Thứ Sáu, 31/12/2010 18:49

Bản tin thị trường cuối năm:

Kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc sau một năm thăng trầm

(Vietstock) – Năm 2010 là một năm thăng trầm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự phục hồi ấn tượng vào cuối năm khiến cho nhiều người kỳ vọng năm 2011 chứng khoán Việt Nam sẽ có một bước phát triển mới. Hiện nay, VN-Index đang đứng trước khả năng rất lớn để phá vỡ nốt những ngưỡng cản còn lại gồm SMA 200, SMA 300 và đang đi vào sóng Elliott III. Vì vậy, triển vọng tăng trưởng vẫn còn khá lớn.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Kinh tế Mỹ phục hồi chậm và thất nghiệp ở mức cao

Năm 2010 kinh tế Mỹ dần lấy lại được đà tăng trưởng nhưng vẫn còn khá chậm chạp và không đủ sức tạo thêm việc làm. Tăng trưởng GDP quý 3/2010 của Mỹ tăng 2.6% trong 3 quý liên tiếp. Đà tăng trưởng GDP được cho sẽ tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong quý 4/2010.

Vấn đề cốt lõi của kinh tế Mỹ và cũng là động lực tăng trưởng chính là tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tính đến tháng 11/2010 đang ở mức 9.8%, mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Mọi nỗ lực nhằm kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp của chính phủ vẫn không đem lại kết quả. Kinh tế Mỹ chỉ có thể khởi sắc khi tỷ lệ thất nghiệp sụt giảm về gần mức trước khủng hoảng tức vào mức 5 – 6%.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ vẫn ở mức thấp tạo điều kiện để Cục dự trữ Liên bang (FED) thực hiện chính sách nới lỏng định lượng lần 2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2010 ở mức 1.1%, như vậy chỉ số CPI của Mỹ duy trì ở quanh mức 1.1% - 1.2% trong vòng 6 tháng liên tiếp.

Việc tung ra gói hỗ trợ kinh tế 600 tỷ USD của FED vào tháng 11/2010 được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế Mỹ hồi phục. Tuy nhiên, sẽ mất một khoảng thời gian để số tiền này phát huy tác dụng. Do đó, nhiều khả năng kinh tế nước này sẽ có chuyển biến tích cực hơn trong năm 2011.

Kinh tế châu Âu: Khủng hoảng nợ công dai dẳng

Cuộc khủng hoảng nợ công bùng nổ từ Hy Lạp và đang lan sang các nước khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, Anh và Pháp, buộc phải tiến hành các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF nhiều lần đã phải can thiệp bằng cách bơm tiền giải cứu các nước khủng hoảng. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến hậu quả là lạm phát gia tăng tại Eurozone và đồng EU liên tục mất giá.

Chỉ số lạm phát châu Âu tính đến tháng 11/2010 ở mức 1.9% mức cao nhất kể từ tháng 1/2009. Chính sách thắt lưng buộc bụng cũng khiến cho tỷ lệ thất nghiệp leo thang, hiện tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone đang ở mức 10.1% vào tháng 10/2010.

Trong khi kinh tế tiếp tục đối mặt với hàng loạt các khó khăn thì khủng hoảng nợ vẫn kéo dài khi lợi suất các món nợ chính phủ vẫn đang ở mức cao và chưa cho thấy có dấu hiệu thuyên giảm.

Trung Quốc GDP vượt qua Nhật Bản

Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đối mặt với hàng loạt vấn đề như giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp cao, đồng Yên liên tục tăng giá… Do đó, GDP quý 2/2010 Nhật Bản chỉ đạt 1.29 nghìn tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với mức 1.34 nghìn tỷ USD theo thống kê được công bố trước đó của Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc đã chính thức soán ngôi của Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Dù vậy, kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là tỷ lệ lạm phát ở mức cao khiến cho ý nghĩa thành quả kinh tế sụt giảm mạnh. Chỉ số CPI tháng 11/2010 của nước này tăng 5.1% và vẫn được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong vài tháng tới.

Mặc dù vẫn, nhiều người kỳ vọng rằng Trung Quốc vẫn sẽ là đầu tàu giúp kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng trong năm tới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng mô hình kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng thiếu bền vững, rủi ro đổ vỡ bất cứ lúc nào. Mối lo ngại lớn nhất của Trung Quốc là thị trường bất động sản liên tục tăng giá.

Phần lớn các thị trường chứng khoán có một năm khởi sắc

Chứng khoán thế giới biến động khá lớn. Sau khi đồng loạt sụt giảm mạnh vào những tháng đầu năm thì các chỉ số đã lấy lại đà tăng. Các thị trường mới nổi ở châu Á, Mỹ Latin đang dẫn đầu mức phục hồi. Trong khi đó thị trường chứng khoán của các nước khủng hoảng nợ công tại châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… đang dẫn đầu mức sụt giảm. Trong khi đó, thị trường Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều tăng trưởng khá mạnh.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC NĂM 2010

Điểm khởi sắc của kinh tế năm 2010 là tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất nhập khẩu rất khả quan. Bên cạnh đó một điểm tích cực khác là thu ngân sách cao hơn dự toán, còn chi thấp hơn dự toán. Tuy nhiên, những thành quả đó bị lu mờ bởi ”bóng ma” lạm phát quay trở lại; lãi suất, tỷ giá biến động mạnh.

Tăng trưởng kinh tế đạt 6.78%: Tăng trưởng GDP đã được cải thiện dần qua từng quý với mức tăng 7.34% trong quý 4, từ mức 5.84% quý 1. Trong đó khu vực công nghiệp tăng 7.7%, cao hơn rất nhiều so với mức khiêm tốn 5.52% của năm 2009.

Tổng đầu tư đạt 41.8% GDP: Vốn đầu trong năm 2010 đạt 830.3 nghìn tỷ đồng, tăng 17.1% so với năm 2009, bằng 41.9% GDP. Đầu tư khu vực nhà nước chiếm 38.1% và tăng 29.1%; ngoài nhà nước chiếm 36.1%, tăng 7.7%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài chiếm 25.8% và tăng 18.4% so với năm 2009. Như vậy, 2 năm liền vốn đầu tư khu vực nhà nước đều tăng rất mạnh.

Vốn đầu tư nước trực tiếp nước ngoài tăng 10%: FDI đăng ký năm 2010 chỉ đạt 17.2 tỷ USD giảm 16.1%. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009, trong đó có 8 tỷ USD là vốn giải ngân. 

Sản xuất công nghiệp phục hồi: Sản xuất tháng 12 tăng 16.2%, đưa sản xuất công nghiệp cả năm tăng 14%. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoại tăng đến 17.2%, cao hơn rất nhiều với mức 7.4% của khu vực nhà nước. Sự phục hồi của sản xuất công nghiệp là một tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh một năm thiếu điện trầm trọng.

Xuất nhập khẩu tăng trưởng vượt dự báo: Xuất khẩu năm 2010 đạt 71.6 tỷ đồng, tăng 25.5% so với năm 2009. Hai mặt hàng đứng đầu trong nhóm xuất khẩu nhiều nhất vẫn là Dệt may và giày dép. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ. Xuất khẩu dầu thô giảm.

Nhập khẩu đạt 80.4 tỷ USD, tăng 20.1% so với năm 2009. Mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất vẫn là máy móc thiết bị. Kim ngạch nhập khẩu các nguyên liệu thô phục vụ sản xuất tăng mạnh. Nhập siêu hàng hóa năm 2010, ước tính 12.4 tỷ USD, giảm 5.2% so với năm 2000, bằng 17.3% kim ngạch nhập khẩu. Nếu loại trừ vàng và kim loại quý thì nhập siêu ước tính 14.2 tỷ USD.  Nhập siêu dịch vụ khoảng 0.86 tỷ USD.

CPI năm 2010 tăng vọt vượt dự báo: Chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng 11.75%, vượt xa mục tiêu 7% đề ra đầu năm. Mức tăng mạnh này tập trung vào 4 tháng cuối năm khi nền kinh tế chịu hàng loạt yếu tố tác động tiêu cực.

Tăng trưởng tín dụng vượt dự báo: Tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 29.81%, vượt xa mục tiêu 25% của cả năm. Tín dụng bằng ngoại tệ tăng mạnh lên 37.7%, tín dụng nội tệ tăng 25.3%. Vốn huy động chỉ tăng 27.2%, đây là năm thứ 4 liên tiếp tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng cho vay.

Lãi suất biến động mạnh: Lãi suất lại có một năm biến động mạnh, các biện pháp giảm lãi suất của Chính phủ không mang lại hiệu quả. Vào tháng 11, NHNN buộc phải nâng lãi suất chiết khấu để kiềm chế lạm phát. Hiện nay, dù lãi suất huy động được ấn định mức trần 14%, nhưng con số cân bằng thực tế lại cao hơn nhiều. Lãi suất đang trở thành bài toán nan giải trong điều hành kinh tế.

Vàng và ngoại tệ lên cơn sốt: Năm 2010, cơn sốt vàng và tỷ giá bùng nổ mạnh mẽ. Vào trung tuần tháng 11/2010, chỉ trong một ngày giá vàng tăng vọt 3-4 triệu đồng/lượng lên mức 38 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Sốt giá vàng ngoài yếu tố giá vàng thế giới thì hoạt động đầu cơ và lòng tin suy giảm đã đẩy giá vàng tăng bất thường. Tỷ giá thị trường tự do năm 2010, cũng có thời điểm tăng xấp xỉ 22,000 VND/USD. Hiện tại, tỷ giá đang ở mức 21,000 VND/USD, cao hơn tỷ giá niêm yết chính thức tới 1,500 đồng.

III. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM NĂM 2010

Năm 2010, là một năm thăng trầm của thị trường chứng khoán. Thị trường Việt Nam là một trong ít nước mất điểm trên thế giới. Đây là là một điều tất yếu sau một năm tăng trưởng quá mạnh nhờ các gói kích thích kinh tế và dòng tiền đầu cơ. Ngoài ra, thị trường còn bị ảnh hưởng mạnh bởi hàng loạt các bất ổn trong nền kinh tế và quy định bởi Thông tư 13.

VN-Index bị chi phối bởi các nhóm cổ phiếu lớn

Kết thúc năm 2010, VN-Index đóng cửa ở mức 484.66 điểm, chỉ giảm 2% so với mức giá đóng của ngày 31/12/2009. Mặc dù vậy thực tế phần lớn các cổ phiếu trên HoSE đều giảm rất mạnh. Việc VN-Index chỉ giảm nhẹ nhờ các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn trên sàn là BVH, MSN, VIC, HAG, VNM đều tăng khá. Thống kê của chúng tôi cho thấy 16 cổ phiếu có vốn hóa trên 10 nghìn tỷ đồng chiếm 51% vốn hóa thị trường trong năm 2010 tăng 9.16%. Các nhóm cổ phiếu còn lại giảm hơn 20%.

Điều này cho thấy VN-Index đã bị méo mó rất mạnh bởi một số cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường.

Trong khi đó HNX-Index có mức điểm đóng cửa ngày 31/12/2010 ở mức 114.124 điểm, giảm 32.13% so với cuối năm 2009. Thống kê tăng/giảm của các nhóm cổ phiếu cũng cho thấy những cổ phiếu siêu nhỏ (vốn hóa nhỏ hơn 100 tỷ), giảm gần 30% và phần lớn các cổ phiếu này là trên HNX. Sự biến động của HNX đã phản ánh khá chính xác mức tăng giảm của các cổ phiếu trong năm qua.

Thị trường lập đỉnh năm 2010 nhờ sóng của pennystocks

Cơn sóng của thị trường vào tháng 4 và đầu tháng 5 đã đưa thị trường đạt mức đỉnh cao nhất trong năm 2010. Giá đóng cửa của VN-Index đạt mức cao nhất 549.51 vào ngày 06/05/2010, cũng vào thời điểm đó HNX-Index lập đỉnh 187.22 điểm. Đợt sóng của thị trường trong tháng 4 phần lớn đến từ sự tăng lên mạnh mẽ của các pennystocks. Giá trị giao dịch trên HNX tăng vọt lên mức rất cao và có nhiều phiên đã vượt qua HoSE, nơi có giá trị vốn hóa gấp 4 lần. Chỉ trong vàng tháng 4 hàng loạt cổ phiếu trên HNX tăng vọt lên gấp đôi.

Đợt sóng tháng 4 và tuần đầu tháng 5 kết thúc cùng với thời điểm Thông tư 13 của NHNN được ban hành. Quy định tại Thông tư 13 nhằm tăng cường sự an toàn cho hệ thống tài chính nhưng đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán và lãi suất thị trường.

Thị trường tạo đáy và phục hồi phần lớn nhờ vào yếu tố tâm lý

Đợt suy giảm này kéo dài đến tận 22/11, VN-Index đã về vùng đáy 426 điểm, còn HNX-Index về mức 99 điểm. Đợt giảm sâu của thị trường do chịu cộng hưởng bởi một loạt yếu tố bất ổn của nền kinh tế. Lạm phát, lãi suất, tỷ giá cao ám ảnh tâm lý nhà đầu tư. Dòng tiền vào thị trường suy giảm cùng với những căng thẳng trên thị trường tiền tệ.

Đợt phục hồi của thị trường trong thời gian qua phần lớn có sự đóng góp của yếu tố tâm lý nhà đầu tư. Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường làm cho thanh khoản tăng vọt bất chấp những rủi ro vĩ mô chưa được cải thiện.

Nhiều người cho rằng áp lực chốt NAV vào cuối năm khiến cho các tổ chức không thể ngồi yên nhìn thị trường trượt dốc. Tâm lý kỳ vọng vào các dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2011 đã khiến cho nhà đầu tư hưng phấn. Ngoài ra, việc NHNN giãn thời hạn tăng vốn điều lệ tối thiểu của các ngân hàng thêm 1 năm cũng là một sự hỗ trợ tích cực cho thị trường.

IV. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NĂM 2011

Nhiều dự báo cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi ổn định hơn trong năm 2011. Cơ hội thị trường chứng khoán bật dậy sẽ cao hơn nhờ vào sự hỗ trợ của kết quả kinh của các doanh nghiệp được cải thiện cùng với nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng kỳ vọng vào việc dòng tiền sẽ tích cực chảy vào thị trường trong năm tới, đặc biệt trong bối cảnh định giá TTCK Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn.

Tuy nhiên, thị trường sẽ tiếp tục có những diễn biến thăng trầm do sự bất ổn trong nền kinh tế và cũng không nên quá kỳ vọng vào các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, lãi suất và dòng tiền trong nước cũng không thể mạnh khi nổi lo về lạm phát, lãi suất vẫn ám ảnh các nhà hoạch định chính sách, tăng trưởng tín dụng cũng bị giới hạn ở mức 23%.

Mặc dù vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào các quy định mới như giao dịch T+, cho phép sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) hay bán khống cổ phiếu. Ngoài ra, cuộc chơi trên thị trường sẽ minh bạch, công bằng hơn khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát những bất cập trên thị trường.

V. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

VN-Index – Các tín hiệu mua trung hạn liên tục xuất hiện

VN-Index đã có sự sụt giảm rất mạnh sau khi hoàn thành Triangle Pattern. Điều này khiến cho rất nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng thua lỗ trong năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm, sau khi giá phá vỡ SMA 100 gần 5 tuần trước, thị trường đã có sự bứt phá ngọan mục. Hiện nay, VN-Index đang đứng trước khả năng rất lớn để phá vỡ nốt những ngưỡng cản còn lại gồm SMA 200, SMA 300...

Theo mô hình định lượng kỹ thuật (quantitative model) có những chứng cứ rõ ràng cho thấy, chúng ta đang đi vào sóng Elliott III. Vì vậy, triển vọng tăng trưởng vẫn còn khá lớn.

VI. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NĂM 2010

Hồ Bá Tình – Nguyễn Quang Minh

Các tin tức khác

>   GMD: Báo cáo phân tích cổ phiếu Tháng 12/2010 (04/01/2011)

>   Bơm tiền chưa hẳn là giải pháp để hạ lãi suất và ổn định kinh tế (24/12/2010)

>   Năm 2011: Cơ hội đầu tư cổ phiếu theo nhóm ngành (22/12/2010)

>   Kinh tế Việt Nam 2010: Một năm nhìn lại  (21/12/2010)

>   Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2011 (23/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 1/2011: Ngành Dầu khí (20/12/2010)

>   Năm 2011: Triển vọng các kênh đầu tư vàng, dầu, USD và chứng khoán (16/12/2010)

>   Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 2) (09/12/2010)

>   Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 1) (08/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Vận tải biển & Kho bãi (07/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật