế giới. Nhiều cổ phiếu trên sàn tăng 4-5 lần so với thời điểm giá thấp nhất trong năm. Mức tăng điểm này được đánh giá là quá nóng và nhiều cảnh báo được giới truyền thông đưa ra. Tác động này cùng với những tuyên bố thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước làm cho VN-Index giảm xuống còn 412.88 điểm vào ngày 20/07/2009, thị trường mất gần 20% chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Tuy nhiên sau đợt điều chỉnh này, TTCK tiếp tục đi vào một giai đoạn phục hồi khá ấn tượng. Chỉ số VNI-Index đạt mức 546.78 điểm vào ngày 31/08/09, vượt mức đỉnh thiết lập trong tháng 6 vừa qua. Sự phục hồi của TTCK trong tháng 8 có cơ sở khá bền vững khi được hỗ trợ bởi nhiều dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế.

Hình 2: Diễn biến VN-Index và KLGD  tháng 8/2009

4. Cổ phiếu mới lên sàn tăng giá ấn tượng

Trong tháng 8 có đến 13 công ty mới lên sàn (5 công ty lên sàn HOSE và 8 công ty lên sàn HNX) và 1 công ty chuyển niêm yết từ HOSE sang HNX. Đa số công ty mới niêm yết này có mức giá cổ phiếu tăng điểm mạnh.

Nguyên nhân nào khiến cho cho cổ phiếu các doanh nghiệp mới lên sàn tăng điểm mạnh hơn thị trường? Trong đó, nhiều cổ phiếu tăng điểm liên tục với khối lượng giao dịch rất ít trong khi dư mua đến hàng triệu cổ phiếu? Hiện tượng này một phần xuất phát từ “chiến lược” đặt mức giá chào sàn của các doanh nghiệp.

Thông thường giá tham chiếu lúc chào sàn được xác định thông qua một số phương pháp như xác định giá trị nội tại của công ty hoặc chỉ đơn giản là lấy trung bình giá giao dịch trên thị trường OTC trước thời điểm niêm yết. Trên thực tế việc định mức giá chào sàn có thể là một chiến lược của doanh nghiệp. Định giá lúc chào sàn có thể nhằm mục đích “tiếp thị” công ty hoặc là cách để kéo những cổ phiếu cùng ngành đi lên. 

Những doanh nghiệp lên sàn HOSE gây được chú ý của nhiều nhà đầu tư (NĐT) là CSM, PHR và DIG. CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) khối lượng niêm yết chỉ có 15 triệu cổ phiếu nhưng đã tăng liên tục. CTCP Cao Su Phước Hòa (PHR) tăng khá mạnh và 37 triêu cổ phiếu DIG của CTCP Đâu tư và Phát triển Xây dựng cũng thu hút nhiều NĐT quan tâm.

Với 150 triệu cổ phiếu được niêm yết, CTM (HNX) trở thành một trong những mã cổ phiếu có số lượng niêm yết lớn nhất trên sàn. Tuy vậy giá của CTM thì lại biến động mạnh và đến ngày 31/08 giảm trên 2% so với giá lúc lên sàn.

Bảng 2: Thông tin về các cổ phiếu mới niêm yết tháng 8

Ghi chú: VTA: Là mã cổ phiếu chuyển từ HoSE sang HNX

Điều đáng chú ý khác đối với các cổ phiếu mới lên sàn, là có nhiều cổ phiếu tăng giá khá ấn tượng. Trên sàn HOSE, mức tăng đáng kể nhất tính đến ngày 31/08 là mã cổ phiếu CSM tăng đến gần 90%, tiếp theo mã cổ phiếu DIG tăng đến 73% và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Trên sàn HNX, trong đợt tăng giá vừa qua chỉ có mã cổ phiếu NBP của CTCP Nhiệt điện Ninh Bình tăng trên 50% và PVX của CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam tăng trên 32% còn các cổ phiếu còn lại đều tăng ít hoặc giảm.

5. Cổ phiếu tăng giảm mạnh nhất trên sàn trong tháng 8 (Xem phụ lục 3)

5.1 Nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất

Thống kê nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 8 cho thấy những con số rất ấn tượng. Có 24 mã cổ phiếu tăng hơn 50% trong tháng và mã cổ phiếu xếp hạng thứ 20 trong nhóm này cũng đã tăng hơn 50%, vượt xa mức 12% của toàn thị trường.

Mã cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất là SSM của CTCP Chế Tạo Kết Cấu Thép Vneco.SSM. Chỉ trong vòng 1 tháng SSM đã tăng 106.9%, cao hơn khoảng 9 lần so với trung bình của thị trường. SSM là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí thép, có kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Quý 2/2009, lợi nhuận sau thuế bằng 50% năm 2008, và gần bằng 4 lần của Quý 1/2009. Tuy nhiên có lẽ kết quả kinh doanh của ấn tượng không thể giải thích hết cho việc tăng hơn 100% trong vòng một tháng của SSM. Phải chăng tiềm năng của SSM trước đó chưa được NĐT đánh giá đúng mức?

Mã cổ phiếu khác cũng thuộc ngành thép là VGS của CTCP Ống Thép Việt Đức (Vg Pipe) cũng tăng điểm mạnh. Trong tháng 8, VGS tăng 84.47% và đạt mức giá 38,500 đồng/CP vào ngày 31/08/09. Với mức P/E (chỉ số Giá/Thu nhập) bốn quý gần nhất gần bằng 40, giá trị sổ sách của cổ phần (BV) chỉ khoảng 11. Phải chăng với mức giá hiện tại NĐT đang kỳ vọng lớn tăng trưởng trong tương lai của VGS?

Nằm trong top 5 cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất có một đại diện của sàn HOSE là mã cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn, tăng 76.92%. Công ty thuộc ngành thủy sản lợi nhuận rất ấn tượng trong 2 quý đầu năm. Vĩnh Hoàn đã vượt qua mặt các “đại gia” ngành thủy sản đang niêm yết trở thành một trong những công ty có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Trong đợt sóng vừa qua, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản đều tăng điểm khá mạnh, có nhiều phiên giao dịch hầu như tất cả các công ty trong ngành này đều tăng với giá trần.

5.2 Nhóm cổ phiếu giảm giá nhiều nhất

Tháng 8, trong hơn 300 mã cổ phiếu chỉ có 34 mã cổ phiếu giảm nhưng mức giảm không nhiều. Bảng trên chúng ta thấy DTC của CTCP Viglacera Đông Triều giảm đến 17%, tuy nhiên, do DTC chia cổ tức 70% trên mệnh giá nên nếu điều chỉnh giá cổ phiếu này thực tế chỉ giảm khoảng 10%. Mã cổ phiếu C92 của CTCP Xây dựng và Đầu tư 492 cũng giảm 14.61%.

Một đặc điểm đáng chú ý là hầu hết các cổ phiếu giảm điểm nhiều nhất sàn là cổ phiếu được niêm yết trên HNX và đều là những cố phiếu có mức vốn hóa tương đối nhỏ. Sự giảm giá của các công ty này phần lớn là điều chỉnh sau một giai đoạn tăng giá khá mạnh. Mức giảm giá không đại diện cho xu thế của thị trường.

6. Cổ phiếu của một số nhóm ngành đáng lưu ý

Trong đợt phục hồi của TTCK trong tháng 8, có sự phân hóa rất mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Tháng này chúng ta không còn thấy có sự tăng giảm đồng loạt của tất cả cổ phiếu trong một phiên giao dịch. Các cổ phiếu thường tăng theo nhóm ngành, hoặc nhóm các công ty có quan hệ gần gủi với nhau.

6.1 Cổ phiếu ngành thủy sản

Nhóm tăng điểm ấn tượng trong tháng 8 thuộc về nhóm ngành thủy sản với 15 công ty đang niêm yết trên sàn.

Các công ty trong ngành thủy sản hầu hết là những công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản. Với doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu thủy sản nên hầu hết các doanh nghiệp này đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt suy thoái kinh tế vừa qua. Trong 15 doanh nghiệp niêm yết có 3 công ty bị thua lỗ, và nhiều công ty còn lại lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, trong đó các doanh nghiệp có mã cổ phiếu VHC, TS4, AGF, CAD, ACL, MPC tăng hơn 40% trong tháng 8, và hiện nay vẫn đang trên đà tăng điểm.

Có thể nhận thấy lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) trung bình của công ty thấp hơn khá nhiều so với trung bình của thị trường. Với đà tăng giá của các cổ phiếu này, dường như NĐT đang đặt kỳ vọng vào triển vọng kinh doanh của các công ty này trong những tháng cuối năm 2009. Với tình hình kinh tế thế giới đang có những chuyển biến tích cực như hiện nay, khả năng các công ty xuất khẩu thủy sản cải thiện được kết quả kinh doanh vào cuối năm theo chúng tôi là khá sáng sủa.

Bảng 3: Một số chỉ tiêu của doanh nghiệp trong ngành thủy sản

6.2 Cổ phiếu ngành tài chính

Có khoảng 17 doanh nghiệp trong ngành tài chính được niêm yết, gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Năm 2008, lợi nhuận của các công ty trong ngành tài chính đều sụt giảm, đặc biệt là các công ty chứng khoán. 6 tháng đầu năm 2009, kết quả kinh doanh của ngành này khá khả quan, đặc biệt là ngân hàng và chứng khoán.

Năm 2008, các công ty chứng khoán bị thiệt hại nặng do thua lỗ từ hoạt động tự doanh, trong khi dịch vụ môi giới và tư vấn bảo lãnh phát hành là khá ảm đạm. Trong nửa đầu năm nay, với việc TTCK nóng dần lên, các công ty chứng khoán niêm yết cũng đang trên đà hồi phục sau khủng hoảng. 6 tháng đầu năm 2009 cũng chứng kiến nhiều ngân hàng gần đạt được toàn bộ kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành tài chính nhìn chung đã khởi sắc trở lại.

Dù vậy, cổ phiếu ngành tài chính tăng không nhiều. Ngoại trừ cổ phiếu SSI và BVS tăng trên 20%, cổ phiếu các doanh nghiệp còn lại đều tăng không đáng kể, thậm chí một số cổ phiếu còn nằm trong danh sách giảm giá nhiều nhất trên sàn giao dịch.

Bảng 4: Một số chỉ tiêu của doanh nghiệp trong ngành tài chính

Ghi chú (Bảng 4 và 5)

* LN 6T/09: Đơn vị tính triệu đồng

* P/E: Lũy kế 4 quý gần nhất, P tính vào ngày 31/08/2009

* P: đơn vị tính VND

Việc các cổ phiếu ngành tài chính không tăng giá nhiều trong đợt phục hồi vừa qua của TTCK có thể được giải thích bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, những cổ phiếu này đã có mức tăng trưởng cao trong thời gian trước đó. Như vậy kỳ vọng với lợi nhuận khả quan của nhóm ngành tài chính đã phản ánh vào giá.

Thứ hai, NĐT đang lo ngại về triển vọng lợi nhuận trong 2 quý còn lại của năm khó có khả năng tăng cao, khi mà việc nới rộng tăng trưởng tín dụng của NHNN là chưa rõ ràng. Đối với các công ty chứng khoán, cũng khó có thể kỳ vọng một lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn, khi hầu hết đang ở giai đoạn hồi phục trở lại. Cho đến Quý 2/ 2009, lợi nhuận lũy kế 4 quý của 3 công ty chứng khoán vẫn còn bị âm.

7. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng cao

7.1 NĐTNN mua ròng gần 1,000 tỷ đồng trong tháng 8

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trong tháng 8 tiếp tục sôi động. Bình quân mỗi phiên giao dịch giá trị mua bán của NĐTNN đạt 287 tỷ đồng, đây là tháng giao dịch NĐTNN diễn ra mạnh nhất trong năm nay.

Tỷ trọng giao dịch NĐTNN tháng 8 chỉ chiếm 7.07% giá trị giao dịch, thấp hơn mức 11% của tháng 7 và thấp hơn nhiều mức 16 đến 20% trong giai đoạn từ tháng 10/2008 đến tháng 2/2009. Mức 7.07% trên cũng thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân của năm 2008 là 16.7%.

Như vậy có thể thấy trong thời gian qua mặc dù giao dịch của khối ngoại tăng về giá trị tuyệt đối nhưng lại giảm về giá trị tương đối so với thị trường. Điều này một lần nữa khẳng định NĐT trong nước vẫn đang là người dẫn dắt xu thế của thị trường vào thời điểm hiện tại.

Tháng 8 tiếp tục là tháng mua ròng của NĐTNN. Như vậy đây là tháng thứ 2 liên tiếp khối ngoại mua ròng và là tháng thứ 5 họ mua ròng trong năm nay. Giá trị giao của NĐTNN nước ngoài trong tháng 8 là 6,329 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với tháng trước, trong đó mua là 3,475 tỷ đồng, bán 2,854 tỷ đồng. Tổng giá trị mua ròng của NĐTNN trong tháng 8 vào khoảng 610 tỷ đồng, chỉ bằng 35% so với tháng trước. Tính chung, trong 8 tháng đầu năm, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HOSE là 2,980 tỷ đồng, gần bằng 50% giá trị mua ròng của năm 2008.

Như vậy, mặc dù có nhiều dự báo cho rằng NĐTNN đang rút dòng vốn khỏi Việt Nam nhưng con số thống kế trên thị trường niêm yết cho thấy khối ngoại vẫn đang mua ròng. Vào thời điểm khó khăn nhất của kinh tế thế giới và trong nước tháng 10 năm 2008, bán ròng của NĐTNN cũng chưa tới 2,000 tỷ đồng/tháng. Từ đầu năm 2008 đến nay giá trị mua ròng của NĐTNN gần 10,000 tỷ đồng.

Hình 3: Giao dịch của NĐT nước ngoài 12 tháng gần nhất

7.2 Cổ phiếu được NĐTNN giao dịch nhiều nhất

Giao dịch của NĐTNN trong tháng 8, chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu Bluechips trên thị trường như PPC, HPG, FPT, SSI và HAG ….

Trong đó HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát là mã cổ phiếu được NĐTNN mua ròng nhiều nhất với hơn 225 tỷ đồng, tiếp theo là FPT với 193 tỷ đồng. Trong đợt phục hồi vừa qua của TTCK, hai mã cổ phiếu này tăng khá mạnh so với mức bình quân chung của thị trường. Các mã cổ phiếu được NĐTNN mua ròng trong tháng 8 đều là những mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong thời gian qua.

Bảng 5: Top 10 cổ phiếu được NĐTNN  mua nhiều nhất trong Tháng 8

Bán ròng của NĐTNN tập trung chủ yếu vào 3 mã cổ phiếu REE, SJS, CII với mức bán ròng đều hơn 100 tỷ đồng. Cả 3 doanh nghiệp này đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Mặc dù các cổ phiếu này bị NĐTNN bán ròng nhưng vẫn tăng khá mạnh trong đợt phục hồi vừa qua như LCG tăng gần 50%, SJS tăng 43%.

Bảng 6: Top 10 cổ phiếu được NĐTNN  bán nhiều nhất trong Tháng 8 trên HoSE

7.3 Giao dịch NĐTNN trên HNX

Tháng 8, giao dịch của NĐTNN trên sàn HNX khoảng gần 1,000 tỷ đồng, bằng khoảng 16% so với giao dịch trên HOSE. Kết quả này cũng phù hợp với chênh lệch quy mô niêm yết giữa 2 sàn. Tuy nhiên giá khối lượng mua ròng của NĐTNN lại đạt 306 tỷ, hơn 50% so với khối lượng mua ròng tại HoSE.

Cổ phiếu được NĐTNN mua ròng nhiều nhất là KBC, với giá trị hơn 152 tỷ đồng. Những mã cổ phiếu được khối ngoại chọn mua trên HNX đều là những cổ phiếu lớn. Xu hướng mua ròng trong tháng vừa qua trên HNX cũng không tập trung vào một nhóm ngành cụ thể nào.

Bảng 7: Top 10 cổ phiếu được NĐTNN  bán nhiều nhất trong Tháng 8 trên HNX

8. Kết luận và nhận định xu thế của thị trường

Tháng 8/2009 là một tháng mang lại nhiều cảm xúc cho các NĐT trên TTCK. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều tăng khá ấn tượng. Nhiều cổ phiếu tăng giá trên 50% trong một tháng, thậm chí trên 100%. TTCK Việt Nam tiếp tục có mối tương quan với biến động của TTCK thế giới, dù không còn mạnh như những tháng trước đó.

Biến động giá cổ phiếu có sự phân hóa khá mạnh giữa các nhóm ngành. Trong tháng, lần lượt các nhóm ngành liên quan đến sách và thiết bị giáo dục, ngành than - khoáng sản, thực phẩm bánh kẹo, xây dựng và thủy sản… tăng giá đồng loạt nhưng sau đó một số phiên giảm giá đồng loạt. Nhóm ngành có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong tháng là ngành thủy sản khi hầu hết mã cổ phiếu của ngành này tăng mạnh. Cổ phiếu nhóm ngành tài chính tăng không nhiều, tính trung bình các cổ phiếu này còn tăng thấp hơn trung bình của thị trường. Giao dịch của NĐTNN trong tháng 8 tiếp tục tăng về khối lượng, nhưng giảm về tỷ lệ so với bình quân giao dịch của thị trường. Tháng này NĐTNN mua ròng trên cả 2 sàn gần 1,000 tỷ đồng và là tháng mua ròng lớn thứ 2 trong năm. Như vậy có thể thấy xu hướng quay lại của NĐTNN khá rõ ràng.

Nhận định thị trường trong tháng 9

Sau một tháng tăng trưởng ấn tượng, TTCK đã có 2 phiên điều chỉnh vào đầu tháng 9/2009. Sự quay đầu khá đột ngột vào giữa phiên của ngày giao dịch cuối tuần do NĐT bị tác động bởi thông tin Indochina Capital Vietnam (ICV) tuyên bố thoái vốn. Hiện nay, giá trị thị trường của danh mục cổ phiếu ICV đang nắm giữ vào khoảng 4,500 tỷ đồng, trong đó chứng khoán niêm yết khoảng 2,000 tỷ đồng. Thời hạn thoái vốn của ICV dự tính từ 12 - 18 tháng. Như vậy có thể thấy ảnh hưởng trực tiếp của việc thoái vốn của ICV là không lớn đối với thị trường. Tuy nhiên, trước mắt việc thông báo thoái vốn của ICV có ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của NĐT.

Với những tín hiệu lạc quan về kinh tế thế giới hiện nay, triển vọng phục hồi kinh tế trong nước là khá rõ ràng. Vùng hỗ trợ 500 điểm theo chúng tôi là khá vững chắc đối với VN-Index. P/E hiện nay (lũy kế 4 quý gần nhất) trên thị trường cũng đang ở mức khoảng 20. Đây là mức không phải quá cao ở một thị trường mới nổi như Việt Nam. Ngoài ra mức P/E này bị ảnh hưởng do một số công ty thua lỗ quá nhiều từ hoạt động đầu tư tài chính trong năm 2008.

Từ các lập luận trên, quan điểm của chúng tôi cho rằng TTCK có khả năng điều chỉnh sau một thời gian tăng khá mạnh nhưng khó có khả năng giảm sâu. Giao dịch tháng 9 tiếp tục sôi động và chỉ số VN-Index có khả năng dao động trong vùng 560 - 600 điểm./.

 

PHỤ LỤC:

Phụ lục 1:  Một số chỉ số của ngành và thị trường

Ghi chú: + Việc phân ngành thực hiện theo quan điểm của Vietstock

             + EPS* tính lũy kế 4 quý gần nhất

             + Chỉ số thị trường tính trên 356 doanh nghiệp có đầy đủ số liệu

             + Đơn vị tính EPS, BV: nghìn đồng

             + Đơn vị tính P/E, P/B số lần

             + MKC (market capital) giá trị thị trường

 

Phụ lục 2

48 cổ phiếu có chỉ tiêu cơ bản thỏa mãn tiêu chí của Vietstock

Ghi chú: + EPS*: EPS tính lũy kế đến quý 2 năm 2009

             + Đơn vị tính EPS và BV, P: nghìn đồng

             + KLCPĐLH: nghìn đơn vị

             + ROE: Tính theo %

             + P/B: Tính theo lần

 

Phụ lục 3:

Bảng 4: Những cổ phiếu có mức tăng giảm nhiều nhất trong tháng

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu ngành xi măng: Ổn định trong dài hạn (11/09/2009)

>   Triển vọng ngành cao su (11/09/2009)

>   Tình hình giá thép thế giới và những ảnh hưởng đến Việt Nam (10/09/2009)

>   Kinh tế Việt Nam qua dự báo của BMI (10/09/2009)

>   Ngành thép cuối năm 2009: Nóng "nhờ" tồn kho dự trữ (10/09/2009)

>   DN ngành cao su: Triển vọng lợi nhuận quý 3/2009 khả quan (07/09/2009)

>   Cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo sức bật cho VN-Index cuối năm (04/09/2009)

>   Góc nhìn từ chứng khoán Trung Quốc, Mỹ nghĩ đến Việt Nam (01/09/2009)

>   Trung Quốc: Nỗi lo từ giảm phát và bong bóng tài sản (27/08/2009)

>   Phát hành TPCP bằng ngoại tệ: Rủi ro tiềm ẩn (28/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật