Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 2)
(Vietstock) - Với độ mở khá lớn, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngoài ảnh hưởng tiêu cực đó thì đây là cơ hội để Việt Nam có thể rút ra những bài học và tận dụng thời cơ để phát triển kinh tế bền vững.
* Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 1)
Bài học đối với Việt Nam sau giai đoạn khủng hoảng
Một số ý kiến cho rằng khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua là một sự đổ vỡ của kinh tế thị trường hay bàn tay vô hình nên cổ vũ cho sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào các hoạt động kinh tế.
Còn quá sớm để đưa ra một kết luận như vậy. Thay vào đó, Việt Nam có thể rút ra những bài học từ việc điều hành nền kinh tế trên nguyên tắc tôn trọng các quy luật của thị trường; đồng thời phải tập trung giám sát thị trường bằng những công cụ hữu hiệu hơn. Đây cũng là cơ hội để nhìn lại sự phát triển của kinh tế Việt Nam để từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đưa kinh tế phát triển một cách bền vững.
Hiện tại, những điểm yếu trong tăng trưởng và sự thiếu bền vững của nền kinh tế đã bộc lộ một cách khá rõ nét và có lẽ sớm hơn mong đợi của những người làm chính sách. Điều này thể hiện qua 3 yếu tố cơ bản là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế.
Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào dòng vốn đầu tư và dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, trong khi tiến bộ công nghệ đóng góp khá nhỏ. Tỷ lệ tiết kiệm hàng năm chỉ khoảng 28-30% GDP, trong khi đó tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế lên đến hơn 40% GDP. Chênh lệch còn lại được tài trợ từ nguồn vốn vay nước ngoài hoặc vốn đầu tư nước ngoài. Với cơ cấu này, kinh tế Việt Nam sẽ rất dễ bị tổn thương từ các tác động từ bên ngoài.
Một yếu tố đáng chú ý khác là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã lên tới trên 150% GDP. Điều này cho thấy kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào kinh tế thế giới. Không nhưng vậy, thâm hụt thương mại luôn ở mức rất cao.
Tính trung bình trong 5 năm gần đây, thâm hụt thương mại chiếm tới hơn 20% kim ngạch xuất khẩu và hơn 10% GDP. Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng gia công, khoáng sản và nông sản sơ chế. Những mặt hàng có hàm lượng công nghệ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Do vậy, tăng trưởng về xuất khẩu gần như được khai thác hết giới hạn.
Trong khi đó, nền sản xuất phải nhập khẩu hầu hết máy móc và nguyên liệu phục vụ cho gia công xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Nhu cầu nhập khẩu cho đầu tư, tiêu thụ lại đang ngày càng gia tăng.
Cơ hội tiếp cận thị trường và tận dụng nguồn lực từ bên ngoài
Chúng ta vẫn có thể tìm thấy nhiều cơ hội trong khủng hoảng. Trước hết, cơ hội đến từ việc tranh thủ các dòng vốn đầu tư, nguồn lực từ các thị trường khác.
Ngoài ra, Việt Nam hoàn toàn có thể tranh thủ từ sự suy yếu của các đối thủ cạnh tranh để vươn lên. Chúng ta có thể thấy Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đã tận dụng rất tốt những lợi thế này để có thể thu lợi từ khủng hoảng. Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều tranh thủ thu hút được các dòng vốn đầu tư nước ngoài và tăng kim ngạch xuất khẩu lên nhanh chóng. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, kinh tế các quốc gia này đã phục hồi khá mạnh.
Với Việt Nam, sự suy yếu của một số công ty đa quốc gia là cơ hội đối với các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp của Việt Nam có thể đàm phán một cách bình đẳng hơn khi làm ăn với các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội để mở rộng thị trường khi mà đối thủ cạnh tranh ở một số nền kinh tế trở nên suy yếu.
Việt Nam cũng có thể tận dụng được nguồn vốn, công nghệ và nhân lực từ các nền kinh tế khác. Sự trì trệ của các nền kinh tế phát triển buộc công ty đa quốc gia và một số dòng vốn sẽ tìm đến các nền kinh tế đang phát triển năng động hơn. Thêm vào đó, nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đến Việt Nam mang theo kiến thức, kỹ năng và công nghệ.
Như vậy, với cuộc khủng hoảng này, tính dễ bị tổn thương và các yếu kém của kinh tế trong nước đã bộc lộ một cách khá rõ ràng. Việc tái cấu trúc nền kinh tế qua việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, thể chế, cơ sở hạ tầng đang là vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết. Khủng hoảng kinh tế là cơ hội để Việt Nam quyết tâm thực hiện cải cách cần thiết để đưa kinh tế tăng trưởng bền vững hơn.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|