Thứ Ba, 09/11/2010 10:02

SBC: Báo cáo phân tích cổ phiếu tháng 11/2010

CTCP VẬN TẢI – GIAO NHẬN BIA SÀI GÒN (SABETRAN)

Mã chứng khoán HoSE: SBC.  Ngành: Vận tải đường bộ. 

Khuyến nghị: MUA

(Vietstock) – Chúng tôi cho rằng cổ phiếu SBC đang trở nên hấp dẫn trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay. Với thị trường bia và nước giải khát còn nhiều tiềm năng, SBC tiếp tục có nhiều cơ hội để phát triển với nguồn hàng ổn định từ Sabeco. Trong khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại, chúng tôi cho rằng đây là yếu tố cơ hội, hơn là rủi ro. SBC duy trì được lợi thế nhờ chi phí giá thành rẻ so với trung bình ngành, kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải thức uống, hệ thống quản lý dịch vụ vận tải tạo giá trị gia tăng và chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế như ISO, HACCP tạo khác biệt.

SBC cũng đang từng bước đa dạng hóa đối tượng khách hàng để giảm mức độ phụ thuộc vào Sabeco. Tỷ lệ cổ tức ước tính khoảng 40% trong năm 2010 cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với cổ phiếu này, khi mà đầu tư chênh lệch giá trở nên khó khăn hơn trong thời gian qua.

Về dài hạn, SBC có tiềm năng từ dự án bất động sản 2.4 ha tại đường Tôn Thất Thuyết, Quận 4, TP.HCM, mà chúng tôi chưa tính đến trong mô hình định giá.

Chúng tôi, vì vậy, khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này với mức giá mục tiêu trong 6 tháng là 52,000 đồng/cp, với mức sinh lời kỳ vọng 40%.

Với mức giá mục tiêu 52,000 đồng/cp, P/E và P/B cho năm 2010 chỉ ở mức 7.0x và 2.0x. Tính trên giá thị trường ngày 08/11/2010 là 37,100 đồng/cp, P/E và P/B forward cho năm 2010 ở mức khá thấp, tương ứng là 5.0x và 1.4x.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ

Sabeco chiếm 33% thị phần bia Việt Nam đang phát triển, dự báo tăng trưởng 8.9%/năm và đạt 1.5 tỉ lít vào năm 2015. Thị trường bia của Việt Nam dự báo tiếp tục phát triển trong những năm tới, và theo BMI, có thể đạt sản lượng 2.56 tỷ lít vào năm 2014. Sabeco đang tập trung mở rộng quy mô thị phần với các dự án đầu tư mới, nâng công suất. Năm 2010, Sabeco đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 15% với sản lượng tiêu thụ đạt 1 tỷ lít. Kế hoạch sản lượng dự kiến của Sabeco đến năm 2015 là 1.5 tỉ lít bia, tương ứng với tốc độ phát triển khoảng 8.9%/năm.

Việc mở rộng hoạt động của Sabeco là động lực quan trọng để SBC duy trì tốc độ tăng trưởng trong các năm tới.

Tiếp tục đầu tư vào năng lực vận chuyển, đáp ứng 70% nhu cầu của Sabeco. Dự kiến trong quý 4/2010, SBC sẽ đầu tư thêm 75 chiếc cho đội xe nhằm mở rộng quy mô hoạt động. Sau hoạt động đầu tư này, tổng số xe của SBC sẽ lên tới 250 chiếc với sản lượng vận chuyển có thể đạt 1.5 tỷ lít/năm, đáp ứng gần 70% nhu cầu vận chuyển của Sabeco.

Tầm hoạt động bao phủ cả nước và 95% lượng hàng hóa vận tải 2 chiều. SBC phối hợp hoạt động với các công ty con được phân bổ trên khắp 3 miền: Sabetran Miền Bắc, Sabetran Miền Trung và Sabetran Miền Tây. SBC tận dụng các tuyến vận tải hàng hóa 2 chiều ở mức 95%: vận chuyển thành phẩm (bia, rượu,…) và vật tư (vỏ, két bia…) để có thể tối đa hóa năng suất đội xe.

Lợi thế cạnh tranh cao. Dù là đơn vị từng phụ thuộc vào hoạt động của Sabeco, SBC chứng tỏ năng lực cạnh tranh cao nhờ chi phí giá thành rẻ so với trung bình ngành, kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải thức uống, hệ thống quản lý dịch vụ vận tải tạo giá trị gia tăng và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO và an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP giúp tạo sự khác biệt.

Mở rộng đối tượng khách hàng, giảm bớt sự phụ thuộc vào Sabeco. SBC đang cung cấp dịch vụ vận chuyển toàn bộ sản phẩm của CTCP Nước Giải khát Chương Dương (HoSE: SCD) đến các đại lý tiêu thụ. Ngoài ra, SBC còn hợp tác với Vinamilk, Tập đoàn Cao su Việt Nam… trong dịch vụ vận chuyển sản phẩm. Chúng tôi cũng hiểu rằng, SBC đang thương lượng hợp đồng dịch vụ với một số nhà sản xuất thức uống trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp SBC đa dạng hóa khách hàng, giảm sự phụ thuộc vào Sabeco.

RỦI RO ĐẦU TƯ

Chịu tác động của biến động giá nhiên liệu. Chi phí nhiên liệu chiếm 40% giá thành của SBC. Giá xăng dầu biến động sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của SBC, nếu việc thương lượng giá với Sabeco không được thực hiện kịp thời.

Khả năng thương lượng giá với Sabeco. Sabeco hiện đang là khách hàng lớn nhất của SBC. Với việc Sabeco chỉ nắm giữ 25% cổ phần, SBC phải đối mặt với rủi ro trong mối quan hệ. Việc thương lượng hợp đồng sẽ thành công nếu SBC chứng minh được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Phụ thuộc nhiều vào hoạt động của Sabeco. Sabeco là khách hàng lớn nhất của SBC. Trong trường hợp sản lượng sản xuất, tiêu thụ của Sabeco bị sụt giảm, SBC sẽ gặp khó khăn về nguồn hàng và doanh thu sẽ bị ảnh hưởng.

Hoạt động mang tính chất mùa vụ cao. Đặc thù của ngành bia Việt Nam mang tính chất mùa vụ cao, thường đạt cao điểm vào giai đoạn cuối năm và đầu năm mới. Do đó, kết quả kinh doanh của SBC thường tăng trưởng mạnh vào quý 4 và quý 1 hằng năm.

Thanh khoản cổ phiếu ở mức thấp. Khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất của SBC chỉ ở mức 6,500 đơn vị khá thấp so với 8 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

TỔNG QUAN VỀ CÔNG TY

CTCP Vận tải – Giao nhận Bia Sài Gòn (HoSE: SBC) tiền thân là Xí nghiệp Vận tải trực thuộc Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco). SBC mở rộng quy mô hoạt động và tách riêng thành công ty cổ phần cùng với sự phát triển của Sabeco.

Vốn điều lệ của SBC tăng lên mức 80 tỷ đồng vào tháng 10/2009 và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào ngày 02/06/2010.

Ngoài việc cung cấp dịch vụ vận tải và giao nhận hàng hóa cho Sabeco, SBC đang dần phát triển theo mô hình dịch vụ hậu cần cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm – đồ uống và các lĩnh vực khác.

Đến ngày 30/09/2010, Sabeco đang nắm 25% vốn cổ phần và là cổ đông lớn của SBC.

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH

Hoạt động vận chuyển bia cho Sabeco chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu với tỷ suất lợi nhuận cao. Hoạt động vận chuyển bia thành phẩm cho Sabeco chiếm tỷ trọng trên 90% doanh thu của SBC trong 3 năm vừa qua và đạt 96.4% trong cơ cấu doanh thu năm 2009. Tỷ suất lợi nhuận gộp của lĩnh vực vận chuyển bia tăng mạnh trong 3 năm qua từ mức 3.4% trong 2007 lên 18.2% trong 2009. .

Tăng trưởng lượng tiêu thụ bia của Sabeco và hoạt động đầu tư vào đội xe sẽ là yếu tố quyết định đến tăng trưởng doanh thu của SBC trong các năm tới.

Tỷ trọng dịch vụ vận chuyển bia có thể sẽ giảm trong các năm tới, nhờ việc đa dạng hóa dịch vụ. Hiện tại SBC đang vận chuyển 100% lượng sản phẩm của SCD, khoảng 50 triệu lít/năm và ước tính doanh thu trong 2010 đạt 12 tỷ đồng. SBC cũng đang đa dạng hóa dịch vụ vận chuyển sang các lĩnh vực khác. Điều này giúp SBC tăng trưởng doanh thu và giảm tỷ trọng dịch vận chuyển bia, giảm mức độ phụ thuộc vào Sabeco.

Mạng lưới công ty con phát triển theo các nhà máy của Sabeco. SBC hiện đang nắm 51% vốn cổ phần của các công ty Sabetran Miền Bắc (Nghệ An), Sabetran Miền Trung (Quảng Ngãi) và Sabetran Miền Tây (Vĩnh Long). Các công ty con này của SBC sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu vận chuyển cho 3 nhà máy lớn của Sabeco ở 3 miền là Nhà máy bia Sông Lam – Nghệ An (miền Bắc), Nhà máy bia Quảng Ngãi (miền Trung và Tây nguyên), Nhà máy bia Vĩnh Long (miền Tây),...

Ngoài ra, SBC còn phục vụ vận chuyển vật tư đầu vào cho 15 nhà máy khác của Sabeco. Lợi thế nổi trội của SBC khi cung cấp dịch vụ vận chuyển cho Sabeco là có thể vừa kết hợp dịch vụ vận chuyển và kiểm tra chất lượng hàng hóa, vật tư như là dịch vụ logistics trọn gói.

Năng lực vận chuyển đáp ứng 65% nhu cầu của Sabeco. Với đội xe gồm 178 chiếc với năng lực vận chuyển trung bình 16 tấn/xe thì SBC có thể đáp ứng 65% nhu cầu vận tải hàng hóa của Sabeco. SBC đã cắt giảm được 70% khối lượng thuê ngoài và nhờ vậy tăng hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, trong thời gian thấp điểm của ngành bia thì SBC cân đối khả năng vận chuyển cho các khách hàng mới như SCD, Vinamilk, Tập đoàn Cao su Việt Nam…

Hệ thống công nghệ giúp nâng cao hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Lợi thế cạnh tranh của SBC hiện tại là hệ thống định vị toàn cầu (GPS) được lắp đặt trên toàn đội xe. Ngoài ra, hệ thống này được phát triển cùng với phần mềm quản lý giúp tìm ra lộ trình vận tải ngắn nhất và giám sát hoạt động của đội xe. Khách hàng sử dụng dịch vụ của SBC có thể giám sát được vị trí của hàng hóa vận chuyển.

Hệ thống quản lý GPS cũng giúp SBC kiểm soát được lộ trình của hàng hóa vận chuyển, bảo đảm chất lượng và thời gian vận chuyển cho khách hàng, xử lý sự cố kịp thời.

PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH

Doanh thu tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 9T/2010, nhờ nguồn hàng ổn định từ Sabeco và đa dạng hóa khách hàng. SBC đã tiến hành đầu tư thay thế và mở rộng đội xe trong năm 2008 và 2009 với tổng số đầu xe đạt 178 chiếc tại ngày 31/12/2009. Đây là động lực chính để SBC duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu trong các năm tới.

Trong giai đoạn 2008 – 2009, SBC chịu tác động khá mạnh từ biến động giá xăng dầu. Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh 60% từ cuối 2007 đến đầu năm 2008, khiến cho giá thành tăng 25% và chi phí thuê ngoài cũng cao hơn 4% - 8%. SBC đã thương lượng thành công với Sabeco để tăng mức phí vận chuyển lên 15% từ tháng 3/2008. Đáng chú ý là công ty cũng đầu tư mở rộng năng lực vận tải nhằm cắt giảm được 70% khối lượng thuê ngoài và tăng hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, việc nhận được khoản vay 40 tỷ đồng trong năm 2009 với lãi suất hỗ trợ 5%/năm trong vòng 24 tháng giúp SBC đầu tư mạnh vào đội xe với chi phí tài chính thấp.

Trong 9 tháng đầu năm 2010, doanh thu đã tăng 38.1% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 475 tỷ đồng, gần bằng mức 485 tỷ doanh thu của cả năm 2009. Nguyên nhân chính dẫn đến doanh thu tăng mạnh là SBC vẫn duy trì được nguồn hàng ổn định từ Sabeco; đồng thời bổ sung thêm nguồn thu từ việc vận chuyển sản phẩm cho SCD, Vinamilk, Tập đoàn Cao su Việt Nam. Điều này cho thấy doanh thu đang có xu hướng tăng trưởng bền vững hơn và ngày càng ít phụ thuộc vào Sabeco.

Lợi nhuận sau thuế 9T/2010 tiếp tục tăng mạnh. Doanh thu tăng trưởng mạnh, trong khi tỷ suất lợi nhuận duy trì ở mức cao liên tục giúp LNST 9T/2010 tăng trưởng 91.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng chú ý là lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của công ty, thu nhập tài chính là không đáng kể.

Cơ cấu chi phí thấp so với trung bình ngành. Chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng trên 40% cơ cấu giá vốn hàng bán của SBC. Có thể thấy biến động giá nhiên liệu ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của SBC.

Tuy vậy, cơ cấu chi phí của SBC lại thấp hơn so với các doanh nghiệp trong ngành, nhờ việc đầu tư công nghệ mới và hình thức khoán vận tải mà SBC đang áp dụng.

Khả năng sinh lời tăng trưởng ổn định. Các chỉ số sinh lời của SBC trong 3 năm vừa qua luôn ở mức cao, nhờ: Thứ nhất, SBC đầu tư thay thế đội xe mới từ năm 2007 với mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn, giúp giảm giá vốn. Thứ hai, trong năm 2009, SBC được vay với lãi suất hỗ trợ 4%, giúp chi phí tài chính giảm đáng kể. Thứ ba, việc đầu tư công nghệ quản lý và lập lịch xe chạy khoa học, tận dụng tối đa vận chuyển hàng hóa 2 chiều giúp tăng trưởng lợi nhuận.

Thời gian thu hồi nợ chậm, thời gian thanh toán nợ vay ngắn. Thời gian thu hồi nợ trung bình đạt khoảng 51 ngày trong giai đoạn 2007-2009, trong khi thời gian thanh toán nợ chỉ ở mức 30 ngày. Việc ưu đãi cho khách hàng, phần lớn là các đơn vị thương mại trực thuộc Sabeco có thể khiến SBC gặp khó khăn về vốn lưu động.

Tuy vậy, chúng tôi đánh giá rủi ro mất thanh toán của SBC là tương đối thấp, do lượng tiền mặt của SBC chiếm tỷ trọng khá cao trong tài sản ngắn hạn, tại ngày 30/09/2010 là 44.9 tỷ đồng và tỷ lệ tiền mặt/tài sản ngắn hạn là 21.6%. Nếu tính gộp khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi có kỳ hạn) thì lệ tiền mặt/tài sản ngắn hạn lên tới 45.7%. Tỷ lệ thanh toán hiện hành tương ứng của SBC ở mức 2.8 lần, ở mức khá cao.

Dòng tiền chưa thực sự ổn định. Lợi nhuận của SBC liên tục tăng mạnh trong các năm vừa qua nhưng dòng tiền chưa thực sự ổn định. Nguyên nhân chính khiến cho dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh biến động mạnh là do chênh lệch thời gian thu hồi các khoản phải thu và thanh toán các khoản phải trả.

Ngoài ra, SBC liên tục đầu tư mở rộng trong 3 năm vừa qua nên dòng tiền chi cho hoạt động đầu tư luôn chiếm tỷ trọng cao. Dòng tiền chi trả lãi vay và nợ gốc khá thấp nên không phải là gánh nặng của công ty. Vì vậy, chúng tôi cho rằng không có nhiều rủi ro từ việc dòng tiền không ổn định của công ty.

TRIỂN VỌNG DOANH NGHIỆP VÀ ĐỊNH GIÁ MỤC TIÊU

Doanh thu dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ đầu tư mở rộng đội xe và dịch vụ hậu cần kho bãi. Dự kiến trong quý 4/2010, SBC sẽ đầu tư thêm 75 chiếc cho đội xe nhằm mở rộng quy mô hoạt động. Sau hoạt động đầu tư này, tổng số xe của SBC sẽ lên tới 250 chiếc với sản lượng vận chuyển có thể đạt 1.5 tỷ lít/năm, đáp ứng gần 70% nhu cầu vận chuyển của Sabeco.

Hiện tại, hoạt động dịch vụ kho bãi đang chiếm tỷ trọng thấp trong doanh thu. Tuy nhiên, nhu cầu dịch vụ này đang tiếp tục tăng cao. SBC đang lên kế hoạch đầu tư vào hệ thống kho bãi theo hoạt động của 3 công ty con. Chúng tôi cho rằng SBC có thể thu được giá trị gia tăng khi bổ sung hoạt động này vào chuỗi giá trị của ngành logistics.

Nỗ lực mở rộng đối tượng khách hàng. Nguồn hàng ổn định từ Sabeco sẽ tiếp tục duy trì và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của SBC trong các năm tới. Điều đáng chú ý là SBC đang từng bước mở rộng sang các đối tượng khách hàng khác như vận chuyển sản phẩm của SCD với sản lượng 50 triệu lít/năm, vận chuyển thành phẩm từ các nhà máy của Vinamilk đến tổng kho tại Thủ Đức, TP.HCM... Chúng tôi cũng hiểu rằng SBC đang thương lượng dịch vụ vận chuyển cho các nhà sản xuất nước giải khát lớn ở Việt Nam.

Gia tăng năng lực cạnh tranh từ các chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế. SBC đang xây dựng hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ ISO, điều mà rất ít doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ có chiến lược thực hiện.

Ngoài ra, do đặc thù là doanh nghiệp chuyên vận tải thực phẩm – đồ uống nên SBC cũng tiến hành thủ tục về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm – HACCP. Điều này sẽ giúp cho SBC có lợi thế cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành khi tiếp cận những khách hàng sản xuất thực phẩm – đồ uống nước ngoài.

Tận dụng các tuyến vận tải hàng hóa 2 chiều ở mức 95%. Vận chuyển thành phẩm (bia, rượu,…) và vật tư (vỏ, két bia…) để có thể sử dụng tối đa hóa năng suất đội xe. Đối với các tuyến không thể thực hiện 2 chiều, SBC thuê ngoài nhằm giảm bớt chi phí.

Triển vọng dài hạn từ dự án bất động sản. SBC đang lên kế hoạch thực hiện dự án chung cư cao cấp kết hợp với trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê tại số 78 Tôn Thất Thuyết, Phường 16, Quận 4, TPHCM với tổng diện tích 2.4 ha.

SBC góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất với giá trị 40% vốn đầu tư dự án. Đối tác đầu tư dự kiến sẽ là Tập đoàn Trung Thủy, chủ đầu tư tòa nhà Lancaster. Dự kiến dự án này có thể đi vào khai thác từ năm 2012.

Duy trì cổ tức cao trong năm 2010. Dự kiến trong năm 2010 công ty sẽ chia cổ tức ở mức tối thiểu 20%/mệnh giá tức 2,000 đồng/cp. Tuy nhiên, với mức EPS 5,321 đồng/cp sau 9 tháng đầu năm 2010, nhiều khả năng SBC nâng mức cổ tức tiền mặt lên 40%. Đây là mức khá hấp dẫn khi mà mức sinh lời từ chênh lệch giá cổ phiếu trong giai đoạn hiện nay là không cao.

LNST năm 2010 dự phóng đạt 59 tỷ đồng. Định giá mục tiêu: 52,000 đồng/cp. Từ đầu năm 2010, giá xăng dầu trong nước khá ổn định so với 2009, và chúng tôi cho rằng sẽ không có nhiều đột biến trong thời gian cuối năm. Khả năng thương lượng về việc điều chỉnh phí dịch vụ với Sabeco giúp SBC duy trì được tỷ suất sinh lời ổn định. SBC không chịu nhiều áp lực từ chi phí lãi vay lẫn biến động tỷ giá.

Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng doanh thu của SBC trong giai đoạn 2010-2014 trung bình ở mức 16%/năm dựa trên hoạt động cốt lõi và kế hoạch tăng trưởng đội xe của SBC. Trong mô hình dự phóng, chúng tôi chưa tính đến phần lợi nhuận đột biến từ dự án bất động sản.

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2010 của SBC có thể đạt lần lượt 626.6 tỷ đồng và 59 tỷ đồng, tương ứng EPS năm 2010 là 7,378 đồng/cp. Nguyên nhân EPS sụt giảm là do SBC không còn được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2010.

Với mức giá thị trường ngày 08/11/2010 là 37,100 đồng/cp, P/E và P/B forward cho năm 2010 tương ứng đạt 5.0x và 1.4x.

Chúng tôi cho rằng thị giá cổ phiếu SBC chưa phản ánh hết các thông tin hiệu quả hoạt động, tiềm năng của doanh nghiệp và các rủi ro không đáng lo ngại khi công ty đã có kế hoạch dịch chuyển cơ cấu doanh thu và giảm sự phụ thuộc. Chúng tôi, vì vậy, khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này.

TRIỂN VỌNG NGÀNH BIA & VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM

SBC là công ty chuyên về vận tải giao nhận và có chiến lược phát triển theo hướng dịch vụ hậu cần (logistics). Tuy nhiên, SBC vẫn tập trung vào nền tảng là vận chuyển hàng hóa vật tư cho Sabeco và chỉ từng bước mở rộng sang các đối tượng khách hàng khác. Chúng tôi cho rằng phân tích triển vọng của ngành bia và vận tải đường bộ sẽ phù hợp để đánh giá khả năng phát triển của SBC trong 5 năm tới.

Ngành bia Việt Nam tăng trưởng 5.82%/năm, đạt sản lượng 2.56 tỷ lít vào năm 2014. Theo Business Monitor International (BMI), tổng sản lượng tiêu thu bia giai đoạn 2004 – 2009 của Việt Nam tăng tưởng bình quân 8%/năm. Sản lượng tiêu thụ bia đạt 1.9 tỷ lít trong năm 2008, tức chiếm 97.9% sản lượng đồ uống có cồn.

BMI dự báo sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 5.82%/năm từ 2009 – 2014, với mức tăng từ 1.93 tỷ lít lên 2.56 tỷ lít.

Sabeco chiếm 33% thị phần bia Việt Nam, tăng trưởng 8.9%/năm và đạt 1.5 tỉ lít vào năm 2015. Sabeco phát triển dựa vào dòng sản phẩm phổ thông phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam, nhưng đây cũng là phân khúc cạnh tranh gay gắt nhất.

Do đó, Sabeco đang tập trung mở rộng quy mô thị phần với việc đầu tư các dự án đầu tư mới, nâng công suất sản lượng trong năm 2010, trong đó Nhà máy bia Sài Gòn – Quảng Ngãi công suất 100 triệu lít/năm, Nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam công suất 100 triệu lít/năm đi vào hoạt động trong quý 2/2010.

Năm 2010, Sabeco đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 15% với sản lượng tiêu thụ đạt 1 tỷ lít. Kế hoạch sản lượng dự kiến của Sabeco đến năm 2015 là 1.5 tỉ lít bia, tương ứng với tốc độ phát triển khoảng 8.9%/năm.

Cạnh tranh trong ngành vận tải hàng hóa đường bộ khá gay gắt. SBC không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang hướng tới thị trường logistics Việt Nam.

Trong ngành thực phẩm – đồ uống, hầu hết các doanh nghiệp thường vận chuyển hàng hóa thông qua đội xe của riêng công ty hoặc thuê ngoài. Ở Việt Nam, cả hai phương pháp này dường như không đem lại hiệu quả vì khả năng chuyên nghiệp và cấu trúc phương tiện không phù hợp. Doanh nghiệp vận tải chỉ có thể duy trì lợi thế cạnh tranh nếu khắc phục được nhược điểm này của ngành.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Thủy sản (09/11/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4/2010: Ngành Cao su thiên nhiên (08/11/2010)

>   Đằng sau quyết định tăng lãi suất của NHNN (05/11/2010)

>   Chìa khóa cho vấn đề tỷ giá của Việt Nam (05/11/2010)

>   Đánh giá những tâm điểm kinh tế vĩ mô cuối năm 2010 (26/10/2010)

>   Đánh giá tâm điểm kinh tế vĩ mô cuối năm 2010 (27/10/2010)

>   Phần 2: Đánh giá triển vọng TTCK quý 4/2010 (26/10/2010)

>   Phần 1: Thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm (25/10/2010)

>   PET: Phân tích cổ phiếu tháng 09/2010 (05/10/2010)

>   Dự báo lạm phát và phản ứng chính sách tiền tệ cuối năm 2010 (30/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật