Bài viết dựa trên Tham luận tại Hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát và hạn chế nhập siêu” do ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức ngày 15/09/2010:
Ảnh hưởng của tỷ giá lên nhập siêu Việt Nam
(Vietstock) – Sau giai đoạn mở cửa kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên nhanh chóng, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn. Tuy nhiên, tăng trưởng nhập khẩu luôn cao hơn xuất khẩu khiến cho thâm hụt thương mại của Việt Nam ngày càng cao. Hệ quả của nó là làm cho cân bằng kinh tế vĩ mô trở nên mong manh.
Giải quyết bài toán nhập siêu lớn đang trở thành một vấn đề rất được quan tâm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu lớn của Việt Nam hiện nay. Bài viết của chúng tôi chủ yếu xem xét dưới góc độ ảnh hưởng giữa tỷ giá và cán cân thương mại của Việt Nam.
Thực trạng cán cân thương mại của Việt Nam
Từ sau giai đoạn mở cửa kinh tế, thương mại của Việt Nam tăng lên rất nhanh. Tính trung bình từ năm 1990 đến 2009, xuất khẩu của Việt Nam tăng trung bình hàng năm 18.7%/năm, trong khi đó nhập khẩu tăng trung bình 20.1%/năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ mức chỉ bằng 76% GDP vào năm 1990 tăng lên 162% GDP vào năm 2008. Thâm hụt thương mại theo đó cũng ngày càng lớn, từ mức 0.6 tỷ USD năm 1990, và lên đỉnh điểm vào năm 2008 là 17.51 tỷ USD.
Sự tăng mạnh của kim ngạch xuất nhập khẩu làm cho nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng cao. Tuy nhiên, tiềm ẩn sau đó là những rủi ro. Tổng thâm hụt thương mại của Việt Nam từ năm 1990 đến 2009 đã lên tới 84 tỷ USD, tương đương với GDP của năm 2007. Thâm hụt thương mại/GDP liên tục tăng cao trong những năm gần đây và lên tới hơn 20% GDP vào năm 2008. Đây là mức cao vượt xa trung bình của các nước trên thế giới.
Về cơ cấu nhập khẩu, phần lớn các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam là máy móc thiết bị và nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng chỉ chiếm chưa đến 10%. Từ năm 2000 đến nay, nhập khẩu mặt hàng tiêu dùng chỉ chiếm 6-8%, nguyên nhiên vật liệu chiếm 60-67%, còn lại là máy móc thiết bị.
Trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nguyên liệu thô và sản phẩm sơ chế giá trị gia tăng thấp chiếm một tỷ lệ khá lớn. Kim ngạch xuất khẩu khoáng sản (dầu thô và khoáng sản khác) từ năm 2000 đến nay vẫn luôn chiếm từ 30 – 40%. Những mặt hàng liên quan đến nông nghiệp sơ chế như nông lâm thủy hải sản chiếm trên 15-17%. Những mặt hàng chế biến chiếm tỷ trọng 43-50%, trong đó một tỷ trọng khá lớn là gia công may mặc, giầy da. Hơn 70% nguyên liệu gia công xuất khẩu là từ nhập khẩu và giá trị gia tăng từ mặt hàng này tương đối thấp. Những mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao chiếm một tỷ lệ khá thấp trong mặt hàng xuất khẩu.
Trong một số năm gần đây tỷ trọng nhập siêu từ Trung Quốc chiếm hơn 90% tổng nhập siêu của Việt Nam. Tuy vậy, đây mới chỉ là con số chính thức. Nếu thống kê cả hàng hóa nhập lậu qua biên giới và bằng con đường tiểu ngạch thì con số này có thể còn cao hơn. Điều đáng quan ngại là tốc độ gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng nhanh, trong khi xuất khẩu sang nước này hầu như không thay đổi.
Những yếu tố ảnh hưởng đến cán cân thương mại
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Tùy theo giai đoạn và đặc điểm của từng nền kinh tế thì mức độ quan trọng của các yếu tố khác nhau.
Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái: Khi đồng tiền phá giá (giảm giá), giá hàng xuất khẩu trở nên rẻ một cách tương đối sẽ giúp xuất khẩu thuận lợi hơn, trong khi đó hàng nhập khẩu đắt một cách tương đối, và nhu cầu hàng nhập khẩu giảm. Cả hai hiệu ứng này tác động đồng thời làm cải thiện cán cân thương mại.
Ảnh hưởng của dòng vốn: Cán cân thương mại là một trong những yếu tố của tài sản quốc gia. Cán cân thương mại phụ thuộc vào chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm trong nền kinh tế. Mức chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư được bù đắp bởi các dòng vốn đầu tư nước ngoài như FDI, ODA, FPI, kiều hối và các dòng vốn vay thương mại khác.
Ảnh hưởng của thu nhập: Khi thu nhập trong nước tăng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cũng đồng thời tăng theo. Trong khi đó, khi kinh tế nước ngoài tăng trưởng, họ cũng tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước khác và làm cho xuất khẩu của đối tác thương mại tăng lên. Do vậy cán cân thương mại phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế.
Các chính sách thương mại và phát triển kinh tế: Các chính sách thuế, bảo hộ hàng hóa trong nước cũng ảnh hưởng mạnh đến cán cân thương mại. Những rào cản này hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng để cải thiện cán cân thương mại. Các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu khác cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến cán cân thương mại. Ngoài ra, cán cân thương mại còn phụ thuộc vào cơ cấu của nền kinh tế và chiến lược phát triển công nghiệp của quốc gia.
Quan hệ giữa tỷ giá và cán cân thương mại
Về mặt lý thuyết như đã trình bày ở trên, giữa tỷ giá hối đoái và cán cân thương mại có quan hệ đồng biến với nhau. Biểu đồ sau thể hiện khá rõ mối quan hệ này.
Với số liệu theo năm, chúng ta thấy giữa tỷ lệ X/M có một mối quan hệ khá rõ ràng, trừ giai đoạn từ 2002 đến 2004 thì mối quan hệ này đã bị suy yếu.
Trường hợp khác, xét dữ liệu theo quý từ năm 1999 đến 2009 thì chúng ta thấy mối quan hệ này có ý nghĩa hơn khi đường xu thế có giá trị R2=0.52. Như vậy, biểu đồ khá trực quan này cho thấy giữa tỷ giá hối đoái thực và cán cân thương mại có một mối quan hệ đồng biến.
Các kết quả hồi quy bằng mô hình kinh tế lượng cũng cho thấy có mối quan hệ giữa tỷ giá thực và cán cân thương mại. Điều này cho thấy việc phá giá đồng tiền đóng góp vào việc giảm nhập siêu.
Thâm hụt thương mại cao gây nên rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế và gây sức ép mạnh lên tỷ giá. Do vậy, chính sách điều hành tỷ giá không những có vài trò trong vấn đề ổn định thị trường tiền tệ mà còn đóng vai trò trong việc kiềm chế nhập siêu.
Không ít ý kiến cho rằng cần phải phá giá đồng nội tệ để giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam. Tuy nhiên, phân tích trên đã chỉ ra rằng dù tỷ giá và nhập siêu có mối quan hệ với nhau, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác. Để giảm nhập siêu cần một bài toán tổng thể hơn chứ không phải là một giải pháp riêng lẻ.
Về dài hạn, điều hành tỷ giá nên căn cứ vào tỷ giá hối đoái thực đa phương làm tỷ giá tham chiếu để tránh cho tiền đồng bị định giá quá cao ảnh hưởng đến nhập khẩu. Bên cạnh đó, không nên phá giá đồng nội tệ như là một giải pháp cứu cánh để kiềm chế nhập siêu.
Hồ Bá Tình
|