Thứ Tư, 14/07/2010 11:07

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

MPC: Khuyến nghị đầu tư

CTCP TẬP ĐOÀN THỦY SẢN MINH PHÚ

Mã chứng khoán HOSE: MPC.  Ngành: Thủy sản

(Vietstock) - Cập nhật kết quả kinh doanh dự phóng cho năm 2010, định giá và khuyến nghị đầu tư đối với cổ phiếu MPC.

* Tải báo cáo CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ

Doanh thu và LNST năm 2010 của MPC dự phóng đạt khoảng 3,712 tỷ đồng và 273 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 14.3% so với năm 2009. Với giá thị trường ngày 08/07/2010 là 29,500 đồng, P/E và P/B cho năm 2010 của cổ phiếu MPC lần lượt ở mức 7.6 lần và 1.6 lần.

Chúng tôi cho rằng mức giá mục tiêu 6 tháng của cổ phiếu MPC hoàn toàn có thể đạt 36,700 đồng/cổ phiếu. So với mức giá ngày 08/07/2010 là 29,500, mức sinh lời mang lại cho nhà đầu tư là 24.4%. Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này.

Chúng tôi đã điều chỉnh tăng mạnh LNST dự phóng của MPC so với báo cáo chiến lược đầu tư, trên cơ sở những thay đổi gần đây trên thị trường xuất khẩu tôm quốc tế. Đồng thời, chúng tôi cho rằng MPC sẽ được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ tích lũy từ năm 2009 và đầu năm 2010.

Với những lợi thế cạnh tranh nổi trội, MPC sẽ tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu tôm của Việt Nam. Sản phẩm của MPC đã được thị trường Nhật Bản và Mỹ, những thị trường khó tính nhất, chấp nhận. Cùng với chứng nhận Global Gap, MPC sẽ gặp thuận lợi trong việc mở rộng sang thị trường châu Âu và các thị trường khác.

Việc đầu tư mạnh vùng nguyên liệu, tăng công suất chế biến gấp đôi, và hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín sẽ là nền tảng để MPC tăng trưởng trong tương lai.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ

LNST năm 2010 có thể đạt 273 tỷ đồng, tăng 14.3% so với năm 2009. Ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6T/2010 tương ứng đạt 1,632 tỷ và 122.6 tỷ đồng, hoàn thành 46.6% và 46.37% so với kế hoạch kinh doanh năm. Dự phóng của chúng tôi cho thấy doanh thu và LNST năm 2010 của MPC có thể đạt khoảng 3,712 tỷ đồng và 273 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 14.3% so với năm 2009. Cần để ý thêm rằng, quý 3 và quý 4 mới là mùa cao điểm của hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Có thể hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ. Hàng tồn kho cuối quý 1/2010 đạt 925 tỷ đồng, với giá nguyên liệu hiện ước đã tăng 15% so với đầu năm 2010. MPC sẽ được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ này, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu thị trường tôm quốc tế đang tăng cao.

Nhu cầu cao từ thị trường xuất khẩu do sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico. Kể từ sau sự cố tràn dầu, giá tôm tại Mỹ đã tăng khoảng 15% so với trước đó. Việc khắc phục sự cố tràn dầu này được cho là sẽ mất từ 2-3 năm. Rất có thể MPC sẽ tiếp tục được hưởng lợi về thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh MPC đang mở rộng công suất và vùng nguyên liệu.

Thị trường xuất khẩu ổn định và đa dạng. Thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ chỉ 0.43%. Mỹ, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu ổn định, thời gian thu hồi nợ nhanh. MPC là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn Global Gap, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong những năm tới. Thuế bán chống phá giá tại thị trường Mỹ của MPC ở mức thấp, chỉ 0.43%, và được tin là sẽ về mức 0% sau khi đánh giá lại ở giai đoạn 5.

Nhu cầu thế giới phục hồi trở lại sau khủng hoảng. Chiến lược chuyển dần sang tôm sú, có giá trị gia tăng cao hơn. Kinh tế toàn cầu đã dần hồi phục sau khủng hoảng tài chính nên nhu cầu thủy sản trên thế giới dự báo sẽ tăng trưởng trở lại. Hiện tôm thẻ chân trắng chiếm 60% cơ cấu sản phẩm, nhưng MPC có chiến lược chuyển mạnh sang sản phẩm tôm sú, với giá trị gia tăng cao hơn và thế mạnh thị trường ngách.

Chiến lược đầu tư cho công nghệ con giống và vùng nuôi trồng, để hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín. Chúng tôi đánh giá cao chiến lược đầu tư của MPC vào công nghệ con giống và vùng nguyên liệu. Điều này sẽ giúp giảm rủi ro, khi mà MPC hiện tại chỉ tự chủ được khoảng 20% nguồn nguyên liệu.

Sắp nhận được khoản ký quỹ thuế chống bán phá giá từ chính phủ Mỹ trị giá 18 triệu USD. Khoản tiền này không ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận nhưng sẽ giúp cải thiện dòng tiền của MPC, và có thể tác động tích cực lên hoạt động của công ty.

Khả năng ghi lợi nhuận từ đánh giá lại tài sản góp vốn. MPC dự định dùng quyền sử dụng đất để góp vốn đầu tư các dự án thức ăn chăn nuôi cho tôm, bao bì và cảng container tại Hậu Giang. Tài sản đất dùng góp vốn có giá vốn thấp, vì vậy khả năng thu được lợi nhuận từ định giá lại đất góp vốn là rất lớn.

RỦI RO ĐẦU TƯ

Thuế chống bán phá giá sơ bộ năm 2009 vào thị trường Mỹ là 3.27%. Theo kết quả đánh giá sơ bộ lần 4, MPC nhận mức thuế chống bán phá giá 3.27%, tăng mạnh so với kết quả chính thức lần 3 là 0.43%. Trong quá khứ, kết quả chính thức của nhiều công ty giảm mạnh so với kết quả sơ bộ trước đó, cụ thể là MPC có mức thuế là 0.43% (kết quả sơ bộ là 1.66%), Camimex chỉ còn 0.08%, thấp hơn nhiều so với kết quả sơ bộ là 19.8%... Tuy vậy, rủi ro kết quả chính thức lần thứ 4 về thuế chống bán phá giá sẽ không giảm mạnh so với kết quả sơ bộ là có thể xảy ra. Thông tin cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 7, 8/2010.

Rào cản nhập khẩu tiếp tục là thách thức không nhỏ trong năm 2010. Điển hình là nguyên tắc IUU của Liên minh Châu Âu (EU) và Farm Bill 2008 của Hoa Kỳ.

MPC hiện tại chỉ chủ động được khoảng 20% nguồn nguyên liệu. Tuy vậy, chúng tôi đánh giá rủi ro chỉ ở mức vừa phải, nhờ lợi thế uy tín và mạng lưới đối tác. MPC đang có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi trồng tôm nguyên liệu. MPC có thể sẽ gặp khó khăn về nguồn nhân lực có kinh nghiệm, nguồn con giống cũng như công nghệ nuôi trồng đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Rủi ro liên quan đến hàng tồn kho. Một mặt MPC có thể hưởng lợi khi giá nguyên liệu tăng, nhưng đây cũng là rủi ro lớn, khi mà xuất khẩu thủy sản thường xuyên chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan. Việc tiêu thụ không như mong đợi sẽ khiến nguồn vốn lưu động của MPC bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chi phí lưu kho của hàng tồn kho thủy sản cũng rất đáng được quan tâm.

Rủi ro tỷ giá. Công ty thường xuyên phải đối mặt với rủi ro tỷ giá do doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu tôm.

Thanh khoản cổ phiếu thấp. Khối lượng giao dịch bình quân 50 phiên gần đây là 77,094 cổ phiếu, khá thấp so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của MPC là 70 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc và những người liên quan nắm giữ đến 60% vốn cổ phần của công ty. 

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu tại Việt Nam. 99% doanh thu của MPC đến từ sản phẩm tôm xuất khẩu. Trong nhiều năm liền, MPC duy trì vị trí dẫn đầu về trong lĩnh vực xuất khẩu tôm (và thủy sản) của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2009 của MPC đạt 160 triệu USD, chiếm đến 3.8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Trong năm 2007, quy mô sản xuất mở rộng và nhu cầu thế giới tăng cao giúp kim ngạch xuất khẩu tăng đến 71.9% so với năm 2006. Kim ngạch xuất khẩu của MPC vẫn duy trì được mức tăng trưởng nhẹ trong hai năm 2008 và 2009, bất chấp khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thị trường xuất khẩu tôm ổn định, và chiến lược chuyển hướng sang sản phẩm tôm thẻ có giá thành thấp hơn được xem là những nguyên nhân chính giúp duy trì tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của MPC.

Thị trường xuất khẩu khá đa dạng, với thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Lợi thế thâm nhập thị trường EU, nhờ có chứng nhận Global Gap. Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của MPC, chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đứng vị trí thứ 7 về kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Mỹ và MPC là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường này. Khách hàng của MPC chủ yếu là các nhà phân phối thủy sản lớn của Mỹ, với hoạt động xuất khẩu được thực hiện qua công ty con Mseafood Corporation.

Thị trường Hàn Quốc, dù chiếm tỷ lệ thấp hơn trong cơ cấu xuất khẩu, nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao. MPC cũng đã được chứng nhận đạt chuẩn Global Gap về chất lượng, an toàn, vệ sinh cho sản xuất nông nghiệp – bao gồm cả thủy hải sản trên toàn thế giới. MPC là doanh nghiệp chế biến thủy hải sản đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ này. Đây là giấy thông hành để bán sản phẩm vào các siêu thị lớn ở EU, và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường này trong những năm tới.

Mức thuế chống bán phá giá thấp, chỉ 0.43%. Mức thuế này được tin là sẽ về 0% vĩnh viễn. Trong 3 năm trở lại đây, thuế chống bán phá giá tôm của MPC luôn ở mức thấp, hiện đang đứng ở mức 0.43%. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của MPC so với các doanh nghiệp cùng ngành. Hiện nay mức thuế chống bán phá giá của MPC đang trong giai đoạn 4 của quá trình xem xét. Nếu sau giai đoạn 5 (năm 2010/11), mức thuế áp dụng cho MPC vẫn xấp xỉ 0% thì MPC sẽ được xem là không bán phá giá và được miễn thuế vĩnh viễn. Điều này đồng nghĩa với việc MPC sẽ được hoàn lại các khoản ký quỹ trước đó.

Thảo luận của chúng tôi với MPC cho thấy quá trình xem xét mức thuế chống bán phá giá năm 2009 sẽ được thực hiện vào tháng 7, 8/2010. Ban Giám đốc hoàn toàn tin MPC sẽ tiếp tục được áp dụng mức thuế thấp, và sẽ không chịu thuế này trong những năm tới. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện thêm rào cản mới từ thị trường này.

Tôm thẻ chân trắng chiếm 60%. MPC có chiến lược chuyển mạnh sang sản phẩm tôm sú, với giá trị gia tăng cao hơn và thế mạnh thị trường ngách. Hiện tại, tôm thẻ chân trắng chiếm 60% trong cơ cấu sản phẩm của MPC, và 40% còn lại là tôm sú.

Sản phẩm tôm thẻ có lợi thế nhất định như chi phí sản xuất thấp, dễ nuôi trồng và năng suất cao. Diện tích tôm mở rộng trong năm 2008, 2009 của MPC đều được thả nuôi tôm thẻ chân trắng, sau khi tôm thẻ được Bộ Thủy sản cho phép nuôi trồng đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 2/2008. Giá bán thấp của tôm thẻ đã giúp MPC duy trì tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn nhu cầu thị trường giảm sút vào các năm 2008-2009. 

Tuy nhiên, sản phẩm tôm thẻ chân trắng không phải là thế mạnh thực sự của Việt Nam. Thái Lan và Indonesia đang có lợi thế cạnh tranh nổi trội trong phân khúc này nhờ kinh nghiệm, công nghệ nuôi trồng và thị trường.

Chúng tôi hiểu rằng, định hướng dài hạn của MPC là tăng diện tích nuôi trồng tôm sú và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này. Sản phẩm tôm sú sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn và tạo ra lợi thế cạnh tranh từ thị trường ngách. Tuy vậy, có thể thấy nhu cầu sản phẩm tôm sú chỉ tăng trưởng mạnh trở lại khi kinh tế thế giới phục hồi.

Chiến lược đầu tư cho công nghệ con giống và vùng nuôi trồng, để hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín. Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Con giống và vùng nuôi trồng nguyên liệu, hai phân khúc quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành thủy sản, đang được MPC tập trung đầu tư, bên cạnh hệ thống phân phối hiện khá ổn định.

Hiện MPC mới chỉ chủ động được khoảng 20% nguồn nguyên liệu. Tuy vậy, chúng tôi đánh giá rủi ro chỉ ở mức vừa phải, nhờ lợi thế uy tín và mạng lưới đối tác. Với việc tôm nguyên liệu chiếm tới 93,2% tổng giá thành, hoạt động kinh doanh của MPC sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu giá nguyên liệu biến động. Chúng tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng cần theo dõi khi đánh giá cổ phiếu này.

MPC hiện đang sở hữu 250 ha diện tích nuôi trồng tại Kiên Giang, đảm bảo khoảng 20% nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất.

Đối với nguyên liệu thu mua ngoài, MPC có lợi thế nhất định nhờ uy tín và mạng lưới đối tác rộng. MPC vẫn gặp rủi ro bị lệ thuộc và sự ổn định chất lượng của nguồn nguyên liệu, tuy vậy chúng tôi cho rằng rủi ro này chỉ ở mức vừa phải.

Kế hoạch mở rộng diện tích nguyên liệu lên 968 ha trong năm 2010. MPC hiện cũng đang đẩy mạnh mở rộng đầu tư vùng nuôi nguyên vật liệu. Theo kế hoạch trong giai đoạn từ 2010-2014, MPC mở rộng diện tích thêm 3,808 ha, riêng trong năm 2010 là 718 ha.

Để thực hiện được kế hoạch này, nguồn con giống, công nghệ nuôi trồng và nhân lực sẽ đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng vùng nuôi được đầu tư trong năm 2010 khó mang lại hiệu quả trong ngắn hạn.

Mở rộng sản xuất lên gấp đôi vào năm 2011, từ 20,000 tấn/năm lên 40,000 tấn/năm. MPC đang đầu tư nhà máy chế biến tôm công suất 20,000 tấn/năm tại Hậu Giang (bằng tổng công suất 3 nhà máy hiện tại). Vốn đầu tư cho dự án này là 35 triệu USD (khoảng 650 tỷ đồng) và sẽ đưa vào khai thác từ tháng 6/2011.

Với thực tế MPC hiện chỉ tự chủ động được 20% nguyên liệu, chúng tôi cho rằng việc đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy mới này sẽ là một thách thức không nhỏ. Chúng ta sẽ cần theo dõi sự thành công của việc mở rộng vùng nuôi trồng ở Kiên Giang, Cà Mau và Vũng Tàu để đánh giá thêm rủi ro này.

PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH

Doanh thu liên tục tăng trưởng từ 2006-2009. Nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới tăng trưởng mạnh giúp doanh thu của MPC tăng trưởng mạnh, trung bình 35% trong khoảng thời gian từ 2006-2009.

Trong năm 2008, khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính 168 tỷ đồng đã làm lợi nhuận sau thuế âm 41.7 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính (loại trừ khoản trích lập dự phòng) vẫn tăng trưởng so với những năm trước đó.

Trong năm 2009, MPC đã thanh lý hầu hết các khoản đầu tư tài chính và tập trung vào ngành nghề hoạt động kinh doanh chính. Vì vậy, ngoài khoản hoàn nhập dự phòng, những biến động của thị trường chứng khoán đã không ảnh hưởng nhiều kết kết quả kinh doanh năm 2009. Lợi nhuận sau thuế năm 2009 đạt 242.8 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 38 tỷ trong năm 2008. 

Chưa có dự định thoái vốn khỏi Quỹ tầm nhìn SSI. Hiện MPC đang sở hữu 20 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 200 tỷ đồng của Quỹ tầm nhìn SSI. Đây là năm cuối cùng cam kết nắm giữ khoản đầu tư này, nhưng MPC chưa có ý định thoái vốn. Mức cổ tức trung bình từ khoản đầu tư này khoảng 10%/năm, tương đương 20 tỷ đồng.

Hàng tồn kho cuối quý 1/2010 đạt 925 tỷ đồng. Giá nguyên liệu hiện đã tăng 15% so với giá tồn kho. Chế biến thủy sản thường xuyên phải đối mặt với tình trạng không đủ nguyên liệu sản xuất và giá cả luôn biến động theo từng vụ mùa. MPC đang có lợi thế lớn so với các doanh nghiệp khác, khi giá trị hàng tồn kho tại 31/12/2009 là 757 tỷ đồng và tăng lên 925 tỷ đồng tại quý 1/2010. Giá nguyên liệu đầu vào hiện tại tăng khoảng 15%  so với giá hàng tồn kho.

Tuy nhiên, đây cũng chính là rủi ro lớn của MPC khi xuất khẩu thủy sản thường xuyên chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan. Việc tiêu thụ không như mong đợi sẽ khiến nguồn vốn lưu động của MPC bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chi phí lưu kho của hàng tồn kho thủy sản cũng rất đáng được quan tâm.

Thời gian thu hồi nợ nhanh giúp cải thiện dòng tiền. Thời gian thu hồi nợ của MPC tại các thị trường Mỹ và Nhật Bản ngày càng được cải thiện, từ 149 ngày trong năm 2006 xuống chỉ còn 38 ngày trong năm 2009. Đây là yếu tố chính giúp lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của MPC luôn duy trì ở mức cao, 365 tỷ đồng trong năm 2008 và 360 tỷ trong năm 2009.

Tỷ suất lợi nhuận ổn định và dự báo tăng cao trong năm 2010. MPC đã thanh lý hầu hết các khoản đầu tư tài chính trong năm 2009 và sự biến động của thị trường chứng khoán sẽ không tác động mạnh đến kết quả kinh doanh như trong năm 2008. Dự trữ hàng tồn kho hợp lý đã giúp lợi nhuận biên quý 1/2010 vẫn duy trì ở mức tương đối và tăng nhẹ, trong bối cảnh giá nguyên liệu tôm tăng mạnh trong thời gian qua.

Giá bán tại cuối tháng 6/2010 ước đã tăng khoảng 10% và giá nguyên liệu tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm. Vì vậy, với lợi thế tồn kho giá thấp, các chỉ số sinh lợi của MPC được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh trong năm 2010.

So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành. MPC là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệu quả sinh lợi của MPC chỉ nhỉnh hơn so với trung bình ngành và không nổi bật so với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, điểm mạnh của MPC là thời gian thu hồi nợ nhanh (chỉ khoảng 38 ngày), giúp chủ động nguồn tiền, không phụ thuộc quá nhiều vào khoản vay ngân hàng. Đây là lợi thế nổi trội của MPC, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TRIỂN VỌNG NGÀNH THỦY SẢN VÀ DOANH NGHIỆP NĂM 2010

Nhu cầu thế giới phục hồi trở lại sau khủng hoảng. Kinh tế toàn cầu đã dần hồi phục sau khủng hoảng tài chính nên nhu cầu thủy sản trên thế giới dự báo sẽ tăng trưởng trở lại. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2010 dự báo đạt khoảng 4.5-4.7 tỷ đồng, tăng từ 7-12% so với năm 2009.

Được hưởng lợi về thị trường xuất khẩu từ sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico. Sự cố tràn dầu đã ảnh hưởng mạnh đến sản lượng tôm khai thác tại vịnh Mexico. Thống kê cho thấy đã có 32% diện tích tại vùng này bị cấm khai thác do lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm. Kể từ sau sự cố tràn dầu, giá tôm tại Mỹ đã tăng khoảng 15% so với trước đó. Đây là yếu tố thuận lợi giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam nói chung và MPC nói riêng trong thời gian tới. Việc khắc phục sự cố tràn dầu này được cho là sẽ mất từ 2-3 năm. Rất có thể MPC sẽ tiếp tục được hưởng lợi về thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh MPC đang mở rộng công suất và vùng nguyên liệu.

Rào cản nhập khẩu tiếp tục là thách thức không nhỏ. Điển hình là nguyên tắc IUU của Liên minh Châu Âu (EU), yêu cầu tất cả thủy sản xuất khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận thể hiện thông tin nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm.

Triển vọng dự án mở rộng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến. Định hướng mở rộng vùng nguyên liệu sẽ giúp MPC tận dụng được cơ hội ngành thủy sản phục hồi trở lại và nhu cầu tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nuôi tôm nguyên liệu trong khoảng thời gian ngắn sẽ khiến MPC gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Ngoài con giống và kỹ thuật nuôi trồng, con người cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của việc nuôi trồng thủy sản.

Dự án nhà máy thức ăn tôm, nhà máy bao bì và cảng container tại Hậu Giang. Khả năng thu được lợi nhuận từ định giá lại đất góp vốn. Đây là những dự án liên kết với đối tác, và các thông tin cụ thể sẽ được thảo luận trong thời gian tới. Chúng tôi hiểu rằng mục đích chính của các dự án này là nâng cao năng lực và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của MPC. MPC sẽ thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện ba dự án này. Tài sản đất dùng để góp vốn có giá vốn thấp, vì vậy khả năng MPC sẽ thu được lợi nhuận từ việc định giá lại đất góp vốn là rất lớn.

Dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi với trị giá khoảng 30 triệu USD, lãi suất 5%/năm. Như đã trình bày ở phần trên, MPC đang đầu tư xây dựng nhà máy tôm tại Hậu Giang. Nhu cầu vốn đầu tư cho dự án này là 650 tỷ đồng, sử dụng vốn tự có là 200 tỷ động, còn lại là huy đông bên ngoài.

Theo kế hoạch được thông qua trong kỳ họp đại hội cổ đông vừa qua, MPC sẽ tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ lên 900 tỷ đồng theo 2 hình thức: phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán cho nhà đầu tư bên ngoài.

Tuy nhiên, MPC đang có ý định huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi, thay cho phát hành cổ phần. Trị giá của đợt phát hành này khoảng 30 triệu USD, kỳ hạn 36 tháng và lãi suất cố định 5%/năm. Phương án dự kiến có giá chuyển đổi thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chuyển đổi 10%. Trái chủ được quyền chuyển đổi 50% tổng số lượng trái phiếu vào ngày tròn hai năm và 50% còn lại vào tròn năm thứ 3.

Sắp nhận được khoản ký quỹ thuế chống bán phá giá từ chính phủ Mỹ trị giá 18 triệu USD. Khoản tiền này không ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận nhưng sẽ giúp cải thiện dòng tiền của MPC, và có thể tác động tích cực lên hoạt động của công ty.

LNST trong 6T/2010 ước tính đạt 122.6 tỷ đồng. Ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6T/2010 đạt tương ứng 1,632 tỷ và 122.6 tỷ đồng, hoàn thành 46.6% và 46.37% so với kế hoạch kinh doanh năm. Chúng tôi cho rằng KQKD 6 tháng cuối năm sẽ cải thiện mạnh so với đầu năm, và giúp LNST năm 2010 vượt kế hoạch 264 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm là mùa cao điểm của xuất khẩu thủy sản, và MPC cũng sẽ hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá thấp.

Dự phóng LNST năm 2010 đạt 273 tỷ đồng, tăng 14.3% so với năm 2009. Định giá mục tiêu 6 tháng: 36,700 đồng/cp. Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu và LNST năm 2010 của MPC đạt khoảng 3,712 tỷ đồng và 273 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 14.3% so với năm 2009.

Chúng tôi đã điều chỉnh tăng mạnh LNST dự phóng của MPC so với báo cáo chiến lược đầu tư, trên cơ sở những thay đổi gần đây trên thị trường xuất khẩu tôm quốc tế. Đồng thời, chúng tôi cho rằng MPC sẽ được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ tích lũy từ năm 2009 và đầu năm 2010.

Với giá thị trường ngày 08/07/2010 là 29,700 đồng, P/E và P/B dự phóng cho năm 2010 của cổ phiếu MPC lần lượt ở mức 7.6 lần và 1.6 lần.

Chúng tôi cho rằng MPC, với những lợi thế cạnh tranh nổi trội, sẽ tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu tôm của Việt Nam. Sản phẩm của MPC đã được thị trường Nhật Bản và Mỹ, những thị trường khó tính nhất, chấp nhận. Cùng với chứng nhận Global Gap, MPC sẽ gặp thuận lợi trong việc mở rộng sang thị trường châu Âu và các thị trường khác. Việc đầu tư mạnh vùng nguyên liệu, tăng công suất chế biến gấp đôi, và hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín sẽ là nền tảng để MPC tăng trưởng trong tương lai.

Chúng tôi cho rằng mức giá mục tiêu 6 tháng của cổ phiếu MPC hoàn toàn có thể đạt 36,700 đồng/cổ phiếu. So với mức giá ngày 08/07/2010 là 29,500, mức sinh lời mang lại cho nhà đầu tư là 24.4%. Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này.

Rủi ro cần chú ý bao gồm: thuế chống bán phá giá từ thị trường Mỹ, các rào cản thâm nhập thị trường, rủi ro nguồn nguyên liệu, hàng tồn kho, tỷ giá và cả tính thanh khoản của cổ phiếu.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Tôn - Thép  (29/06/2010)

>   Nhân dân tệ tăng giá và những ảnh hưởng đến Việt Nam (28/06/2010)

>   Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Thủy sản (21/06/2010)

>   Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Vận tải biển & Kho bãi (19/06/2010)

>   Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam – Cập nhật T6/2010 (17/06/2010)

>   Chiến lược đầu tư ngành săm lốp (12/06/2010)

>   Chiến lược đầu tư ngành cao su thiên nhiên (03/06/2010)

>   IFS: Khuyến nghị đầu tư (03/06/2010)

>   DVP: Khuyến nghị đầu tư (02/06/2010)

>   Khủng hoảng nợ công Hy Lạp và những ảnh hưởng đến Việt Nam (27/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật