Thứ Tư, 26/01/2011 14:37

Lạm phát 2011: Tín hiệu từ CPI tháng 1 và các yếu tố ảnh hưởng

(Vietstock) – Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 cả nước vừa được công bố tăng 1.74%, là mức khá cao so với kỳ vọng. Điều này cho thấy CPI trong năm 2011 đang chịu sức ép rất lớn. Lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao nếu không có những biện pháp hữu hiệu đề kiềm chế.

Sức ép lạm phát lớn trong năm 2011 từ tín hiệu CPI tháng 1

CPI tháng 1/2011 tăng 1.74% so với tháng 12/2010, nếu so với cùng kỳ năm trước CPI tháng 1 tăng 12.17%. Trước đó, hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM công bố mức tăng CPI lần lượt là 1.68% và 1.01%. Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp CPI cả nước cao hơn hẳn so với 2 thành phố lớn.

Nguyên nhân của việc CPI cả nước cao hơn so với 2 thành phố lớn có thể là do nhu cầu tiêu dùng ở các tỉnh thành khác tăng nhanh hơn. Thông thường, khu vực nông thôn trong dịp Tết cao hơn các thành phố lớn do người lao động ở thành phố trở về quê.

CPI tháng 1 năm nay cũng tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước đó. Cụ thể, kể từ năm 1996 trở lại đây thì chỉ có duy nhất tháng 1/2008 là tăng 2.4%, tháng 1 các năm còn lại đều tăng thấp hơn 1.7%. Điều này cho thấy sức ép về lạm phát trong năm 2011 sẽ tiếp tục rất lớn.

Xét từng mặt hàng cụ thể, hai mặt hàng có mức tăng cao nhất trong tháng 1 là giáo dục tăng gần 3%, tiếp theo là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2.47%. Các nhóm hàng khác như may mặc, giày dép, đồ uống, thuốc lá, điện nước, vật liệu xây dựng cũng tăng rất mạnh.

Tốc độ tăng CPI tháng từ năm 1996 đến nay

Nguồn: Tổng cục Thống kê

 

Các yếu tố gây lạm phát và ảnh hưởng trong thời gian tới

Tăng trưởng cung tiền vượt xa tăng trưởng GDP thực: Tín dụng năm 2010 tăng gần 30%, vượt khá xa mục tiêu 25% hồi đầu năm. Đặc biệt tín dụng tăng mạnh trong những tháng cuối năm bất chấp lãi suất lên mức rất cao. Tăng tín dụng gấp 4.4 lần, tăng trưởng cung tiền M2 gấp 3.7 lần tăng trưởng GDP thực. Đây là một trong những yếu tố làm mất cân đối tiền-hàng trong nền kinh tế. Do vậy, sức ép về lạm phát do cung tiền vẫn đang còn rất lớn.

Giá cả hàng hóa thế giới đồng loạt leo thang: Với một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, giá cả hàng hóa thế giới ảnh hưởng mạnh đến giá hàng hóa trong nước. Sự gia tăng mạnh mẽ của giá lương thực, thực phẩm như ngô, đường, gạo, đậu tương... trong thời gian qua đã ảnh hưởng mạnh đến giá thực phẩm trong nước. Ngoài ra, các nguyên nhiên liệu cũng đã tăng lên rất mạnh do kinh tế thế giới phục hồi và các đồng tiền mất giá.

Năm 2011, giá lương thực tiếp tục leo thang do thay đổi thời tiết gây ra mất mùa trên toàn thế giới. Ngoài ra, chính sách hạn chế xuất khẩu của một số quốc gia cũng làm cho sự khan hiếm lương thực càng trở nên trầm trọng.

Lãi suất cao tạo ra vòng luẩn quẩn lạm phát: Chính sách thắt chặt tiền tệ làm tăng lãi suất để ngăn ngừa lạm phát nhưng nó cũng gây nên chi phí đẩy khiến giá thành sản xuất tăng. Mặc dù tác động này có thể không phải là cơ bản đối với tình trạng lạm phát Việt Nam nhưng điều này cộng hưởng cùng các nguyên nhân khác gây sức ép mạnh.

Áp lực từ điều chỉnh tỷ giá, giá điện, xăng dầu, than: Hiện tại đang có sự chênh lệch lớn giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường. Nếu tỷ giá được điều chỉnh trong thời gian tới thì sẽ có tác động đáng kể đến tâm lý thị trường.

Ngoài ra, các mặt hàng như điện, xăng dầu, than cũng chịu áp lực điều chỉnh vì giá thực tế của các mặt hàng này đang được ấn định dưới giá thành. Các phương án điều chỉnh giá cũng đã được đề xuất và chỉ chờ Bộ Tài chính quyết định thời điểm.

Các yếu tố khác: Năm nay, mùa đông khắc nghiệt ở Miền Bắc đã khiến cho giá thực phẩm tăng lên rất mạnh. Trong khi đó, CPI tháng 2 cũng sẽ tiếp tục tăng cao như thường lệ vào dịp Tết Âm lịch. Ngoài ra, một yếu tố đáng lưu ý khác là việc tăng tiền lương tối thiểu cũng tạo ra một tâm lý kỳ vọng về sức mua sắm khiến giá cả leo thang.

Như vậy, có thể thấy áp lực lạm phát tháng 2 sẽ tiếp tục ở mức cao hơn so với tháng 1 và CPI có thể tăng vượt mức 2%. Mức tăng CPI hai tháng đầu năm lên tới 4% thì mục tiêu giữ CPI trong năm 2011 dưới 7% ít có tính khả thi.

Hồ Bá Tình

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader. Đăng ký dịch vụ để nắm bắt những thông tin nhanh nhất: Cảnh báo thông tin; Thảo luận từ Diễn đàn; Báo cáo phân tích vĩ mô, chiến lược đầu tư, cổ phiếu; Công cụ phân tích, bộ lọc cổ phiếu; Tin tức và Dữ liệu TTCK Việt Nam, Lào và Campuchia.

Các tin tức khác

>   Loại trừ BVH và MSN, VN-Index chỉ ở mức 483.77 điểm (23/01/2011)

>   HDO: Company Visit Notes – Tháng 01/2011 (19/01/2011)

>   PXS: Company Visit Notes – Tháng 01/2011 (18/01/2011)

>   PET: Báo cáo phân tích cổ phiếu – Tháng 01/2011 (18/01/2011)

>   Mid cap và Small cap: Đích ngắm đầu tư 2011 (12/01/2011)

>   Vấn đề tỷ giá 2011 - Quả bóng trong chân Ngân hàng Nhà nước (10/01/2011)

>   TTCK năm 2011: 5 yếu tố tác động xu hướng (05/01/2011)

>   Kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc sau một năm thăng trầm (31/12/2010)

>   GMD: Báo cáo phân tích cổ phiếu Tháng 12/2010 (04/01/2011)

>   Bơm tiền chưa hẳn là giải pháp để hạ lãi suất và ổn định kinh tế (24/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật