Chiến lược Đầu tư năm 2010
Phần 6: Ngành Thủy sản – Khuyến nghị đầu tư: ABT, MPC
(Vietstock) – Triển vọng của doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi các rủi ro thị trường (phổ biến là việc áp dụng các rào cản thương mại, kỹ thuật) và nguồn nguyên liệu. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn doanh nghiệp ưu tiên để khuyến nghị đầu tư với tiêu chí đó phải là những doanh nghiệp có có thị trường lâu năm, ổn định, và chủ động được nguồn nguyên vật liệu.
1. Ngành thủy sản năm 2009
Khó khăn về nguyên liệu, đầu ra và nguồn vốn. Trong năm 2009, đặc biệt là trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên vật liệu lẫn đầu ra. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, nhu cầu về thủy sản toàn cầu giảm mạnh do người tiêu dùng giảm chi tiêu. Đồng thời, chính sách thắt chặt tiền tệ đã làm cho nguồn cung vốn trở nên hạn hẹp, lãi suất tăng cao khiến việc nuôi trồng không mang lại lợi nhuận. Việc thiếu hụt nguyên vật liệu đã khiến nhiều nhà máy chỉ có thể duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng.
Rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu. Trong thời kỳ suy thoái, nhiều quốc gia đã sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Cá tra Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng hơn so với các mặt hàng khác như tôm, mực, nghêu,… Đáng chú ý nhất là Nga, thị trường chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam, ngưng nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2009. Sự gián đoạn này khiến nhiều doanh nghiệp có thế mạnh ở thị trường Nga rơi vào tình trạng khó khăn. Tại Italia và Tây Ban Nha, báo chí đưa tin không tốt về cá tra, basa Việt Nam đã làm cho thị phần sản phẩm cá tra của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể.
Cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước còn khá lỏng lẻo. Trong giai đoạn nhu cầu trên thị trường giảm sút, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chứng kiến nhiều hoạt động cạnh tranh không lành mạnh như hạ giá bằng cách giảm chất lượng sản phẩm, tranh giành thị trường xuất khẩu… gây ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của ngành thủy sản Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu cải thiện về cuối năm. Từ Q3/2009, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bắt đầu tăng trưởng cùng với đà phục hồi kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, thị trường Nga cũng chính thức nhập khẩu cá tra, basa Việt Nam trở lại từ tháng 6/2009. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này tăng đột biến từ giữa tháng 11 đến nay, gấp khoảng 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính sách hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu của chính phủ cũng đã giúp các doanh nghiệp thủy sản giảm bớt khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Kết thúc năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4.21 tỷ USD, đạt 93.27% kế hoạch năm, giảm 6.73% so với 2008. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 1.5 tỷ USD và cá tra, basa đạt khoảng 1.3 tỷ USD. Kim ngạch của 2 nhóm sản phẩm này chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2009
|
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2004 - 2009
|
|
|
Nguồn: Tổng cục thống kê
|
Nguồn: Tổng cục thống kê
|
|
2. Triển vọng năm 2010
Được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Các doanh nghiệp thủy sản trong năm 2010 tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi về vốn vay, thuế thu nhập doanh nghiệp...Ngoài ra, VND đang trong xu hướng giảm giá so với USD là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Chính phủ đầu tư 1,340 tỷ đồng đưa cá tra thành mũi nhọn xuất khẩu thủy sản. Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển sản xuất cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Trong đó có nhiều nội dung như quy hoạch lại vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cách thức xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất, xây dựng hệ thống thống kê phục vụ công việc dự báo tình hình sản xuất, tiêu thụ,…Mức vốn đầu tư cho đề án này vào khoảng 1,340 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2009-2015 cần đầu tư 800 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 sẽ cần 540 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ của chính phủ, mặt hàng cá tra sẽ gặp nhiều thuận lợi để trở thành mũi nhọn xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục tăng trưởng.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt – Nhật. Kinh tế năm 2010 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nên nhu cầu về thủy sản trên thế giới sẽ tăng lên. Cũng trong năm này, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt – Nhật (VJEPA) được triển khai đồng bộ, và sẽ có trên 800 dòng sản phẩm nông sản và thủy sản Việt Nam vào Nhật Bản với thuế suất 0%.
Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, vì mặt hàng này chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản. Tuy vậy, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư để có thể đáp ứng được những yêu cầu về vệ sinh, chất lượng của thị trường khó tính này.
Xu hướng mua bán – sáp nhập có thể diễn ra mạnh trong ngành. Thời gian gần đây, CTCP Hùng Vương (HVG) thông báo sẽ chào mua công khai để nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP XNK Thủy sản An Giang – Agifish (AGF) lên 51%. Sau thương vụ chào mua này, AGF sẽ trở thành công ty con của HVG.
Trong năm 2010, có thể chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến xu hướng mua bán – sáp nhập diễn ra nhiều hơn trong ngành. Với số lượng khá nhiều, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất dàn trải…Trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng cao, việc sáp nhập, liên kết sẽ giảm thiểu những tác động của việc cạnh tranh không lành mạnh về thị trường, nguyên liệu, giá cả… Việc sáp nhập cũng sẽ giúp nâng cao khả năng tiết kiệm theo quy mô, cải thiện hiệu quả hoạt động.
Khó khăn trong việc ổn định nguồn nguyên liệu. Trong những tháng đầu năm 2010, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu đang diễn ra trên diện rộng. Nguyên nhân đuợc giải thích là do nông dân chuyển sang ngành nghề khác sau một năm 2009 nuôi trồng không đem lại lợi nhuận.
Giá cá tra và tôm nguyên liệu hiện nay liên tục tăng do tình trạng khan hiếm đã xảy ra tại nhiều tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Nhiều doanh nghiệp hiện tại chỉ sản xuất cầm chừng và chủ yếu để đáp ứng những hợp đồng đến hạn giao hàng.
Rào cản nhập khẩu tiếp tục là thách thức không nhỏ. Có thể thấy 2010 là năm nhiều tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng có thể là năm mà các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật của các nước được áp dụng mạnh hơn; trong khi rào cản cũ vẫn có thể được tiếp tục duy trì.
Điển hình là nguyên tắc IUU của Liên minh Châu Âu (EU), yêu cầu tất cả thủy sản xuất khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận thể hiện thông tin nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang đề xuất đưa cá tra và cá basa của Việt Nam vào danh mục “catfish” trở lại và chịu chi phối của Luật Nông nghiệp năm 2008. Nếu điều này được phê chuẩn, cá tra và basa của Việt Nam sẽ phải chịu chế độ kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt và khó có thể tuân thủ vì chi phí cao và tốn thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc cá tra và basa của Việt Nam sẽ gần như không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ, một thị trường giàu tiềm năng và ổn định.
3. Khuyến nghị đầu tư: ABT, MPC
Có thể nói, triển vọng của doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi các rủi ro thị trường (phổ biến là việc áp dụng các rào cản thương mại, kỹ thuật) và nguồn nguyên liệu. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn doanh nghiệp ưu tiên để khuyến nghị đầu tư với tiêu chí đó phải là những doanh nghiệp có thị trường lâu năm, ổn định, và chủ động được nguồn nguyên vật liệu.
CTCP Thủy hải sản Minh Phú (MPC) là doanh nghiệp có nhiều thuận lợi so với các công ty khác trong ngành thủy sản, với sản phẩm chủ lực là tôm xuất khẩu. MPC vẫn thường xuyên chủ động được nguồn nguyên liệu, đáp ứng khoảng 70% công suất nhà máy. Mỹ là thị trường chính của MPC, và mức thuế chống bán phá giá tại thị trường này gần như bằng 0%. Đây là ưu thế lớn của MPC so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Với mức P/E và P/B ước tính cho năm 2010 lần lượt chỉ ở mức 8.1 và 1.8 lần, MPC nên được cân nhắc đưa vào danh mục đầu tư.
CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) có sản phẩm đặc thù là nghêu, với nhiều lợi thế cạnh tranh và thị trường Nhật Bản ổn định. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của ABT được dự đoán vẫn sẽ khả quan trong năm 2010 và mức P/E và P/B ước tính là khá hấp dẫn, tương ứng 7.3 và 1.4 lần.
Tuy nhiên, khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của ABT hiện vẫn đang tập trung vào thị trường EU. Thị trường này vừa áp dụng nguyên tắc mới IUU, yêu cầu nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm xuất khẩu. Hoạt động kinh doanh của ABT sẽ bị ảnh hưởng nếu không đáp ứng được yêu cầu này.
Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010
|
VHC và HVG cũng là những cổ phiếu tốt trong ngành, là các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng có những rủi ro nhất định đối với hai doanh nghiệp này.
Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn của VHC, hiện đang xem xét lại các chính sách về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra từ Việt Nam. Kết quả cuối cùng dự tính sẽ công bố vào tháng 3/2010.
Đối với HVG, một rủi ro khá lớn là khoản phải thu khoảng 1,500 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến khách hàng ở thị trường Nga. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề thu hồi nợ, HVG sẽ có khả năng thiếu hụt nguồn tiền và phải sử dụng các khoản vay ngân hàng để tài trợ vốn lưu động. Lúc này, trong bối cảnh lãi suất thực tế đang tăng lên trong thời gian gần đây, HVG sẽ chịu nhiều áp lực để duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc trích lập dự phòng đối với khoản phải thu này cũng là một chủ đề đáng để quan tâm.
AAM có chỉ số P/E, P/B năm 2009 khá hấp dẫn, lần lượt là 7.2 và 1.3 lần. Tuy nhiên, 50% lợi nhuận trong năm 2009 đến từ hoạt động tài chính. Chúng tôi, vì vậy, không đánh giá cao sự bền vững trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|