Thứ Năm, 24/02/2011 12:21

Trị lạm phát, cần tăng “liều” chính sách tài khóa

(Vietstock) – Mức tăng CPI của tháng 2 vừa được công bố không phải là quá cao và nằm trong kỳ vọng. Tuy nhiên, áp lực tăng giá phía trước vẫn còn rất lớn. Thông điệp kiềm chế lạm phát đã khá rõ ràng, nhưng liệu chính sách này có đi đúng hướng chưa và nên thực hiện như thế nào?.

CPI tháng 2/2011 tăng 12.31% so với cùng kỳ, mức rất cao kể từ năm 1996

CPI tháng 2/2011 đã tăng 2.09% so với tháng 1, tăng 3.87% so tháng 12/2010 và tăng 12.31% so với cùng kỳ năm trước.

So sánh với những năm gần đây, mức tăng của CPI tháng 2/2011 không phải là quá cao. Trong 19 năm trở lại đây có đến 11 năm CPI của tháng 2 tăng trên 2%, còn tính trong 10 năm trở lại đây có đến 8 năm CPI tăng trên 2%.

CPI tháng 2 thường cao vì cầu tăng mạnh trong dịp Tết âm lịch. CPI tháng 2 tăng mạnh ngay cả những năm lạm phát thấp như năm 1999, 2000, 2001, 2002 và 2003. Điều này cho thấy mức tăng 2.09% của tháng 2 năm nay chưa phải là một dấu hiệu đáng ngại.

Tuy nhiên, CPI trong 2 tháng đầu năm 2011 lại ở mức khá cao so với các năm trước đó. Tính từ năm 1996 đến nay thì đây là năm có mức tăng 2 tháng đứng thứ ba. Năm 2004, mức tăng 2 tháng đầu năm lên tới 4.13% và cả năm là 9.5%, còn năm 2008 mức tăng 2 tháng là 6.02%, mức tăng cả năm là 19.89%.

So sánh với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2/2011 đã tăng 12.31%. Đây là mức cao nhất trong vòng 24 tháng và cũng là mức rất cao kể từ năm 1996 trở lại đây (chỉ thấp hơn giai đoạn lạm phát bùng nổ năm 2008).

CPI tháng 3/2011 sẽ như thế nào?

Kể từ năm 1993 đến nay có đến 12 năm CPI tháng 3 tăng trưởng âm. Năm có CPI tháng 3 tăng đáng kể nhất là năm 2008, tăng tới 2.99% do giá cả thế giới leo thang và hệ quả của cung tiền tăng trưởng mạnh trước đó. Năm 2010, CPI tháng 3 tăng tới 0.75% cũng xuất phát từ những nguyên nhân tương tự.

Tháng 3/2011, giá cả hàng hóa trong nước tiếp tục chịu sức ép do giá lương thực thế giới có chiều hướng tăng mạnh, giá dầu đã vượt mức 100 USD/thùng do tình trạng bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi.

Ngoài ra, giá các mặt hàng trong nước còn chịu sức ép rất lớn bởi giá hàng thế giới, tiền đồng giảm giá, tăng giá xăng dầu, than, điện… Thêm vào đó, với lãi suất cho vay gần 20% như hiện nay thì hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Như vậy, có nhiều lý do để tin rằng CPI tháng 3/2011 có thể tăng ở mức 1% tương tự như năm 2010. Điều này đồng nghĩa CPI quý 1/2011 có thể sẽ tăng gần 5%, không xa mục tiêu 7% của cả năm.

Cần nhiều hơn các giải pháp tài khóa để kiềm chế lạm phát

Rủi ro lạm phát là rất lớn và có thể hiểu được khi vừa qua Chính phủ phát đi thông điệp mạnh mẽ trong việc kiềm chế lạm phát. Các chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời được áp dụng.

Mục tiêu mới của tăng trưởng tín dụng là 20% thay vì 23% trước đó. Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm cũng được điều chỉnh tăng 2% lên 11%. Điều đáng lưu ý là chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn được thực hiện ngay cả khi lãi suất thị trường đang ở mức rất cao (trên dưới 20%).

Về chính sách tài khóa, Chính phủ cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 10% đầu tư công. Chỉ có những công trình cấp thiết và hiệu quả cao mới được xem xét đầu tư. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách, giảm tổng cầu trong nền kinh tế để kiềm chế lạm phát và giảm nhập siêu.

Thông điệp kiềm chế lạm phát bằng chính sách tài khóa và tiền tệ là khá rõ ràng. Tuy vậy, liệu chính sách này đã đi đúng hướng và nên thực hiện như thế nào?

Hai giai đoạn có mức tăng CPI trên hai con số là  từ tháng 9/1994 đến tháng 12/1995 và từ tháng 11/2007 đến tháng 3/2009. Có thể thấy đặc điểm chung của các giai đoạn này là tăng trưởng tín dụng và cung tiền trước đó thường tăng mạnh.

Từ tháng 6/2009, tăng trưởng tín dụng và cung tiền bùng nổ trở lại. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, xét cho cùng nguyên nhân sâu xa của những bất ổn hiện tại, trong đó có lạm phát xuất phát từ sự yếu kém nội tại của nền kinh tế. Điều này được thể hiện qua hiệu quả đầu tư thấp (ICOR 5-8 lần), tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế cao, thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại kéo dài, dòng tiền đầu cơ chủ yếu chảy vào thị trường bất động sản thay vì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đầu tư từ khu vực nhà nước chiếm một tỷ lệ lớn nhưng hiệu quả lại không cao. Trong khi đó, nguồn tín dụng của nền kinh tế lại được ưu tiên cho khu vực này. Thực tế này khiến cho lãi suất trong nền kinh tế bị đẩy lên mức cao và đồng thời cũng đòi hỏi cung tiền tăng mạnh.

Như vậy, việc thắt chặt đầu tư để nâng hiệu quả đầu tư công là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, việc thực hiện là không hề đơn giản vì quán tính chi tiêu mạnh cần thời gian để có thể dừng lại. Việc cần làm trước tiên là kiểm soát việc đầu tư thiếu hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Đối với chính sách tiền tệ, việc lãi suất đang ở mức quá cao và vượt xa lạm phát như hiện nay đã được xem là chính sách tiền tệ thắt chặt. Do vậy, nếu thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa bằng cách tăng lãi suất, hay tăng dự trữ bắt buộc thì hệ quả đối với nền kinh tế sẽ trở nên nặng nề hơn.

Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng lạm phát năm 2011 có thể vượt mức 2 con số. Những quan ngại này là hoàn toàn có cơ sở khi giá cả hàng hóa đang chịu sức ép mạnh cùng với những yếu kém cơ cấu của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ.

Tuy nhiên, diễn biến lạm phát năm 2011 như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách điều hành của Chính phủ. Chúng tôi cho rằng không nên đổ dồn hết ”trách nhiệm” kiềm chế lạm phát cho chính sách tiền tệ, mà cần phải sử dụng chính sách tài khóa một cách tích cực và mạnh mẽ hơn nữa.

Hồ Bá Tình, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Nâng lãi suất tái cấp vốn: Liều thuốc đắng nhưng tác dụng kép (18/02/2011)

>   6 tác động tích cực khi NHNN điều chỉnh tỷ giá (11/02/2011)

>   Biến động giá lương thực thế giới và lạm phát của Việt Nam (01/02/2011)

>   Tháng 1: Kinh tế vĩ mô chưa cải thiện, khối ngoại vẫn mua ròng 1,556 tỷ đồng (28/01/2011)

>   Lạm phát 2011: Tín hiệu từ CPI tháng 1 và các yếu tố ảnh hưởng (26/01/2011)

>   Loại trừ BVH và MSN, VN-Index chỉ ở mức 483.77 điểm (23/01/2011)

>   HDO: Company Visit Notes – Tháng 01/2011 (19/01/2011)

>   PXS: Company Visit Notes – Tháng 01/2011 (18/01/2011)

>   PET: Báo cáo phân tích cổ phiếu – Tháng 01/2011 (18/01/2011)

>   Mid cap và Small cap: Đích ngắm đầu tư 2011 (12/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật