Thứ Ba, 05/10/2010 11:09

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

PET: Phân tích cổ phiếu tháng 09/2010

TỔNG CTCP DỊCH VỤ TỔNG HỢP DẦU KHÍ (PETROSETCO)

Mã chứng khoán HoSE: PET.  Ngành: Thương mại.  Khuyến nghị: GIỮ 

(Vietstock) – Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu và LNST năm 2010 của PET tương ứng đạt khoảng 9,086 tỷ đồng và 157 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và tăng 39% so với năm 2009.

Như vậy, EPS chưa pha loãng của PET sẽ ở mức 2,832 đồng/cp. Với giá thị trường ngày 28/09/2010 là 18,800 đồng/cp, thì P/E và P/B dự phóng cho năm 2010 của cổ phiếu PET lần lượt ở mức 6.6x và 1.3x. Sau đợt chào bán tăng vốn điều lệ, mức EPS pha loãng sẽ là 2,342 đồng/cp tương ứng với mức P/E dự phóng là 8.0x.

Chúng tôi cho rằng hiện tại thị giá cổ phiếu PET đang phản ánh khả năng duy trì doanh thu và lợi nhuận ổn định trong 2 năm tới. Trong giai đoạn 2010-2011, PET hoàn toàn dựa vào hoạt động mảng hoạt động thương mại, và có sự đóng góp của hoạt động phân phối hạt nhựa.

Từ năm 2012 trở đi, hoạt động kinh doanh của PET sẽ có nhiều đột biến nhờ vào hoạt động kinh doanh bất động sản. Nhà máy Bao bì Dầu khí Bạc Liêu đi vào hoạt động với nguồn tiêu thụ ổn định. Đáng chú ý là PET tham gia xuyên suốt chuỗi giá trị của nhà máy Bio-Ethanol, sẽ giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh của PET.

Cần để ý thêm rằng PET có thể thu được lợi nhuận đột biến từ hoạt động cổ phần hóa các công ty liên kết và chúng tôi chưa có đủ thông tin để tính đến trong mô hình định giá.

Chúng tôi cho rằng mức giá mục tiêu 6 tháng của cổ phiếu PET có thể đạt mức 23,000 đồng/cp. So với mức giá ngày 28/09/2010 là 18,800 đồng/cp thì mức sinh lời kỳ vọng vào khoảng 22%.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ

PET hiện chiếm 45% thị phần phân phối điện thoại di động Nokia. Ngoài ra, PET còn phân phối mặt hàng máy tính xách tay. Tỷ lệ dân số trẻ của Việt Nam khá cao, thu nhập người dân này càng được cải thiện sẽ khiến sức tiêu thụ các sản phẩm công nghệ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, tỷ lệ điện thoại di động và máy tính xách tay trên đầu người của Việt Nam còn khá thấp so với nhiều nước trong khu vực. Thị trường phân phối các mặt hàng này vẫn còn khá tiềm năng.

Tham gia toàn bộ chuỗi giá trị Bio-Ethanol. Nhiên liệu sinh học trong đó Bio-Ethanol là sản phẩm đang dần được sử dụng phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Với dự án đầu tư vào nhà máy sản xuất Bio-Ethanol ở Dung Quất, PET đang thâm nhập vào một thị trường khá tiềm năng. Đặc biệt, việc PET tham gia toàn bộ chuỗi giá trị có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh từ dự án này.

Phân phối hạt nhựa PP, khí hóa lỏng LPG nhiều tiềm năng. Hiện Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu hạt nhựa PP bình quân 500,000 tấn/năm. Công suất hiện tại của nhà máy hạt nhựa PP Dung Quất chỉ đạt 150,000 tấn/năm, đáp ứng 1/3 nhu cầu hiện tại. Ngoài ra, từ tháng 10/2010 PET sẽ đưa vào hoạt động Trạm chiết nạp và Kho chứa khí hóa lỏng (LPG) với công suất 120,000 tấn/năm. 

Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. PetroVietnam vẫn đang đẩy mạnh thăm dò, khai thác các mỏ mới. Số lượng giếng khoan từ đó cũng tăng trưởng nhanh, dự kiến sẽ tăng 15% trong năm 2010. Như vậy, nhu cầu về các dịch vụ, công nghiệp phụ trợ cho hoạt động liên quan tới dầu khí sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Gia tăng đầu tư vào các công ty liên kết. Trong thời gian qua PET đã tích cực mua lại và gia tăng vốn góp vào nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí nhằm mở rộng quy mô hoạt động. Các doanh nghiệp này sẽ tạo nguồn thu nhập bổ sung cho PET trong thời gian tới. Ngoài ra, với 15 công ty con, công ty liên kết thì việc cổ phần hóa có thể sẽ tạo lợi nhuận đột biến cho PET trong các năm tới.

Các dự án bất động sản và hoạt động quản lý tài sản khá tiềm năng. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Cao ốc Petrosetco tại 12 AB Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, TPHCM với quy mô dự kiến 25-35 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 105,000 m2. Dự án này dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay.

RỦI RO ĐẦU TƯ

Tỷ suất lợi nhuận gộp chưa thực sự hấp dẫn. Nguồn thu chủa yếu của PET vẫn đến từ hoạt động thương mại nên tỷ suất lợi nhuận gộp của PET ở quanh mức 7%-8% trong 3 năm qua. Đây là một yếu tố khiến cho cổ phiếu PET kém phần hấp dẫn so với các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực dầu khí.

Áp lực cạnh tranh cao trong lĩnh vực phân phối. Hiện có nhiều doanh nghiệp đang xâm nhập lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ cao khiến cho thị trường ngày càng chia nhỏ, áp lực cạnh tranh lớn và tỷ suất sinh lời của hoạt động này không còn cao. Trong khi đó, PET không có nhiều lợi thế thực sự nổi trội.

Hiệu quả có thể sụt giảm sau khi tiếp nhận 2 đơn vị của Vinashin. Theo yêu cầu từ PetroVietnam, PET đã tiếp nhận Phòng Dịch vụ thuộc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu Dung Quất (DQS) và Công ty TNHH MTV Kinh doanh Cung ứng Dịch vụ Hàng hải Vinashin (cũng do DQS sở hữu) từ tháng 8/2010. Nhiều khả năng hiệu quả hoạt động của PET có thể sụt giảm sau khi nhận thêm 2 đơn vị này.

Rủi ro pha loãng EPS từ đợt chào bán cổ phiếu trong năm 2010. Tháng 9/2010, PET đã đấu giá thành công 11.61 triệu cổ phiếu thu về 198.7 tỷ đồng; tức là vốn điều lệ của PET sẽ tăng 21% so với cuối năm 2009. Mục đích là để đầu tư vào các dự án mang tính dài hạn. Do đó, thu nhập từ các dự án trong năm 2010 có thể không theo kịp tốc độ tăng trưởng của vốn chủ sở hữu.

Biến động lãi suất và tỷ giá ảnh hưởng kết quả kinh doanh. Tỷ trọng nợ vay/tài sản của PET đang ở mức 70%, trong đó có khoản nợ vay ngoại tệ lên tới 43.48 triệu USD và hoạt động nhập khẩu thường chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu. Do đó, biến động lãi suất và tỷ giá đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của PET.

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH

Nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động thương mại. PET là một doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực, nhưng trong các năm vừa qua, hoạt động thương mại luôn chiếm từ 90%-95% trong cơ cấu doanh thu.

Chiếm 45% thị phần phân phối điện thoại di động Nokia. Hiện PET đang sở hữu 45% thị phần phân phối điện thoại di động Nokia cả nước. Mặc dù đang chịu áp lực cạnh tranh từ các nhà phân phối khác như FPT, Viettel…, nhưng lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ cao vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao 38% và tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 6.4% trong năm 2009.

Ngoài ra, PET còn phân phối mặt hàng máy tính xách tay. Đây được đánh giá là một thị trường khá hấp dẫn, nhưng cũng đang cạnh tranh khá gay gắt.

Hoạt động phân phối nông sản và phân bón đang thu hẹp. Hoạt động này vẫn khá hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận gộp 15.8% trong năm 2009. Hoạt động xuất khẩu sắn lát năm 2009 đạt 256,000 tấn, chiếm 20% sản lượng xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại sắn lát sẽ không đem lại hiệu quả cao. PET đang kỳ vọng dự án Bio-Ethanol thì PET có thể nâng cao giá trị nguồn nguyên vật liệu sẵn có này.

Dịch vụ dầu khí có tốc độ tăng trưởng nhanh. Dịch vụ catering, quản lý và khai thác tài sản, dịch vụ cung ứng thiết bị dầu khí đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ vào sự phục hồi của ngành dầu khí. Các hoạt động dịch vụ dầu khí có tỷ suất sinh lời cao hơn hoạt động thương mại, nên trong thời gian tới hiệu quả kinh doanh của PET có thể sẽ được cải thiện.

Đáng chú là dịch vụ catering phục vụ cho hoạt động dầu khí do PET cung cấp đang chiếm thị phần 90%. Ngoài ra, dịch vụ khai thác tài sản và cho thuê cao ốc của PET đang tạo nguồn thu ổn định với tỷ lệ lấp đầy bình quân các cao ốc ở mức 90%.

PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH

Doanh thu biến động mạnh trong thời gian qua. Doanh thu của PET tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 2007-2008 và bắt đầu chậm lại từ 2009.

PET bước vào lĩnh vực phân phối công nghệ cao từ 2007, đây là giai đoạn tăng trưởng mạnh của lĩnh vực này. Trong năm 2009, ngoài chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, thị trường phân phối sản phẩm công nghệ có dấu hiệu bước sang giai đoạn ổn định, không còn tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, nhu cầu về mặt hàng công nghệ cao vẫn duy trì ở mức cao và hoạt động khai thác dầu khí cũng sôi động trở lại sau khủng hoảng đã giúp PET duy trì mức tăng trưởng lại nhuận ở mức cao 40% trong năm 2009.

Áp lực chi phí lãi vay và rủi ro biến động tỷ giá. PET hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, phân phối hàng hóa nên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao so với doanh thu không mang nhiều biểu hiện tiêu cực.

Việc tích trữ hàng tồn kho gây áp lực lớn lên nhu cầu tài trợ vốn lưu động. PET buộc phải sử dụng nhiều vốn vay, đặc biệt vốn vay ngắn hạn thường ở mức 600 tỷ đồng để duy trì hàng tồn kho.

Chi phí lãi vay so với doanh thu đã tăng mạnh từ 0.2% từ 2005 lên tới 1.2% trong 2009. Gánh năng chi phí lãi suất tăng cao khi lãi suất cho vay thị trường gia tăng sẽ tác động tiêu cực lên hiệu quả hoạt động của PET.

Tại ngày 30/06/2010, PET đang có khoản vay 43.48 triệu USD so với mức 24.38 triệu USD vào ngày 31/12/2009, tức tăng 19.1 triệu USD tương đương với mức tăng 78.3%. Việc nâng tỷ giá USD/VND gần 2.1% của Ngân hàng Nhà nước vừa qua sẽ gây tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động của PET.

Ngoài ra, PET còn gặp nhiều bất lợi khi hoạt động trên lĩnh vực xuất và nhập khẩu hàng hóa. Tỷ trọng hàng nhập khẩu thường lớn hơn nên tỷ giá USD/VND tăng thường làm gia tăng giá hàng hóa nhập khẩu.

Tỷ suất lợi nhuận gộp đang giảm dần, nhưng tỷ suất sinh lời được cải thiện. Hoạt động phân phối điện thoại di động đem lại doanh thu cao nhưng lại có tỷ suất lợi nhuận gộp thấp khiến cho tỷ suất lợi nhuận gộp chung của PET sụt giảm. Hiện tỷ suất lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2010 đang ở mức 7.79%, giảm nhẹ so với mức 7.83% của cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm dần phản ánh tình hình thị trường điện thoại di động đang cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là phân khúc trung bình thấp.

Hoạt động phân phối không cần đầu tư nhiều vào tài sản cố định và tăng cường sử dụng vốn ngắn hạn tài trợ dự trữ hàng tồn kho nên tỷ suất sinh lời của PET đang dần được cải thiện.

Khoảng cách giữa tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROAA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) đang gia tăng cho thấy hoạt động của PET chủ yếu được tài trợ từ nợ vay. Tuy vậy, PET sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn lãi suất thị trường gia tăng hay tỷ giá biến động.

Hàng tồn kho khá cao trước rủi ro vòng đời sản phẩm rút ngắn. Tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản năm 2009 giảm mạnh xuống còn 32.3% so với mức 39% của 2008 nhưng số ngày tồn kho ở mức 43.6 ngày tăng nhẹ so với 2008. Đối với một doanh nghiệp thương mại thì hàng tồn kho cao không hàm chứa nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đối với mặt hàng công nghệ, với vòng đời sản phẩm đang rút ngắn thì việc hàng tồn kho và ngày tồn kho cao sẽ ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh.

Thời gian thu tiền, tồn kho kéo dài và liên tục gia tăng đầu tư tạo áp lực lên dòng tiền. PET hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và phân phối hàng hóa. Do đó, nhu cầu tích trữ hàng tồn kho và các khoản phải thu thường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản. Số ngày thu tiền bình quân và ngày tồn kho bình quân tăng liên tục qua các năm và đạt tương ứng 43 và 36 ngày vào năm 2009.

Kỳ thu tiền, ngày tồn kho bình qua 2005-2009

Nguồn: PET

Ngoài ra, với mục đích mở rộng hoạt động nên PET đã đẩy mạnh việc góp vốn, mua lại cổ phần của nhiều công ty trong ngành dầu khí.

Hai nguyên nhân chính này góp phần tạo áp lực lên dòng tiền của PET trong thời gian qua. PET buộc phải sử dụng vốn ngoại sinh, chủ yếu là vay ngân hàng, để tài trợ cho vốn lưu động.

TRIỂN VỌNG DOANH NGHIỆP NĂM 2010 VÀ ĐỊNH GIÁ MỤC TIÊU

KQKD năm 2010 sẽ tăng trưởng mạnh nhờ có thêm hoạt động phân phối hạt nhựa PP và khí hóa lỏng LPG. PET là một trong hai nhà phân phối sản phẩm Poly-Propylene (PP) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo kế hoạch, từ đây đến cuối năm 2010, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ xuất xưởng 37,101 tấn sản phẩm hạt nhựa PP để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành nhựa trong nước.

Dự kiến trong năm 2010, hoạt động phân phối hạt nhựa PP có thể đem lại 800 tỷ đồng doanh thu cho PET.

Các năm tiếp theo, phân xưởng sản xuất sản phẩm nhựa PP của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tạo ra doanh thu từ 170-200 triệu USD/năm với sản lượng 150,000 tấn/năm. Trong đó, PET có thể đem lại doanh thu 1,300 tỷ đồng từ hoạt động phân phối PP từ 2011.

Ngoài ra, PET cũng đã chính thức hoàn tất thủ tục đầu tư vào Trạm chiết nạp và Kho chứa khí hóa lỏng (LPG) với công suất 120,000 tấn/năm. Dự kiến dự án này sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10/2010.

Dự án nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol hoạt động vào cuối năm 2011. Hiện trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sinh học như Bio-Ethanol. PET đã góp 25% vốn vào CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung tại Dung Quất, Quảng Ngãi để thực hiện dự án sản xuất Bio-Ethanol. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động vào cuối năm 2011 và có công suất 100 triệu lít Ethanol/năm.

Với lợi thế là nhà xuất khẩu sắn lát, nguyên liệu chính để sản xuất Ethanol, PET hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nguyên liệu với sản lượng có thể cung cấp 1.2 triệu tấn/năm.

Với vai trò là nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà sản xuất và phân phối sản phẩm, dự án Bio-Ethanol kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu nhập cao cho PET.

Hoạt động đầu tư vào công ty con, công ty liên kết sôi động. Từ quý 4/2009, PET đã hoạt động khá tích cực trong việc gia tăng vốn góp, mua lại vốn góp của các công ty thành viên PetroVietnam... Hiệu quả của việc mua lại các doanh nghiệp này được phản ánh khá rõ nét trước tốc độ gia tăng doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2010.

Hiện tại, PET có 9 công ty con dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. PET có kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp này trong thời gian tới và đây có thể là nguồn lợi nhuận đột biến. Dự kiến PET sẽ cổ phần hóa 4 đơn vị thành viên vào năm 2010 và 2 đơn vị vào năm 2011.

Dự án nhà máy bao bì dầu khí có nguồn tiêu thụ ổn định. CTCP Bao bì Dầu khí Việt Nam, với vốn điều lệ đăng ký là 125 tỷ đồng, trong đó PET góp 51% vốn. Mục tiêu của nhà máy sản xuất bao bì tại tỉnh Bạc Liêu này nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng bao bì của Nhà máy Đạm Cà Mau và trong khu vực.

Dự án được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 xây dựng nhà máy với tổng công suất 20 triệu bao/năm và sẽ nâng dần công suất trong giai đoạn 2. Dự án này đã được khởi công vào cuối tháng 6/2010 và dự kiến đi vào hoạt động cùng lúc với Nhà máy Khí Điện Đạm Cà Mau vào năm 2012.

Kỳ vọng lợi nhuận đột biến từ các dự án bất động sản. PET không có lợi thế quỹ đất lớn như các doanh nghiệp bất động sản, nhưng đầu tư phát triển trên quỹ đất và với mối quan hệ với khách hàng là các công ty và cán bộ trong ngành dầu khí sẽ là nguồn thu đáng kể khi đi vào khai thác.

Trong đó, đáng chú ý là Dự án Cao ốc Petrosetco tại 12 AB Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, TPHCM với quy mô dự kiến 25-35 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 105,000 m2. Dự án này dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay.

Hạn chế đầu tư tài chính ngắn hạn. Kể từ năm 2009, PET đã thanh lý các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Điều này được thể hiện rõ qua PET đầu tư vào các công ty liên kết chủ yếu thuộc hoạt động dịch vụ dầu khí từ cuối 2009 cho tới nay. Chúng tôi đánh giá cao việc thay đổi chiến lược này và PET sẽ có thể tập trung vào hoạt động cốt lõi, cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Dự phóng LNST 2010 đạt 157 tỷ đồng, EPS chưa pha loãng đạt 2,832 đồng/cp và EPS pha loãng là 2,342 đồng/cp. Định giá mục tiêu: 23,000 đồng/cp. Khuyến nghị: GIỮ. Chúng tôi cho rằng hoạt động trong giai đoạn 2010-2011 của PET vẫn duy trì ổn định và chủ yếu dựa vào hoạt động thương mại, phân phối hàng hóa. Kể từ năm 2012, hoạt động kinh doanh của PET sẽ có nhiều khởi sắc nhờ các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, bất động sản... đi vào khai thác.

Mức giá hiện tại của PET đang phản ánh triển vọng trung và ngắn hạn. Về dài hạn, chúng tôi cho rằng mức giá hiện tại đang khá hấp dẫn để đầu tư. Ngoài ra, cần để ý thêm rằng trong mô hình dự phóng của chúng tôi chưa tính đến khả năng PET cổ phần hóa các công ty liên kết, vốn có thể đem lại nguồn thu nhập đột biến.

TRIỂN VỌNG NGÀNH

Hoạt động thăm dò khai thác và hóa lọc dầu tiếp tục phát triển. Hiện tại nhu cầu sử dụng dầu khí trong các hoạt động sản xuất, sinh hoạt vẫn không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế. Hoạt động hóa lọc dầu cũng sẽ được đẩy mạnh với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Ngoài ra, nhiều dự án lọc dầu khác cũng đang dần được triển khai ở Nghi Sơn, Long Sơn…

Nhu cầu các sản phẩm công nghệ cao Việt Nam còn khá dồi dào. Tỷ lệ dân số trẻ của Việt Nam khá cao, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện. Từ đó, nhu cầu và sức tiêu thụ của các sản phẩm công nghệ ngày càng gia tăng.

Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam đang gia tăng mạnh và chưa có dấu hiệu chững lại. Tỷ lệ phổ cập điện thoại di động của Việt Nam phân bổ khá đồng đều ở mọi độ tuổi. Hiện cũng đang xuất hiện xu hướng gia tăng tỷ lệ sở hữu điện thoại di động/đầu người.

Trên thực tế, tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia đang phát triển khác. Ở TPHCM và Hà Nội, tỷ lệ người dân sử dụng di động đã đạt mức 74%, các vùng ngoại thành đạt 58% và nông thôn là 37%... Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy thị trường điện thoại di động đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

Dòng sản phẩm nhiên liệu sinh học đang dần được sử dụng phổ biến. Nhiên liêu sinh học trong đó Bio-Ethanol là một sản phẩm đang được sử dụng phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Với dự án đầu tư vào nhà máy Bio-Ethanol ở Dung Quất, PET đang thâm nhập vào một thị trường khá tiềm năng.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Dự báo lạm phát và phản ứng chính sách tiền tệ cuối năm 2010 (30/09/2010)

>   Thông tư 13: Bốn thay đổi căn bản sẽ tạo hiệu ứng tích cực (28/09/2010)

>   Ảnh hưởng của tỷ giá lên nhập siêu Việt Nam (21/09/2010)

>   HVG: Báo cáo phân tích cổ phiếu (21/09/2010)

>   Kinh tế Mỹ: Trì trệ tạm thời hay suy thoái kép? (19/09/2010)

>   VNM: Báo cáo phân tích cổ phiếu (14/09/2010)

>   MPC: Khoản hoàn thuế 7.28 triệu USD có làm tăng lợi nhuận? (08/09/2010)

>   PAC: Báo cáo phân tích cổ phiếu (31/08/2010)

>   Chiến lược đầu tư 2010: Ngành Mía đường (28/08/2010)

>   Sản xuất công nghiệp có thực sự xuống thấp? (27/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật