Thứ Năm, 30/09/2010 08:30

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

Dự báo lạm phát và phản ứng chính sách tiền tệ cuối năm 2010

(Vietstock) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2010 tăng đến 1.31%, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 7 tháng gần đây và vượt trội so với những tháng trước đó. CPI tăng mạnh đã dấy lên một làn sóng lo ngại về việc lạm phát sẽ bùng phát trở lại trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, qua phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát và sử dụng mô hình dự báo, chúng tôi nhận thấy CPI trong những tháng sắp tới sẽ tăng không mạnh.

Lạm phát năm 2010 vẫn có thể kiểm soát quanh mức 8% như mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không có nhiều lý do để thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm 2010.

CPI tháng 9 tăng mạnh do Giáo dục, Lương thực, Vật liệu xây dựng và Giao thông

CPI tháng 9 tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều tăng khá mạnh. Trong đó đáng chú ý là CPI tỉnh Thái Nguyên tăng đến 5.46%; Cần Thơ tăng 2.97%; 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM lần lượt tăng 0.97% và 0.96%.

Theo nhóm hàng hóa, nhóm ngành giáo dục tăng 12.02% và đóng góp đến 0.69%; lương thực tăng 2.32% và đóng góp 1.9%; giao thông tăng 1.08% và đóng góp 0.11% cho mức tăng bình quân 1.31% của CPI trong tháng 9.

CPI 9 tháng năm 2010 và tỷ trọng đóng góp của các nhóm hàng hóa

Bảng phân tích trên cho thấy mức đóng góp lớn nhất khiến CPI tăng cao trong tháng 9 chủ yếu đến từ 4 nhóm hàng hóa là Giáo dục, Lương thực, Vật liệu xây dựng và Giao thông. Một số nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá mạnh của các nhóm hàng hóa này có thể được tóm lược như sau:

Giáo dục: Tháng 9 là mùa tựu trường, các trường đại học và trung học đều đồng loạt tăng học phí khiến chỉ số giá của mặt hàng này tăng lên rất mạnh. Trước đó, mức tăng của Giáo dục thường thấp hơn khá nhiều so với các mặt hàng khác. Tính từ năm 2000 đến nay, giá dịch vụ Giáo dục mới chỉ tăng bằng 50% so với chỉ số giá tiêu dùng.

Tốc độ tăng giá của một số mặt hàng qua trong năm 2010 (MoM)

Nguồn: TCTK

Lương thực: Mặt hàng lương thực, chiếm 8.18% trong rổ hàng hóa tính CPI, tăng khá mạnh trong tháng 9 sau khi gần như đi ngang vào những tháng trước đó. Việc tăng lên của giá lương thực chịu tác động khá lớn bởi việc gia tăng của giá lương thực, ngũ cốc trên thế giới.

Nhà ở và Vật liệu xây dựng: Nhóm hàng này chiếm 10.01% trong rổ hàng hóa tính CPI. Việc tăng khá mạnh của giá vật liệu xây dựng trong tháng 9 chủ yếu là do giá nguyên vật liệu tháng 8, 9 trên thế giới đã hồi phục nhẹ trở lại. Thêm vào đó, việc điều chỉnh tỷ giá thêm 2.1% vào ngày 17/08/2010 cũng đã tác động vào giá của nhiều mặt hàng nhập khẩu.

Giao thông: Với mức đóng góp 8.87% trong rổ hàng hóa tính CPI, Giao thông đã tăng 0.91% trong tháng 9. Lý do chủ yếu là nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 và việc điều chỉnh của giá xăng dầu.

Như vậy, nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng cao ”bất thường” trong tháng 9 chủ yếu xuất phát việc tăng giá một cách ”đột biến” của một số hàng hóa.

Trong khi đó, đáng chú ý là yếu tố tiền tệ, nguyên nhân cơ bản khiến cho lạm phát của Việt Nam tăng cao vượt trội so với các quốc gia khác trong những năm qua, không phải là nguyên nhân chính gây nên lạm phát cao trong tháng 9. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền tháng 8 đạt gần 3% so với tháng 7. Nếu tính theo năm thì mức tăng trưởng này lần lượt khoảng 30% và 21%, không phải là mức cao so với những thời kỳ trước đó.

Xu hướng lạm phát trong những tháng cuối năm 2010

Đánh giá mức độ tăng của CPI theo chu kỳ

CPI tăng theo chu kỳ một cách khá rõ ràng, với mức tăng mạnh nhất diễn ra vào các tháng 1, 2 và 12. Như vậy, xét theo chu kỳ trong 3 tháng còn lại của năm 2010, mức tăng CPI tháng 10 và 11 dự tính sẽ không cao. Trong gần 20 năm qua, mức tăng CPI trong 2 tháng này dao động trong khoảng 0.2% đến 0.5%. Trong khi đó, CPI vào tháng 12 có thể tăng khoảng  0.7 đến 1%.

Đánh giá khả năng tăng giá theo từng mặt hàng cụ thể

Giáo dục: Thực tế trong suốt hơn 10 năm qua, CPI Giáo dục tăng thấp hơn khá nhiều so với CPI chung. Do vậy việc tăng lên của học phí là một điều tất yếu và có thể tiếp tục tăng trong những năm sắp tới. Tuy vậy, trong ngắn hạn 3 tháng tới thì mức tăng này dự tính sẽ không nhiều do học phí năm học 2010-2011 đã được ấn định.

Lương thực, thực phẩm: Mặt hàng này có trọng số lớn nhất trong rổ tính CPI và thường tăng khá mạnh trong những tháng cuối năm. Thêm vào đó, việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu hơn 111 mặt hàng từ ngày 23/10/2010, trong đó có nhiều mặt hàng là lương thực thực phẩm tăng thêm 5-10%, sẽ ảnh hưởng đến giá thực phẩm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khả năng có một đợt bùng nổ về giá lương thực là không lớn do kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự phục hồi, tiêu thụ trong nước cũng không tăng lên đột biến. Như vậy, giá lương thực, thực phẩm chịu nhiều sức ép nhưng mức tăng cũng không quá lớn và chủ yếu là do yếu tố chu kỳ.

Nhà ở và Vật liệu xây dựng: Nhóm hàng chiếm tỷ trọng khá lớn này cũng thường tăng vào giai đoạn cuối năm khi nhiều công trình phải gấp rút hoàn thành. Tuy vậy, mức tăng này còn phụ thuộc nhiều vào giá thế giới và sự thay đổi tỷ giá. Xét cả 2 yếu tố này, chúng tôi nhận thấy giá khó có khả năng thay đổi nhiều trong thời gian tới.

Giao thông: Chi phí đi lại có thể tăng cao trong tháng 12 khi mà theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu đi lại trong tháng này thường tăng mạnh. Do vậy, mức tăng của ngành Giao thông sẽ tiếp tục cao. Tuy vậy, mức đóng góp chung vào CPI của nhóm ngành này là không lớn.

Nhóm hàng hóa khác: Xem xét các nhóm hàng hóa khác, chúng tôi cũng nhận thấy sức ép tăng giá cũng sẽ không lớn ngoại trừ nguyên nhân do yếu tố chu kỳ cuối năm. Về phía cầu sẽ không có sự thay đổi đột biến, và phía cung vẫn khá dồi dào do chỉ số lượng hàng tồn kho vẫn đang ở mức khá cao.

Nguyên nhân tiền tệ không tác động nhiều đến lạm phát

Đây là một trong những vấn đề được quan tâm vì điều này sẽ ảnh hưởng đến định hướng của chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Như chúng tôi đã đề cập ở trên,  nguyên nhân tăng mạnh của CPI tháng 9 không phải là do yếu tố tiền tệ.

Việc lãi suất đang duy trì ở mức khá cao như hiện nay cùng với việc tăng trưởng tín dụng (25%) và cung tiền (21%) thấp thì trong những tháng sắp tới, tiền tệ cũng không phải là yếu tố chính tác động đến lạm phát.

Dự báo NHNN không có nhiều động lực thắt chặt chính sách tiền tệ

Với các phân tích ở trên và sau khi cập nhật các số liệu mới nhất, mô hình dự báo của chúng tôi cho kết quả CPI năm 2010 vào khoảng 8%. Cụ thể, CPI tháng 10 và 11 sẽ tăng vào khoảng 0.3-0.4%, và tháng 12 sẽ khoảng 0.7-0.9%. Với mức tăng CPI này, chúng tôi nghĩ rằng NHNN sẽ không có nhiều động lực để thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm 2010.

Thực tế, lãi suất hiện nay trên thị trường đang ở mức tương đối cao đã gây khá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Do vậy, NHNN sẽ phải tiếp tục nỗ lực trong việc cung ứng tiền ra thị trường để giảm mặt bằng lãi suất thấp hơn nữa để hỗ trợ cho nền kinh tế. Việc điều chỉnh Thông tư 13 theo hướng khá tích cực cũng đã chứng minh điều đó.

Hồ Bá Tình

Các tin tức khác

>   Thông tư 13: Bốn thay đổi căn bản sẽ tạo hiệu ứng tích cực (28/09/2010)

>   Ảnh hưởng của tỷ giá lên nhập siêu Việt Nam (21/09/2010)

>   HVG: Báo cáo phân tích cổ phiếu (21/09/2010)

>   Kinh tế Mỹ: Trì trệ tạm thời hay suy thoái kép? (19/09/2010)

>   VNM: Báo cáo phân tích cổ phiếu (14/09/2010)

>   MPC: Khoản hoàn thuế 7.28 triệu USD có làm tăng lợi nhuận? (08/09/2010)

>   PAC: Báo cáo phân tích cổ phiếu (31/08/2010)

>   Chiến lược đầu tư 2010: Ngành Mía đường (28/08/2010)

>   Sản xuất công nghiệp có thực sự xuống thấp? (27/08/2010)

>   Lạm phát Việt Nam đang cao hay thấp? (25/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật