Thứ Tư, 25/11/2009 17:42

Điều chỉnh lãi suất và tỷ giá: Ảnh hưởng ra sao đến thị trường?

(Vietstock) – Ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai quyết định quan trọng liên quan đến chính sách tiền tệ. Theo đó, lãi suất cơ bản sẽ tăng lên 8%/năm từ 01/12/2009 và tỷ giá liên ngân hàng được nới rộng thêm 5.5%. Nhiều nhà đầu tư đang nghĩ về một kịch bản năm 2008 sẽ lặp lại. Liệu các chính sách này có tác động tiêu cực đến thị trường hay không, và doanh nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng?

Tăng lãi suất cơ bản lên 8%/năm, tăng tỷ giá liên ngân hàng 5.5%

Ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5%/năm lên 6%/năm. Thời điểm áp dụng của quy định mới này là từ 01/12/2009. Như vậy, kề từ tháng 12/2009, lãi suất cơ bản sẽ tăng thêm 1% sau hơn 10 tháng được giữ ở mức 7%/năm.

NHNN cũng công bố mức tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 26/11/2009 là 17,961, tăng gần 1,000 đồng (5.5%) từ mức 17,027 hiện tại.  Đồng thời, NHNN cũng thu hẹp biên độ tỷ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là +/- 3% từ ngày 26/11/2009, thay vì +/-5% như trước đây. Với các điều chỉnh này, mức tỷ giá sàn và trần tương ứng sẽ là 17,422 – 18,500 VND/USD.

Tăng lãi suất: một mũi tên trúng nhiều đích

Với việc đồng loạt tăng 1% đối với lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, NHNN đã một lần nữa thể hiện ý chí kiểm soát tốc độ tăng trưởng, chất lượng tín dụng, và giảm cung tiền trong nền kinh tế. Biện pháp này đặc biệt có ý nghĩa khi mà lạm phát đang tăng trở lại. Tổng cục Thống kê vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2009 đã tăng ở mức khá cao là 0.55% so với tháng trước. Tính trong 10 tháng, CPI tăng 5.07%, so với cùng kỳ năm trước tăng 4.35%.  Trước đó, chỉ số CPI tháng 11 của TP.HCM, Hà Nội công bố lần lượt tăng 0.52 và 0.55%.

Trước đây, NHNN kiểm soát tín dụng bằng một loạt các biện pháp hành chính. Chẳng hạn, vào ngày 12/11/2009, NHNN đã có văn bản số 8883/NHNN-CSTT về việc không thực hiện lãi suất thỏa thuận với đầu tư bất động sản, tài sản tài chính và kể cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, NHNN cũng đã có công văn yêu cầu các NHTM hạn chế cho vay đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất. Nay với việc sử dụng công cụ lãi suất, tác động đến nền kinh tế có thể sẽ có hiệu quả và công bằng hơn vì biện pháp này mang tính thị trường nhiều hơn.

Bên cạnh đó, NHNN rõ ràng cũng đang có ý định cởi trói cho các ngân hàng thương mại để huy động các nguồn vốn trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, lãi suất cơ bản có tính chất tham chiếu cho lãi suất trần cho vay, khác với các nước lãi suất cơ bản chỉ có tính chất tham chiếu cho lãi suất thị trường. Tình trạng căng thẳng thanh khoản trong hệ thống NHTM thời gian qua một phần có nguyên nhân từ quy định này.

Việc tăng lãi suất cơ bản đồng nghĩa với tăng trần lãi suất cho vay và huy động. Lãi suất trần huy động điều chỉnh tăng lên trên 10% sẽ giúp hút tiền vào hệ thống ngân hàng, tăng tính thanh khoản cho thị trường tiền tệ. Người đi vay cũng dễ dàng tiếp cận vốn hơn, mặc dù có thể phải chịu lãi suất vay cao hơn. Tuy vậy, việc này lại có tác động kép là chi phí vốn của NHTM sẽ cao hơn, và các ngân hàng sẽ phải cân nhắc trong việc giải ngân tín dụng.

Có kích hoạt đợt tăng lãi suất trên thị trường?

Câu hỏi lớn nhất là liệu việc này có kích hoạt cho một đợt tăng lãi suất trên thị trường hay không? Hiện tại, mức lãi suất trần cho vay được khống chế ở mức 10.5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cân bằng thực sự trên thị trường có thể đã vượt xa mức lãi suất trần quy định này. Việc điều chỉnh tăng lãi suất, theo chúng tôi, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mức lãi suất trên thị trường trong thời gian tới.

Chúng tôi cũng nhìn nhận việc “kiểm soát” tốc độ tăng tín dụng này chỉ có ảnh hưởng nhất định trong ngắn hạn. Trước đó, chúng ta đã có thông tin Chính phủ đồng ý chủ trương sẽ tiếp tục gói kích cầu thứ 2, bằng cách hỗ trợ lãi suất 2% đến hết Q1/2010. Chính sách hỗ trợ này tiếp tục tạo ra một lượng vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp. Như vậy,việc “thắt chặt” này sẽ có ảnh hưởng ngắn hạn trong tháng 12/2009. Sang Q1/2010, có thể một lượng tiền gián tiếp sẽ được bơm ra cho các doanh nghiệp theo gói kích cầu thứ 2, giúp toàn thị trường vận hành linh hoạt trở lại.

Nâng tỷ giá: giúp giảm căng thẳng trên thị trường ngoại tệ

Thời gian vừa qua, thị trường ngoại tệ đã có những căng thẳng nhất định. Chênh lệch giữa tỷ giá USD/VND chính thức và phi chính thức đã có lúc lên tới 2,000 đồng. Nhìn nhận một cách khách quan, việc căng thẳng tỷ giá này không chỉ do thiếu hụt USD trong nền kinh tế, mà một phần do việc tích trữ và đầu cơ ngoại tệ.

Quyết định điều chỉnh tỷ giá này có thể kéo tỷ giá trên thị trường xuống (khi người bán ngoại tệ sẽ sẵn lòng hơn để bán, người mua có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận nguồn ngoại tệ), giảm bớt tính trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Ngoài ra, điều này cũng giúp giảm áp lực tăng giá hàng nhập khẩu khi tỷ giá ở mức hợp lý hơn, và kiềm chế lạm phát.

Điều cần xem xét thêm là giá trị nợ bằng ngoại tệ của Chính phủ cũng sẽ tăng lên mạnh. Nhiều tập đoàn nhà nước vay vốn bằng ngoại tệ sẽ gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ. Các doanh nghiệp khác vay vốn bằng ngoại cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Theo VNExpress, các tập đoàn nhà nước có nguồn thu ngoại tệ có thể sẽ bán lại cho ngân hàng, và gián tiếp giúp tỷ giá thị trường ổn định ở mức mong muốn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát để cân nhắc tăng thuế nhập khẩu nếu còn dư địa, và Bộ Công Thương sẽ hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết. Điều này sẽ giúp giới hạn mức thâm hụt cán cân thương mại, giải tỏa áp lực lên vấn đề tỷ giá.

Tác động đến TTCK và doanh nghiệp

Rõ ràng hai thông tin về chính sách tiền tệ và tỷ giá hôm nay đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang suy nghĩ về một kịch bản năm 2008 sẽ lặp lại. Dù vậy, chúng tôi cho rằng bối cảnh hai thời điểm này có sự khác biệt khá lớn. Năm 2008, các chính sách được xem là để giải quyết hậu quả. Trong khi đó, các chính sách hiện nay nhằm để ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra.

Quyết định này có thể sẽ giúp nhiều ngân hàng “dễ thở” hơn trong vấn đề thanh khoản, khi kênh tín dụng trong hệ thống ngân hàng sẽ bớt tình trạng ách tắc. Tỷ giá về mức hợp lý sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhập khẩu bớt khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn tiền thanh toán. Điều quan trọng khác, quy mô thị trường ngoại tệ phi chính thức sẽ thu hẹp lại, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu như thủy sản, cao su, dệt may, giày da, dầu khí… cũng sẽ được hưởng lợi, khi các mặt hàng xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là chi phí vốn của các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ sẽ tăng cao. Về tổng thể, nợ ngoại tệ của Chính phủ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, ổn định tỷ giá ở mức phù hợp sẽ rất quan trọng. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc ổn định tỷ giá có thể giúp họ tự tin hơn trong việc giải ngân trên TTCK.

Chúng tôi không kỳ vọng về việc tăng lãi suất cơ bản sẽ kích hoạt một đợt gia tăng lãi suất trên thị trường. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp có đòn bẩy cao sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Lãi suất toàn hệ thống tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến kênh đầu tư trên TTCK.  

Hồ Bá Tình

Các tin tức khác

>   Nguồn gốc tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết (19/11/2009)

>   Savimex: Báo cáo phân tích công ty (19/11/2009)

>   SRC: Báo cáo phân tích công ty (06/11/2009)

>   Eximbank: Báo cáo phân tích công ty (26/10/2009)

>   DPM: Báo cáo phân tích công ty (24/10/2009)

>   SRC: Rủi ro khi tranh mua vào thời điểm hiện nay ? (22/10/2009)

>   TTCK Việt Nam: Khó có khả năng giảm mạnh trong Quý 4/2009 (16/10/2009)

>   Triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành thủy sản (17/10/2009)

>   NBP và kỳ vọng giá 6x (13/10/2009)

>   GGG - Cổ phiếu hiếm ngành ô tô trên sàn HNX (12/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật