Thứ Hai, 28/06/2010 15:02

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

Macro Update:

Nhân dân tệ tăng giá và những ảnh hưởng đến Việt Nam

(Vietstock) – Ngày 21/06/2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ra quyết định nâng giá đồng Nhân dân tệ (CNY) lên 0.44%, từ mức 6.8269 CNY/USD xuống còn 6.7968 CNY/USD. Đây là mức tỷ giá thấp nhất trong nhiều năm qua. Liệu việc đồng CNY lên giá có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và có giúp cán cân thương mại Việt Nam được cải thiện?.

Liệu CNY sẽ tiếp tục đà tăng giá trong tương lai?

Việc Trung Quốc chấp nhận tăng giá CNY vừa qua được xem là một bước nhượng bộ với phương Tây và Mỹ. Hiện tại, chính sách tỷ giá của Trung Quốc vẫn còn neo theo đồng USD, CNY chưa phải là một đồng tiền tự do chuyển đổi và cũng chưa được xem là đồng tiền thanh toán quốc tế.

Trung Quốc có tham vọng đưa CNY trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế và cạnh tranh với các ngoại tệ mạnh khác. Để thực hiện mục tiêu đó Trung Quốc đang nới lỏng việc kiểm soát tỷ giá và đang dần hướng đến việc thả nổi tỷ giá.

Thời gian vừa qua, CNY đã tăng giá khá mạnh. Từ năm 2005 đến nay, CNY đã lên giá 17% theo tỷ giá danh nghĩa, và theo tỷ giá thực song phương với USD đã tăng giá khoảng 12%.

Tuy vậy, chúng tôi cho rằng chính sách ưu tiên của Trung Quốc vẫn là duy trì một đồng CNY ổn định. CNY bị nâng giá quá mức sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc do sức cạnh tranh hàng hóa của nước này sẽ yếu đi và xuất khẩu sẽ suy giảm. Không những vậy, giá trị của những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ bị giảm đi đáng kể khi quy đổi ra CNY.

Nhìn lại Nhật Bản và thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đồng Yên lên giá làm cho tài sản của Nhật Bản khi quy đổi ra đồng USD tăng mạnh. Tuy nhiên hệ lụy là xuất khẩu của nước này suy giảm mạnh, kinh tế bị đình đốn suốt 2 thập kỷ qua.

CNY tăng giá không cải thiện nhập siêu từ Trung Quốc

Trong những năm gần đây, thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng lớn. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc lớn gấp 3.5 lần xuất khẩu, và thâm hụt thương mại từ quốc gia này chiếm 75% tổng thâm hụt thương mại.

Nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu như vải, hóa chất, xăng dầu… Có thể nhận thấy cầu của những mặt hàng này ít co giãn so với thay đổi về giá. Ngoài ra, sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc tại Việt Nam không chỉ là ưu thế vượt trội về giá, mà còn là mẫu mã và độ tiện dụng cao hơn so với hàng sản xuất trong nước. Tỷ lệ lớn máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc không có hàng thay thế trong nước. Do vậy, việc tăng giá của CNY như vừa qua dường như ít có khả năng có thể giúp cải thiện kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc.

Ở khía cạnh xuất khẩu, 4 mặt hàng đứng đầu đều là khoáng sản và nguyên liệu thô. Giá cả của những hàng hóa này phụ thuộc nhiều vào giá thế giới, và khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này không bị tác động nhiều bởi yếu tố tỷ giá. Các mặt hàng nguyên nhiên liệu như than đá, cao su, dầu thô giá cả biến động theo giá thế giới, được tính bằng USD và mức độ co giãn cầu đối với giá cũng không nhiều. Như vậy, việc điều chỉnh nhẹ tỷ giá CNY sẽ không có tác động nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Trong thời gian qua, có thể nhận thấy VND liên tục mất giá so với CNY. Tính từ năm 1995 đến nay, tỷ giá danh nghĩa CNY/VND đã tăng hơn 2.1 lần. Xét tỷ giá thực song phương với năm 2000 là năm gốc thì CNY đang được định giá thấp hơn 3% so với VND. Việc CNY tăng giá 0.44% so với USD vào này 21/06 không phải là sự lên giá quá lớn của đồng tiền này so với VND sau khi quy đổi.

Chúng tôi cho rằng nếu CNY không tăng giá quá mạnh (10-20%) so với USD thì cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ không bị tác động đáng kể. Các yếu tố khác, chứ không phải tỷ giá, là nguyên nhân quan trọng hơn cho thực tế nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.

Ảnh hưởng đến vốn đầu tư và các dòng vốn khác

Trong những năm gần đây dòng vốn đầu tư của Trung Quốc ngày càng tăng, nhưng vẫn chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng vốn FDI vào Việt Nam. Tính trong 5 tháng đầu năm 2010, FDI đăng ký từ Trung Quốc chỉ là 67.8 triệu USD, chưa bằng 1% tổng FDI đăng ký (FDI đăng ký năm 2009 là 190 triệu USD cũng chưa bằng 1% tổng đăng ký).

Các dòng vốn vay như ODA hoặc thương mại lại không phụ thuộc quá nhiều vào vấn đề tỷ giá, mà các yếu tố khác. Những khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc luôn kèm với các điều kiện như nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ, sử dụng lao động... Lợi ích từ những dòng vốn này lại tùy thuộc rất nhiều vào cách tiếp nhận của người đi vay.

CNY tăng giá và áp lực đối với lạm phát ở Việt Nam

Những lo ngại áp lực về lạm phát khi CNY tăng giá không phải là không có cơ sở khi mà hàng tiêu dùng của Trung Quốc đang khá phổ biến ở thị trường Việt Nam. CNY tăng giá sẽ kéo theo giá không ít mặt hàng nhập khẩu tăng theo. Tuy nhiên, liệu mức độ tăng giá có thực sự đáng lo ngại?

Nhiều mặt hàng của Trung Quốc có lợi thế về giá vượt trội so với hàng Việt Nam. Việc điều chỉnh tỷ giá 0.44%, thậm chí 5% có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả các mặt hàng Trung Quốc trên thị trường. Trên thực tế, CNY đã lên giá so với VND khá mạnh trong suốt thời gian qua, nhưng mức độ ảnh hưởng đến lạm phát không quá lớn.

Ngoài ra, phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là mặt hàng trung gian, tức là giá tăng không tác động trực tiếp lên giá hàng tiêu dùng. Mặt bằng giá hàng Trung Quốc chỉ có thể bị tác động đáng kể khi CNY tăng giá 10 – 20%. Tuy vậy, kịch bản này dường như khó diễn ra trong ngắn hạn.

Kết luận

Chúng tôi cho rằng những ảnh hưởng thực sự khi đồng Nhân dân tệ tăng giá nhẹ đối với nền kinh tế Việt Nam là không lớn. Áp lực lạm phát từ giá cả hàng hóa nhập khẩu là không cao và tác động của tỷ giá lên dòng vốn đầu tư không phải là yếu tố quan trọng. Việc CNY được nâng giá cũng không giúp cải thiện tình hình nhập siêu đang ở mức rất cao từ Trung Quốc.

Nếu mức tăng giá của CNY lên mức 10-20% thì mức độ ảnh hưởng sẽ khá lớn đối với các yếu tố trên. Tuy nhiên, kịch bản này dường như khó diễn ra trong ngắn hạn. Trung Quốc vẫn cần một tỷ giá ổn định và đồng CNY tương đối rẻ để hỗ trợ cho nền kinh tế. Trung Quốc cũng có đủ khả năng để duy trì một tỷ giá ổn định và lộ trình tăng giá CNY nếu diễn ra sẽ tương đối chậm.

Hồ Bá Tình, Trưởng Nhóm Vĩ mô và Thị trường, Vietstock

Các tin tức khác

>   Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Thủy sản (21/06/2010)

>   Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Vận tải biển & Kho bãi (19/06/2010)

>   Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam – Cập nhật T6/2010 (17/06/2010)

>   Chiến lược đầu tư ngành săm lốp (12/06/2010)

>   Chiến lược đầu tư ngành cao su thiên nhiên (03/06/2010)

>   IFS: Khuyến nghị đầu tư (03/06/2010)

>   DVP: Khuyến nghị đầu tư (02/06/2010)

>   Khủng hoảng nợ công Hy Lạp và những ảnh hưởng đến Việt Nam (27/05/2010)

>   Tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để duy trì tăng trưởng (21/05/2010)

>   HVG – Khuyến nghị đầu tư (11/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật