Thứ Bảy, 20/03/2010 13:35

Chiến lược Đầu tư năm 2010

Phần 8: Ngành Nhựa xây dựng – Khuyến nghị đầu tư: NTP

(Vietstock) – Chúng tôi dự báo trong năm 2010 tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành nhựa xây dựng vẫn duy trì ở mức cao khoảng 20%. Động lực chính để ngành tiếp tục phát triển là thị trường trong nước vẫn có nhiều cơ hội mở rộng. Hiện tại, chỉ số chất dẻo của Việt Nam chỉ khoảng 40 kg/người, là mức thấp so với nhiều nước trong khu vực và chỉ bằng 1/3 so với các nước phát triển.

1. Ngành nhựa xây dựng năm 2009

Duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2009. Ngành nhựa xây dựng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt khoảng 15% trong năm 2009. Gói kích thích kinh tế của chính phủ đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng. Bên cạnh đó, nhu cầu các mặt hàng nhựa xây dựng được cải thiện rõ rệt nhờ có giá rẻ hơn so với các mặt hàng truyền thống khác (ngói, ống thép, gỗ...). Tác động của gói kích thích kinh tế cũng đã thúc đẩy người dân gia tăng chi tiêu cho các hoạt động xây dựng.

Kết quả kinh doanh khả quan đầu năm. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế, giá nguyên vật liệu nhựa rơi xuống mức thấp nhất vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Sau đó, các gói kích thích kinh tế ở nhiều nước trên thế giới được tung ra khiến cho giá hạt nhựa tăng trở lại, kéo giá nhựa trong nước tăng theo. Nhờ nhập về một lượng khá lớn nguyên vật liệu ở mức đáy, các doanh nghiệp trong ngành đã có năm 2009 khá thành công.

Nhưng tình hình trở nên khó khăn hơn vào cuối năm do tính thời vụ, sụt giảm tồn kho nguyên liệu giá rẻ và giá hạt nhựa tăng. Điều này đã kìm hãm tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2009. Thứ nhất, ngành nhựa xây dựng chịu tác động từ tính thời vụ của ngành xây dựng. Trong quý 3/2009, sản lượng tiêu thụ có phần sụt giảm do thời tiết không thuận lợi, sau đó tình hình được cải thiện nhẹ vào quý 4. Thứ hai, lượng nguyên vật liệu giá rẻ tích lũy trong những tháng đầu năm dần được sử dụng hết, các doanh nghiệp phải nhập khẩu hạt nhựa nhưng lại bị ảnh hưởng bởi tỷ giá liên tục tăng cao. Thứ ba, giá hạt nhựa vào giai đoạn cuối năm bắt đầu có xu hướng tăng trở lại gây tác động tiêu cực lên chi phí sản xuất.

2. Triển vọng ngành nhựa xây dựng năm 2010

Dự báo tăng trưởng 20% trong năm 2010. Chúng tôi dự báo trong năm 2010 tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành vẫn duy trì ở mức cao khoảng 20%. Động lực chính để ngành tiếp tục phát triển là thị trường trong nước vẫn có nhiều cơ hội mở rộng. Hiện tại, chỉ số chất dẻo của Việt Nam chỉ khoảng 40 kg/người, là mức thấp so với nhiều nước trong khu vực và chỉ bằng 1/3 so với các nước phát triển.

Thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước. Do đó, nền kinh tế phục hồi sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển ngành nhựa. Bên cạnh đó ngành xây dựng, ngành tiêu thụ chính, được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng 15% trong năm 2010.

Vấn đề nguyên vật liệu vẫn là thách thức lớn nhất đối với ngành. Chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 70 - 80% giá thành sản phẩm. Trong khi đó, 80 - 90% nguồn cung nguyên vật liệu được nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu trên 2 triệu tấn nguyên vật liệu các loại, giá trị tương đương trên 2.1 tỷ USD.

Một giải pháp đối với nguồn cung nguyên vật liệu là sử dụng nhựa tái chế, nhưng chưa được áp dụng rộng rãi và hạn chế ở những mặt hàng nhất định. Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành, các nhà sản xuất nguyên vật liệu cuối năm 2010 mới có thể nâng tổng công suất lên 1.2 triệu tấn/năm, tức là chỉ mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu trong nước.

Vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu nên giá bán của các doanh nghiệp luôn cao hơn 10 - 15% so với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc. Điều này dẫn đến giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu.

Ảnh hưởng từ việc dầu thô tăng giá và tỷ giá điều chỉnh. Nguyên vật liệu ngành nhựa được tổng hợp từ dầu thô nên giá nguyên vật liệu và thành phẩm nhựa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động của giá dầu. Năm 2010, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, giá dầu dự báo sẽ tăng trở lại và tác động lên giá nguyên vật liệu đầu vào.

Với phần lớn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá biến động theo chiều hướng bất lợi cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

3. Khuyến nghị đầu tư: NTP

Hiện tại, có 4 doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng đang niêm yết bao gồm: BMP (HoSE), DNP, DPC và NTP (HNX). Tình hình tài chính của các công ty này là khá ổn định, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính tương đối thấp,... Trong đó, NTP và BMP vẫn là hai công ty lớn nhất xét về thị phần lẫn quy mô. Đây cũng là hai cổ phiếu có tính thanh khoản cao trên thị trường.

Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010

Kết quả dự phóng của chúng tôi cho thấy P/E và P/B của các doanh nghiệp trong ngành ở mức khá hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong năm 2010 ngành nhựa xây dựng có thể sẽ không xảy ra hiện tượng đột biến như năm 2009, khi giá nhựa nguyên vật liệu dần đi vào ổn định.

Mức giá của cổ phiếu NTP và BMP tỏ ra khá hấp dẫn khi nhìn về triển vọng năm 2010. EPS của cả hai doanh nghiệp này đều vượt xa hai doanh nghiệp còn lại trong ngành. Thực tế cho thấy việc mở rộng thị phần đối với các doanh nghiệp trong ngành là không dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng hai doanh nghiệp này vẫn sẽ tiếp tục chiếm thị phần chi phối ở hai miền Bắc và Nam trong một thời gian dài.

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP)

Cơ hội: NTP đang dẫn đầu ngành về năng lực sản xuất, và chiếm khoảng 25% thị phần ngành sản xuất ống nhựa cả nước. NTP chi phối 65% thị phần của miền Bắc và khách hàng là nhiều nhà thầu lớn nên doanh thu có xu hướng ổn định. Hệ thống phân phối của NTP cũng khá mạnh, gây nhiều khó khăn cho đối thủ muốn thâm nhập thị trường.

NTP hoàn toàn có khả năng tăng công suất lên cao hơn nữa thông qua việc di dời và mở rộng nhà máy. Đồng thời, NTP cũng có kế hoạch sử dụng mảnh đất hiện hữu của nhà máy tại Quận Ngô Quyền, Hải Phòng, để phát triển dự án bất động sản. Đây có thể là động lực để cải thiện thu nhập của công ty trong dài hạn.

Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2010 của NTP có thể đạt 1,640 tỷ đồng nhờ vào nhu cầu xây dựng ở miền Bắc tiếp tục tăng trưởng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 348 tỷ đồng. Như vậy, P/E và P/B năm 2010 của NTP sẽ lần lượt ở mức 6.8 và 2.8 lần. Đây là mức khá hấp dẫn đáng để xem xét đưa vào danh mục đầu tư.

Rủi ro: NTP hiện tại vẫn phải nhập khẩu 80% lượng nguyên vật liệu. Do đó, vấn đề tỷ giá và biến động giá nguyên vật liệu thế giới có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, thị phần ở khu vực miền Nam và miền Trung còn thấp, và CTCP Nhựa Tiền Phong phía Nam (NTP giữ 51% vốn cổ phần) mới đi vào hoạt động, vẫn chưa sinh lãi.

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP)

Cơ hội: BMP là nhà sản xuất ống nhựa lớn thứ 2 Việt Nam về cả quy mô lẫn thị trường, với lợi thế thị trường ở miền Nam và miền Trung. BMP có hệ thống bán lẻ rộng khắp, khá năng động trong quản lý và đang nổ lực mở rộng thị trường. Với việc sở hữu 20% DPC, BMP có lợi thế để củng cố thị phần ở khu vực miền Trung.

Rủi ro: Việc mở rộng ra thị trường phía Bắc vẫn chưa đem lại hiệu quả. Nhà máy ở phía Bắc chưa đem lại lợi nhuận và gây tác động không tích cực lên tình hình tài chính của BMP. Nguồn nguyên vật liệu chủ yếu mua từ trong nước thông qua 2 nhà cung cấp là TPC và liên doanh Petronas – DPM. Tuy vậy, giá bán niêm yết theo ngoại tệ nên BMP vẫn chịu rủi ro về biến động tỷ giá hối đoái.

Chúng tôi ước tính P/E và P/B năm 2010 của BMP lần lượt ở mức 8.1 và 3.3 lần. BMP vẫn là một cổ phiếu ưu tiên của ngành nhựa, nhưng có lẽ cần cần theo dõi thêm một thời gian để đưa vào danh mục đầu tư.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Phần 7: Ngành Vận tải & Kho bãi – Khuyến nghị đầu tư: VSC, TCL (14/03/2010)

>   Phần 6: Ngành Thủy sản – Khuyến nghị đầu tư: ABT, MPC (12/03/2010)

>   Phần 5: Ngành Cao su thiên nhiên – Khuyến nghị đầu tư: DPR, TRC (05/03/2010)

>   Phần 4: Ngành Dược - Khuyến nghị đầu tư DVD (04/03/2010)

>   Kinh tế vĩ mô Tháng 02/2010 – Chuyên đề: Lãi suất cơ bản (26/02/2010)

>   Phần 3: Ngân hàng - Khuyến nghị MUA đối với ACB và STB (16/02/2010)

>   Phần 2: Kinh tế Việt Nam - Triển vọng và rủi ro (15/02/2010)

>   Phần 1: Kinh tế thế giới - Triển vọng và rủi ro (13/02/2010)

>   Chứng khoán chờ đợi để “nở rộ” sau Tết? (04/02/2010)

>   Techcombank: Báo cáo phân tích (28/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật