Chủ Nhật, 20/09/2009 21:35

Vụ Mỹ đánh thuế lốp xe TQ:

Ảnh hưởng như thế nào đến ngành cao su Việt Nam?

(Vietstock) - Ngày 11/09 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã ký quyết định nâng mức thuế suất cho mặt hàng lốp ô tô và xe tải hạng nhẹ nhập khẩu từ Trung Quốc lên 35% thay cho mức 4% như hiện nay. Quyết định này có hiệu lực vào ngày 26/09 và được đánh giá là sẽ ảnh hưởng mạnh đến ngành sản xuất lốp ô tô Trung Quốc. Liệu ngành cao su Việt Nam có nằm ngoài sự ảnh hưởng này?

Áp lực của Chính phủ Mỹ trong việc “bảo hộ” hàng sản xuất trong nước

Ngành sản xuất lốp xe Mỹ gặp khá nhiều khó khăn trong những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhiều nhà máy đóng cửa trong khoảng thời gian từ 2006-2008, riêng năm nay có thêm 3 nhà máy phá sản. Nguyên nhân không phải nhu cầu lốp tại thị trường này giảm mà do hàng nhập khẩu lốp khá nhiều từ Trung Quốc. Lượng lốp ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tăng hơn gấp 3 lần trong giai đoạn từ 2004-2008, thị phần nâng từ mức 4.7% năm 2004 lên 16.7% năm 2008. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác giảm 5% và sản lượng lốp của Mỹ giảm tới 27%.

Để bảo hộ ngành sản xuất lốp trong nước cũng như là hạn chế tình trạng thất nghiệp đang gia tăng trong ngành công nghiệp này, Chính phủ Mỹ đã phải thông qua chính sách nâng mức thuế suất lên 35% trong năm đầu tiên, 2 năm tiếp theo lần lượt là 30% và 25% thay cho mức 4% như hiện nay. Ngay sau quyết định này được công bố, phía Trung Quốc đã có phản ứng khá mạnh mẽ và coi đó là “một hành động bảo hộ thương mại nghiêm trọng”. Hiện phía Trung Quốc đang ráo riết tìm cách đáp trả lại quyết định này của Mỹ, họ đang xem xét điều tra bán phá giá và trợ cấp các sản phẩm từ gà và phụ tùng ô tô Mỹ.

Ngành sản xuất lốp ô tô của Trung Quốc lao đao

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ cao su nhiều nhất trên thế giới với mức 5.98 triệu tấn trong năm 2007, chiếm tỷ lệ 26.1% toàn thế giới, trong đó cao su nhiên nhiên đạt 2.55 triệu tấn. Sản xuất lốp xe chiếm 60% sản lượng cao su thiên nhiên của nước này  và 50% sản lượng lốp dành cho hoạt động xuất khẩu.

Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ chính lốp xe của Trung Quốc. Vì vậy, với việc nâng mức thuế suất từ 4% lên 35%, khả năng cạnh tranh của lốp Trung Quốc sẽ giảm mạnh tại thị trường này vì không còn lợi thế giá rẻ như trước đây nữa.

Theo đánh giá của chúng tôi, Trung Quốc sẽ phải giảm nhập khẩu khoảng 14% so với dự báo 2.65 triệu tấn trước đó sau khi Mỹ áp dụng mức thuế suất mới. Tương đương Trung Quốc phải giảm nhập khẩu 371 ngàn tấn cao su thiên nhiên.

Chính sự lo ngại nhu cầu của Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh sau quyết định này nên vào ngày 14/09, giá cao su giao kỳ hạn giảm tới 9.3%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 năm qua. Nhiều chuyên gia thế giới cho rằng, việc áp dụng chính sách thuế này không những làm giảm tiêu thụ cao su tại Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu nếu các bên có những biện pháp đáp trả lại. Đây thực sự là điều đáng lo ngại khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa thực sự qua đi.

Áp lực đến xuất khẩu cao su Việt Nam

Việt Nam là nước có sản lượng cao su thiên nhiên đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2008 với 662.9 ngàn tấn mủ, chiếm 6.7% so với tổng sản lượng của cả thế giới. Trong năm 2008, thị trường nhập khẩu cao su chính của Việt Nam vẫn là thị trường Trung Quốc, với trị giá đạt 952.5 triệu USD, tương đương 645 ngàn tấn, chiếm 56% tổng thị phần xuất khẩu của cả nước. Vị trí này ngày càng được củng cố khi tình hình xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2009 sang Trung Quốc, chiếm 69.2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, đạt 249.6 triệu USD tương đương sản lượng 175,354 ngàn tấn. Các vị trí kế tiếp thuộc về Hàn Quốc, Malaysia,… Tuy nhiên, khoảng cách của những nước này khá xa so với Trung Quốc, chỉ chiếm từ 3-5% thị phần xuất khẩu của cả nước.

Đây là điểm yếu nhất của ngành cao su Việt Nam. Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng Trung Quốc lại được đánh giá là thị trường có nhiều biến động thất thường nhất. Khi có những tác động nhỏ về cơ chế, chính sách từ phía chính phủ cũng như từ các đối tác của nước này, ngay lập tức nhu cầu và giá cao su cũng biến động theo. Chính vì vậy, với chính sách thuế vừa được ban hành sẽ ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc, nói một cách gián tiếp, ngành cao su Việt Nam cũng lao đao theo.

Với nhu cầu của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm nhập khẩu khoảng 371 ngàn tấn, tương đương sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2008, đây thực sự là thách thức lớn cho xuất khẩu cao su Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc là thị trường lớn của xuất khẩu cao su Việt Nam nhưng về phía Trung Quốc, nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này. Vì vậy, khả năng Trung Quốc dừng hẳn nhập khẩu cao su từ Việt Nam vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc giảm nhu cầu cao su chỉ trong ngắn hạn nên nhằm duy trì nguồn nguyên liệu trong tương lai, những hợp đồng đã ký kết cũng như là địa lý thuận tiện của 2 nước nên khả năng Trung Quốc chỉ giảm nhập khẩu 1 phần xảy ra nhiều hơn.

Dù khả năng nào xảy ra đi chăng nữa, dự báo sản lượng và giá cao su xuất khẩu trong quý 4 sẽ không được như những kỳ vọng trước đó. Các nước nhập khẩu cao su lớn của Việt Nam ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Maylaysia,... chỉ chiếm thị phần nhỏ nên cho dù tốc độ nhập khẩu có tăng vẫn không đủ bù đắp lượng giảm nhập khẩu từ đối tác Trung Quốc. Chưa loại trừ khả năng những quốc gia này cũng sẽ giảm nhập khẩu cao su do nhu cầu của họ cũng giảm theo do phía Trung Quốc cũng giảm mạnh nhập khẩu từ những nước này, đặc biệt là Malaysia, quốc gia đứng thứ 3 về sản lượng trên thế giới.

Chưa hẳn đã thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất lốp của Việt Nam

Trái hẳn với những lo lắng về xuất khẩu cao su, mấy ngày gần đây, rất nhiều thông tin tốt cho ngành săm lốp Việt Nam được các cơ quan báo đài đưa tin. Đặc biệt là tin phía Mỹ sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu lốp xe Việt Nam thay cho lốp Trung Quốc. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, các doanh nghiệp săm lốp của Việt Nam chỉ thuận lợi trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, vấn đề thật sự không đơn giản như vậy khi mà nhiều khả năng rủi ro vẫn còn tiềm ẩn quanh đây.

Hàn Quốc cũng là một trong những nhà sản xuất lốp xuất khẩu sang Mỹ khá lớn, điểm mấu chốt là nhiều nhà máy sản xuất lốp của Hàn Quốc được xây dựng tại Trung Quốc. Chính tình hình này đã đẩy nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang rất lo lắng. Nhiều thông tin được công bố, Hàn Quốc sẽ tiến hành xem xét xây dựng nhà máy tại Việt Nam và Hungary nhằm tránh sự ảnh hưởng của chính sách thuế này đến ngành sản xuất lốp của Hàn Quốc. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh rất khắc nghiệt trong tương lai.

Thêm 1 điểm bất lợi nữa, Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam. Khả năng lốp Trung Quốc sẽ tràn ngập sang thị trường Việt Nam như các mặt hàng khác là hoàn toàn xảy ra khi mà hình hình xuất khẩu của họ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp săm lốp của Việt Nam được dự báo là sẽ gặp vô vàn những khó khăn trong thời gian tới.

Ngô Thị Như Diễm

Các tin tức khác

>   Tình hình xuất khẩu 8 tháng và triển vọng 4 tháng cuối năm (14/09/2009)

>   Thị trường chứng khoán tháng 8 và cơ hội tháng 9 (13/09/2009)

>   Cổ phiếu ngành xi măng: Ổn định trong dài hạn (11/09/2009)

>   Triển vọng ngành cao su (11/09/2009)

>   Tình hình giá thép thế giới và những ảnh hưởng đến Việt Nam (10/09/2009)

>   Kinh tế Việt Nam qua dự báo của BMI (10/09/2009)

>   Ngành thép cuối năm 2009: Nóng "nhờ" tồn kho dự trữ (10/09/2009)

>   DN ngành cao su: Triển vọng lợi nhuận quý 3/2009 khả quan (07/09/2009)

>   Cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo sức bật cho VN-Index cuối năm (04/09/2009)

>   Góc nhìn từ chứng khoán Trung Quốc, Mỹ nghĩ đến Việt Nam (01/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật