Chủ Nhật, 25/04/2010 13:05

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ từ 5-10 ngày so với VietstockTrader

Triển vọng kinh tế vĩ mô Quý 2/2010

(Vietstock) – Những phân tích của chúng tôi cho thấy kinh tế Việt Nam trong quý 2 và năm 2010 sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Tuy vậy, chúng tôi không kỳ vọng những yếu kém như thâm hụt tài khoản vãng lai, thâm hụt ngân sách và chất lượng tăng trưởng sẽ cải thiện ngay trong năm nay.

TÓM TẮT NHẬN ĐỊNH

Dự báo CPI tháng của quý 2/2010 tăng trung bình từ 0.3 – 0.4%, cả năm 2010 tăng từ 8 – 9%. Chúng tôi giữ nguyên quan điểm trước đây và cho rằng CPI tháng của quý 2/2010 sẽ tăng trung bình 0.3 – 0.4% so với tháng trước. CPI năm 2010 chỉ dao động quanh mức 8 – 9%, nhờ tăng trưởng tín dụng được kiểm soát và cầu tiêu dùng chưa tăng mạnh trở lại sau khủng hoảng. Tuy vậy, cần lưu ý rằng mức tăng trên 8% là không hề nhỏ so với trung bình của hơn 10 năm trở lại đây.

Có cơ sở để nới lỏng chính sách tiền tệ. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm xuống còn 13 – 14%. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá thấp trong quý 1, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong những tháng sắp tới sẽ được cải thiện đáng kể. Hiện nay, lãi suất cho vay thỏa thuận đang quanh mức 15%, giảm 1 – 2% so với trung bình quý 1. Nguồn vốn khả dụng trong hệ thống đã khá dồi dào trở lại và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm. Chúng tôi cho rằng xu hướng giảm này tiếp tục duy trì trong những tháng sắp tới, và vào cuối quý 2 lãi suất thị trường sẽ dao động quanh mức 13 – 14%. Tuy vậy, NHNN vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát nên tăng trưởng tín dụng và cung tiền sẽ được kiểm soát một cách thận trọng.

Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhưng chất lượng chưa được cải thiện và khu vực ngoài nhà nước vẫn còn khó khăn. Tăng trưởng GDP trong quý 1 chỉ đạt 5.83%, do tính chu kỳ và hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trước biến động lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện trong những tháng sắp tới và có thể đạt mục tiêu 6.5% trong năm nay. Cơ sở cho dự báo này chính là sự phục hồi khá mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ, với sự hỗ trợ của lãi suất đang có xu hướng giảm. Mặc dù vậy, tỷ lệ đầu tư dự kiến khoảng 40% GDP, hệ số ICOR của năm 2010 hơn 6 lần, cho thấy hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa được cải thiện. Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu mở rộng trở lại sau giai đoạn đình trệ. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách và rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức cao theo sau việc kích thích kinh tế, không phải là không đáng quan tâm.

Thâm hụt thương mại dự kiến vẫn khá cao, nhưng chưa đáng lo ngại. Kim ngạch xuất khẩu quý 1 đạt 14 tỷ USD, giảm 3.6%, và nhập khẩu đạt 17.6 tỷ USD tăng 37.6% so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt thương mại quý 1 là 3.5 tỷ USD, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu. Nếu loại bỏ hơn 1 tỷ USD xuất khẩu vàng tăng đột biến vào quý 1/2009 thì xuất khẩu quý 1/2010 vẫn tăng 8.7%. Chúng tôi cho rằng mức nhập siêu này chưa đáng lo ngại quá mức, nhờ được bù đắp bởi nguồn vốn nước ngoài và kiều hối. Tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu trong quý 1/2010 đứng ở mức khá cao, nhưng cũng chỉ tương đương với những năm trước đó. Ngoài ra, cơ cấu mặt hàng nhập khẩu phần lớn là nguyên liệu thô sử dụng cho chế biến và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Chúng tôi dự báo nhập siêu trong năm nay sẽ đạt khoảng 13.2 tỷ USD, bằng 20.5% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 14.3% GDP.

Tỷ giá không có nhiều biến động, khối ngoại sẽ tích cực giải ngân hơn trên TTCK. Với thực tế thặng dư cán cân thanh toán và việc điều chỉnh tỷ giá về mức thị trường như vừa qua, chúng tôi cho rằng tỷ giá USD/VND trong năm 2010 sẽ khá ổn định. Chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ kết thúc năm 2010 ở quanh mức 19,300 – 19,500 VND/USD. Với tỷ giá ổn định, chúng tôi tin rằng khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực giải ngân hơn trong năm 2010.

1. Bối cảnh kinh tế thế giới

Trong quý 1/2010, kinh tế thế giới tiếp tục thể hiện được đà phục hồi. Ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, các chỉ số vĩ mô đã được cải thiện đáng kể, thị trường chứng khoán cũng đã có những bước hồi phục mạnh mẽ.

Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2010 duy trì ở mức 9.7%. Thất nghiệp của Nhật Bản trong hai tháng đầu năm 2010 cũng giảm xuống còn 4.9%, từ mức 5.2% của tháng 12/2009. Tại châu Âu tỷ lệ thất nghiệp tháng 2/2010 vẫn đứng ở mức khá cao 10%. Tăng trưởng GDP quý 4/2009 của Mỹ đạt đến 5.6%, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua. Trong khi đó, GDP Trung Quốc quý 1/2010 cũng tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, ở mức 11.9%. GDP quý 4/2009 của Nhật Bản tăng 3.8% từ mức giảm 0.6% của quý 3/2009. Khu vực Eurozone về cơ bản đã chặn được đà suy thoái.

Trên đường phục hồi sau suy thoái, kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục đón nhận những tin tức không lạc quan. Khủng hoảng nợ Hy Lạp đã dịu lại phần nào sau khi có cam kết cứu trợ từ EU và IMF, dù các rủi ro cơ bản của nền kinh tế nước này chưa được giải quyết. Sự phát triển quá nóng của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về sự mất cân đối trong phát triển toàn cầu. Bên cạnh đó, với hệ quả của việc kích thích kinh tế, hầu hết các quốc gia cũng đang phải đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng trầm trọng.

2. Lạm phát quý 1 ở mức cao, nhưng cả năm có thể kiểm soát dưới 10%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2010 tăng 0.75%, tính chung 3 tháng đầu năm tăng 4.12% và so với cùng kỳ năm 2009 tăng 9.46%. Mức tăng của CPI cao trong tháng 3 hoàn toàn không bất ngờ, nhưng đã không thể làm giảm lo ngại về nguy cơ lạm phát trong năm 2010.

Nguyên nhân của việc CPI gia tăng khá mạnh trong quý 1 là do cộng hưởng của một loạt yếu tố. Về nguyên nhân tiền tệ, mức tăng trưởng tín dụng 37.74% trong năm 2009 đã gây sức ép mạnh mẽ lên lạm phát cho những tháng đầu năm 2010. Quý 1 cũng là thời gian nhiều loại hàng hóa đồng loạt điều chỉnh tăng giá như điện, nước, xăng dầu… Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá cộng với tăng giá của hàng hóa trên thế giới cũng đã tác động mạnh đến giá hàng nhập khẩu. Tính chu kỳ cũng có ảnh hưởng đáng kể, vì trong những tháng Tết âm lịch CPI thường tăng mạnh hơn so với khoảng thời gian khác trong năm.

Trong tháng 4 và 5, CPI tiếp tục chịu sức ép do độ trễ của tăng cung tiền và giá cả hàng hóa thế giới gia tăng. Ngoài ra, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng quanh ngưỡng 90 USD/thùng thì giá xăng dầu trong nước có khả năng tiếp tục điều chỉnh, và sẽ tác động lên CPI tháng 4 và 5.

Chúng tôi cho rằng nguy cơ về lạm phát cao trong năm 2010 vẫn còn hiện diện, nhưng khó xảy ra đợt bùng nổ lạm phát. Với tình trạng kinh tế trong nước chưa thực sự phục hồi, nhu cầu tiêu dùng khó tăng mạnh trở lại trong ngắn hạn. Giá cả hàng hóa thế giới hiện nay cũng đã đạt mức khá cao, và khó tiếp tục tăng mạnh thêm nữa. Trên thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất vẫn đang khá cao, và NHNN đang kiểm soát cung tiền một cách chặt chẽ. Điều này khiến chúng tôi tin rằng sức ép lạm phát do tiền tệ không còn quá mạnh trong những tháng sắp tới. Mô hình dự báo lạm phát của chúng tôi cho thấy CPI tháng 4 có thể tăng 0.34% so với tháng 3, và mức tăng CPI tháng trung bình của quý 2 chỉ vào khoảng 0.3 – 0.4%.

3. Thị trường tiền tệ có nhiều chuyển biến tích cực

Thị trường tiền tệ trong quý 1 có khá nhiều biến động, lãi suất trên thị trường được đẩy lên rất cao, trong khi tăng trưởng tín dụng khá thấp. Ngoài ra, NHNN cũng thông qua các quyết định quan trọng như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và bỏ trần lãi suất đối với những khoản vay trung và dài hạn. Trong những ngày đầu tháng 4, NHNN đã tiếp tục bỏ trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn và lãi suất huy động. NHNN đang thực hiện một loạt các nỗ lực để hạ mặt bằng lãi suất thị trường, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Tăng trưởng tín dụng quý 1 thấp giúp có cơ sở để nới lỏng chính sách tiền tệ. Năm 2009, tăng trưởng tín dụng lên tới 37.74%, tăng trưởng cung tiền M2 đạt 28.4%. Để giảm sức ép lạm phát tiền tệ trong năm 2010, NHNN đã khá mạnh tay trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Tiền cung ứng ròng qua thị trường mở trong 3 tháng đầu năm 2010 liên tục âm. Trên thị trường xuất hiện tình trạng căng thẳng thanh khoản, lãi suất huy động hầu hết vượt mức trần 10.5%, lãi suất cho vay cũng phổ biến quanh mức 16-18%.

Lãi suất cao khiến cho hoạt động của không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn và ngân hàng cũng thận trọng trong việc giải ngân tín dụng. Tăng trưởng tín dụng trong quý 1 chỉ đạt 2.95% (bằng 11.8% kế hoạch năm). Trong đó tăng trưởng VND chỉ đạt 0.57%, bằng ngoại tệ đạt 14.07%. Tín dụng bằng VND tăng chậm do lãi suất cho vay quá cao. Tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao do lãi vay bằng ngoại tệ thấp hơn nhiều so với đồng nội tệ và tỷ giá trên thị trường khá ổn định.

Với mức tăng trưởng tín dụng thấp trong quý 1, đặc biệt là tín dụng nội tệ, NHNN sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng tăng trưởng tín dụng trong những tháng sắp tới. Tuy vậy, NHNN sẽ thận trọng với các chính sách tiền tệ để phòng chống nguy cơ lạm phát. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2010 nằm trong khoảng 23-25% sẽ đủ để kích thích tăng trưởng kinh tế mà không tác động quá mạnh lên lạm phát.

Thị trường liên ngân hàng bớt căng thẳng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng là một chỉ báo quan trọng cho xu hướng lãi suất trong nền kinh tế. Lãi suất qua đêm giảm xuống còn quanh mức 7% trong tháng 3, lãi suất các kỳ hạn dài hơn quanh mức 10%. Mức lãi suất này vẫn còn cao nhưng đã giảm khá mạnh so với thời điểm đầu năm.

Thông tin từ phía ngân hàng cho biết nguồn vốn khả dụng đã khá dồi dào trở lại và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm. Đây là những cơ sở cho thấy căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã được giải tỏa và là cơ sở cho việc giảm dần mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm xuống còn 13-14%. Chính phủ đã có chủ trương hạ mặt bằng lãi suất để giảm sức ép lên nền kinh tế. Hiện tại NHNN đang áp dụng lãi suất tái chiết khấu 6%, lãi suất tái cấp vốn 8%, khá thấp so với lãi suất huy động của các ngân hàng. Như vậy, nếu NHNN cung vốn mạnh qua thị trường này thì mặt bằng lãi suất sẽ nhanh chóng giảm xuống.

Từ cuối tháng 3 đến nay NHNN tăng hỗ trợ vốn cho hệ thống ngân hàng qua thị trường mở. Trong tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4, số tiền bơm vào thị trường này mỗi ngày khoảng 7,000 tỷ đồng. Trong tuần từ 05 – 09/4, tổng số tiền bơm vào nền kinh tế qua thị trường mở là 22.5 nghìn tỷ đồng. Việc bơm tiền qua thị trường mở của NHNN đã tác động tích cực đến thị trường tiền tệ.

Ngoài ra, việc bỏ trần lãi suất cũng có tác dụng tích cực trong việc hạ mặt bằng lãi suất. Yếu tố cung cầu trên thị trường sẽ khiến lãi suất trên thị trường tiến về ngưỡng cân bằng, và có thể thấp hơn mức lãi suất hiện tại. Sự minh bạch trên thị trường tiền tệ khiến ngân hàng dễ huy động vốn và giúp nguồn cung trở nên dồi dào. Chúng tôi cho rằng với lạm phát khoảng 9% trong năm nay thì lãi suất cho vay hợp lý trên thị trường sẽ quanh mức 13% – 14%.

4. Tăng trưởng GDP năm 2010 có thể đạt mục tiêu 6.5%, nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn thấp

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2010 đạt 362,895 tỷ đồng tính theo giá hiện hành và 103,672 tỷ đồng theo giá năm 1994. Tăng trưởng GDP đạt 5.83% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng của 2 quý trước đó.

Đáng lưu ý là tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt 3.45%, là mức tăng trưởng khá mạnh so với những quý trước đó. Trong khi đó tăng trưởng khu vực công nghiệp đột ngột giảm mạnh so với quý 4/2009. Nguyên nhân có thể là do kỳ nghỉ Tết âm lịch năm nay kéo dài hơn thường lệ và việc lãi suất gia tăng đã khiến sản xuất công nghiệp bị thu hẹp. Thêm vào đó, công nghiệp khai thác mỏ trong quý 1/2010 hầu như không tăng trưởng.

Tỷ lệ Đầu tư/GDP tiếp tục ở mức cao và chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện. Tỷ lệ đầu tư trong quý 1 lên đến 40.45% GDP, tương ứng hệ số ICOR 6.94 lần. ICOR cao cho thấy bản chất của tăng trưởng trong quý 1 vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư. Vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm 48.2%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 19.3%, và khu vực vốn đầu tư nước ngoài chiếm 32.5%. Khu vực nhà nước có mức tăng trưởng vốn đầu tư nhanh hơn 2 khu vực còn lại. Cơ cấu vốn đầu tư cho thấy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bị co hẹp khá mạnh, chứng tỏ nền kinh tế vẫn đang còn khá khó khăn trên con đường phục hồi. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách và rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức cao theo sau việc kích thích kinh tế, không phải là không đáng quan tâm.

Như vậy, tăng trưởng GDP quý 1 thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 6.5% trong năm nay. Nguyên nhân một phần do tính chu kỳ, vì trong quá khứ tăng trưởng quý 1 thông thường thấp hơn những quý còn lại. Ngoài ra, quý 1 cũng là giai đoạn khá khó khăn của doanh nghiệp khi lãi suất đi vay ở mức cao, tỷ giá và lạm phát có nhiều biến động.

Đánh giá triển vọng trong quý 2, chúng tôi cho rằng với chính sách hạ dần mặt bằng lãi suất được thực thi, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục được cải thiện và hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6.5% trong năm 2010.

5. Sản xuất công nghiệp là động lực cho tăng trưởng năm 2010

Sản xuất công nghiệp quý 1 tăng 13.6%, cao hơn khá nhiều so với mức 7.6% của năm 2009. Khu vực ngoài nhà nước tăng 14.6%, khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 16.4%, khu vực nhà nước tăng 7%. Theo từng loại hàng hóa, khai thác dầu mỏ giảm 14.5%, còn các mặt hàng khác tăng khá mạnh. Các mặt hàng như kính, lốp ô tô, điều hòa nhiệt độ, sản xuất ô tô, xe máy tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp này vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với trung bình trong giai đoạn từ năm 2008 về trước, nhưng lại khá cao so với năm 2009. Chúng tôi vẫn cho rằng tăng trưởng sản xuất công nghiệp sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2010.

6. Thâm hụt thương mại cao, nhưng không đáng lo ngại

Xuất khẩu vẫn tăng 8.7% nếu loại vàng khỏi danh mục. Quý 1/2010, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14 tỷ USD, giảm 1.6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm đến 25%, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, không tính dầu thô, tăng đến 40.5% (nếu tính cả dầu thô tăng 8.6%).

Nếu loại bỏ hơn 1 tỷ USD do xuất khẩu vàng tăng đột biến vào quý 1/2009 thì xuất khẩu quý 1/2010 vẫn tăng 8.7%. Nếu loại trừ hai yếu tố vàng và yếu tố tăng giá trên thị trường thế giới thì xuất khẩu hàng hóa quý 1/2010 tăng 3.8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo cơ cấu mặt hàng, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: dệt may đạt 2.2 tỷ USD, tăng 12.3%; giày dép đạt 1 tỷ USD, tăng 10.1%; thủy sản đạt 861 triệu USD, tăng 14.5%; điện tử máy tính đạt 703 triệu USD, tăng 40.7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 716 triệu USD, tăng 26.3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 630 triệu USD, tăng 66.5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 425 triệu USD, tăng 151.7%. Tuy nhiên, có một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm so với cùng kỳ cả về lượng và giá trị như: Gạo đạt 677 triệu USD, giảm 30.7% về lượng và giảm 16.8% về giá trị; cà phê đạt 461 triệu USD, giảm 25.3% về lượng và giảm 31% về giá trị.

Dầu thô luôn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và kim ngạch trong quý 1 đạt 1.3 tỷ USD, giảm 6%, về lượng giảm 49.3%. Năm 2010, dự kiến xuất khẩu dầu thô sẽ giảm đi đáng kể khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động.

Nhập khẩu tăng mạnh. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý 1/2010 ước tính đạt 17.5 tỷ USD, tăng 37.6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì kim ngạch nhập khẩu quý 1/2010 tăng 16.6% so với cùng kỳ năm 2009. Nhập khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7.1 tỷ USD, tăng 53.1%; khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 10.4 tỷ USD, tăng 28.7%.

Xét theo mặt hàng, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng quý 1 đạt 2.8 tỷ USD, tăng 10.8%; xăng dầu đạt 1.6 tỷ USD tăng 33.2%; sắt thép đạt 1 tỷ USD, tăng 26%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 1 tỷ USD, tăng 53.1%; vải đạt 955 triệu USD, tăng 13.2%; chất dẻo đạt 758 triệu USD, tăng 53%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 623 triệu USD, tăng 136.9%; ôtô đạt 582 triệu USD, tăng 66% (trong đó ôtô nguyên chiếc đạt 149 triệu USD, giảm 3%); nguyên phụ liệu dệt may giày dép đạt 483 triệu USD, tăng 21.6%.

Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu quý 1/2010 không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2009. Nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 88.8%, nhóm hàng tiêu dùng chiếm 9.9%, vàng chiếm 1.3%.

Thâm hụt thương mại chưa thực sự đáng lo ngại. Quý 1/2010, nhập siêu đạt 3.5 tỷ USD, tương đương 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, bằng 18.42% GDP quý 1. Tỷ lệ nhập siêu này rõ ràng là quá cao và vượt xa mục tiêu là khoảng 20% xuất khẩu trong năm nay. Tình trạng nhập siêu ở mức cao này làm dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến vấn đề ổn định tỷ giá và nền kinh tế vĩ mô.

Trong những năm gần đây thâm hụt thương mại của Việt Nam luôn ở mức rất cao, đỉnh điểm năm 2008 lên tới 18.3 tỷ USD. Nhập siêu/xuất khẩu cũng luôn duy trì ở một tỷ lệ khá cao trong suốt giai đoạn 2007 – 2009, cụ thể là 29.08% (năm 2007), 27.84% (năm 2008) và 21.65% (năm 2009).

Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp để đưa thâm hụt thương mại xuống dưới 20% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Chủ trương hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ gần như không có nhiều tác dụng, khi hàng tiêu dùng chỉ chiếm 9.9% trong rổ hàng hóa nhập khẩu. Thương mại của Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI, FPI và ODA). Với việc dòng vốn nước ngoài chiếm đến 1/3 tổng đầu tư trong nền kinh tế thì trước mắt chúng ta dường như phải chấp nhận nhập siêu như một điều tất yếu.

Tuy vậy, chúng tôi cho rằng mức nhập siêu cao này chưa đáng lo ngại quá mức. Tỷ lệ nhập siêu trong quý 1/2010 đứng ở mức khá cao, nhưng cũng chỉ tương đương với những năm trước đó. Ngoài ra, xét về cơ cấu thì phần lớn mặt hàng nhập khẩu là nguyên liệu thô sử dụng cho chế biến và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Chúng tôi dự báo nhập siêu trong năm nay sẽ đạt khoảng 13.2 tỷ USD, bằng 20.5% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 14.3% GDP.

7. Vấn đề tỷ giá không còn quá căng thẳng. Dự báo USD/VND ở quanh mức 19,300 – 19,500 trong năm 2010

Sau hai lần điều chỉnh, tỷ giá USD/VND thị trường hiện đang giao dịch quanh mức 19,000 VND/USD, thấp hơn nhiều so với mức 20,000 VND/USD vào một số thời điểm trước đây. Hiện nay, USD/VND tiếp tục xu hướng giảm và đang được giao dịch dưới mức trần theo quy định của NHNN.

Năm 2009, NHNN thực hiện nhiều biện pháp để giữ giá tiền đồng (dù cuối cùng tiền giá trị tiền đồng vẫn bị điều chỉnh giảm hơn 10%). Các biện pháp can thiệp này đã làm cho dự trữ ngoại tệ giảm đi đáng kể.

Theo ước tính của NHNN, thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2010 lên tới 6.6 tỷ USD. Tuy nhiên khoản sai số trong ước tính này có thể lên tới 9.4 tỷ USD. Điều này chứng tỏ một lượng ngoại tệ khá lớn không tính toán được vẫn đang trôi nổi trong nền kinh tế hoặc chuyển ra nước ngoài bằng các con đường không chính thức. Một số ước tính cho thấy lượng ngoại tệ cất giữ của người dân và các doanh nghiệp hiện nay khoảng hơn 9 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại quý 1 lên đến 3.5 tỷ USD đã không tác động quá tiêu cực lên tỷ giá USD/VND. Mặc dù vậy, sức ép giảm giá tiền đồng vẫn luôn hiện hữu, xuất phát từ thực tế thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai và lạm phát trong nước vẫn còn cao.

Năm 2010, dự kiến thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vào khoảng 13 -14 tỷ USD. Mức thâm hụt này được bù đắp bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài ròng khoảng 12-13 tỷ USD (FDI, ODA, FPI, và vay thương mại) và kiều hối khoảng 8 tỷ USD. Dự đoán cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2010 thặng dư 3-4 tỷ USD.

Với các chuỗi số liệu nghiên cứu trong những năm gần đây, chúng tôi cho rằng những giả định trên là có cơ sở. Với thực tế thặng dư cán cân thanh toán và việc điều chỉnh tỷ giá về mức thị trường như vừa qua, tỷ giá USD/VND trong năm 2010 sẽ khá ổn định. Chúng tôi dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ kết thúc năm 2010 ở quanh mức 19,300 – 19,500 VND/USD.

Với dự đoán này, chúng tôi tin rằng khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực giải ngân hơn trong năm 2010. Điều này là rất đáng lưu ý khi các dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn đang đổ vào TTCK Việt Nam.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   VNM – Báo cáo phân tích: Khuyến nghị MUA (21/04/2010)

>   Tháng 4: Mua khi nhiều tin xấu đã ở cuối chu kỳ (07/04/2010)

>   PGD – Báo cáo phân tích cập nhật: Khuyến nghị GIỮ  (06/04/2010)

>   Phần II: Dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2010 (22/03/2010)

>   Kinh tế Vĩ mô: Lạm phát trong năm 2010 có đáng lo ngại? (19/03/2010)

>   Phần 9: Ngành Tôn Thép – Khuyến nghị đầu tư: HPG, HSG (23/03/2010)

>   Phần 8: Ngành Nhựa xây dựng – Khuyến nghị đầu tư: NTP (20/03/2010)

>   Phần 7: Ngành Vận tải & Kho bãi – Khuyến nghị đầu tư: VSC, TCL (14/03/2010)

>   Phần 6: Ngành Thủy sản – Khuyến nghị đầu tư: ABT, MPC (12/03/2010)

>   Phần 5: Ngành Cao su thiên nhiên – Khuyến nghị đầu tư: DPR, TRC (05/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật