Kinh tế Việt Nam qua dự báo của BMI
(Vietstock) – Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều báo cáo của các tổ chức nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam... Mới đây, tổ chức Business Monitor International (BMI) vừa đưa ra báo cáo về triển vọng kinh doanh của Việt Nam trong quý 4/2009, và những năm sắp tới với những nhận định khá lạc quan.
BMI được thành lập năm 1984, là một trong những công ty hàng đầu chuyên cung cấp các thông tin, dịch vụ tài chính như các báo cáo phân tích về quốc gia, ngành kinh tế. Hiện công ty này đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng là các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tài chính, chính phủ và các trung tâm nghiên cứu ở hơn 130 nước trên toàn thế giới. Với uy tín của mình, những báo cáo của BMI được giới kinh doanh và các nhà làm chính sách rất quan tâm.
Trong những năm gần đây Việt Nam được sự quan tâm rất nhiều từ các tập đoàn đa quốc gia và cộng đồng quốc tế vì vậy BMI cũng thường xuyên đưa ra những báo cáo về các ngành và nền kinh tế Việt Nam. Nhìn thấy gì về kinh tế Việt Nam trong báo cáo mới nhất của BMI?
Thứ nhất: BMI dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2009 là 4.5%, cao hơn mức dự báo 2.9% mà tổ chức này đưa ra trước đó. Những năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện dần, và đạt mức trung bình 8% từ năm 2013 đến 2018. Theo chúng tôi mức điều chỉnh dự báo này là hợp lý. Về cơ bản, kinh tế Việt Nam thời gian gần đây có những cải thiện đáng kể ở nhiều lĩnh vực. Với những phản ứng được xem là tích cực, khá kịp thời của chính phủ, kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến theo hướng lạc quan. Sau khi chỉ tăng trưởng ở mức 3.1% trong quý 1, GDP quý 2 tăng ở mức 4.5%. Với những tín hiệu tích cực trong nền kinh tế hiện nay, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng có được tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm 2009.
Thứ hai: BMI dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 sẽ ở mức 7%. Con số này có lẽ phù hợp với những diễn biến trong nền kinh tế hiện tại. Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm ở mức 3.47%, có nguyên nhân quan trọng là sự sụt giảm giá đồng loạt của nhiều loại hàng hóa trên thế giới. Song trong những tháng cuối năm, khi kinh tế toàn cầu khởi sắc, nhiều loại hàng hóa sẽ tăng giá trở lại, kéo theo giá các mặt hàng trong nước tăng theo. Như vừa rồi, việc xăng dầu tăng giá sẽ tác động mạnh đến giá cả nhiều mặt hàng khác… Bên cạnh đó, những tháng cuối năm là khoảng thời gian mà sức mua của người dân có xu hướng tăng mạnh vì đây là thời điểm của các dịp lễ, tết. Nhiều mặt hàng tiêu dùng có khả năng tăng giá đột biến như thực phẩm, phương tiện đi lại... Nguồn cung thực phẩm ngoại trong thời gian tới có thể sụt giảm khi thuế suất đánh trên những mặt hàng đó tăng, cùng với sự thắt chặt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nhập khẩu có thể hạn chế đáng kể việc nhập khẩu các mặt hàng này. Như vậy lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ cao hơn tuy nhiên vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Thứ ba: Về vấn đề tỷ giá: BMI dự báo tỷ giá VND/USD sẽ ở mức trung bình 18,240 trong năm 2009, tăng lên 19,000 trong năm 2010, và sau đó sụt giảm tới mức 16,500 trong năm 2013. Mức phá giá của VND từ nay đến năm 2010 theo dự báo của BMI có thể là phù hợp. Trên thức tế tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thường cao hơn Hoa Kỳ và các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam do vậy làm tỷ giá hối đoái thực của Việt Nam không ngừng tăng cao, chính vì vậy nó gây sức ép lên tỷ giá danh nghĩa. VND dần mất giá cho đến năm 2010 có thể phù hợp với những diễn biến trong nền kinh tế hiện nay. Dự báo của BMI cho rằng VND sẽ tăng giá dần từ 2011, điều này có thể gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người. Trước đó Economist Intelligence Unit (EIU) cũng đưa ra dự báo VND sẽ dần nâng giá. Trên thực tế một số quốc gia phát triển nhanh thì đồng tiền của họ cũng dần nâng giá so với USD nhưng liệu điều này có xảy ra đối với Việt Nam như dự báo của BMI?.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam phát triển dựa trên tỷ lệ đầu tư cao, dòng vốn FDI, tỷ trọng xuất nhập khẩu cao và chấp nhận một tỷ lệ lạm phát phù hợp. Với những đặc điểm như vậy rất khó để VND liên tục nâng giá so với USD. Ngoài ra chúng ta cũng thấy một thực tế là trong suốt thời gian qua tỷ giá USD/VND liên tục tăng nên khó có thể kỳ vọng một sự thay đổi đột biến nào từ năm 2013 đến 2018.
Thứ tư: về mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), BMI dự báo NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản trong năm 2009 ở mức 7%. Sau đó, mức lãi suất này sẽ tăng lên trong các năm tiếp theo. Đây là một điều hợp lý trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, NHNN sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp nhằm phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó. Và sự gia tăng mức lãi suất này trong những năm sau là điều hợp lý khi hiện nay vấn đề huy động vốn của các ngân hàng đang ngày càng khó khăn. Nếu duy trì mức lãi suất huy động thấp, kênh gửi tiền ngân hàng không còn đủ hấp dẫn để thu hút nguồn vốn so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán.
Trên đây chúng ta vừa xem xét một số dự báo của BMI về kinh tế Việt Nam. Những dự báo này rất đáng để tham khảo, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải xem xét dưới nhiều góc độ của những dự báo này. Thực tế trong thời gian qua có rất nhiều dự báo của các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá về kinh tế Việt Nam với những con số rất khác nhau và nhiều khi khác xa so với thực tế diễn ra. Vì vậy chúng ta cũng nên thận trọng với dự báo và khuyến cáo của các tổ chức.
Cao Vệ
|