Thứ Tư, 05/01/2011 13:57

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

TTCK năm 2011: 5 yếu tố tác động xu hướng

(Vietstock) – Giới đầu tư đang kỳ vọng chứng khoán sẽ có một năm 2011 bứt phá “lấy lại những gì đã mất”. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có một cái nhìn cẩn trọng về thị trường trong năm nay.

Để đánh giá triển vọng chứng khoán Việt Nam trong năm 2011, chúng tôi phân tích 5 yếu tố tác động mạnh nhất đến xu hướng của thị trường.

Đà phục hồi của kinh tế thế giới và dòng vốn đầu tư nước ngoài

Dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế thế giới đạt được sự phục hồi khá ấn tượng trong năm 2010. Hầu hết các nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng. Nhiều dự báo cho rằng năm 2011, kinh tế thế giới tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực và tỷ lệ thất nghiệp sẽ dần giảm xuống.  

 

Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, điều này cũng giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn gián tiếp, sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Năm 2010, dù TTCK khá ảm đạm song vốn ngoại giải ngân vào thị trường vẫn đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi cho rằng không nên quá kỳ vọng vào các dòng vốn này. Việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam và một số ngân hàng cho thấy rủi ro vĩ mô là không hề nhỏ. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài ra sẽ tiếp tục dè dặt khi rót vốn vào thị trường Việt Nam. Việc các chứng chỉ quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam giao dịch ở mức chiết khấu 30-50% đã cho thấy điều đó.

Sự ổn định của nền kinh tế và chính sách vĩ mô

Năm 2010 là một năm kinh tế vĩ mô có nhiều biến động. Lãi suất, lạm phát và tỷ giá đều tăng cao vào cuối năm. Tăng trưởng GDP vượt kế hoạch nhưng hiệu quả đầu tư vẫn ở mức rất thấp và tăng trưởng GDP vẫn chủ yếu dựa vào việc tăng vốn đầu tư. Các chính sách được đánh giá là thiếu nhất quán cũng đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và lòng tin của nhà đầu tư.

Nhiều người kỳ vọng năm 2011, các bất ổn vĩ mô sẽ dần được khắc phục. Các chính sách của các cơ quan nhà nước sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn. Sự ổn định của các yếu tố vĩ mô và đà tăng trưởng kinh tế được duy trì sẽ là một nhân tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán phục hồi.

Chúng tôi cho rằng việc khắc phục những yếu kém trong nền kinh tế tại thời điểm hiện tại là một công việc không dễ dàng. Những bất ổn vừa qua chủ yếu mang tính cơ cấu của nền kinh tế. Bất cập trong các chính sách ban hành trong năm 2010 cũng xuất phát từ việc thiếu quy trình hoạch định chính sách khoa học và khách quan.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 23% và ưu tiên hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất cũng là một tín hiệu không tích cực đối với thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu giá rẻ, hấp dẫn cho đầu tư giá trị

Năm 2010, giá của hầu hết chứng khoán niêm yết đều sụt giảm rất mạnh. Chỉ số P/E của thị trường hiện tại chỉ còn 10-11 lần và P/B chỉ còn 1.8 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức 14-15 và 2.3 lần của cuối năm 2009. Mức P/E này cũng thấp hơn nhiều so với mức 15-18 lần của hầu hết thị trường các nước trong khu vực.

Nhiều cổ phiếu có mức vốn hóa vừa và có tiềm năng lớn trong tăng trưởng chỉ có P/E trong khoảng 6-9 lần. Đây là những cổ phiếu hấp dẫn cho việc đầu tư giá trị. Sự hấp dẫn của giá cổ phiếu có thể là một động lực quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp trong năm 2011.

Mặc dù vậy, chứng khoán Việt Nam có thực rẻ hay không còn phụ thuộc vào triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2011, lãi suất thực tế của đồng nội tệ và biến động của tỷ giá.

Nếu lãi suất năm 2011 vẫn ở mức cao như hiện nay thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, với lãi suất cao và tỷ giá nhiều biến động thì dù P/E có ở mức thấp thì giá cổ phiếu vẫn không thực sự hấp dẫn.

Như vậy, có thể thấy sự hấp dẫn của cổ phiếu giá rẻ hiện nay là một yếu tố quan trọng nhưng chỉ có tính tương đối. Sự hấp dẫn chỉ thực sự phát huy tác dụng khi các bất cập vĩ mô nêu trên dần được giải quyết.

Áp lực từ niêm yết mới và IPO

Thị trường chứng khoán đã trải qua hơn 10 năm phát triển. Sự lớn mạnh của thị trường và vai trò trong nền kinh tế đã đạt được một bước tiến rất dài. Hiện tại có 646 doanh nghiệp đang niêm yết, với giá trị vốn hóa lên đến 722 nghìn tỷ đồng, tương đương 36 tỷ USD, bằng khoảng 30% GDP năm 2010.

Nửa đầu năm 2010 xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp niêm yết và phát hành thêm huy động vốn trên thị trường. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán đang đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Đây không chỉ là một kênh huy động vốn mà còn là môi trường để minh bạch hóa thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.

Năm 2011, số lượng doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục được mở rộng. Đến 31/12/2010, sàn HOSE còn 18 doanh nghiệp đang “xếp hàng” chờ được niêm yết, và sàn HNX vẫn còn hơn 69 doanh nghiệp. Theo thông tin gần đây, HNX dự kiến đón thêm 100 doanh nghiệp nữa lên sàn trong năm 2011.

Đặc biệt, nhiều khả năng sẽ có thêm các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục IPO, bán bớt phần vốn ra bên ngoài.

Việc nhiều doanh nghiệp niêm yết là một bước phát triển tích cực của thị trường, nhưng điều này sẽ tạo áp lực nguồn cung. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 chỉ có 23%, dòng tiền vào thị trường cũng sẽ không thể mạnh mẽ. Đó là chưa kể đến lãi suất hiện tại vẫn ở mức rất cao. Kịch bản này đã xảy ra trong năm 2010 và hoàn toàn có thể lặp lại trong năm 2011.

Kỳ vọng công cụ và chính sách mới đối với thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán năm 2010 đã lỡ hẹn với một số cộng cụ mới như rút ngắn thời gian giao dịch T+, cho phép sử dụng margin và bán khống.

Về chính thức, số ngày thanh toán trên thị trường hiện nay vẫn là T+4 và margin chưa được phép sử dụng. Tuy nhiên, thực tế nhiều khách hàng “VIP” của các công ty chứng khoán vẫn được sử dụng những công cụ này. Điều này đã tạo ra một “cuộc chơi” thiếu công bằng và minh bạch và tạo nên những rủi ro cho thị trường.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hiện nay cơ sở hạ tầng của thị trường đã cho phép triển khai các công cụ như rút ngắn giao dịch T+, hay cho phép nhà đầu tư sử dụng margin.

Các chính sách trên được áp dụng một cách chính thức sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường. Ngoài ra, điều này cũng giúp tạo sự công bằng, minh bạch trên thị trường.

Để thị trường phát triển lành mạnh thì UBCK cũng cần có biện pháp ngăn chặn giảm thiểu các hoạt động đầu cơ, làm giá và giao dịch nội gián vẫn đang thường xuyên xảy ra. Chỉ có đảm bảo sự minh bạch và công bằng thì mới có thể giúp cho thị trường phát triển một cách bền vững.

Lời kết

Các phân tích trên cho thấy TTCK năm 2011 tiếp tục được kỳ vọng là sẽ phát triển cả  về quy mô và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, thị trường sẽ tiếp tục có những diễn biến thăng trầm do sự bất ổn trong nền kinh tế. Nhà đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, lãi suất và dòng tiền trong nước cũng không thể mạnh mẽ khi nỗi lo về lạm phát, lãi suất vẫn đang hiện diện.

Thị trường cũng được kỳ vọng phát triển lên tầm cao mới khi thực hiện rút ngắn giao dịch T+, cho phép sử dụng margin hay bán khống cổ phiếu… Ngoài ra, một môi trường đầu tư minh bạch, công bằng với vai trò kiểm soát của UBCK được gia tăng sẽ thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

Hồ Bá Tình, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc sau một năm thăng trầm (31/12/2010)

>   GMD: Báo cáo phân tích cổ phiếu Tháng 12/2010 (04/01/2011)

>   Bơm tiền chưa hẳn là giải pháp để hạ lãi suất và ổn định kinh tế (24/12/2010)

>   Năm 2011: Cơ hội đầu tư cổ phiếu theo nhóm ngành (22/12/2010)

>   Kinh tế Việt Nam 2010: Một năm nhìn lại  (21/12/2010)

>   Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2011 (23/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 1/2011: Ngành Dầu khí (20/12/2010)

>   Năm 2011: Triển vọng các kênh đầu tư vàng, dầu, USD và chứng khoán (16/12/2010)

>   Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 2) (09/12/2010)

>   Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 1) (08/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật