Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader
Kinh tế Vĩ mô Việt Nam năm 2010
Đánh giá tâm điểm kinh tế vĩ mô cuối năm 2010
(Vietstock) – Kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả tích cực khi GDP quý 3/2010 tăng trưởng 7.16%. Tuy nhiên, một số bất ổn mang tính cơ cấu của nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện. Vietstock nhìn lại và dự báo triển vọng trong những tháng cuối năm 2010 đối với các vấn đề tâm điểm của nền kinh tế Việt Nam như: lạm phát, lãi suất và chính sách tiền tệ, tỷ giá, xuất nhập khẩu và tăng trưởng.
TÓM TẮT NHẬN ĐỊNH
Lạm phát: Lạm phát có thể vượt 8% nhưng không phải là mức quá lớn trong hoàn cảnh Việt Nam. Chúng tôi cho rằng sức ép tăng giá các mặt hàng trong những tháng cuối năm là khá lớn. CPI tăng ngoài tính chu kỳ vào giai đoạn cuối năm còn do việc tăng giá hàng hóa trên thế giới, thiên tai ở miền Trung và sức ép của việc đồng nội tệ bị mất giá. Nguyên nhân lâu dài vẫn là vấn đề cơ cấu thiếu hiệu quả của nền kinh tế và tăng trưởng cung tiền cao.
Dự báo CPI năm 2010 có thể được kiểm soát quanh mức 8.7% đến 9%. Đây thực sự không phải là tín hiệu khả quan vì mức này cao hơn rất nhiều so với hầu hết các nền kinh tế khác. Mặc dù vậy, mức tăng này có thể chấp nhận được trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay và nằm trong kỳ vọng của nhiều người.
Lãi suất và chính sách tiền tệ: Lãi suất ít có khả năng giảm thêm vào những tháng cuối năm 2010. Với mức tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 20% trong 9 tháng đầu năm và sức ép lạm phát đang rất lớn, NHNN khó có thể nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Về lãi suất, dù có chủ trương của Chính phủ và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhưng lãi suất rất khó giảm mạnh trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng lãi suất có thể giảm thêm với điều kiện là lạm phát được không chế ở mức dưới 7% trong năm 2011.
Tỷ giá USD/VND: Tỷ giá tiếp tục là vấn đề tâm điểm cuối năm 2010. Sau 2 lần điều chỉnh tỷ giá USD/VND đã tăng thêm 5.7% trong 9 tháng đầu năm 2010. Nguyên nhân quan trọng xuất phát từ sự đô la hóa của nền kinh tế và tâm lý tích trữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, tỷ giá hối đoái thực của VND cũng không còn quá cao sau khi đã mất giá khá mạnh so với các đồng tiền khác. Do đó, chúng tôi cho rằng rất có thể sẽ không có thêm việc nới rộng tỷ giá trong năm 2010, dù điều này có thể diễn ra vào đầu năm 2011.
Xuất nhập khẩu: Trong 9 tháng năm 2010, tăng trưởng xuất nhập khẩu đều khá ấn tượng và nhập siêu cùng ở mức vừa phải với 8.6 tỷ USD. Tuy vậy, sức ép về nhập siêu sẽ ngày càng lớn vào những tháng cuối năm. Chúng tôi ước tính nhập siêu cả năm 2010 sẽ vào khoảng 12.5-12.8 tỷ USD. Đây vẫn là con số khá lớn và tạo sức ép lên việc cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước.
Tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng kinh tế khả quan, nhưng chất lượng vẫn chưa được cải thiện. GDP trong quý 3 đã đạt được mức tăng trưởng 7.16%, trong đó khu vực công nghiệp- xây dựng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chúng tôi nhận thấy kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng 6.7% trong năm 2010. Tuy vậy, con số dường như không phải là vấn đề trọng tâm. Một số vấn đề thuộc về cơ cấu như hiệu quả của đầu tư công, năng lực thực sự của các tập đoàn nhà nước... đã bộ lộ sớm hơn mong đợi. Trong ngắn hạn, với những lợi thế hiện có, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6 đến 7%. Về dài hạn, đà tăng trưởng sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có cải thiện trong việc tái cấu trúc nền kinh tế.
NỘI DUNG CHI TIẾT
1. Lạm phát có thể vượt 8% nhưng không phải là mức quá lớn trong hoàn cảnh Việt Nam
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2010 tăng đến 1.31% và tháng 10 tăng 1.05%. Đây là 2 tháng có mức tăng cao liên tục và tăng cao vượt trội so với những tháng trước đó. CPI tăng mạnh đã dấy lên một làn sóng lo ngại về việc lạm phát sẽ bùng phát trở lại trong năm 2010.
CPI tháng 10 tại hầu hết các tỉnh thành đều tăng mạnh. Trong đó, đáng chú ý là CPI của Hà Nội tăng đến 1.22%, TPHCM tăng 0.45%, CPI một số tỉnh niềm Trung tăng mạnh do ảnh hưởng của thiên tai. Theo nhóm hàng hóa, nhóm ngành giáo dục tiếp tục tăng 3.9% trong tháng 10, sau khi đã tăng 12.02% trong tháng trước. Nhóm hàng lương thực, ăn uống cũng nắm trong nhóm dẫn đầu về tăng giá.
Xu hướng lạm phát trong những tháng cuối năm 2010
Đánh giá mức độ tăng của CPI theo chu kỳ
CPI tăng theo chu kỳ một cách khá rõ ràng, với mức tăng mạnh nhất diễn ra vào các tháng 1, 2 và 12. Như vậy, xét theo chu kỳ trong 2 tháng còn lại của năm 2010, mức tăng CPI tháng 11 và 12 dự tính sẽ tiếp tục khá cao, dao động trong khoảng 0.7% đến 1%.
Đánh giá khả năng tăng giá theo từng mặt hàng cụ thể
Lương thực, thực phẩm: Mặt hàng này có trọng số lớn nhất trong rổ tính CPI và thường tăng khá mạnh trong những tháng cuối năm. Thêm vào đó, việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu hơn 111 mặt hàng từ ngày 23/10/2010, trong đó có nhiều mặt hàng là lương thực, thực phẩm tăng thêm 5-10%, sẽ ảnh hưởng đến giá thực phẩm trong thời gian tới. Đại Lễ 1,000 Thăng Long và thiên tai xảy ra nghiêm trọng ở miền Trung cũng làm cho giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh.
Nhà ở, Vật liệu xây dựng và Giao thông: Nhóm hàng chiếm tỷ trọng khá lớn này cũng thường tăng vào giai đoạn cuối năm. Tuy vậy, mức tăng này còn phụ thuộc nhiều vào giá thế giới và sự biến động tỷ giá. Chi phí đi lại có thể tăng cao trong tháng 12 do dịp lễ Tết Dương lịch.
Nhóm hàng hóa khác: Xem xét các nhóm hàng hóa khác, chúng tôi nhận thấy sức ép tăng giá sẽ không lớn, chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân do yếu tố chu kỳ cuối năm. Về phía cầu sẽ không có sự thay đổi đột biến, và phía cung vẫn khá dồi dào do chỉ số lượng hàng tồn kho vẫn đang ở mức khá cao.
Nguyên nhân tiền tệ đang gây sức ép lên lạm phát
Nguyên nhân tăng mạnh của CPI tháng 9 không xuất phát nhiều từ yếu tố tiền tệ, nhưng sang tháng 10 chúng tôi cho rằng yếu tố tiền tệ sẽ đóng góp vai trò lớn hơn. Mặc dù lãi suất đang duy trì ở mức khá cao; nhưng tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng cao sẽ gây sức ép cho lạm phát. Tăng trưởng tín dụng đặt mục tiêu khống chế ở mức 25%, nhưng thực tế có thể vượt qua con số này khi trong thời gian gần đây tăng trưởng tín dụng đã ở mức khá cao. Trong khi đó cung tiền cũng tăng cao và dự kiến có thể đạt 25-26%, vượt mức 22% như mục tiêu ban đầu.
Nhận định: Chúng tôi cho rằng sức ép tăng giá các mặt hàng trong những tháng cuối năm là khá lớn. CPI tăng ngoài tính chu kỳ vào giai đoạn cuối năm còn do việc tăng giá hàng hóa trên thế giới, thiên tai ở miền Trung và sức ép của việc đồng nội tệ bị mất giá. Nguyên nhân lâu dài vẫn là vấn đề cơ cấu thiếu hiệu quả của nền kinh tế và tăng trưởng cung tiền cao.
Dự báo CPI năm 2010 có thể được kiểm soát quanh mức 8.7% đến 9%. Đây thực sự không phải là tín hiệu khả quan vì mức này cao hơn rất nhiều so với hầu hết các nền kinh tế khác. Mặc dù vậy, mức tăng này có thể chấp nhận được trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay và nằm trong kỳ vọng của nhiều người.
2. Lãi suất ít có khả năng giảm thêm vào những tháng cuối năm 2010
So với những tháng đầu năm, lãi suất trên thị trường hiện nay đã giảm nhiều. Việc NHNN cho phép các ngân hàng được huy động và cho vay với lãi suất thỏa thuận đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, khi không xuất hiện một cuộc đua lãi suất nào và thực tế lãi suất đã giảm mạnh so với trước đó. Ngoài ra, thị trường tài chính đã được vận hành một cách minh bạch và linh hoạt hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng ở mức khá thấp (6 tháng 10.5%) và chủ yếu là đến từ tín dụng bằng ngoại tệ. Tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu mạnh lên trong 3 tháng trở lại đây và tính đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 19.5%, cung tiền cũng đã đạt mức tương đương. Như vậy, theo mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa 25% cho năm nay thì tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng còn lại bị khống chế trong khoảng 4.6%.
Để hỗ trợ cho việc giảm lãi suất trên thị trường, trong 9 tháng vừa qua NHNN cũng đã bơm một lượng tiền ròng khá lớn qua thị trường mở. Tổng cộng 9 tháng đầu năm, số tiền được bơm qua thị trường mở đạt khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Với lãi suất chiết khấu thấp hơn khá nhiều so với lãi suất trên thị trường, số tiền này đã hỗ trợ tích cực cho việc giảm lãi suất.
Thị trường tài chính trong tháng 10 cũng chịu sức ép lớn khi một loạt các chính sách mới quy định có hiệu lực. Áp lực này bao gồm việc 23 ngân hàng phải gấp rút tăng vốn để đáp ứng được mức vốn điều lệ tối thiểu 3,000 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Chi phí vốn của các ngân hàng cũng tăng theo khi từ năm 2010 buộc phải trích lập đầy đủ dự phòng chung 0.75% trên dư nợ tín dụng phân loại từ Nhóm 1 đến Nhóm 4.
Ngoài việc chịu tác động của việc trích lập dự phòng chung, các ngân hàng còn bị ảnh hưởng bởi một số quy định của Thông tư 13. Tuy một số điều trong Thông tư 13 đã được chỉnh sửa trong Thông tư 19, nhưng nhìn chung hệ thống ngân hàng đã chịu tác động mạnh từ những quy định mới này. Về dài hạn, Thông tư 13 có thể giúp cho hệ thống tài chính vững mạnh và an toàn hơn; tuy nhiên trong ngắn hạn quy định mới này ”gây sốc” cho không ít ngân hàng.
Một điểm đáng lưu ý khác là trong những tháng vừa qua, lượng trái phiếu chính phủ phát hành ra thị trường khá lớn. Tổng giá trị phát hành thành công được đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tính từ đầu năm đến 15/10/2010 đạt 26,315 tỷ đồng, bằng 48.37% tổng giá trị gọi thầu.
Tuy số tiền huy động được còn thấp so với mục tiêu 56,000 tỷ đồng của năm nay, nhưng lại lớn hơn rất nhiều so với con số 2,385 tỷ thu được của năm 2009. Việc Chính phủ phát hành quá nhiều trái phiếu huy động vốn đã lấn át dòng vốn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến lãi suất thị trường.
Nhận định: Việc giảm lãi suất vẫn chưa hoàn toàn như kỳ vọng của người dân cũng như Chính phủ. Với việc ”room” tín dụng còn lại cho 3 tháng chỉ là 4.6%, lãi suất trên thị trường trong thời gian tới rất khó để tiếp tục giảm xuống mạnh mẽ. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cũng phải chịu một loạt sức ép như việc tăng vốn, quy định tại Thông tư 13, chi phí từ trích lập dự phòng. Những sức ép đó cũng làm cho mục tiêu giảm lãi suất càng thêm khó thực hiện.
Những biện pháp hành chính trong điều hành lãi suất dường như không mang lại hiệu quả thực tế. Trong khi đó các giải pháp có tính chất thị trường như việc tiếp tục bơm tiền để kích thích tăng trưởng tín dụng không còn nhiều không gian để áp dụng, khi mà sức ép về lạm phát đang khá lớn. Như vậy, khả năng lãi suất tiếp tục giảm mạnh là khó xảy ra. Chúng tôi cho rằng lãi suất có thể giảm thêm với điều kiện là lạm phát được không chế ở mức dưới 7% trong năm 2011. Về dài hạn để lãi suất vừa thấp mà không nhiều sức ép lên lạm phát chỉ có con đường tái cấu trúc nền kinh tế để tăng hiệu quả đầu tư.
3. Tỷ giá tiếp tục chịu sức ép trong những tháng cuối năm 2010
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2010, NHNN đã hai lần phải nới rộng tỷ giá liên ngân hàng thêm tổng cộng 5.27%. Nếu tính cả lần tăng tỷ giá ngày 25/11/2009 thì VND đã có 3 lần bị giảm giá trong vòng chưa đến 10 tháng.
Thị trường thường phản ứng một cách khá tích cực sau các đợt điều chỉnh tỷ giá thể hiện qua việc tỷ giá trên thị trường tự do giảm xuống, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn. Tuy nhiên, dường như sự ổn định chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trong khi đó, xu thế mất giá của tiền đồng trong trung và dài hạn luôn phải chịu nhiều áp lực. Nhà đầu tư và người dân cũng có tâm lý luôn kỳ vọng đồng nội tệ sẽ mất giá.
Tỷ giá liên ngân hàng hiện nay đang được ấn định là 18,932 VND/USD, tỷ giá trần là 19,500 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do hiện tại đang giao dịch quanh mức 19,900 VND/USD. Giao dịch chính thức tại các ngân hàng vẫn ở mức trần, nhưng thực tế người mua ngoại tệ phải đóng thêm các khoản phí 100–300 VND/USD..
Nguyên nhân của việc tiền đồng nội tệ luôn chịu áp lực mất giá là do sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế và sự giảm sút lòng tin của người dân vào đồng nội tệ. Với bản chất là một nền kinh tế luôn nhập siêu rất lớn, cán cân tài khoản vãng lai (current account) luôn chênh lệch hàng chục tỷ USD.
Trong khi đó, cán cân tài khoản vốn trong năm nay gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vốn đầu tư gián tiếp (FPI), vốn vay (ODA, vay thương mại của Chính phủ và doanh nghiệp) lại thường chịu sức ép bởi tình hình kinh tế toàn cầu.
Theo số liệu của IMF, dự trữ ngoại tệ tính đến cuối tháng 6/2010 của Việt Nam chỉ còn 13.9 tỷ USD, tức là giảm 10 tỷ USD so với mức đỉnh điểm của dự trữ ngoại hối vào năm 2008. Tuy nhiên, theo số liệu của WB thì năm 2009 khoản mục sai số trong bảng tính cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam đến 9.4 tỷ USD. Nếu loại trừ các khoản sai số này thì thặng dự cán cân thanh toán quốc tế lên tới 2.7 tỷ USD. Nhiều người cho rằng nó chủ yếu nằm dưới dạng dự trữ của người dân và một phần ngoại tệ thất thoát bất hợp pháp ra bên ngoài.
Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, NHNN công bố báo cáo trong đó khẳng định tổng cán cân tài khoản vãng lai và tài khoản vốn của Việt Nam vẫn thặng dư 3.4 tỷ USD. Tuy nhiên, trong báo cáo trình Quốc hội mới đây thì dự trữ ngoại tệ hiện tại của Việt Nam còn khoảng 13.9 tỷ USD, giảm mạnh so với hồi đầu năm. Như vậy, có thể thấy khoản mục sai số trong tính toán cán cân thanh toán tiếp tục bị âm ở mức khá lớn. Điều này đồng nghĩa với một lượng ngoại tệ khá lớn có thể đang trôi nổi trong nền kinh tế hoặc được chuyển ra nước ngoài mà không được thống kê.
Nhận định: Qua những phân tích trên chúng tôi cho rằng, áp lực về tăng tỷ giá tiếp tục ở mức khá cao trong thời gian tới. Nguyên nhân quan trọng xuất phát từ sự đô la hóa của nền kinh tế và tâm lý tích trữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp. Sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước khiến nhu cầu tích trữ USD tăng lên, làm tăng khoản mục sai số dẫn đến mất cân đối cán cân thanh toán tổng thể. Trong khi đó, tổng cán cân tài khoản vãng lai và tài khoản vốn vẫn dương.
Theo ước tính của chúng tôi, tổng cán cân thành toán và cán cân tài khoản vãng lai năm 2010 vẫn dương 4 tỷ USD. Điều này cho thấy có thể có một lượng ngoại tệ khá lớn đang được ”cất giữ” trong nền kinh tế. Ngoài ra, tỷ giá hối đoái thực của VND cũng không còn quá cao sau khi đã mất giá khá mạnh so với các đồng tiền khác. Do đó, chúng tôi cho rằng rất có thể sẽ không có thêm việc nới rộng tỷ giá trong năm 2010, dù điều này có thể diễn ra vào đầu năm 2011.
Sẽ là tốt hơn nếu phản ứng chính sách điều hành thị trường ngoại tệ linh hoạt để tỷ giá chính thức phù hợp với những diễn biến trên thị trường. Việc neo tỷ giá nhằm kiểm soát lạm phát và giảm bớt gánh nặng nợ bằng ngoại tệ không phải là một giải pháp đáng được hoan nghênh.
4. Xuất nhập khẩu và thâm hụt thương mại
Xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2010 ước tính đạt 6.1 tỷ USD, giảm hơn 10% so với tháng trước nhưng lại chủ yếu là do sự chênh lệch từ xuất khẩu vàng. Tính chung trong 9 tháng xuất khẩu đạt 51.5 tỷ đồng, tăng 23.2% so với cùng kỳ, vượt xa mục tiêu 10% của năm nay.
Trong các mặt hàng xuất khẩu thì nhóm hàng Dệt may, Giày dép, Đồ gỗ, Thủy sản vẫn là nhóm đứng đầu và đạt được sự tăng trưởng ấn tượng. Trong khi đó, dù kim ngạch xuất khẩu dầu thô khá lớn nhưng đã giảm nhiều so với năm trước do phải dành một phần dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Động lực cho tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng vừa qua có sự đóng góp khá quan trọng của doanh nghiệp khu vực FDI.
Nhập khẩu tăng chủ yếu từ khu vực doanh nghiệp FDI. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2010 đạt 7.15 tỷ USD, giảm nhẹ so với tháng trước nhưng đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2009. Trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 60.08 tỷ USD, tăng 22.7%. Trong các mặt hàng nhập khẩu, máy móc, thiết bị vẫn đứng đầu tiếp đến là xăng dầu, sắt thép, vải... Các doanh nghiệp FDI đứng đầu trong tăng trưởng nhập khẩu với mức tăng 42.4%, khu vực trong nước chỉ tăng được 11.2%. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 12.5 tỷ USD (bằng 1/5 tổng kim ngạch nhập khẩu).
Nhập siêu thấp nhờ xuất khẩu vàng. Với số liệu về xuất nhập khẩu trên, nhập siêu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm ước đạt 8.6 tỷ USD, tăng 19.8% so với cùng kỳ và bằng 16.7% kim ngạch nhập khẩu (thấp hơn mức mục tiêu 20% của Chính phủ). Mặc dù vậy, nếu không tính đến 2.78 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu ròng hàng hóa đặc biệt là vàng thì nhập siêu đạt 11.38 tỷ USD, một mức rất cao so với quy mô nền kinh tế.
Nhận định: Trong những tháng vừa qua tăng trưởng xuất nhập khẩu đều ở mức khá cao. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy sự chuyển biến đáng kể nào trong xu hướng xuất nhập khẩu. Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng thô và nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị linh kiện.
Trong những tháng tới, xuất nhập khẩu có thể sẽ tăng mạnh do nhu cầu cao vào những tháng cuối năm. Thông thường tăng trưởng nhập khẩu sẽ lớn hơn xuất khẩu, do vậy nhập siêu cũng có thể sẽ tăng mạnh.
Chúng tôi ước tính nhập siêu cả năm 2010 sẽ vào khoảng 12.5-12.8 tỷ USD. Đây vẫn là con số khá lớn và tạo sức ép lên việc cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước.
5. Tăng trưởng kinh tế khả quan, nhưng chất lượng vẫn chưa được cải thiện
Quý 3/2010, tăng trưởng GDP đạt 7.16% cao hơn khá nhiều so với mức 5.83% của quý 1, Trong đó, sản xuất công nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng đã đạt được 6.52%, và dự kiến cả năm sẽ đạt 6.7%, vượt qua mục tiêu 6.5% của chính phủ.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2011 là 7.5%, đây là mức trung bình trong hơn 10 năm qua. Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6.5% trong năm nay và đạt mức 7% trong năm 2011.
Như vậy, các dự báo về triển vọng của kinh tế Việt Nam đều khá lạc quan. Điều này cũng được minh chứng bằng các con số khác như tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tăng trưởng bán lẻ và tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu được duy trì khá cao. Đặc biệt trong đó tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm đều vượt mức chỉ tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng thấp của nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Đầu tư quá mức đã gây sức ép lên lạm phát và những rủi ro vĩ mô khác. Mức tăng đầu tư này lại chủ yếu đến từ khu vực nhà nước, nơi có hiệu quả đầu tư rất thấp. Sự kiện Vinashin mất khả năng trả nợ, hàng loạt dự án trọng điểm chậm tiến độ hoặc không hiệu quả là một minh chứng sát thực cho điều này.
Tổng số vốn đầu tư trong nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2010 bằng 44.19% GDP, hệ số ICOR 9 tháng lên tới 7.17. Vốn đầu tư của khu vực nhà nước chiếm tỷ lệ cao nhất với 37.6% và tăng đến 30.2% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư khu vực ngoài nhà nước và nước ngoài lần lượt 36.8% và 25.8%, tăng trưởng vốn đầu tư chỉ là 17% và 10.7%.
Nhận định: Qua phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng 6.7% trong năm 2010. Dù đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng con số dường như không phải là vấn đề trọng tâm hiện tại của nền kinh tế Việt Nam. Một số vấn đề thuộc về cơ cấu như hiệu quả của đầu tư công, năng lực thực sự của các tập đoàn nhà nước... đã bộ lộ sớm hơn mong đợi. Trong ngắn hạn, với những lợi thế hiện có, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6 đến 7%. Về dài hạn, đà tăng trưởng sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có cải thiện trong việc tái cấu trúc nền kinh tế.
Hồ Bá Tình
|