Thứ Ba, 21/09/2010 11:09

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

HVG: Báo cáo phân tích cổ phiếu

CTCP HÙNG VƯƠNG

Mã chứng khoán HoSE: HVG.  Ngành: Thủy sản.  Khuyến nghị: BÁN

(Vietstock) - Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm không tích cực về triển vọng của HVG trong năm 2010 như trong Báo cáo ngày 27/04/2010. Theo đó, chúng tôi cho rằng các rủi ro hoạt động của HVG vẫn ở mức cao và duy trì khuyến nghị BÁN đối với cổ phiếu này. Các yếu tố cơ bản của HVG chỉ thay đổi khi những rủi ro đề cập dưới đây được giảm thiểu.

* Tải Báo cáo phân tích cổ phiếu HVG

 

QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ

(1) Chúng tôi tiếp tục cho rằng khả năng tạo tiền của HVG đang ở mức rất thấp. Việc thu hồi công nợ vẫn chưa được cải thiện, trong khi trích lập dự phòng nợ khó đòi ở mức thấp.

(2) Tiếp tục sử dụng đòn bẩy cao và đang ở mức rất rủi ro. Việc thu hồi công nợ tiếp tục gặp khó khăn và giá trị hàng tồn kho tăng cao, trong khi tình hình tiêu thụ chưa được cải thiện đã buộc HVG phải sử dụng vốn vay để tài trợ nguồn vốn lưu động, đẩy hệ số thanh toán xuống mức thấp. 

(3) Tỷ suất sinh lợi đang có dấu hiệu giảm mạnh.

(4) Rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu đang có xu hướng tăng trở lại, gây khó khăn cho việc tiêu thụ, vốn chỉ mới phục hồi nhẹ sau khủng hoảng kinh tế.

 

CẬP NHẬT KẾT QUẢ KINH DOANH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2010

LNST 1H/2010 đạt 93 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 20.6% kế hoạch năm. Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2010 (1H/2010), doanh thu và LNST lần lượt đạt 2,258 tỷ và 93 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, doanh thu và LNST chỉ hoàn thành 37.6% và 20.6%.

Điều đáng chú ý là trong kết quả kinh doanh riêng lẻ, HVG lỗ 3.9 tỷ đồng lũy kế trong 6 tháng đầu năm, trong khi quý 1 lãi hơn 60 tỷ đồng. HVG cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tình trạng thiếu điện và cắt điện xảy ra liên tục. Công ty buộc phải dùng năng lượng thay thế với chi phí cao gấp 5 lần so với dùng điện.

Ngoài ra, HVG đã phải trích lập khấu hao của nhà xưởng đang được tháo dỡ xây mới,làm phát sinh tăng chi phí trong khi không tạo ra doanh thu.

Việc thu hồi công nợ vẫn chưa được cải thiện, trích lập dự phòng ở mức thấp. Trong báo cáo ngày 27/04/2010, chúng tôi đã đề cập đến các khoản phải thu ở mức cao như là một trong những rủi ro tài chính lớn nhất của HVG. Điều này cũng cho thấy khả năng tạo tiền của hoạt động kinh doanh HVG ở mức rất thấp.

Cho đến ngày 30/06/2010, tình hình công nợ phải thu vẫn chưa được cải thiện, tương ứng giá trị 2,284 tỷ đồng, chiếm 43% tổng tài sản. Khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi ở mức hơn 14 tỷ đồng, chiếm 0.7% tổng khoản phải thu.

Chúng tôi cho rằng, với thực tế các khoản phải thu không ngừng tăng cao trong thời gian vừa qua, dự phòng được trích như trên có thể đang ở mức thấp. Cần để ý rằng đây là số liệu chưa được soát xét. Trong trường hợp mức trích lập dự phòng này được điều chỉnh tăng lên sau soát xét, lợi nhuận của HVG sẽ bị ảnh hưởng.

Tiếp tục sử dụng đòn bẩy cao và đang ở mức rất rủi ro. Việc thu hồi công nợ tiếp tục gặp khó khăn và giá trị hàng tồn kho tăng cao đã buộc HVG phải sử dụng vốn vay để tài trợ vốn lưu động. Tổng các khoản vay ngắn hạn tại ngày 30/06/2010 là 2,195 tỷ đồng, bằng 97.2% tổng doanh thu.

Chúng tôi cho rằng tỷ lệ vay ngắn hạn trên doanh thu hiện tại của HVG là rất cao và có thể tạo nhiều rủi ro về khả năng thanh toán. Thực tế, chỉ số thanh toán hiện hành tại 30/06/2010 là 1.4 lần, nhưng chỉ số thanh toán nhanh (loại trừ hàng tồn kho và khoản phải thu) rất thấp, chỉ ở mức 0.1 lần. Như vậy, rõ ràng HVG đang gặp rủi ro lớn về khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Nếu việc thu hồi công nợ của HVG không được cải thiện, và hoạt động kinh doanh tiếp tục không khả quan trong những quý tới, thì nhiều khả năng HVG sẽ phải đối mặt thêm nhiều khó khăn. Đáng lưu ý, ngoài các khoản vay tín chấp, hầu hết tài sản của HVG đều đã được thế chấp cho các khoản vay này.

Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) giảm mạnh trong quý 2/2010. Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) trong quý 2 là 2.5%, giảm mạnh so với mức 8.5% của quý 1. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm đáng kể này là tỷ trọng chi phí bán hàng/doanh thu của HVG tăng khá mạnh, từ 4.5% trong quý 1 tăng lên 8.5% trong quý 2. Chúng tôi cho rằng đây là hệ quả của việc hoạt động bán hàng của HVG trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động cho thuê kho lạnh không hiệu quả, do cạnh tranh ngày càng tăng cao. Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động cho thuê kho lạnh đạt 6.9 tỷ đồng, trong khi chi phí lên đến 12.2 tỷ đồng, tức lỗ gần 50%. Trong khi đó, doanh thu năm 2009 lên đến 51.4 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời là 56%, và lãi hơn 29 tỷ đồng.

Kể từ khi phát hành báo cáo phân tích lần trước, rất nhiều công ty trong và ngoài nước đầu đầu tư vào lĩnh vực này. Nguyên nhân chủ yếu là do mức sinh lợi của hoạt động cho thuê kho lạnh khá cao, trong khi việc gia nhập ngành khá dễ dàng và chi phí không lớn. Chính nguồn cung kho lạnh tăng mạnh cùng với lượng hàng hóa cần trữ lạnh sụt giảm là tác nhân chính khiến hoạt động này của HVG bắt đầu thua lỗ.

Chúng tôi tin rằng triển vọng ngành kinh doanh kho lạnh tiếp tục không khả quan và vì vậy, hoạt động kinh doanh kho lạnh của HVG khó có thể được cải thiện đáng kể trong thời gian tới.

TRIỂN VỌNG NGÀNH VÀ DỰ PHÓNG KQKD NĂM 2010

Xuất  khẩu cá tra cuối năm 2010: Triển vọng song hành với khó khăn. So với cùng kỳ năm 2009, xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam 7 tháng đầu năm 2010 tăng 11.3% về khối lượng và 5.6% về giá trị, tương ứng đạt 361 nghìn tấn và giá trị 774 triệu USD.

Với kết quả khả quan trong 7 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu của cả năm 2010 được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh so với năm 2009.

Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra hiện cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như thiếu nguyên liệu, thị trường xuất khẩu không ổn định,…

Đặc biệt, mới đây thị trường Braxin đã đề xuất tạm ngưng nhập khẩu cá tra của Việt Nam vì cho rằng môi trường nuôi cá không hợp vệ sinh. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Braxin hiện chỉ chiếm 2.2% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhưng điều này thể hiện rủi ro về thị trường xuất khẩu tiếp tục là nỗi lo lớn và sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có quyết định sơ bộ kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ cho giai đoạn 01/08/2008 đến 31/07/2009, nhiều doanh nghệp bị tăng thuế rất cao, 4.22 USD/kg, tương đương 130%. Đây tiếp tục là một rào cản lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ, như AGF – một công ty con của HVG.

Hoạt động kinh doanh kho lạnh chịu áp lực. Nguồn cung kho lạnh dồi dào và lượng hàng hóa trữ lạnh giảm khiến giá thuê kho tiếp tục xu hướng giảm. Chúng tôi cho rằng triển vọng ngành kinh doanh kho lạnh tiếp tục không khả quan và hoạt động kinh doanh kho lạnh của HVG khó có cơ hội được cải thiện trong thời gian tới.

Phải trích lập dự phòng đầu tư vào AGF, nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm. HVG đã chào mua công khai 3.75 triệu cổ phiếu AGF với giá trung bình 36,000 đồng/cp. Cùng với giá trung bình của 2.75 triệu cổ phiếu đã sở hữu trước đó là 24,000 đồng/cổ phiếu, giá trung bình của 6.5 triệu cổ phiếu AGF mà HVG sở hữu vào khoảng 31,000 đồng. Với giá thị trường cổ phiếu AGF ngày 16/09 là 27,400 đồng/cp, khoản đầu tư vào AGF của HVG giảm hơn 23.4 tỷ đồng. HVG sẽ phải trích lập dự phòng tương ứng.

Hoạt động kinh doanh của HVG đang đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu cải thiện. Như đã đề cập ở trên, tình hình thu hồi công nợ của HVG vẫn chưa được cải thiện, trong khi số dư các khoản phải thu tiếp tục gia tăng trong 1H/2010. HVG cũng đã phải gia tăng các khoản vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động.

Đáng lưu ý là chúng tôi nhận thấy những khó khăn này cho đến nay chưa có dấu hiệu được cải thiện. Nếu tình hình thu hồi công nợ và tiêu thụ của HVG không có tiến triển thì nhiều khả năng HVG sẽ tiếp tục gặp khó khăn và ngày càng phụ thuộc hơn vào vốn vay ngân hàng, hiệu quả kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng

Chưa có thông tin cụ thể về việc bán 2 lô đất tại Quận 6, TPHCM. HVG đang sở hữu 48% cổ phần tại CTCP Địa ốc An Lạc. Công ty này đang sở hữu 2 lô đất tại Quận 6, TPHCM với tổng diện tích 8,700m2. Theo chúng tôi, khả năng lớn HVG sẽ chuyển nhượng cho đối tác khác vì tình hình tài chính hiện tại không cho phép Công ty góp vốn để đầu tư xây dựng cao ốc hay trung tâm thương mại.

LNST 2010 dự phóng đạt 256 tỷ đồng, giảm 32% so với Báo cáo ngày 27/04/2010. Chúng tôi dự phóng doanh thu và LNST năm 2010 đạt tương ứng 5,185 tỷ và 256 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 32% so với Báo cáo ngày 27/04/2010. Doanh thu tăng mạnh 68% so với kết quả thực hiện năm 2009 là do hợp nhất AGF. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh năm 2010 được đánh giá không hiệu quả, nhiều chi phí tăng mạnh khiến LNST giảm 14.4% so với năm 2009.  

Dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh 1H/2010, chúng tôi đã có những sự điều chỉnh mạnh sau:

(1) Lợi nhuận gộp biên giảm từ 16% xuống còn 15% do tình hình chi phí thu mua nguyên liệu tăng cao so với trước đó. Ngoài ra, HVG còn phát sinh thêm chi phí chạy máy phát điện, chi phí khấu hao nhà xưởng không tham gia vào hoạt động sản xuất trong kỳ.

(2)  Tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp/Doanh thu thuần điều chỉnh tăng lên 1.6% (báo cáo trước là 1.1%) do thực tế chi phí bán hàng đã tăng mạnh trong 1H/2010.

(3) Các khoản vay tăng lên cùng với lãi suất tăng so với năm 2009 nên ước tính chi phí lãi vay tăng gấp đôi so với ước tính trong báo cáo trước.

Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm không tích cực về triển vọng của HVG trong năm 2010 như trong Báo cáo ngày 27/04/2010. Theo đó, chúng tôi cho rằng các rủi ro hoạt động của HVG vẫn ở mức cao và duy trì khuyến nghị BÁN đối với cổ phiếu này.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Kinh tế Mỹ: Trì trệ tạm thời hay suy thoái kép? (19/09/2010)

>   VNM: Báo cáo phân tích cổ phiếu (14/09/2010)

>   MPC: Khoản hoàn thuế 7.28 triệu USD có làm tăng lợi nhuận? (08/09/2010)

>   PAC: Báo cáo phân tích cổ phiếu (31/08/2010)

>   Chiến lược đầu tư 2010: Ngành Mía đường (28/08/2010)

>   Sản xuất công nghiệp có thực sự xuống thấp? (27/08/2010)

>   Lạm phát Việt Nam đang cao hay thấp? (25/08/2010)

>   Vì sao Thủ tướng yêu cầu NHNN rà soát lại Thông tư 13? (20/08/2010)

>   Bình luận động thái nâng tỷ giá USD/VND (18/08/2010)

>   Ngày 18/08: Tỷ giá tăng, chứng khoản giảm mạnh (18/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật