Thứ Sáu, 20/08/2010 06:17

Vì sao Thủ tướng yêu cầu NHNN rà soát lại Thông tư 13?

(Vietstock) -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, rà soát một số điểm chưa hợp lý mà báo chí nêu trong Điều 5, 16, 18 của  Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 25/5/2010. Xung quanh vấn đề này chúng tôi tóm tắt và bình luận về nội dung của một số điều nêu trên.

 *Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại Thông tư 13

Điều 5. Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ của tổ chức tín dụng

Một số điều quy định tại thông tư này có một số thay đổi so với Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19 tháng 4 năm 2005 là Thông tư 13 đã quy định một số khoản giảm trừ trong vốn tự có và tăng hệ số rủi ro một số khoản vay. Trong đó đáng chú ý hơn cả là hệ số rủi ro của một số khoản vay như sau:

Theo những quy định tại Khoản 5.5 thì hệ số rủi ro của những khoản vay đối với các khoản cho vay các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đã được nâng lên 150%  thay vì 100% như Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN. Chúng tôi cho rằng NHNN tăng hệ số rủi ro này nhằm hạn chế các ngân hàng sử dụng vốn huy động để tài trợ cho các doanh nghiệp có “quan hệ” với mình. Đây là một biện pháp cần thiết để phòng ngừa ngân hàng lạm dụng vốn huy động cho vay một cách thiếu kiểm soát đối với những doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, quy định này sẽ gây sức ép lên việc tái cơ cấu các khoản vay cho nên các ngân hàng cần thời gian và lộ trình để thực hiện. Thời gian có hiệu lực của Thông tư 13 có thể quá ngắn để ngân hàng tái cơ cấu lại những khoản vay này.

Quy định tại Điểm a- Khoản 5.6  trong đó cho vay đầu tư chứng khoán có hệ số rủi ro 250%. Tuy vậy, trong phần định nghĩa thuật ngữ tại Điều 2 - Thông tư 13 không định nghĩa rõ  thế nào là cho vay đầu tư chứng khoán. Do vậy VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại với trường hợp cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán do mức độ rủi ro về tín dụng là không đáng kể.

Thực tế, hệ số rủi ro tài sản có 250% đã được quy định tại Điều 4 – Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN. Trong đó kinh doanh chứng khoán được định nghĩa khá rõ trong tại Điều 3 của quyết định này. Điểm đáng lưu ý là “chứng khoán” theo định nghĩa tại Khoản 1 – Điều 25 luật chứng khoán bao gồm trái phiếu của công ty đại chúng.

Như vậy, nếu điều khoản này được thực thi một cách chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Trong khi đó về bản chất trái phiếu ít rủi ro tương tự như một khoản vay tín dụng.

Tại Điểm c-Khoản 5.6 quy định hệ số rủi ro là 250% đối với tất cả các khoản vay kinh doanh bất động sản. Bất động sản ở đây không phân biệt là bất động sản đã hình thành hay là tài sản hình thành trong tương lai, theo VNBA, là không phù hợp với mức độ rủi ro đối với từng loại tài sản khác nhau. Điều này sẽ gây khó khăn cho không ít ngân hàng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Điều 16: Quy định về giới hạn góp vốn mua cổ phần

Các quy định trong điều này cũng khá mới so với những quy định trước đó. Trong đó đáng chú ý là quy định đã đặt ra giới hạn của việc tỷ lệ tối đa mà một ngân hàng có thể góp vốn vào một doanh nghiệp là 11%. Như vậy, những ngân hàng đang sở hữu quá tỷ lệ này thì sẽ làm như thế nào? Thực tế, để ngân hàng thoái vốn khỏi các doanh nghiệp sẽ cần một thời gian dài hơn thời hạn Thông tư có hiệu lực.

Điều 18: Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động

Điều này quy định tỷ lệ cấp tín dụng đối với các ngân hàng không quá 80% vốn huy động. Tuy nhiên, vốn huy động theo quy định này lại không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội và các tổ chức khác. Như vậy thực tế ngân hàng chỉ có thể cho vay được khoảng 60% vốn huy động, vì có tới 15-20% vốn huy động là vốn không thể cho vay theo quy định này. Theo VNBA thì tỷ lệ nguồn vốn đảm bảo khả năng thanh toán khoảng 35 đến 40% là tỷ lệ quá cao và không hợp lý.

Nội dung chi tiết Điều 5, 16, 18 của Thông tư 13/2010/TT-NHNN

Điều 5. Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ của tổ chức tín dụng

1. Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ được xác định như sau:

Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ =

Vốn tự có

Tổng tài sản “Có” rủi ro

Trong đó:

- Vốn tự có là tổng vốn cấp 1 quy định tại Khoản 2 và vốn cấp 2 quy định tại Khoản 3, trừ đi các khoản phải trừ quy định tại Khoản 4 Điều này.

- Tổng tài sản “Có” rủi ro quy định tại Khoản 5 Điều này.

2. Vốn cấp 1 gồm tổng các khoản quy định tại Khoản 2.1 Điều này trừ đi các khoản phải trừ quy định tại Khoản 2.2 Điều này.

2.1. Các khoản để tính vốn cấp 1 gồm:

a) Vốn điều lệ (vốn đã được cấp, vốn đã góp);

b) Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ;

c) Quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ;

d) Lợi nhuận không chia;

đ) Thặng dư cổ phần được tính vào vốn theo quy định của pháp luật, trừ đi phần dùng để mua cổ phiếu quỹ (nếu có).

2.2. Các khoản phải trừ khỏi vốn cấp 1 gồm:

a) Lợi thế thương mại;

b) Khoản lỗ kinh doanh, bao gồm các khoản lỗ lũy kế;

c) Các khoản góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng khác;

d) Các khoản góp vốn, mua cổ phần của công ty con;

đ) Phần góp vốn, mua cổ phần của một doanh nghiệp, một quỹ đầu tư, một dự án đầu tư vượt mức 10% tổng các khoản quy định tại Khoản 2.1 Điều này sau khi đã trừ các khoản phải trừ quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 2.2 Điều này.

e) Tổng các khoản góp vốn, mua cổ phần sau khi đã trừ phần vượt mức 10% quy định tại Điểm đ Khoản 2.2 Điều này vượt mức 40% của tổng các khoản quy định tại Khoản 2.1 Điều này sau khi đã trừ các khoản phải trừ quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c và Điểm d Khoản 2.2 Điều này, phần vượt mức đó sẽ bị trừ.

3. Vốn cấp 2 gồm tổng các khoản quy định tại Khoản 3.1 Điều này theo giới hạn quy định tại Khoản 3.2 Điều này.

3.1. Các khoản để tính vốn cấp 2 gồm:

a) 50% số dư có tài khoản đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật;

b) 40% số dư có tài khoản đánh giá lại tài sản tài chính theo quy định của pháp luật;

c) Quỹ dự phòng tài chính;

d) Trái phiếu chuyển đổi do tổ chức tín dụng phát hành thỏa mãn các điều kiện sau:

(i) Có kỳ hạn ban đầu tối thiểu là 5 năm;

(ii) Không được đảm bảo bằng tài sản của chính tổ chức tín dụng;

(iii) Tổ chức tín dụng không được mua lại theo đề nghị của người sở hữu hoặc mua lại trên thị trường thứ cấp, hoặc tổ chức tín dụng chỉ được mua lại sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản với điều kiện việc mua lại không ảnh hưởng đến các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định;

(iv) Tổ chức tín dụng được ngừng trả lãi và chuyển lãi lũy kế sang năm tiếp theo nếu việc trả lãi dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm bị lỗ;

(v) Trong trường hợp thanh lý tổ chức tín dụng, người sở hữu trái phiếu chuyển đổi chỉ được thanh toán sau khi tổ chức tín dụng đã thanh toán cho tất cả các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm khác;

(vi) Việc điều chỉnh tăng lãi suất, kể cả việc điều chỉnh tăng phần lãi suất cộng thêm vào lãi suất tham chiếu chỉ được thực hiện sau 5 năm kể từ ngày phát hành và được điều chỉnh một (01) lần trong suốt thời hạn trước khi chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.

đ) Các công cụ nợ khác thỏa mãn tất cả những điều kiện sau:

(i) Là khoản nợ mà trong mọi trường hợp, chủ nợ chỉ được thanh toán sau khi tổ chức tín dụng đã thanh toán cho tất cả các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm khác;

(ii) Có kỳ hạn ban đầu tối thiểu trên 10 năm;

(iii) Không được đảm bảo bằng tài sản của chính tổ chức tín dụng;

(iv) Tổ chức tín dụng được ngừng trả lãi và chuyển lãi lũy kế sang năm tiếp theo nếu việc trả lãi dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm bị lỗ;

(v) Chủ nợ chỉ được tổ chức tín dụng trả nợ trước hạn sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản;

(vi) Việc điều chỉnh tăng lãi suất, kể cả việc điều chỉnh tăng phần lãi suất cộng thêm vào lãi suất tham chiếu chỉ được thực hiện sau 5 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng và được điều chỉnh một (01) lần trong suốt thời hạn của khoản vay.

3.2. Giới hạn khi xác định vốn cấp 2:

a) Tổng giá trị các khoản quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 3.1 Điều này tối đa bằng 50% giá trị vốn cấp 1.

b) Quỹ dự phòng tài chính tối đa bằng 1,25% tổng tài sản “Có” rủi ro quy định tại Khoản 5 Điều này.

c) Trong thời gian 5 năm cuối cùng trước khi đến hạn chuyển đổi, thanh toán, sau mỗi năm gần đến hạn chuyển đổi, thanh toán, giá trị các khoản quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 3.1 Điều này phải khấu trừ 20% giá trị ban đầu.

d) Tổng giá trị vốn cấp 2 tối đa bằng 100% giá trị vốn cấp 1.

4. Các khoản phải trừ khi tính vốn tự có:

4.1. 100% số dư nợ tài khoản đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật;

4.2. 100% số dư nợ tài khoản đánh giá lại tài sản tài chính theo quy định của pháp luật.

5. Tổng tài sản “Có” rủi ro là tổng giá trị tài sản “Có” xác định theo mức độ rủi ro và giá trị tài sản “Có” tương ứng của cam kết ngoại bảng xác định theo mức độ rủi ro.

Tài sản “Có” xác định theo mức độ rủi ro được tính bằng tích số của giá trị tài sản “Có” và hệ số rủi ro tương ứng của tài sản “Có” quy định tại Khoản 5.1, Khoản 5.2, Khoản 5.3, Khoản 5.4, Khoản 5.5 và Khoản 5.6 Điều này.

Tài sản “Có” tương ứng của cam kết ngoại bảng xác định theo mức độ rủi ro được tính bằng tích số giữa giá trị của cam kết ngoại bảng và hệ số chuyển đổi quy định tại Khoản 6.3 và hệ số rủi ro quy định tại Khoản 6.4 Điều này.

5.1. Tài sản “Có” có hệ số rủi ro bằng 0% gồm:

a) Tiền mặt;

b) Vàng;

c) Tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

d) Các khoản phải đòi bằng Đồng Việt Nam đối với Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước hoặc được Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh;

đ) Các khoản chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành;

e) Các khoản phải đòi bằng Đồng Việt Nam được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành; Các khoản phải đòi được bảo đảm hoàn toàn bằng tiền mặt, sổ tiết kiệm, tiền ký quỹ, giấy tờ có giá do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phát hành;

g) Các khoản phải đòi đối với Chính phủ Trung ương, Ngân hàng Trung ương các nước thuộc OECD;

h) Các khoản phải đòi được bảo đảm bằng chứng khoán của Chính phủ Trung ương các nước thuộc OECD hoặc được bảo lãnh thanh toán bởi Chính phủ Trung ương các nước thuộc OECD.

5.2. Tài sản “Có” có hệ số rủi ro bằng 20% gồm:

a) Các khoản phải đòi đối với tổ chức tín dụng khác ở trong nước và nước ngoài, bao gồm các khoản phải đòi bằng ngoại tệ;

b) Các khoản phải đòi đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các khoản phải đòi bằng ngoại tệ đối với Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước;

c) Các khoản phải đòi bằng ngoại tệ được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành. Các khoản phải đòi được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng khác thành lập tại Việt Nam phát hành;

d) Các khoản phải đòi đối với tổ chức tài chính nhà nước; các khoản phải đòi được bảo đảm bằng giấy tờ có giá do các tổ chức tài chính nhà nước phát hành;

đ) Kim loại quý (trừ vàng), đá quý;

e) Các khoản phải đòi đối với các tổ chức tài chính quốc tế và các khoản phải đòi được các tổ chức này bảo lãnh thanh toán hoặc được bảo đảm bằng chứng khoán do các tổ chức này phát hành;

g) Các khoản phải đòi đối với các ngân hàng được thành lập ở các nước thuộc OECD và các khoản phải đòi được bảo lãnh thanh toán bởi các ngân hàng này;

h) Các khoản phải đòi đối với các công ty chứng khoán được thành lập ở các nước thuộc OECD có tuân thủ những thỏa thuận quản lý và giám sát về vốn trên cơ sở rủi ro và những khoản phải đòi được các công ty này bảo lãnh thanh toán;

i) Các khoản phải đòi đối với các ngân hàng được thành lập ngoài các nước thuộc OECD, có thời hạn còn lại dưới 1 năm và các khoản phải đòi có thời hạn còn lại dưới 1 năm được các ngân hàng này bảo lãnh thanh toán.

5.3. Tài sản “Có” có hệ số rủi ro bằng 50% gồm:

a) Các khoản đầu tư dự án theo hợp đồng của công ty tài chính theo quy định về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính;

b) Các khoản phải đòi có bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, nhà ở gắn với quyền sử dụng đất của bên vay hoặc những tài sản này được bên vay cho thuê nhưng bên thuê đồng ý cho bên cho thuê dùng làm tài sản thế chấp trong thời gian thuê.

5.4. Tài sản “Có” có hệ số rủi ro bằng 100% gồm:

a) Các khoản góp vốn, mua cổ phần, trừ các khoản góp vốn, mua cổ phần vào công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết, các khoản phải trừ khỏi vốn cấp 1 quy định tại Điểm c, Điểm d, Điểm đ và Điểm e Khoản 2.2 Điều này;

b) Các khoản phải đòi đối với các ngân hàng được thành lập ở các nước không thuộc OECD, có thời hạn còn lại từ 1 năm trở lên, và các khoản phải đòi có thời hạn còn lại từ 1 năm trở lên được các ngân hàng này bảo lãnh thanh toán;

c) Các khoản phải đòi đối với chính quyền trung ương của các nước không thuộc OECD, trừ trường hợp cho vay bằng đồng bản tệ và nguồn cho vay cũng bằng đồng bản tệ của các nước đó.

d) Các khoản đầu tư máy móc, thiết bị, tài sản cố định và bất động sản khác theo quy định của pháp luật.

đ) Các khoản phải đòi khác ngoài các khoản phải đòi quy định tại Khoản 5.1, Khoản 5.2, Khoản 5.3, Khoản 5.4, Khoản 5.5 và Khoản 5.6 Điều này.

5.5. Tài sản “Có” có hệ số rủi ro bằng 150% gồm các khoản cho vay các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết của tổ chức tín dụng, trừ các khoản phải đòi quy định tại Khoản 5.6 Điều này.

5.6. Tài sản “Có” có hệ số rủi ro bằng 250% gồm:

a) Các khoản cho vay để đầu tư chứng khoán;

b) Các khoản cho vay các công ty chứng khoán;

c) Các khoản cho vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản.

6. Tài sản “Có” tương ứng của cam kết ngoại bảng tính theo mức độ rủi ro được xác định theo nguyên tắc và thứ tự như sau:

6.1. Chuyển giá trị các cam kết ngoại bảng thành giá trị tài sản “Có” tương ứng theo hệ số chuyển đổi quyết định tại Khoản 6.3 Điều này.

6.2. Nhân giá trị tài sản “Có” tương ứng của từng cam kết ngoại bảng với hệ số rủi ro tương ứng quy định tại Khoản 6.4 Điều này.

6.3. Hệ số chuyển đổi của các cam kết ngoại bảng:

a) Cam kết ngoại bảng có hệ số chuyển đổi 100% gồm các cam kết không thể hủy ngang, thay thế hình thức cấp tín dụng trực tiếp, nhưng có mức độ rủi ro như cấp tín dụng trực tiếp, gồm:

(i) Bảo lãnh vay;

(ii) Bảo lãnh thanh toán;

(iii) Các khoản xác nhận thư tín dụng; Thư tín dụng dự phòng bảo lãnh tài chính cho các khoản cho vay, phát hành chứng khoán; Các khoản chấp nhận thanh toán bao gồm các khoản chấp nhận thanh toán dưới hình thức ký hậu, trừ các khoản chấp nhận thanh toán hối phiếu quy định tại Điểm c.(ii) Khoản 6.3 Điều này.

b) Cam kết ngoại bảng có hệ số chuyển đổi 50% gồm các cam kết không thể hủy ngang đối với trách nhiệm trả thay của tổ chức tín dụng, gồm:

(i) Bảo lãnh thực hiện hợp đồng;

(ii) Bảo lãnh dự thầu;

(iii) Bảo lãnh khác;

(iv) Thư tín dụng dự phòng ngoài thư tín dụng quy định tại Điểm a.(iii) Khoản 6.3 Điều này;

(v) Các cam kết khác có thời hạn ban đầu từ 1 năm trở lên.

c) Cam kết ngoại bảng có hệ số chuyển đổi 20% gồm các cam kết liên quan đến thương mại, gồm:

(i) Thư tín dụng không hủy ngang;

(ii) Chấp nhận thanh toán hối phiếu thương mại ngắn hạn, có bảo đảm bằng hàng hóa;

(iii) Bảo lãnh giao hàng;

(iv) Các cam kết khác liên quan đến thương mại.

d) Các cam kết ngoại bảng có hệ số chuyển đổi 0%, gồm:

(i) Thư tín dụng có thể hủy ngang;

(ii) Các cam kết có thể hủy ngang vô điều kiện khác.

đ) Hệ số chuyển đổi của các hợp đồng giao dịch lãi suất:

(i) Có kỳ hạn ban đầu dưới 1 năm: 0,5%

(ii) Có kỳ hạn ban đầu từ 1 năm đến dưới 2 năm: 1,0%

(iii) Có kỳ hạn ban đầu từ 2 năm trở lên: 1,0% cho phần kỳ hạn dưới 2 năm cộng thêm (+) 1,0% cho mỗi năm tiếp theo.

e) Hệ số chuyển đổi của các hợp đồng giao dịch ngoại tệ:

(i) Có kỳ hạn ban đầu dưới 1 năm: 2,0%

(ii) Có kỳ hạn ban đầu từ 1 năm đến dưới 2 năm: 5,0%

(iii) Có kỳ hạn ban đầu từ 2 năm trở lên: 5,0% cho phần kỳ hạn dưới 2 năm cộng thêm (+) 3,0% cho mỗi năm tiếp theo.

6.4. Hệ số rủi ro của giá trị tài sản “Có” tương ứng của từng cam kết ngoại bảng như sau:

a) Cam kết ngoại bảng được Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh thanh toán hoặc được bảo đảm hoàn toàn bằng tiền mặt, sổ tiết kiệm, tiền ký quỹ, giấy tờ có giá do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phát hành: Hệ số rủi ro là 0%.

b) Cam kết ngoại bảng được bảo đảm bằng bất động sản: Hệ số rủi ro là 50%.

c) Các hợp đồng giao dịch lãi suất, hợp đồng giao dịch ngoại tệ và cam kết ngoại bảng khác: Hệ số rủi ro là 100%.

Điều 16. Giới hạn góp vốn, mua cổ phần

1. Mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong một doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác đó, trừ trường hợp góp vốn, mua cổ phần thành lập công ty trực thuộc theo quy định của pháp luật.

Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng và các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong cùng một doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác đó.

2. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng:

a) Trong tất cả công ty trực thuộc tối đa không quá 25% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng.

b) Trong tất cả các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác và góp vốn, mua cổ phần của công ty trực thuộc của tổ chức tín dụng không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng, trong đó tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng vào các công ty trực thuộc không được vượt quá tỷ lệ quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

3. Tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần vượt quá tỷ lệ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước bằng văn bản và đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Tổ chức tín dụng chấp hành đầy đủ các quy định khác về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, có tỷ lệ nợ xấu (NPL) từ 3% trở xuống và hoạt động kinh doanh có lãi liên tục trong ba (03) năm liền kề trước đó.

b) Là khoản góp vốn, mua cổ phần vào các tổ chức tín dụng khác nhằm hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.

Điều 18. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động

1. Tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác quy định tại Thông tư này và không được vượt quá tỷ lệ dưới đây:

1.1. Đối với ngân hàng: 80%

1.2. Đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 85%

2. Cấp tín dụng quy định tại Khoản 1 Điều này bao gồm các hình thức cho vay, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh, chiết khấu giấy tờ có giá và công cụ chuyển nhượng.

3. Nguồn vốn huy động quy định tại Khoản 1 Điều này bao gồm:

3.1. Tiền gửi của cá nhân dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn;

3.2. Tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức (trừ Kho bạc Nhà nước), bao gồm cả tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

3.3. Tiền vay của tổ chức trong nước (trừ Kho bạc, tiền vay của tổ chức tín dụng khác trong nước) và tiền vay của tổ chức tín dụng nước ngoài;

3.4. Vốn huy động từ tổ chức, cá nhân dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Bình luận động thái nâng tỷ giá USD/VND (18/08/2010)

>   Ngày 18/08: Tỷ giá tăng, chứng khoản giảm mạnh (18/08/2010)

>   Thông tư 13 chặn đứng dòng tiền vào TTCK? (18/08/2010)

>   LSS: Báo cáo phân tích cổ phiếu tháng 8/2010 (16/08/2010)

>   IFS: Bình luận báo cáo kiểm toán 2009 và triển vọng 2010 (12/08/2010)

>   Kinh tế Việt Nam Tháng 08/2010: Ổn định nhưng phục hồi khá chậm (12/08/2010)

>   TSC: Bình luận kết quả kinh doanh Quý 2 và năm 2010 (10/08/2010)

>   Kỳ vọng gì vào chính sách tiền tệ cuối năm 2010 ? (02/08/2010)

>   Kinh tế Trung Quốc 2010: Tăng trưởng song hành rủi ro mất lợi thế cạnh tranh (31/07/2010)

>   Kinh tế châu Âu năm 2010: Nhiều trở ngại cần phải vượt qua (28/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật