Thứ Tư, 08/12/2010 20:08

Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 1)

Rủi ro đối với quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

(Vietstock) – Kinh tế thế giới đã thoát khỏi vùng đáy của suy thoái năm 2008-2009, nhưng đà phục hồi đang chậm lại. Qua cuộc khủng hoảng này, nhiều yếu kém và bất ổn của các nền kinh tế đã được bộc lộ khá rõ nét. Đâu là bài học và cơ hội cho Việt Nam hậu khủng hoàng ?

Trong những đánh giá gần đây, các tổ chức như World Bank, IMF, OECD… đều hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn. Không những vậy, rủi ro đối với quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

Đáng chú ý là hai vấn đề có tính chất căn bản và nền tảng cho sự lành mạnh và ổn định kinh tế vĩ mô là thất nghiệp và tài chính công vẫn chưa thể giải quyết.

Dòng vốn đầu tư từ những khu vực lãi suất thấp như Mỹ, Châu Âu,… đang đổ vào các nền kinh tế đang phát triển. Điều này có thể khiến cho các nước đang phát triển sẽ phục hồi nhanh hơn, nhưng bên cạnh đó nỗi lo về bong bóng tài sản cũng bắt đầu xuất hiện.

Thị trường tài chính toàn cầu mới ổn định trở lại nhờ các giải pháp tài chính tiền tệ mạnh mẽ từ phía các chính phủ và NHTW.

Kinh tế Mỹ: Động lực từ nới lỏng định lượng lần 2 (Quantitative Easing 2 - QE2)

Kinh tế Mỹ đã đạt được sự phục hồi trong quý 3/2009 và quý 1/2010 nhưng đã chậm lại vào quý 3/2010. Tăng trưởng GDP quý 3/2010 đạt 3.1% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn mức 3.2% của quý 2/2010. Tuy nhiên, sự phục hồi này chưa thực sự bền vững và ẩn chứa nhiều rủi ro.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ duy trì ở mức 9.6% từ tháng 8 đến tháng 10 và vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu cải thiện. Một rủi ro khác là thâm hụt ngân sách dự kiến năm tài khóa 2010 lên đến 1,300 tỷ USD (tương đương với 9.1% GDP), đưa tổng nợ công của Mỹ lên đến 90% GDP.

Trước tình hình kinh tế phục hồi chậm chạp, Chính phủ Mỹ buộc phải có hành động. Tuy nhiên, Mỹ đứng trước hai sự lựa chọn khó khăn đó là tiếp tục kích thích kinh tế hay là cắt giảm thâm hụt giảm ngân sách.

Ngày 3/11/2010, FED chính thức công bố sẽ dành 600 tỷ USD mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 6/2011. Quyết định của FED được đưa ra sau khi chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất chuẩn (FED fund rate) đã gần bằng 0% và gói cứu trợ 1.7 nghìn tỷ USD (năm 2009) mua trái phiếu đã không thể giải quyết được vấn đề thất nghiệp.

Mục tiêu của chính sách nới lỏng định lượng là thúc đẩy hoạt động cho vay, tính thanh khoản. Tuy nhiên, chính sách này nhiều khả năng sẽ có tác dụng hai mặt. Tỷ lệ thất nghiệp có thể được đẩy lùi nhờ vào hoạt động sản xuất cải thiện; nhưng Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng bong bóng tài sản và lạm phát có thể tăng cao trong thời gian tới.

Có thể thấy rằng động thái này của FED thực sự chưa phải là giải pháp hoàn hảo. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại thì đây cũng là một động lực để kinh tế Mỹ phục hồi.

Châu Âu: Vẫn còn nỗi lo thất nghiệp và khủng hoảng nợ công

Nỗi lo về khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đã qua, nhưng những yếu kém trong của nền kinh tế Lục địa già vẫn chưa được cải thiện. Thất nghiệp đang ở mức cao, hệ thống tài chính chưa thực sự vững chắc. Bên cạnh đó, nợ công vẫn là luôn đe dọa sự ổn định kinh tế của khu vực này.

Kinh tế của các nước EU đã tăng trưởng dương vào quý 1 và 2/2010 nhưng đã chậm lại vào quý 3/2010 với mức 0.4%. Động lực tăng trưởng của EU là việc đồng EUR sụt giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm tạo đà cho xuất khẩu; nhưng sang quý 3/2010 thì lợi thế này không còn được duy trì. Trong khi đó, lực đỡ cần thiết để vực dậy nền kinh tế là tiêu dùng nội địa lại khá yếu ớt.

Vẫn là liều thuốc quen thuộc, EU đã phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp và không ngừng tung tiền để hỗ trợ hệ thống tài chính.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) liên tục giữ nguyên lãi suất ở mức 1% và 0.5%. Không những vậy, các NHTW này cũng phải tung ra thị trường hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ cho hệ thống tài chính.

Việc bơm tiền liên tục nhằm cứu trợ các nước gặp khó khăn về nợ công đã khiến cho tình hình lạm phát của EU càng trở nên trầm trọng. Chỉ số CPI của EU liên tục tăng từ tháng 8/2009 và đạt mức 1.9% vào tháng 10/2010, cao nhất trong vòng 2 năm qua. Điều này gây cản trở sự phục hồi của EU khi người dân không thể đẩy mạnh chi tiêu trong bối cảnh thất nghiệp cao và tiền lương bị cắt giảm.

Thất nghiệp của khu vực châu Âu tháng 9/2010 đang ở 10.1%, mức cao nhất trong 12 năm qua. Trong đó, thất nghiệp ở Tây Ban Nha vẫn còn ở mức 20%, Hy Lạp 11%, Pháp 10%, Đức giảm chỉ còn 7.6%. Việc các chính phủ cắt giảm chi tiêu công sẽ khiến cho tỷ lệ thất nghiệp khu vực này khó được cải thiện trong ngắn hạn.

Đối với chính sách tài khóa, trước đó các nước EU cũng phải chi tiêu nhiều nhưng hiện nay buộc phải cắt giảm vì e ngại khủng hoảng nợ công.

Thâm hụt ngân sách hiện nay của EU đang ở mức 8%, là mức rất cao so với thời gian trước đó. Vì vậy, nhiều nước châu Âu buộc phải lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu công, làm cho quá trình phục hồi của nền kinh tế càng trở nên mong manh. Tuy vậy, có lẽ đây là những biện pháp cần thiết để phục hồi niềm tin của giới đầu tư.

Kinh tế châu Âu vẫn đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất. Lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức cao nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại khiến cho việc lựa chọn các chính sách tiền tệ và tài khóa trở nên khó khăn hơn.

Sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước và vấn đề nợ công chưa được giải quyết triệt để vẫn là rào cản cho tiến trình phục hồi của châu Âu. Nhiều khả năng kinh tế của Lục địa già sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng trì trệ kéo dài.

Nhật Bản: Vẫn đang đối mặt với giảm phát và đồng Yên tăng giá

Khác với các nền kinh tế đang phát triển, giảm phát là mối đe dọa thường xuyên đối với kinh tế Nhật Bản. Tính trung bình trong 10 năm gần đây, chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản mỗi năm giảm 0.29%, còn hiện nay đang giảm 0.6% (đến tháng 9/2010 tính theo năm). Tình trạng giảm phát ở Nhật xuất phát chủ yếu từ việc người dân nước này đã không còn mặn mà trong việc mua sắm dù cho lãi suất ở nước này gần như bằng 0%.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2010 giảm xuống còn 1.6% thay vì mức 2.6% trước đó. Trong khi đó, IMF cũng khá bi quan trước tình hình kinh tế của Nhật Bản và dự báo sẽ tăng trưởng âm vào quý cuối năm 2010 và đầu năm 2011.

Ngoài ra, với tình trạng giảm phát đó, đồng Yên đã liên tục lên giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. Đồng Yên và trái phiếu chính phủ Nhật Bản được xem là nơi trú ẩn an toàn của trong bối cảnh kinh tế thế giới khá nhiều rủi ro. Việc đồng tiền lên giá đã gây khó khăn cho lĩnh vực xuất khẩu của nước này.

Điểm đáng khích lệ của kinh tế Nhật Bản là nước này đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng dương từ quý 4/2009. Theo đó, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2010 đạt 4.04% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 3/2010 tăng 0.9%, gấp 2 lần so với quý 2/2010. Nguyên nhân chính khiến cho Nhật Bản có sự phục hồi mạnh là nhờ tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu đã được cải thiện trong những tháng gần đây.

Chúng tôi cho rằng tình trạng tăng trưởng chậm và giảm phát của Nhật Bản có thể còn tiếp tục kéo dài trong một vài năm tới. Tuy vậy, điều này cũng không phải là một nguy cơ quá lớn khi mà điều kiện sống của người dân Nhật Bản vẫn ở mức cao. Xu thế xuất khẩu vốn và đầu tư ra bên ngoài tiếp tục được Nhật Bản duy trì trong nhiều năm tới.

Trung Quốc: Tăng trưởng cao nhưng áp lực từ bong bóng tài sản

Kinh tế thế giới đang phải tiếp tục đối phó với một loạt khó khăn nhưng Trung Quốc vẫn đạt được sự tăng trưởng thần kỳ, vượt xa hầu hết các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang phải đối phó với một số hệ lụy từ sự tăng trưởng nóng này.

Năm 2009, gói kích cầu gần 600 tỷ USD đã giúp kinh tế nước này nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Đỉnh điểm là quý 1/2010, tăng trưởng GDP lên tới 11.9% và sau đó giảm xuống mức 9.6% trong quý 3/2010.

Chính việc tăng trưởng quá nóng của kinh tế đã tạo ra một số hệ lụy như thị trường bất động sản, giá cả hàng hóa tăng mạnh. Tính đến tháng 8/2010, giá nhà đất ở Trung Quốc tăng 9.3% so với 1 năm trước, đặc biệt ở một số nơi như Thượng Hải, Bắc Kinh có những khu vực đã tăng 50% đến 100%. Chỉ số giá tiêu dùng liên tục leo thang bất chấp các biện pháp kìm hãm của chính phủ nước này. Tính đến tháng 10/2010, CPI tăng 4.4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, việc tăng trưởng chủ yếu nhờ vào xuất khẩu và tỷ lệ đầu tư cao cũng để lại một số hệ lụy. Vừa qua, các nước châu Âu và Mỹ gây sức ép buộc nước này phải tăng giá đồng Nhân dân tệ để giảm bớt áp lực từ sự mất cân đối trong thương mại. Điều này cho thấy “mô hình” tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc sẽ gặp phải trở ngại trong thời gian tới.

Tháng 10/2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0.25%. Trong tháng 11/2010, Trung Quốc đã hai lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với 4 ngân hàng lớn nhất lên 18.5%, còn đối với 2 ngân hàng nhỏ hơn là 16%. Mục đích  là nhằm hạn chế việc cho vay của các ngân hàng này vào lĩnh vực bất động sản và tăng trưởng tín dụng nóng trong nước.

Tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang còn rất lớn và nước này hoàn toàn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Tuy vậy, lợi thế giá nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ rộng lớn đang giảm dần. Do vậy, một số dòng vốn nước ngoài sẽ được san sẻ sang các nền kinh tế đang phát triển khác.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Vận tải biển & Kho bãi (07/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Nông sản (08/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Nhựa (03/12/2010)

>   Cổ phiếu large-cap, mid-cap hay small-cap sẽ bứt phá? (03/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Khoáng sản (01/12/2010)

>   Đánh giá triển vọng cổ phiếu ngành Săm lốp (02/12/2010)

>   Giá vàng, dầu và USD ra sao trước hàng loạt sự kiện quan trọng? (25/11/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành bất động sản (25/11/2010)

>   Chiến lược đầu tư 2010: Ngành mía đường (26/11/2010)

>   Tìm lối ra cho vấn đề lạm phát ở Việt Nam (21/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật