Thứ Năm, 10/09/2009 06:58

Ngành thép cuối năm 2009: Nóng "nhờ" tồn kho dự trữ

(Vietstock) - Về mặt dài hạn, ngành thép đóng vai trò ngày càng quan trọng khi nền kinh tế phát triển. Không chỉ là nguyên vật liệu đầu vào của một số ngành công nghiệp, thép còn được coi là “xương sống” của ngành xây dựng. Đầu năm 2009, chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi nhanh của ngành thép sau khủng hoảng. Vậy triển vọng và thách thức đối với ngành thép trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Đặc điểm của ngành thép nước ta là phần lớn nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài nên vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động giá bên ngoài. Còn với vai trò khá quan trọng trong sự phát triển kinh tế, các doanh nghiệp trong ngành cũng chịu sự điều tiết của Chính phủ.

Dự báo giá thép thế giới những tháng cuối năm

Những tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu lún sâu vào suy thoái, cùng với sự giảm giá của nhiều loại hàng hóa khác, giá thép đã giảm sâu. Đến cuối tháng 2/2009, tại Sở giao dịch Kim loại Luân Đôn, giá phôi thép giao kỳ hạn 3 tháng chạm đáy ở mức 250 USD/tấn. Sau đó, giá phôi thép liên tục tăng trước những nhận định tích cực cho rằng suy thoái kinh tế thế giới đã vào hồi kết và đang trong quá trình hồi phục. Hiện tại, giá phôi thép đang được giao dịch ở mức khoảng 450 USD/tấn.

Trong những năm qua, Trung Quốc luôn dẫn đầu thế giới cả về sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ. Do đó, những biến động trong nguồn cung và cầu ở nước này sẽ tác động rất lớn đến giá thép thế giới.

Trong khi mức tiêu thụ ở các nước khác trong năm nay có xu hướng sụt giảm so với năm trước, tình hình tiêu thụ thép của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng cao hơn năm trước với sự khởi sắc của lĩnh vực xây dựng. Nguyên nhân chính là ngành xây dựng là ngành được hưởng lợi lớn từ gói kích cầu của chính phủ Trung Quốc. Dự báo lượng tiêu thụ thép thô năm 2009 của Trung Quốc sẽ ở mức 511 triệu tấn, tăng 7.6% so với năm ngoái. Trong năm nay, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8%. Do đó, chính phủ Trung Quốc sẽ phải tiếp tục gia tăng đầu tư công - động lực tăng trưởng của 2 quý đầu năm - mới có thể đạt được mức tăng trưởng mục tiêu đó. Như vậy, chi tiêu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những quý cuối và nhu cầu thép xây dựng được dự báo tăng lên tương ứng.

Về nguồn cung, sau những tháng đầu năm sản lượng sản xuất luôn vượt cầu, một trong những nguyên nhân chính khiến giá thép sụt giảm, thì trong những tháng cuối năm nhiều khả năng sản xuất sẽ thu hẹp. Nguyên nhân là trong thời gian gần đây, NHTW Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành chính sách thắt chặt tín dụng. Một trong những ngành nằm trong diện không được khuyến khích trong thời điểm hiện nay là ngành sản xuất thép.

Sự sụt giảm sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc có thể sẽ làm cho các nhà sản xuất nước này tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Khi đó, áp lực cạnh tranh lên sản phẩm thép của các nước khác, vốn có chi phí sản xuất cao hơn nhiều, có lẽ sẽ dễ chịu hơn.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất công nghiệp ở các nước trên thế giới đang có những dấu hiệu cải thiện đáng kể so với những tháng đầu năm. Vì vậy, nhu cầu về thép thế giới mặc dù vẫn ở mức thấp so với các năm trước, nhưng sẽ tăng so với những tháng đầu năm 2009.

Tóm lại, với nhận định nhu cầu thép của Trung Quốc nói riêng, và thế giới nói chung sẽ tăng trong những tháng cuối năm, cùng với sự cắt giảm sản lượng sản xuất của Trung Quốc, giá thép trong những tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ tăng trở lại.

Phục hồi sau khủng hoảng: Triển vọng và thách thức

Tình hình thị trường thép trong nước cũng không nằm ngoài quy luật thị trường thế giới. Diễn biến thị trường thép những tháng qua hết sức sôi động khi giá thép trong nước liên tục tăng. Nguyên nhân của việc giá thép tăng xuất phát từ việc phôi thép nhập khẩu tăng lẫn việc ngành xây dựng Việt Nam đang trên đà phục hồi nhờ chính sách kích cầu của Chính phủ. Nhưng đó là câu chuyện của những tháng đầu năm 2009.

Những tháng cuối năm 2009 sẽ là những tháng để các doanh nghiệp trong ngành hoàn thành kế hoạch của mình. Đây là những tháng hội đủ cả khó khăn lẫn cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép.

Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp thép sẽ đối mặt là tính mùa vụ của ngành. Những tháng cuối năm sẽ là những tháng mà mức tiêu thụ của ngành thép khá thấp. Đây là những tháng mà ngành xây dựng sẽ hoạt động chậm lại do ảnh hưởng của mùa mưa bão. Khó khăn tiếp theo là giá cả nguyên vật liệu, nhiên liệu như dầu, than... theo dự báo có khả năng sẽ tăng.

Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ngành thép. Hiện tại giá phôi thép đang tăng theo đà phục hồi của các nền kinh tế, đặc biệt là nhu cầu lớn từ Trung Quốc. Theo tính chất của ngành thép, khi ký hợp đồng mua thép thì khoảng 3-4 tháng sau lượng thép mới được giao về doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp tích trữ hàng tồn kho phù hợp sẽ được lợi khá nhiều khi giá phôi thép thế giới tăng.

Có ý kiến cho rằng nếu giá phôi thép rơi vào tình trạng như cuối năm 2008 thì các doanh nghiệp thép sẽ lâm vào tình trạng phải bán hàng dưới giá vốn. Theo nhận định của chúng tôi, khả năng xảy ra trường hợp như cuối năm 2008 là khá thấp; mặc dù thị trường thép sẽ bước vào mùa vụ thấp điểm trong năm.

Theo thông tin mới nhất từ Steel Bussiness Briefing vào ngày 04/09/2009 thì hãng thép lớn nhất Trung Quốc China Steel Corp (CSC) đã tăng giá thép giao tháng 10-11/2009 lên 8.6%; trong khi giá thép thế giới liên tục tăng và nhu cầu  ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, theo khảo sát gần đây của The Steel Index thì 16% (tăng 5% so với tuần trước) công ty thép ở Châu Âu và Mỹ đã tăng dự trữ thép của mình lên so với tuần trước.

Lợi thế hàng tồn kho dự trữ, giá đầu ra có xu hướng tăng

Đối với các doanh nghiệp trong nước thì việc dự trữ thép cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mỗi công ty. Trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp trong ngành thép đã liên tục nhập nguyên liệu dự trữ cho nhu cầu sản xuất những tháng cuối năm.

Điển hình như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) mặc dù hàng tồn kho Quý II/2009 có giảm nhẹ so với Quý I/2009 nhưng vẫn tích cực mua vào nguyên vật liệu. Tính đến thời điểm 30/06/2009 lượng hàng mua đang đi trên đường, chi phí sản xuất dở dang, nguyên vật liệu tồn kho của HPG đã tăng 30% so với Quý I. CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) các khoản mục này đã tăng 81%, CTCP Thép Việt Ý (VIS) cũng gia tăng nhập hàng tồn kho khi khoản mục này đã tăng 31% tại cuối Quý II. Như vậy ta có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động bắt đáy nguyên vật liệu giá rẻ, tận dụng thời cơ khi thị trường gặp khủng hoảng.

Gần đây nhất, từ ngày 24 đến 29/8/2009 hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất thép đã thông báo về việc chính thức tăng giá. Đây là đợt tăng giá thứ hai trong tháng 8 của thị trường thép, mức tăng giá được xác định là từ 150 - 300 nghìn đồng/tấn.

Ngày 27/8, hai doanh nghiệp là CTCP Thép Hòa Phát và CTCP Thép Việt (Pomina) cũng đã thông báo về sự điều chỉnh giá bán ra của mình. Giá thép của Pomina sẽ tăng 300 nghìn đồng/tấn, giữ mức 11,67 triệu đồng/tấn đối với thép cây, khoảng 11,42 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn.

Nguyên nhân chính của đợt điều chỉnh giá thép lần này không nằm ngoài lý do giá thép nguyên liệu đầu vào đang tăng rất mạnh. Cụ thể, giá phôi thép nhập khẩu hiện đang được chào 500-510 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 8/2009. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi thì giá thép sẽ không tăng đột biến. Tình hình giá thép sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền khinh tế thế giới và các nước công nghiệp lớn, trong đó phải kể đến Trung Quốc.

Như vậy, với tình hình tiêu thụ thép và mức độ tăng giá trong thời gian của thị trường thì các doanh nghiệp trong ngành thép có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra về doanh thu và lợi nhuận nhờ vào việc tích trữ lượng hàng tồn kho giá rẻ từ các tháng trước. Tuy nhiên, mức độ hoàn thành kế hoạch của mỗi công ty sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bắt đáy về thời điểm và khối lượng nguyên vật liệu mà doanh nghiệp đó tích trữ được. Do đó, khi xem xét đầu tư vào các cổ phiếu ngành thép nhà đầu tư nên chú ý đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của từng doanh nghiệp cụ thể, hơn là đánh giá chung cho cả ngành.

Khánh Hoàng – Cao Vệ

* Giá thép sẽ tiếp tục tăng

* Dấu hiệu ngành thép Việt Nam đang hồi phục

* Về đâu thép Việt?

* Hoa Sen – Mô hình cải tổ đối phó với khủng hoảng

Các tin tức khác

>   DN ngành cao su: Triển vọng lợi nhuận quý 3/2009 khả quan (07/09/2009)

>   Cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo sức bật cho VN-Index cuối năm (04/09/2009)

>   Góc nhìn từ chứng khoán Trung Quốc, Mỹ nghĩ đến Việt Nam (01/09/2009)

>   Trung Quốc: Nỗi lo từ giảm phát và bong bóng tài sản (27/08/2009)

>   Phát hành TPCP bằng ngoại tệ: Rủi ro tiềm ẩn (28/08/2009)

>   Cổ phiếu hàng hóa đang trở nên hấp dẫn (27/08/2009)

>   Hoa Kỳ, điểm sáng thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam (27/08/2009)

>   Tăng trưởng tốt, giá chứng chỉ quỹ vẫn kém 33% so NAV (26/08/2009)

>   Hoa Sen – Mô hình cải tổ đối phó với khủng hoảng (20/08/2009)

>   DIG – Tiềm lực dồi dào, niềm tự hào của phố biển (19/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật