Thứ Sáu, 05/11/2010 08:25

Macro View:

Chìa khóa cho vấn đề tỷ giá của Việt Nam

(Vietstock) – Kể từ đầu tháng 10 đến nay, vấn đề tỷ giá lại trở thành tâm điểm chú ý và gây quan ngại. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng vọt từ mức 19,500 VND/USD lên mức đỉnh gần sát 21,000 VND/USD vào ngày 03/11/2010. Liệu tỷ giá có tiếp tục tăng mạnh và giải pháp nào để giải quyết vấn đề tỷ giá của Việt Nam?

VND mất giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác

Chỉ trong vòng 10 tháng tính đến ngày 18/8/2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải 3 lần điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, tăng tổng cộng 11.17% lên mức 18,932 VND/USD. Tuy nhiên, dường như sự điều chỉnh này vẫn chưa làm thỏa mãn ”cơn khát” của thị trường. Tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do vẫn luôn cao hơn thị trường chính thức. Vào ngày 02/11/2010, mức chênh lệch này đã lên tới 1,500 VND/USD, tức 7.69%, một mức khá cao so với các đợt điều chỉnh tỷ giá trước đó.

VND cũng đang bị mất giá khá mạnh khi so sánh với các đồng tiền khác trong khu vực. Sử dụng tỷ giá 19,500 VND/USD để quy đổi chéo, từ đầu năm đến tháng 11/2010 VND mất giá hơn 20% so với đồng Yên của Nhật Bản, hơn 17% so với đồng tiền của Thái Lan và Malaysia, gần 8% so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Nếu sử dụng tỷ giá thị trường tự do thì mức mất giá hiện nay của VND đang rất cao so với các đồng tiền khác.

Sở dĩ xảy ra hiện tượng này là vì đồng nội tệ của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đã lên giá so với USD, khi dòng vốn đầu tư gián tiếp đổ mạnh vào khu vực này, trong khi đó VND lại mất giá so với USD.

 Nguyên nhân khiến cho VND liên tục mất giá

Tài khoản vãng lai bị thâm hụt lớn: Việc đồng nội tệ luôn chịu áp lực mất giá là do sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế. Bản chất là một nền kinh tế nhập siêu  lớn khiến cho cán cân tài khoản vãng lai (current account) chênh lệch hàng chục tỷ USD.

Trong khi đó, cán cân tài khoản vốn trong gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vốn đầu tư gián tiếp (FPI), vốn vay (ODA, vay thương mại của Chính phủ và doanh nghiệp) lại phụ thuộc vào diễn biến kinh tế toàn cầu và ổn định vĩ mô trong nước.

Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, NHNN khẳng định tổng cán cân tài khoản vãng lai và tài khoản vốn của Việt Nam vẫn thặng dư 3.4 tỷ USD. Tuy nhiên, theo “Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2010” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tính tổng thể, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong năm 2010 có thể thâm hụt khoảng 4 tỷ USD.

Việc chênh lệch trong hai báo cáo nêu trên chỉ có thể giải thích là do khoản mục sai số trong cán cân thanh toán tổng thể đã tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với thực tế gia tăng tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, do người dân tăng cường nắm giữ USD.

Với những số liệu hiện có (xem bảng dưới đây), Việt Nam vẫn có thể thặng dư cán cân thanh toán nếu không xét đến khoản mục sai số.

Mặc dù vậy, số liệu này vẫn chưa tính toán hết được một số dòng ngoại tệ dịch chuyển ra khỏi nền kinh tế. Có thể kể đến là những khoản nợ đáo hạn phải thanh toán mà không vay mới, lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI chuyển về nước mà không tiếp tục tái đầu tư, các dòng vốn gián tiếp chu chuyển sau thông tin không thuận lợi về Vinashin, hay chi nhập khẩu phục vụ an ninh quốc phòng....

Theo chu kỳ cuối năm, việc mất cân đối cung cầu ngoại tệ càng dễ xảy ra khi nhu cầu nhập khẩu tăng cao, các khoản tiền vay bằng ngoại tệ đến hạn phải trả... Trong khi đó, các nguồn thu từ giải ngân FDI và kiều hối không đáp ứng kịp cũng khiến cho thị trường ngoại tệ xáo trộn.

Lòng tin vào đồng nội tệ suy giảm: Có thể thấy tổng cán cân tài khoản vãng lai và tài khoản vốn trên thực tế vẫn thặng dư. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân căng thẳng tỷ giá chủ yếu xuất phát từ lòng tin của người dân vào đồng nội tệ bị suy giảm.

Lập luận này được củng cố khi có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng đô-la hóa của nền kinh tế đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Dư nợ của những khoản vay bằng ngoại tệ tăng cao hơn rất nhiều so với dư nợ nội tệ. Tình trạng niêm yết giá hàng hóa bằng USD vẫn diễn ra phổ biến. Như vậy, có thể thấy sự biến động khá bất ngờ của tỷ giá và sự phổ biến của việc sử dụng ngoại tệ trong nền kinh tế khiến cho lòng tin vào sự ổn định của đồng nội tệ bị suy giảm.

Một nguyên nhân khác là dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm và đang ở mức khá thấp. Không những vậy, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng tăng lên đáng kể (39% GDP vào cuối năm 2009), nợ công ở mức 56% GDP. Dù phần lớn các khoản nợ này là nợ dài hạn nhưng đây vẫn là một mối đe dọa đến việc ổn định tỷ giá.

Lòng tin sụt giảm khiến người dân tăng cường tích trữ ngoại tệ. Điều này có thể thấy được khi khoản mục sai số trong cán cân thanh toán năm 2009 bị âm đến 9.4 tỷ USD, và dự kiến năm 2010 cũng âm khoảng 6 tỷ USD.

Cơ chế điều hành tỷ giá ”nặng về ý chí”: Việc điều hành tỷ giá của Việt Nam được thực hiện theo cơ chế ”thả nổi có điều tiết”. Tỷ giá tham chiếu là tỷ giá liên ngân hàng dao động trong biên độ +/- 3%. Tuy nhiên, tỷ giá liên ngân hàng thường thấp hơn nhiều so với tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường do người mua phải trả thêm các khoản phí.

Không những vậy, những đợt điều chỉnh tỷ giá của NHNN thường khá ”đột ngột” và hầu như thị trường không thể dự báo trước. Điều này cũng khiến cho thị trường phản ứng không tích cực đối với các lần điều chỉnh tỷ giá và lòng tin vào sự ổn định tỷ giá càng suy giảm. Thị trường dường như đang cần một cơ chế điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt và minh bạch hơn.

Đánh giá khả năng VND tiếp tục mất giá

Với những phân tích trên, có thể thấy áp lực về tăng tỷ giá tiếp tục ở mức khá cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, khả năng VND mất giá mạnh lên mức 22,000 hay 23,000 VND/USD ít xảy ra.

Dù áp lực ngoại tệ là khá lớn do nhu cầu thanh toán nhập khẩu và trả nợ nhưng có thể được bù đắp bởi lượng kiều hối, FDI giải ngân và vốn vay mới. Ngoài ra,chúng tôi đang kỳ vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) có thể chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới, khi giá cổ phiếu đang rất hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Áp lực về việc thu gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng không quá lớn vì nhập khẩu chính ngạch được NHNN kiểm soát. Lượng nhập khẩu lậu vàng không nhiều do giá vàng trong nước và trên thế giới chênh lệch không đáng kể khi quy đổi theo tỷ giá thị trường.

Một lý do nữa cho thấy tiền đồng khó giảm mạnh là do hiện nay VND đã mất giá hơn 15% so với hầu hết các đồng tiền của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến VND không còn được định giá cao như trước. Tính tỷ giá hối đoái thực hiệu dụng dựa trên tỷ giá trên thị trường tự do thì tiền đồng đang được định giá thấp hơn nhiều so với nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại.

Giải pháp cho việc bình ổn tỷ giá

Để tỷ giá được bình ổn lâu dài thì chắc chắn hai yếu tố căn bản là nhập siêu và lạm phát phải được khống chế. Tuy vậy, đây là những yếu tố có tính cơ cấu, sẽ cần thêm nhiều thời gian và quyết tâm từ những nhà quản lý. 

Trước mắt, việc quan trọng nhất cần làm để bình ổn tỷ giá trên thị trường là ổn định tâm lý của người dân. Cụ thể, cần phải giảm mức kỳ vọng về sự mất giá của tiền đồng bằng một chính sách minh bạch, nhất quán và khoa học trong điều hành kinh tế. Chính phủ phải thể hiện quyết tâm trong vấn đề giảm thâm hụt ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư công và giám sát chặt hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp đến, thị trường cần một cơ chế điều hành tỷ giá linh động hơn. Việc giữ tỷ giá cố định kéo dài theo ”mệnh lệnh hành chính” không phải là một giải pháp hiệu quả. Thay vào đó, việc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu nên được thực hiện một cách linh hoạt theo những tín hiệu của thị trường. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng phải thực sự là tỷ giá tham chiếu cho giao dịch trên thị trường.

Việc giảm lãi suất xuống mức thấp hơn kỳ vọng của thị trường bằng các biện pháp hành chính cũng chỉ nên thực hiện một cách có cân nhắc, vì điều này sẽ tăng quá trình tích lũy ngoại tệ. Ngoài ra, cần có lộ trình cụ thể để hạn chế các biện pháp như kết hối hay các biện pháp có tính chất hành chính khác

Chúng tôi cho rằng không nên quá lo ngại việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động mạnh đến lạm phát, dù tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đã lên hơn 150% GDP. Nguyên nhân chính yếu của tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam là do cung tiền gia tăng và hiệu quả đầu tư chưa cao.

Hồ Bá Tình

Các tin tức khác

>   Đánh giá những tâm điểm kinh tế vĩ mô cuối năm 2010 (26/10/2010)

>   Đánh giá tâm điểm kinh tế vĩ mô cuối năm 2010 (27/10/2010)

>   Phần 2: Đánh giá triển vọng TTCK quý 4/2010 (26/10/2010)

>   Phần 1: Thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm (25/10/2010)

>   PET: Phân tích cổ phiếu tháng 09/2010 (05/10/2010)

>   Dự báo lạm phát và phản ứng chính sách tiền tệ cuối năm 2010 (30/09/2010)

>   Thông tư 13: Bốn thay đổi căn bản sẽ tạo hiệu ứng tích cực (28/09/2010)

>   Ảnh hưởng của tỷ giá lên nhập siêu Việt Nam (21/09/2010)

>   HVG: Báo cáo phân tích cổ phiếu (21/09/2010)

>   Kinh tế Mỹ: Trì trệ tạm thời hay suy thoái kép? (19/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật