Thứ Năm, 03/06/2010 07:58

IFS: Khuyến nghị đầu tư

CTCP THỰC PHẨM QUỐC TẾ

Mã chứng khoán HOSE: IFS.  Ngành: Thực phẩm – Đồ uống – Thuốc lá

Dây chuyền sản xuất nước uống mang thương hiệu Wonderfarm của IFS.

(Vietstock) – Chúng tôi cho rằng thị giá cổ phiếu IFS chưa phản ánh hết các thông tin và tiềm năng của doanh nghiệp, và khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này. Mô hình định giá của chúng tôi cho thấy giá mục tiêu của IFS trong 6 tháng hoàn toàn có thể đạt được mức 17,000 đồng/cp, cao hơn 40% so với giá giao dịch ngày 31/05/2010.

Download báo cáo phân tích IFS

Với mức giá mục tiêu 17,000 đồng/cp, P/E và P/B cho năm 2010 chỉ ở mức 5.3x và 2.1x. Trong trường hợp tích cực, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu IFS rất có thể sẽ giao dịch cao hơn nhiều so với mức giá mục tiêu này. Nếu tính trên giá thị trường ngày 31/05/2010 là 12,100 đồng/cp, P/E và P/B forward cho năm 2010 ở mức rất thấp, tương ứng là 3.8x và 1.5x.  

Chúng tôi nhận thấy các yếu tố làm xấu đi kết quả kinh doanh trong năm 2008 và 2009 đã được loại trừ. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi của IFS vẫn đang được duy trì tích cực, với sự hỗ trợ mạnh của thương hiệu đầu ngành trong phân khúc nước trái cây đóng lon. Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2010 của IFS có thể đạt 92.6 tỷ đồng, tương ứng EPS là 3,180 đồng/cp.

Đáng lưu ý thêm, kết quả kinh doanh 2009 công bố là số liệu chưa được kiểm toán. Kết quả sau kiểm toán có thể chuyển sang lỗ, nếu việc đánh giá lại tài sản sau di dời có phát sinh tổn thất. Một khi điều này xảy ra, giá cổ phiếu có thể sẽ bị tác động tiêu cực. Tuy vậy, với triển vọng kết quả kinh doanh 2010 khả quan, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ

Hoạt động kinh doanh cốt lõi có lợi thế cạnh tranh cao. Ước tính LNST năm 2010 đạt 92.6 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh cốt lõi là đồ uống và bánh kẹo có mức độ ổn định cao, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. IFS duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 15-25% trong suốt những năm qua, trong năm 2008 là hơn 18%. Ngoại trừ năm 2008 biến động bất thường, tỷ suất lợi nhuận gộp thường được công ty duy trì trên mức 20%. Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2010 của IFS có thể đạt lần lượt 1,147 tỷ đồng và 92.6 tỷ đồng, tương ứng EPS năm 2010 là 3,180 đồng/cp.

Các yếu tố làm xấu kết quả kinh doanh trong năm 2008 và 2009 đã được loại trừ. Việc tái cấu trúc lại cơ cấu nợ vay sẽ giúp IFS cắt giảm khá mạnh chi phí lãi vay trong năm 2010. Với dự báo tỷ giá không có nhiều biến động trong năm 2010, IFS có nhiều thuận lợi khi tiến hành vay bằng USD, với lãi suất khá thấp, dao động từ 6-7%. Trong khi đó các khoản vay bằng VND của IFS cũng chỉ ở mức lãi suất quanh 12%. Chúng tôi ước tính chi phí lãi vay năm 2010 chỉ còn khoảng 20 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2009. Ngoài ra, việc phát sinh các khoản lỗ từ hoạt động đầu tư cũng sẽ không còn trong năm 2010.

Giá nguyên vật liệu và tỷ giá ổn định hơn trong năm 2010. Chúng tôi cho rằng IFS sẽ vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Các loại nguyên vật liệu như nhôm, đường, và các chi phí lãi vay và tỷ giá đã ổn định hơn so với giai đoạn khủng hoảng nên tỷ suất sinh lời của IFS sẽ cải thiện trong các năm tới.

Thị hiếu chuyển sang ưa chuộng đồ uống truyền thống, xuất xứ từ thiên nhiên. Tiềm năng của thị trường nước giải khát Việt Nam rất lớn. Xu hướng thị trường  đang chuyển dần sang các loại đồ uống truyền thống và có xuất xứ từ thiên nhiên, khi phân khúc này đang có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. IFS với vị thế doanh nghiệp dẫn đầu trong phân khúc nước trái cây đóng lon, sẽ được hưởng lợi khá nhiều từ xu hướng thị trường này. Với một lực lượng dân số trẻ và thu nhập dần được cải thiện, chi tiêu dành cho thực phẩm và đồ uống sẽ có cơ hội gia tăng mạnh. Ngành nước giải khát Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng từ 10-15%/năm trong thời gian tới. 

RỦI RO ĐẦU TƯ

Năm 2009 có thể tiếp tục lỗ do đánh giá lại tài sản. Kết quả kinh doanh năm 2009 sử dụng trong báo cáo này được dựa trên Báo cáo Tài chính năm 2009 chưa được kiểm toán. Trong năm 2009, IFS đã tiến hành di dời trụ sở chính và nhà máy từ Biên Hòa về KCN Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai. Việc di dời nhà máy này có thể sẽ phát sinh những khoản chi phí và tổn thất nhất định cho IFS khi đánh giá lại tài sản. Không loại trừ khả năng việc đánh giá lại này sẽ làm kết quả kinh doanh năm 2009 từ lãi (380 triệu đồng) chuyển sang lỗ, sau khi được kiểm toán.

Có thể gặp bất lợi về chi phí đóng gói bao bì sau khi thoái vốn khỏi Crown Đồng Nai. IFS hiện là công ty bao tiêu sản phẩm vỏ lon cho Crown Đồng Nai. Tuy vậy, lợi thế trong việc đàm phán về giá cả sẽ giảm đi ít nhiều trong tương lai, sau khi IFS đã thoái vốn hoàn toàn khỏi công ty này.

Áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt, trong khi nhận dạng thương hiệu Wonderfarm chưa cao. Ngành sản xuất thực phẩm đồ uống có tỷ suất sinh lời khá cao nên thu hút nhiều nhà sản xuất tham gia. Mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự thâm nhập của nhiều nhãn hàng mới, và nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh cho việc quảng bá, marketing. Trong khi đó, mức độ nhận dạng thương hiệu Wonderfarm là chưa cao, và IFS cũng chưa có những chiến dịch marketing bài bản.

Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư và áp lực nguồn vốn lưu động. Quy mô hoạt động của IFS chỉ ở mức trung bình và vẫn đang tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn vốn của IFS vẫn còn khá hạn hẹp để xúc tiến đầu tư các dự án. Dòng tiền không tích cực trong những năm vừa qua cũng khiến IFS chịu áp lực duy trì nguồn vốn lưu động để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, do vừa phải tái cấu trúc các khoản vay trong năm 2008 và 2009, IFS gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản nợ vay ngân hàng.

Rủi ro biến động tỷ giá và lãi suất. IFS đang sử dụng khá nhiều vốn ngoại sinh, chủ yếu là USD, nhằm phục vụ cho nhu cầu vốn lưu động. Do đó, biến động tỷ giá và lãi vay có tác động khá lớn lên khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Rủi ro về cơ cấu cổ đông. Hiện tại cổ đông sáng lập và Hội đồng Quản trị đang nắm giữ đến hơn 80% lượng cổ phiếu lưu hành của IFS. Số lượng cổ phiếu niêm yết và tự do chuyển nhượng ít có thể tạo ra rủi ro về quyền kiểm soát doanh nghiệp và biến động giá cổ phiếu.

TỔNG QUAN VỀ CÔNG TY

Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc Tế (IFS) tiền thân là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập vào năm 1991. Từ năm 2005, IFS được chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào năm 2006. IFS là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hoạt động sản xuất kinh doanh chính hiện tại của IFS bao gồm: chế biến các loại nước trái cây, nước uống đóng chai, sản xuất các loại bánh kẹo, các sản phẩm chế biến từ nông sản.

Quá trình hình thành và phát triển của IFS: 

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH

Sản phẩm của IFS được chia thành hai nhóm sản phẩm chính: đồ uống và bánh kẹo.

Nước uống trái cây với thương hiệu chính Wonderfarm. Nhóm sản phẩm đồ uống bao gồm các loại nước giải khát, trong đó sản phẩm chủ lực là nước uống trái cây có nguồn gốc thiên nhiên với thương hiệu khá phổ biến như Wonderfarm, Tops... Doanh thu từ đồ uống chiếm 93.8% trong doanh thu năm 2009 của công ty. Áp lực từ các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp như nước bí đao của Sagiko hay nước yến của Dona New Tower là không đáng kể. Dù vậy, IFS chịu cạnh tranh đáng kể từ các sản phẩm thay thế như Trà xanh Không độ của Tân Hiệp Phát, Trà xanh C2 của URC...

Bánh kẹo chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh thu. Nhóm sản phẩm bánh kẹo bao gồm các dòng bánh biscuit, bánh xốp với các thương hiệu Okayo, Wdf,… chỉ đóng góp 2.2% trong tổng doanh thu 2009. Sản phẩm bánh kẹo của IFS chịu áp lực cạnh tranh từ các công ty thực phẩm có thương hiệu phổ biến tại Việt Nam như Kinh Đô (HoSE: KDC), Bibica (HoSE: BBC)…IFS có thể sản xuất tối đa 556,800 kg bánh kẹo/tháng với 7 dây chuyền sản xuất.

Cơ cấu doanh thu theo sản phẩm

Cơ cấu doanh thu theo thị trường

Nguồn: IFS, VietstockFinance

Nguồn: IFS, VietstockFinance

Doanh thu chủ yếu từ nội địa, với 3 kênh phân phối: “Siêu thị/Mua đứt bán đoạn”, “Bán hàng đặc biệt” và “Hệ thống máy bán hàng tự động”. Sản phẩm của IFS chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường nội địa với 96.3% trong tổng doanh thu. Doanh thu hoạt động xuất khẩu chỉ chiếm 3.7% với thị trường chủ yếu là các nước Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ…, và tập trung vào cộng đồng người Hoa. Đây là nguồn cung ngoại tệ khá ổn định, giúp cân bằng cho các chi phí nhập khẩu.

IFS phân phối các sản phẩm qua 3 kênh chủ yếu là “Siêu thị/Mua đứt bán đoạn”, “Bán hàng đặc biệt” và “Hệ thống máy bán hàng tự động”, với hơn 110,000 địa điểm bán lẻ trên toàn quốc. IFS duy trì nhà phân phối rộng khắp các tỉnh thành và hỗ trợ chi phí vận chuyển đối với hình thức “Mua đứt bán đoạn”. Trong khi đó, hình thức “Bán hàng đặc biệt” chủ yếu phục vụ trong các căng tin, cảng hàng không và bán hàng qua “Hệ thống bán hàng tự động” có mục đích để quảng bá sản phẩm.

Chi phí bao bì sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong giá vốn. Chi phí đóng gói bao bì (vỏ lon) chiếm 60% trong tổng chi phí nguyên vật liệu. Giá vỏ lon chủ yếu chịu tác động bởi giá nhôm nhập khẩu. Trong năm 2008 giá nhôm tăng mạnh khiến cho chi phí bao bì và theo đó giá vốn tăng vọt, lợi nhuận gộp của IFS sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 9.8%.

Chi phí đường chiếm khoảng 6% trong tổng chi phí nguyên vật liệu. IFS có thể chủ động nhập khẩu đường nhờ vào quota hằng năm và do đó, không chịu nhiều ảnh hưởng do biến động giá đường trong thời gian qua.

Ngoài ra, chi phí cho nguồn trái cây chiếm tỷ trọng khoảng 20% giá vốn. Loại nguyên vật liệu này chủ yếu được mua từ trong nước với nguồn cung cấp ổn định nên mức biến động không lớn lắm.

Cơ cấu giá vốn

Nguồn: IFS, VietstockFinance

Thu được lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng khi chuyển nhượng 20% vốn còn lại tại Crown Đồng Nai. IFS có thể mất lợi thế chủ động nguồn bao bì đóng gói. Trong năm 2009, IFS bán 70% vốn cổ phần đầu tư ở CTCP Bao bì Thực phẩm Quốc tế (nay là Crown Đồng Nai) với số tiền thu được trị giá 4.7 triệu USD. Khoản lỗ 2.3 triệu USD so với vốn góp ban đầu được IFS ghi nhận vào quý 2/2009.

Trong tháng 4/2010, IFS đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông để tiếp tục nhượng bán toàn bộ 20% lợi ích đầu tư còn lại tại Crown Đồng Nai cho Crown Packaging Investment Pte. Ltd. Theo IFS, giá trị chuyển nhượng phần vốn này tương đương 3.3 triệu USD sẽ đạt thặng dư 10%, tức 330,000 USD (hơn 6 tỷ đồng) và được ghi nhận vào kết quả kinh doanh 2010.

Với thực tế chi phí đóng gói bao bì chiếm tỷ lệ lớn trong giá vốn hàng bán, việc thoái vốn hoàn toàn khỏi Crown Đồng Nai có thể làm IFS gặp bất lợi nhất định. Chúng tôi hiểu rằng, IFS hiện là công ty bao tiêu sản phẩm vỏ lon cho Crown Đồng Nai. Tuy vậy, lợi thế trong việc đàm phán về giá cả sẽ giảm đi ít nhiều trong tương lai, và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của IFS.

Thương hiệu Wonderfarm dẫn đầu trong phân khúc nước trái cây đóng lon. Thống kê của Euromonitor cho thấy thị phần năm 2008 của IFS chiếm 5.4% trong ngành hàng nước giải khát, trong đó nhãn hàng chiếm 4.2% thị phần, đứng thứ 7 trong ngành hàng. Nhìn chung, thị phần của IFS vẫn đứng ở khoảng cách khá xa so với hai hãng dẫn đầu thị trường là PepsiCo (17.4%) và Coca-Cola (12.5%).

Tuy vậy, IFS lại đang dẫn đầu về thị phần nước trái cây đóng lon. IFS có lợi thế cạnh tranh mạnh trong phân khúc này nhờ sản phẩm có yếu tố dinh dưỡng tự nhiên, hợp khẩu vị người tiêu dùng và thời hạn bảo quản sản phẩm lâu (khoảng 2 năm).

Hiện tại IFS sử dụng thương hiệu Wonderfarm với mức phí 1% lợi nhuận/năm, và đang cân nhắc mua lại thương hiệu này.

Hoàn tất di dời nhà máy về KCN Tam Phước, tiếp tục theo đuổi việc đầu tư ra miền Bắc. IFS có 14 dây chuyền sản xuất đồ uống với tổng công suất trên 10 triệu lít/tháng. Ngoài ra, IFS sẽ lắp đặt thêm 1 dây chuyền nước uống đóng chai PET và 2 dây chuyền sản xuất (trước đây dự kiến chuyển ra miền Bắc) sẽ được lắp đặt tại nhà máy mới ở KCN Tam Phước vào cuối năm 2010.

Từ năm 2006, IFS đã tiến hành di dời trụ sở chính và nhà máy từ Biên Hòa về KCN Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai. Để không bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, việc di dời nhà máy được thực hiện từng bước, và đã hoàn tất vào tháng 6/2009. Việc di dời nhà máy này, theo chúng tôi, sẽ phát sinh những khoản chi phí và tổn thất tài sản nhất định cho IFS.

Trong năm 2008, IFS đã không thành công trong việc huy động vốn để xây dựng nhà máy ở phía Bắc. Tuy vậy, IFS vẫn đang tiếp tục theo đuổi kế hoạch này vì đây là thị trường trung thành và rất có tiềm năng đối với các sản phẩm của công ty.

PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH

Năm 2008: Lỗ 220 tỷ đồng do giá nhôm tăng cao, không thành công trong hoạt động mở rộng đầu tư và chi phí lãi vay ở mức 25%. Chi phí bao bì (vỏ lon) chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn hàng bán. Giá nhôm tăng mạnh trong nửa đầu năm 2008 và đạt đỉnh ở mức hơn 3,200 USD/tấn. Chính điều này đã đẩy giá vốn hàng bán năm 2008 tăng mạnh, khiến tỷ lệ lợi nhuận gộp biên chỉ còn 9.85%, so với mức 21.77% trong năm 2007.

Trong giai đoạn này, IFS cũng tiến hành việc mở rộng ra phía Bắc bằng việc đầu tư thuê đất và ứng tiền trả trước mua thiết bị máy móc. Dự định nguồn vốn đầu tư này sẽ được bù đắp từ phát hành trái phiếu do ngân hàng ANZ thu xếp. Tuy nhiên, với tình hình khủng hoàng sau đó, việc phát hành trái phiếu đã không thành công. Việc phải hoãn dự án CTCP Thực phẩm Quốc tế Miền Bắc đã khiến IFS mất khoản tiền ứng trước để mua máy móc thiết bị và đặt cọc tiền thuê đất với giá trị gần tương đương 166 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, IFS còn phải gánh chịu các khoản vay với lãi suất 25%/năm đối với VND (không bao gồm các loại phí khác) và 10%/năm đối với USD nhằm đầu tư cho dự án này. Tổng chi phí lãi vay và tài chính trong năm 2008 là hơn 61 tỷ đồng.

Vì vậy, mặc dù doanh thu năm 2008 tăng trưởng 18.24% so với năm 2007, IFS vẫn phát sinh khoản lỗ lên đến hơn 220 tỷ đồng.

Năm 2009: Tái cấu trúc nợ thành công. Có thể tiếp tục phát sinh lỗ do định giá lại tài sản, nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn khả quan. Năm 2009, IFS buộc phải bán 70% vốn góp tại công ty TNHH Bao bì Thực phẩm Quốc tế (nay là Crown Đồng Nai) với giá 4.7 triệu USD nhằm tái cấu trúc các khoản nợ. Thương vụ này làm phát sinh khoản lỗ 2.3 triệu USD so với vốn góp ban đầu. Đồng thời diễn biến tỷ giá năm 2009 có nhiều bất lợi cho IFS khi phần lớn các khoản vay của IFS là ngoại tệ. Điều này khiến cho lỗ tỷ giá của IFS trong năm 2009 lên tới 27.95 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do việc tái cấu trúc các khoản nợ chỉ được thực hiện xong vào cuối năm nên chi phí lãi vay năm 2009 vẫn còn đứng ở mức cao, hơn 50.5 tỷ đồng.

Vào tháng 6/2009, IFS đã hoàn tất việc di dời trụ sở chính và nhà máy từ Biên Hòa về KCN Tam Phước. Chúng tôi cho rằng việc di dời nhà máy này sẽ phát sinh những khoản chi phí và tổn thất tài sản nhất định cho IFS. Nhiều khả năng kết quả kinh doanh năm 2009 của IFS sẽ tiếp tục phát sinh lỗ khi công ty kiểm toán đánh giá lại các tài sản sau di dời.

Tuy vậy, với những phân tích dưới đây, chúng tôi cho rằng các yếu tố làm phát sinh các khoản lỗ trong năm 2008 và 2009 đang dần bị loại trừ. Trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của IFS vẫn khả quan, chúng tôi kỳ vọng năm lợi nhuận năm 2010 của IFS sẽ được cải thiện đáng kể.

Doanh thu tăng trưởng ổn định ở mức hơn 15%. Nền kinh tế nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau khủng hoảng, nhưng doanh thu năm 2009 của IFS vẫn đạt 987.9 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 15.8%. Điều đáng lưu ý là IFS luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá mạnh qua các năm, thậm chí đạt mức 18% trong năm 2008, năm khủng hoảng toàn cầu diễn ra.

Doanh thu và Tăng trưởng doanh thu

Doanh thu theo quý

Nguồn: IFS, VietstockFinance

Nguồn: IFS, VietstockFinance

Hoạt động kinh doanh mang tính mùa vụ cao. Doanh thu từ đồ uống chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của IFS. Đây là dòng sản phẩm có tính chất mùa vụ khá cao do chịu ảnh hưởng của yếu tố khí hậu. Cụ thể, giai đoạn quý 2 và 4 hằng năm là thời gian cao điểm của nhu cầu tiêu thụ, trong khi quý 3 là tháng thấp điểm nhất trong năm. Chúng tôi cho rằng tính chất này sẽ được lặp lại trong năm 2010. Đặc biệt trong quý 1 và 2 vừa qua, với thời tiết nắng nóng, doanh số bán ra của mặt hàng nước giải khát sẽ gia tăng đáng kể.

Tỷ lệ lợi nhuận gộp biên đang có dấu hiệu cải thiện. Năm 2008, chi phí đóng gói bao bì tăng gấp 2 lần. Đồng thời khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến cho IFS khó có thể tăng giá sản phẩm để bù đắp các khoản chi phí, khiến cho tỷ lệ lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh từ mức 21.8% của năm 2007 xuống còn 9.8%. Tuy nhiên, tỷ lệ lợi nhuận gộp biên đang được cải thiện đáng kể trong năm 2009 đạt 22.7%, do giá nguyên vật liệu đã bình ổn trở lại.

Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ lợi nhuận gộp biên sẽ chuyển biến tích cực trong quý 1 và 2/2010 vì IFS vừa tăng giá bán sản phẩm. Trong khi đó, giá đường và nhôm trên thị trường thế giới đã giảm khá mạnh trong quý 1/2010. 

Tỷ lệ lợi nhuận gộp biên IFS và VNM

Tỷ suất sinh lời

Nguồn: IFS, VietstockFinance

Nguồn: IFS, VietstockFinance

Nỗ lực tái cấu trúc các khoản nợ nhằm cắt giảm chi phí lãi vay. Trong năm 2009, trước áp lực chi phí lãi vay lớn IFS quyết định bán 70% vốn cổ phần đầu tư ở CTCP Bao bì Thực phẩn Quốc Tế (nay là Crown Đồng Nai) với giá trị 4.7 triệu USD và nhận thêm 16.8 triệu USD do bên đối tác cho vay. Ngoài ra, IFS còn nhận thêm khoản vay 5 năm giá trị 3.9 triệu USD từ Chủ tịch HĐQT của IFS. Với các khoản tiền nhận được IFS đã tiến hành trả 20 triệu USD nợ gốc và lãi vay ngân hàng.

Dòng tiền chưa thực sự ổn định. IFS đã phải di dời nhà máy từ trung tâm Biên Hòa, về KCN Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai. Mặc dù IFS thực hiện phương án di dời theo nhiều giai đoạn nhằm giảm bớt ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, nhưng các chi phí đầu tư xây dựng tác động tiêu cực lên dòng tiền của IFS. Công ty phải sử dụng dòng tiền từ hoạt động tài trợ để hỗ trợ nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Vào tháng 6/2009, IFS đã hoàn tất việc di dời nhà máy, hoạt động của IFS đã ổn định trở lại. Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền của IFS được cải thiện trong năm 2010.

So sánh với các doanh nghiệp trong ngành: Hoạt động kinh doanh cốt lõi rất cạnh tranh. Tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định, tỷ lệ lãi gộp khá cao, trong khi cơ cấu chi phí tương đồng. Chúng tôi nhận thấy mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu của IFS không cao như các doanh ngiệp dẫn đầu ngành như VNM, KDC… nhưng nhìn chung duy trì được sự ổn định trung bình ở mức 18.2%, bất chấp khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ lãi gộp của IFS qua các năm vẫn duy trì trên mức 20%, ngoại trừ năm 2008 bị ảnh hưởng đáng kể do giá nhôm tăng cao.

So sánh tốc độ tăng trưởng doanh thu (%)

So sánh tỷ lệ lãi gộp (%)

Nguồn: IFS, VietstockFinance

Nguồn: IFS, VietstockFinance

Cơ cấu chi phí của IFS cũng không có nhiều khác biệt so với các công ty cùng ngành. Đáng chú ý chi phí bán hàng của IFS thấp hơn, với nguyên nhân chính là do IFS không chi nhiều cho các hoạt động marketing. IFS chỉ tỏ ra không hiệu quả ở khoản mục chi phí tài chính, ở mức 11.6% doanh thu, so với mức dưới 2% của các công ty khác.

TRIỂN VỌNG DOANH NGHIỆP NĂM 2010 VÀ ĐỊNH GIÁ MỤC TIÊU

Doanh thu tiếp tục tăng trưởng ổn định, dự báo đạt 15.8% trong năm 2010. Các năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn như di dời nhà máy, đầu tư vào công ty con không hiệu quả do khủng hoảng tài chính, chi phí lãi vay tăng cao… nhưng doanh thu của IFS vẫn duy trì đà tăng trưởng, trung bình đạt 18.2%/năm.

Thị trường nước giải khát của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng nhờ dân số trẻ, đông, và sức cầu đang được cải thiện khi thu nhập ngày càng cao. Với thế mạnh thức uống có nguồn gốc thiên nhiên và hợp khẩu vị người tiêu dùng, chúng tôi cho rằng IFS hoàn toàn có thể duy trì vị thế cạnh tranh và gia tăng nhẹ thị phần trong năm 2010. Cùng với việc tăng giá bán sản phẩm, chúng tôi kỳ vọng doanh thu của IFS có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trên 15% trong năm 2010.

Chi phí lãi vay ước tính giảm xuống còn 20 tỷ đồng và tỷ giá ổn định. Trong khi đó, lỗ từ hoạt động đầu tư không còn trong năm 2010. Việc tái cấu trúc lại cơ cấu nợ vay sẽ giúp IFS cắt giảm được khá nhiều chi phí lãi vay. Với dự báo tỷ giá không có nhiều biến động, IFS có nhiều thuận lợi khi tiến hành vay bằng USD, với lãi suất khá thấp, dao động từ 6-7%. Trong khi đó các khoản vay bằng VND của IFS cũng chỉ có mức lãi suất quanh 12%. Chúng tôi ước tính chi phí lãi vay năm 2010 chỉ còn khoảng 20 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2009. Ngoài ra, việc phát sinh các khoản lỗ từ hoạt động đầu tư cũng sẽ không còn trong năm 2010.

Dự báo giá nhôm sẽ không tăng đột biến trong năm 2010. Sản lượng nhôm toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4/2010 khi sản lượng trung bình ngày lên đến 112,500 tấn. Nguyên nhân chính khiến sản lượng nhôm tăng mạnh là do nhiều mỏ nhôm tại Châu Á như Vịnh Ba Tư và Ấn Độ đưa vào khai thác. Ngoài ra, sản lượng cũng tăng mạnh tại các nước phương Tây và Đông Âu, chủ yếu bởi sự gia tăng công suất của UC Rusal – công ty sản xuất kim loại nhẹ lớn nhất thế giới.

Sau khi đạt ngưỡng khoảng 2,450 USD/tấn vào cuối tháng 4, giá nhôm bắt đầu giảm dần trong tháng 5, hiện còn khoảng 2,000 USD/tấn. Sản lượng nhôm toàn cầu gia tăng và khủng hoảng nợ tại Hy Lạp là nguyên nhân chính khiến giá nhôm giảm mạnh.

Mặc dù nhu cầu nhôm toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc vẫn đang gia tăng mạnh, nhưng với sản lượng dồi dào, dự báo giá nhôm sẽ không tăng quá mạnh trong thời gian tới. Nếu tình hình kinh tế thế giới không có biến động quá lớn, dự báo giá nhôm trong năm 2010 sẽ không vượt ngưỡng 2,450 USD/tấn đã thiết lập vào tháng 4.

Biến động giá nhôm từ 05/2009 - 05/2010

Biến động giá đường từ 01/2008 – 05/2010

Nguồn: London Metal Exchange

Nguồn: Tradingeconomics

Giá đường sẽ ổn định quanh mức 14,000 đồng/kg. IFS lợi thế nhờ có quota nhập khẩu đường. Mặc dù nhu cầu đường tại các công ty sản xuất bánh kẹo cho mùa trung thu bắt đầu tăng lên, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng giá đường sẽ tiếp tục dao động quanh mức 14,000 đồng/kg như hiện tại.

Nguyên nhân là do hàng tồn kho hiện đang tăng lên, đạt khoảng 336,000 tấn, cao hơn 116,000 tấn so với cùng kỳ năm trước nên sẽ khó xảy ra trường hợp thiếu đường như năm 2009. Đồng thời, hiện giá đường trên thế giới cũng đang rớt mạnh do nhiều nhà đầu tư dự đoán sản lượng năm 2010 sẽ tăng mạnh tại Ấn Độ và Braxin, quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới.

Một lợi thế là IFS có quota nhập khẩu đường đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, nên có thể giúp chủ động được nguồn nguyên liệu nếu giá đường trong nước biến động quá mạnh so với thế giới.

LNST năm 2010 dự báo đạt 92.6 tỷ đồng. Định giá mục tiêu: 17,000 đồng/cp. Khuyến nghị MUA. Chúng tôi cho rằng thị giá cổ phiếu IFS chưa phản ánh hết các thông tin và tiềm năng của doanh nghiệp, và khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này.

Từ đầu năm 2010 giá nguyên vật liệu chính đang có xu hướng khá ổn định, và sự ổn định này dự báo sẽ tiếp tục kéo dài cho đến hết năm 2010. Việc tăng giá bán sản phẩm trong những tháng đầu năm 2010 cũng sẽ giúp tỷ suất lợi nhuận gộp biên của IFS được cải thiện đáng kể. Áp lực chi phí lãi vay cũng giảm đi nhờ việc tái cấu trúc nợ vay và chính sách tiền tệ dự báo ổn định trong năm 2010.

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2010 của IFS có thể đạt lần lượt 1,147 tỷ đồng và 92.6 tỷ đồng, tương ứng EPS năm 2010 là 3,180 đồng/cp. Với mức giá thị trường ngày 31/05/2010 là 12,100 đồng/cp, P/E và P/B forward cho năm 2010 tương ứng đạt 3.8x và 1.5x.

Chúng tôi nhận thấy các yếu tố làm xấu đi kết quả kinh doanh như trong năm 2008 và 2009 đã được loại trừ. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi của IFS vẫn đang được duy trì tích cực, với sự hỗ trợ mạnh của thương hiệu. Mô hình định giá của chúng tôi cho thấy giá mục tiêu của IFS trong 6 tháng hoàn toàn có thể đạt được mức 17,000 đồng/cp, cao hơn 40% so với giá giao dịch ngày 31/05/2010.

Đáng lưu ý thêm, kết quả kinh doanh 2009 công bố là số liệu chưa được kiểm toán. Kết quả sau kiểm toán có thể chuyển sang lỗ, nếu việc đánh giá lại tài sản sau di dời có phát sinh tổn thất. Một khi điều này xảy ra, giá cổ phiếu sẽ bị tác động tiêu cực. Tuy vậy, với triển vọng kết quả kinh doanh 2010 khả quan, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của IFS có tính thời vụ rất cao và quý 3 thường là giai đoạn thấp điểm trong năm. Đây là một yếu tố đáng cân nhắc trong chiến lược đầu tư đối với cổ phiếu này.

TRIỂN VỌNG NGÀNH NƯỚC GIẢI KHÁT

Thị hiếu chuyển sang ưa chuộng đồ uống truyền thống, xuất xứ từ thiên nhiên. Theo một nghiên cứu gần đây của Euromonitor, mặc dù doanh số từ các loại đồ uống có gas vẫn chiếm tỷ trọng cao nhưng các loại đồ uống truyền thống và có xuất xứ từ thiên nhiên đang có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Đặc biệt giới trẻ của Việt Nam đang có xu hướng quay trở lại sử dụng các loại sản phẩm này. IFS với dòng sản phẩm đồ uống chủ yếu có nguồn gốc thiên nhiên sẽ được hưởng lợi khá nhiều từ xu hướng thị trường này. 

Người tiêu dùng trẻ tuổi dẫn dắt thị trường. Giới trẻ và phụ nữ là 2 nhóm khách hàng chính hỗ trợ cho sức tiêu thụ của thị trường. Sản phẩm mục tiêu hướng tới giới trẻ là nước giải khát có gas, đồ uống chức năng, trà và cà phê pha sẵn. Trong khi đó phụ nữ thường sử dụng các loại nước trái cây, đồ uống truyền thống… Tuy nhiên, hai nhóm khách hàng mục tiêu này thường khá nhạy cảm với giá bán sản phẩm và mức độ trung thành với thương hiệu khá thấp. Nhà sản xuất tốn khá nhiều chi phí cho quảng cáo và khuyến mãi để tiếp cận khách hàng mục tiêu.

Triển vọng thị trường khả quan, dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 10-15%. Mặc dù thị trường nước giải khát có nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng vẫn còn khá manh mún và nhỏ lẻ. Do đó, các thương hiệu phổ biến và lâu năm nhìn chung vẫn giữ được vị thế cạnh tranh. Ngoài ra, mức độ chi tiêu dành cho nước giải khát bình quân trên đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Một khi thu nhập của người dân được cải thiện, chi tiêu dành cho thực phẩm và đồ uống sẽ có cơ hội gia tăng. Ngành nước giải khát được dự báo sẽ tăng trưởng từ 10-15%/năm trong thời gian tới.

Tuy vậy, mức độ cạnh tranh trong ngành được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Sự thâm nhập của các nhãn hàng mới và các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị với chi phí cao sẽ là rào cản khá lớn để IFS gia tăng thị phần.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   DVP: Khuyến nghị đầu tư (02/06/2010)

>   Khủng hoảng nợ công Hy Lạp và những ảnh hưởng đến Việt Nam (27/05/2010)

>   Tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để duy trì tăng trưởng (21/05/2010)

>   HVG – Khuyến nghị đầu tư (11/05/2010)

>   TAC – Khuyến nghị đầu tư (29/04/2010)

>   Triển vọng kinh tế vĩ mô Quý 2/2010 (25/04/2010)

>   VNM – Báo cáo phân tích: Khuyến nghị MUA (21/04/2010)

>   Tháng 4: Mua khi nhiều tin xấu đã ở cuối chu kỳ (07/04/2010)

>   PGD – Báo cáo phân tích cập nhật: Khuyến nghị GIỮ  (06/04/2010)

>   Phần II: Dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2010 (22/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật