Thứ Hai, 20/12/2010 15:18

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

Chiến lược đầu tư quý 1/2011: Ngành Dầu khí

(Vietstock) – Ngành dầu khí duy trì hoạt động khá ổn định bất chấp biến động của giá dầu thế giới. Ngành dầu khí Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng và có cơ hội bứt phá khi kinh tế phục hồi trong thời gian tới.

Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao các công ty trong ngành dầu khí truyền thống. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp phụ trợ như xây lắp, tài chính… cũng sẽ được hưởng lợi từ các dự án đầu tư trong ngành.

Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) có 25 công ty thành viên đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

I. DIỄN BIẾN NGÀNH DẦU KHÍ NĂM 2010

Trữ lượng dầu mỏ, khí đốt vẫn đang còn ở mức cao. Báo cáo của British Petroleum (BP) vào tháng 6/2010 cho biết trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam vào cuối năm 2009 vào khoảng 600 ngàn tấn, tương ứng với 4.5 tỷ thùng, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á. BP dự báo trữ lượng dầu mỏ thăm dò ở Việt Nam sẽ tăng lên 4.7 tỷ thùng vào năm 2012.

Hoạt động thăm dò, khai thác khí đốt, đặc biệt ở khu vực thềm lục địa phía Nam, vẫn đang ở trong giai đoạn khởi đầu. Trữ lượng khí đốt của Việt Nam vào khoảng 682 tỷ khối (cubic metre) và trữ lượng thăm dò ước tính có thể lên trên 690 tỷ khối vào cuối 2011. Nhiều đánh giá cho rằng trữ lượng khí đốt của Việt Nam có thể có tiềm năng lớn hơn cả dầu mỏ.

Xuất khẩu chậm lại nhưng không khó khăn. Tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2010 đạt 6.7 triệu tấn với kim ngạch 4.4 tỉ USD, tức giảm 44% về lượng và giảm 24% về trị giá so với cùng kỳ năm 2009.

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu dầu thô sụt giảm là do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất hoạt động lên 100%.

Theo thống kê sơ bộ, dầu thô khai thác 9 tháng đầu năm 2010 đạt khoảng 11.1 triệu tấn, bằng 86.2% so với cùng kỳ năm ngoái.

PetroVietnam độc quyền hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị. Chính phủ sẽ chi 2.5 tỷ USD cho hoạt động dầu khí trong giai đoạn 2010 – 2015. Do đặc thù của ngành dầu khí liên quan đến an ninh năng lượng của quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) được độc quyền trong chuỗi hoạt động liên quan tới dầu khí từ khai thác, chế biến và xuất khẩu dầu khí. PetroVietnam nắm hoàn toàn chuỗi giá trị ngành dầu khí và có thể tối đa hóa lợi nhuận ở mỗi khâu.

Xuất khẩu dầu thô đóng góp trung bình khoảng 25% - 30% ngân sách hằng năm và đóng góp 18% - 22% GDP cả nước. Chính phủ vẫn đang chi ngân sách cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Dự kiến trong giai đoạn 2010 – 2015, chi đầu tư của Chính phủ cho các hoạt động liên quan tới dầu khí có thể đạt 2.5 tỷ USD.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tạo thêm giá trị gia tăng. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động với công suất 6.5 triệu tấn/năm, tương ứng với khoảng 148,000 thùng/ngày. Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang hoạt động 100% công suất, nhưng mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ mở rộng thêm công suất trong thời gian tới. Chính phủ và PetroVietnam cũng đã có kế hoạch đầu tư thêm 2 nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu).

II. TRIỂN VỌNG NGÀNH DẦU KHÍ NĂM 2011

Phục hồi theo xu hướng của kinh tế thế giới. Sự phát triển của ngành dầu khí gắn bó  chặt chẽ với biến động giá dầu thô thế giới và triển vọng của nền kinh tế. Trong năm 2011, kinh tế thế giới có thể bước vào giai đoạn phục hồi, nhu cầu dầu thô phục vụ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại. Giá dầu thô từ đó cũng sẽ có thể tăng mạnh và vượt xa mức hòa vốn của các doanh nghiệp khai thác, chế biến. Như vậy, ngành dầu khí đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận.

PetroVietnam đang đẩy mạnh hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Theo kế hoạch giai đoạn 2009 - 2015, PetroVietnam sẽ đầu tư 84 tỷ USD nhằm tăng cường công tác khai thác các mỏ dầu và khí, công nghiệp lọc hóa dầu và các dịch vụ liên quan như dịch vụ dầu khí (khoan và giàn khoan), dịch vụ vận chuyển, tài chính, bảo hiểm phục vụ cho ngành dầu khí.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2010, PetroVietnam sẽ đầu tư vào 25 dự án thăm dò khai thác, phát triển dầu khí với mức đầu tư 2.35 tỷ USD tại Nga, các nước Liên Xô cũ, Venezuela và các nước châu Mỹ Latin, Bắc Phi... PetroVietnam dự kiến gia tăng trữ lượng dầu khí tại nước ngoài đạt 10-15 triệu tấn/năm, sản lượng khai thác đạt 2-3 triệu tấn/năm.

Việc tăng cường đầu tư nhằm phát triển ngành dầu khí sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội phát triển, do cùng nằm trong chuỗi giá trị.

Bắt đầu khai thác ở các khu vực xa bờ, chi phí gia tăng. Trong năm 2010, Việt Nam đưa vào khai thác 6 mỏ với trữ lượng nhỏ, sản lượng tăng thêm chỉ ở mức 34 triệu tấn dầu thô/năm.

PetroVietnam và các đối tác sẽ phải vươn ra xa hơn để thăm dò và khai thác dầu khí. Chi phí đầu tư cho hoạt động khai thác xa bờ sẽ cao hơn do yêu cầu giàn khoan quy mô lớn hơn, chi phí vận chuyển nhân công, dầu thô khai thác… cũng cao hơn.

Khai thác và cung cấp khí đốt có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Hiện tại, 100% lượng khí đốt khai thác dùng để phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước, ưu tiên điện và đạm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khí đốt sinh hoạt đang có xu hướng vượt xa khả năng khai thác của ngành.

Việt Nam hiện đang chủ yếu khai thác khí ở hai mỏ Bạch Hổ và Nam Côn Sơn ở thềm lục địa phía Nam. Ngoài ra, việc thăm dò thành công mỏ khí ở khu vực Tây Nam cũng mở ra cơ hội mới cho ngành.

Tái cấu trúc trong PetroVietnam – cơ hội và rủi ro. Từ năm 2010, PetroVietnam bắt đầu thoái vốn tại những đơn vị không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Có những ngành nghề kinh doanh chính và những lĩnh vực, dịch vụ xoay quanh các ngành nghề kinh doanh chính nhưng không cần nắm giữ cổ phần lớn, PetroVietnam cũng sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 51%. Đối với những đơn vị không cần nắm cổ phần chi phối thì PetroVietnam cũng sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ.

Chiến lược thoái vốn này xuất phát từ kế hoạch tái cấu trúc mô hình tập đoàn và PetroVietnam sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và chế biến lọc hóa dầu.

Việc thoái vốn của PetroVietnam sẽ được thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần một lượng tiền khá lớn để hấp thụ lượng cổ phiếu được bán ra. Do đó, trong ngắn hạn, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường và nhóm cổ phiếu dầu khí.

Việc PetroVietnam thoái vốn tại các công ty không thuộc ngành nghề chính có thể đem lại nguồn thu đáng kể. Nguồn thu này sẽ được tái đầu tư và các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, khoan thăm dò, kỹ thuật và khai thác được hưởng lợi nhiều nhất.

Các công ty trong tập đoàn cũng bắt đầu tái cấu trúc việc nắm giữ cổ phiếu, đầu tư chéo. Điều này có thể giúp nhiều doanh nghiệp có nguồn lợi nhuận đột biến.

Mở rộng sang các hoạt động khác trong chuỗi giá trị. PetroVietnam đang đẩy mạnh đầu tư các hoạt động khác trong chuỗi giá trị liên quan tới năng lượng, hóa chất, phân đạm. Hiện tại, 40% lượng điện được sản xuất từ các nhà máy sử dụng nhiên liệu do PetroVietnam cung cấp (chủ yếu là khí đốt). Do đó, PetroVietnam sẽ đầu tư một số dự án liên quan tới nhiệt điện, thủy điện, tổ hợp khí – điện – đạm Cà Mau…

Ngoài ra, các công ty thành viên của PetroVietnam sẽ phải tăng trưởng mạnh về quy mô để có thể tham gia vào chuỗi giá trị của ngành. Hoạt động đầu tư mở rộng là cần thiết, tuy nhiên với tốc độ phát triển quá nhanh sẽ gây nên sự thiếu bền vững.

Làn sóng niêm yết cổ phiếu “dầu khí” lên TTCK. Hiện có trên 50 doanh nghiệp “dầu khí” đủ điều kiện niêm yết. Trong năm 2010, thị trường chứng khoán chứng kiến một làn sóng niêm yết của các công ty thuộc PetroVietnam. Hiện tại, có 25 công ty thuộc ngành dầu khí niêm yết trên cả hai sàn.

Trong năm 2011, tình hình thị trường có thể sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Do đó, nhiều khả năng xuất hiện những làn sóng niêm yết với quy mô lớn hơn của các doanh nghiệp dầu khí. Thống kê của chúng tôi cho thấy có trên 50 doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí đủ điều kiện niêm yết trên 3 sàn giao dịch.

Việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết một mặt giúp đa dạng hóa “hàng hóa” trên thị trường và nhà đầu tư có thêm lựa chọn. Mặt khác, một lượng tiền lớn sẽ được hấp thụ vào nhóm cổ phiếu này, hệ quả là thanh khoản thị trường có thể chịu tác động tiêu cực. 

III. CỔ PHIẾU QUAN TÂM: PVS, PVD và PGD

Hoạt động của doanh nghiệp trong ngành gắn bó mật thiết với tình hình kinh tế vĩ mô và biến động giá dầu thế giới. Chúng tôi cho rằng nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn đang khá tiềm năng và không thể không quan tâm, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Lĩnh vực kỹ thuật truyền thống: Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, đóng mới và cho thuê giàn khoan, cơ khí kỹ thuật, hậu cần kho bãi… vẫn duy trì hoạt động ổn định, ngay trong thời gian khủng hoảng kinh tế. Lĩnh vực này có khả năng bứt phá khi nền kinh tế phục hồi do nhu cầu sử dụng các dịch vụ kỹ thuật tăng cao trong ngành. Hiện có 2 doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực này là CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HoSE: PVS) và CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD).

Lĩnh vực xây lắp: Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tẩng phục vụ cho hoạt động khai thác, chế biến dầu khí như kho bãi, đường ống, cầu đường… vẫn tiếp tục tăng cao. Mỗi năm PetroVietnam chi đầu tư từ 16 – 20 ngàn tỷ đồng cho hoạt động xây dựng cơ bản để đảm bảo tốc độ phát triển của ngành. Hoạt động đầu tư tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây lắp dầu khí duy trì được đà tăng trưởng ổn định.

Lĩnh vực tài chính hỗ trợ dầu khí: Hoạt động tài chính đóng vai trò quan trọng và hỗ trợ cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Với nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng từ xuất khẩu dầu thô, nguồn tài trợ từ Chính phủ, CTCP Tài chính Dầu khí Việt Nam (HoSE: PVF) có cơ hội để quản lý một lượng tài sản rất lớn. Trong khi đó, CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (HNX: PVI) có nguồn khách hàng khá dồi dào là các doanh nghiệp trong ngành và các đối tác của PetroVietnam.

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp khác thuộc hoạt động phân phối khí đốt, hóa chất – đạm,… vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng.

CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD): PVD chiếm khoảng 50% thị phần cung cấp dịch vụ khoan tại Việt Nam. Hiện công ty đang sở hữu 3 giàn khoan biển, 1 giàn khoan đất liền va 3 giàn khoan thuê của nước ngoài. Các giàn khoan của PVD đều có hiệu suất hoạt động lên đến 99% và có nguồn thu ổn định.

Giá cho thuê giàn khoan, sau thời gian sụt giảm mạnh vào giữa năm 2010 trước những bất ổn kinh tế vĩ mô và sự cố giàn khoan của BP tại Vịnh Mexico, hiện đã có dấu hiệu tăng ổn định trở lại. Trong năm 2011, PVD sẽ bổ sung thêm nguồn thu khi giàn khoan nửa nổi nửa chìm đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng cao có thể làm cho tỷ suất sinh lời của PVD kém hấp dẫn so với những năm trước. Tính đến 30/06/2010, tổng nợ phải trả của PVD ở mức 8,257 tỷ đồng, gấp 2 lần so với vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ dài hạn bằng ngoại tệ là 349 triệu USD phục vụ cho mục đích đầu tư xây dựng 3 giàn khoan I, II và III, và được áp dụng lãi suất thả nổi.

CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HoSE: PVS): PVS hoạt động trong khá nhiều mảng kỹ thuật dầu khí: cho thuê tàu chuyên dụng, dịch vụ căn cứ, dịch vụ O&M, lắp đặt, vận hành các công trình dầu khí, dịch vụ đóng mới cơ khí,… Đây là những mảng hoạt động hầu như không có công ty ngoài ngành có thể tham gia.

Trong năm 2010, PVS thực hiện khá nhiều hợp đồng có giá trị lớn, đầu tư đội tàu nhằm giảm tỷ lệ thuê ngoài, thành lập công ty khảo sát địa chất…

Chúng tôi cho rằng 2011 tiếp tục là một năm thuận lợi đối với PVS. Ngoài ra, với tình hình thị trường chứng khoán cuối năm khả quan, hoạt động đầu tư tài chính của PVS sẽ được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, các lĩnh vực hoạt động của PVS đang chịu sức ép cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Đội tàu phần lớn là thuê ngoài, do đó PVS phụ thuộc khá nhiều vào biến động giá thuê.

CTCP Phân phối Khí thấp áp (HoSE: PGD): PGD là công ty độc quyền phân phối khí thiên nhiên bằng đường ống cho các khu công nghiệp ở khu vực phía Nam. PGD là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cao trong ngành và tăng trưởng khá ổn định.

PGD đã bước đầu thực hiện dự án hệ thống phân phối khí thấp áp cho các khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Dự án này sẽ giúp mở rộng thị trường và gia tăng số lượng khách hàng, là động lực giúp PGD tăng trưởng mạnh khi dự án hoàn thành.

Mặc dù vậy, PGD tiếp tục đối mặt với việc giá khí đầu vào gia tăng trong thời gian tới.

Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010

 

Phòng Nghiên cứu Vietstock 

Các tin tức khác

>   Năm 2011: Triển vọng các kênh đầu tư vàng, dầu, USD và chứng khoán (16/12/2010)

>   Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 2) (09/12/2010)

>   Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 1) (08/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Vận tải biển & Kho bãi (07/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Nông sản (08/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Nhựa (03/12/2010)

>   Cổ phiếu large-cap, mid-cap hay small-cap sẽ bứt phá? (03/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Khoáng sản (01/12/2010)

>   Đánh giá triển vọng cổ phiếu ngành Săm lốp (02/12/2010)

>   Giá vàng, dầu và USD ra sao trước hàng loạt sự kiện quan trọng? (25/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật