Thứ Ba, 26/10/2010 11:09

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

Phần 2: Đánh giá triển vọng TTCK quý 4/2010

(Vietstock) - Trong Phần 1, chúng tôi đã điểm qua một số nét nổi bật của thị trường trong 9 tháng đầu năm 2010. Từ những diễn biến đó trong Phần 2 này, chúng tôi sẽ đánh giá triển vọng và xu thế của thị trường trong quý 4/2010.

* Phần 1: Thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm

Chính sách tiền tệ và những diễn biến vĩ mô đáng chú ý

Tín dụng trong 9 tháng đầu năm đã tăng 19.5%, cung tiền M2 cũng đã đạt mức tương đương. Tuy nhiên, lãi suất trên thị trường vẫn ở mức khá cao khiến cho dòng tiền vào thị trường chứng khoán suy giảm.

Trong những tháng cuối năm, hệ thống tài chính tiếp tục chịu sức ép khá mạnh của hoạt động tăng vốn của hơn 20 ngân hàng chưa đủ vốn điều lệ tối thiểu 3,000 tỷ đồng. Đặc biệt, Thông tư 13 có hiệu lực vào ngày 01/10/2010 đã hạn chế dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán. Việc phải trích lập đủ mức dự phòng chung 0.75% tổng giá trị khoản nợ kể từ năm 2010 cũng ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất. Ngoài ra, thị trường tiền tệ vẫn còn chịu áp lực từ sức ép lạm phát và “room” tín dụng trong 3 tháng cuối năm chỉ còn hơn 5%. Do vậy, chúng ta cũng khó kỳ vọng vào một đợt tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong nền kinh tế.

Rõ ràng là không nên kỳ vọng về dòng tiền vào thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2010. Hoạt động hỗ trợ đòn bẩy của các công ty chứng khoán cũng không còn nhiều. Như vậy, thị trường sẽ chịu tác động tiêu cực bởi dòng tiền suy yếu.

Các khóa đào tạo của Vietstock trong tháng 11:

- TPHCM

+ Phân tích kỹ thuật bậc 1

+ Phân tích đầu tư và định giá chứng khoán

+ Các lớp chuyên đề: Sóng Elliott, Lướt sóng, Candlestick

- Hà Nội

+ Sóng Elliott

+ Phân tích kỹ thuật bậc 2

Kinh tế đạt được tăng trưởng khả quan và dự kiến vượt 6.5% theo kế hoạch của Chính phủ. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tăng trưởng bán lẻ vẫn duy trì được mức khá cao.

Tuy vậy, xét về bản chất tăng trưởng thì tốc độ tăng trưởng trên không thực sự lạc quan. Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu nhờ vào đầu tư (trong 9 tháng đầu năm, đầu tư lên đến 42% GDP). Chất lượng tăng trưởng thấp thể hiện qua hệ số ICOR cao. Một điều đáng lưu ý khác là điểm yếu cơ cấu này của nền kinh tế đã được bộc lộ khá rõ trong thời gian qua, và có vẻ như sớm hơn kỳ vọng, thông qua vụ việc Vinashin hay việc trì trệ diễn ra ở các dự án của các tập đoàn nhà nước.

Tình trạng thiếu điện và thiên tai cũng ảnh hưởng khá lớn đến sự phục hồi của nền kinh tế. Nhập siêu, dự kiến trong những tháng cuối năm vẫn tiếp tục ở mức cao. Tỷ giá trên thị trường cũng chịu nhiều sức ép bởi tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và lòng tin người dân đối với đồng nội tệ suy giảm.

Một yếu tố quan trọng khác là lạm phát dù có thể khống chế ở mức 8% trong năm nay. Tuy vậy, đây vẫn là mức cao và sức ép đang ngày càng lớn do việc đầu tư kém hiệu quả và tăng trưởng cung tiền cao.

Như vậy, các yếu tố vĩ mô khác cũng không thật sự thuận lợi đối với nền kinh tế. Chúng ta cũng khó có thể kỳ vọng những yếu tố này sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường. Tuy nhiên, xét về dài hạn tăng trưởng kinh tế vẫn còn rất nhiều tiềm năng nếu các lợi thế kinh tế được khai thác tốt.

Hoạt động tăng vốn của doanh nghiệp gây sức ép lên TTCK

Như đã phân tích ở trên, trong khi dòng tiền vào thị trường trong thời gian qua suy yếu thì nguồn cung cổ phiếu trên thị trường lại tăng mạnh.

Cổ phiếu niêm yết cùng với cổ phiếu phát hành thêm đã làm cho thị trường chứng khoán tràn ngập “hàng hóa”. Chỉ tính riêng việc các ngân hàng buộc phải tăng vốn đã “hút” tổng cộng hơn 40,000 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của lượng cố phiếu mới niêm yết và phát hành thêm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy cung cổ phiếu và trái phiếu tăng mạnh trong khi nguồn tiền suy yếu đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Trong những tháng sắp tới, hoạt động huy động vốn và niêm yết mới tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Ngoài ra, một lượng vốn lớn cũng bị hút vào các ngân hàng. Đây là một yếu tố cho thấy tình trạng “dư cung” của thị trường vẫn tiếp tục diễn ra và sẽ là lực cản đà tăng của thị trường.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không thật sự thuận lợi

Theo tính toán của chúng tôi, lợi nhuận của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2010 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, có thể thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp rất khả quan trong 2 quý đầu năm 2010.

Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt được kết quả vượt trội trong những tháng còn lại của năm 2010.

Hiện tại, việc huy động vốn của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, chi phí sản xuất cũng tăng mạnh khiến cho lợi nhuận suy giảm. Thị trường nhà đất, xây dựng trầm lắng cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hàng trăm doanh nghiệp xây dựng và bất động sản đang niêm yết. Ngoài ra, ngành ngân hàng và chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn trên sàn niêm yết cũng chịu tác động mạnh bởi sự suy giảm của thị trường chứng khoán và hàng loạt các yếu tố khác.

Qua đó chúng ta thấy yếu tố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không hoàn toàn thuận lợi. Không những vậy, thực tế trong giai đoạn tháng 7 và tháng 8 vừa qua, nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 2 khá tốt nhưng giá cổ phiếu không phản ứng cùng chiều. Trong những tháng sắp tới, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không phải là yếu tố có thể hỗ trợ mạnh cho thị trường.

Việc mua ròng của khối ngoại hỗ trợ tích cực cho thị trường

Yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường trong những tháng vừa qua chính là việc khối ngoại đã liên tục mua ròng. Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong những tháng qua, thị trường chứng khoán tiếp tục nhận được vốn đầu tư gián tiếp từ Nhật Bản và dòng tiền từ một số quốc gia khác đã dịch chuyển sang Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng trong những tháng sắp tới, FPI tiếp tục là một dòng vốn quan trọng hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng dòng tiền này đủ lớn để có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng thực sự của thị trường.

Kỳ vọng vào những công cụ mới đối với thị trường

Sau 10 năm hoạt động, dù thị trường đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng những công cụ mới hầu như chưa phát triển mà chỉ mới dừng lại ở mức “sơ khai”.

Hiện tại có hơn 100 công ty chứng khoán đang hoạt động, hệ thống giao dịch và lưu trữ đã tương đối hoàn thiện. Về mặt công nghệ, theo đánh giá không còn rào cản cho việc áp dụng các công cụ mới và thay đổi một số phương thức giao dịch.

Thay đổi được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng là rút ngắn thời gian giao dịch xuống còn T+2, thậm chí T+0. Ngoài ra, thị trường cũng đang mong muốn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cho phép giao dịch ký quỹ (Margin), cho phép một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản và có thể mua bán chứng khoán trong cùng phiên giao dịch. Thêm vào đó, thị trường cũng đang cần những sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, chỉ số phái sinh.

Những phương thức giao dịch và công cụ nêu trên được áp dụng ở hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới. Việc đưa dần các công cụ này vào thị trường Việt Nam là cần thiết để “nâng tầm” cho thị trường. Nếu các công cụ này được áp dụng sẽ là một bước chuyển biến tích cực đối với thị trường chứng khoán. Điều này cũng tạo ra một cuộc chơi minh bạch và công bằng hơn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Giao dịch trên thị trường sẽ diễn ra sôi động hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.

Sự hấp dẫn của giá cổ phiếu có thể thu hút nhà đầu tư giá trị

Sau các đợt lao dốc của thị trường, không ít cổ phiếu đã giảm về vùng giá hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Đây là một trong những yếu tố có thể hỗ trợ tốt cho thị trường.

Trong đợt VN-Index giảm từ mức 1,100 điểm xuống 232 điểm, hầu hết các cổ phiếu đều có P/E rất cao, vượt qúa giá trị thực. Hiện tại, với mức P/E của thị trường khoảng 10 lần, không ít cổ phiếu có P/E nằm trong vùng 4 -7 lần và có tiềm năng tăng trưởng tốt. Với tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam, chúng tôi cho rằng với mức giá này rất thích hợp cho danh mục đầu tư trung và dài hạn.

Như vậy, sự hấp dẫn của cổ phiếu chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường phục hồi trong những tháng sắp tới. Ngoài ra, sự hấp dẫn này cũng là nhân tố lôi kéo được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Kết luận

Qua phân tích các yếu tố tác động tới thị trường trong những tháng cuối năm chúng tôi nhận thấy những rủi ro của thị trường vẫn còn khá lớn. Trong đó, đáng chú ý là sự suy yếu của dòng tiền và triển vọng không khả quan của kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy vậy, thị trường lại được sự hỗ trợ tích cực của các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các công cụ mới có thể được áp dụng và sự hấp dẫn của giá cổ phiếu. Ngoài ra, yếu tố vĩ mô cũng sẽ diễn biến thuận lợi khi có những chính sách điều hành được đưa ra một cách hợp lý.

Thị trường chứng khoán trong quý 4 vẫn phải tiếp tục đối mặt với một số rủi ro nhất định. Tuy nhiên, khả năng thị trường giảm sâu không nhiều. Thị trường chỉ tăng mạnh khi được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách vĩ mô của Chính phủ. Cơ hội dường như đang rõ ràng hơn với trường phái đầu tư giá trị.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Phần 1: Thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm (25/10/2010)

>   PET: Phân tích cổ phiếu tháng 09/2010 (05/10/2010)

>   Dự báo lạm phát và phản ứng chính sách tiền tệ cuối năm 2010 (30/09/2010)

>   Thông tư 13: Bốn thay đổi căn bản sẽ tạo hiệu ứng tích cực (28/09/2010)

>   Ảnh hưởng của tỷ giá lên nhập siêu Việt Nam (21/09/2010)

>   HVG: Báo cáo phân tích cổ phiếu (21/09/2010)

>   Kinh tế Mỹ: Trì trệ tạm thời hay suy thoái kép? (19/09/2010)

>   VNM: Báo cáo phân tích cổ phiếu (14/09/2010)

>   MPC: Khoản hoàn thuế 7.28 triệu USD có làm tăng lợi nhuận? (08/09/2010)

>   PAC: Báo cáo phân tích cổ phiếu (31/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật