Thứ Hai, 21/03/2011 15:22

Giá xăng dầu tại Việt Nam và vấn đề xuất lậu

(Vietstock) – Mấy ngày gần đây, giá xăng dầu và vấn đề xuất lậu xăng dầu một lần nữa được dư luận xã hội quan tâm. Một số đề xuất cho rằng cần phải tăng hoặc thả nổi giá xăng dầu để hạn chế xuất lậu. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam có thực sự bù lỗ giá xăng dầu và giải pháp đề xuất đó có hợp lý?

Bài viết của chúng tôi xem xét cơ cấu giá thành xăng dầu cùng một số nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giá giữa các quốc gia, từ đó có cách nhìn toàn diện về hiện trạng giá xăng dầu tại Việt Nam.

Trên thực tế, Nhà nước mới chỉ giảm nguồn thu thuế chứ chưa phải bù lỗ giá xăng dầu cho người tiêu dùng

Giá xăng Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, thấp hơn Mỹ

Theo công bố của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), giá nhập khẩu xăng A92 tại cảng của Việt Nam vào ngày 15/03/2011 là 115.31 USD/thùng. Mức giá này khi quy đổi qua tỷ giá niêm yết tương đương với 15,289 đồng/lít.

Trong cơ cấu giá thành xăng A92 hiện nay, có 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế VAT, phí xăng dầu 1,000 đồng/lít, 300 đồng trích quỹ bình ổn giá xăng. Khi cộng giá nhập khẩu xăng dầu cùng các loại “thuế” trên thì giá thành xăng A92 là 19,923 đồng/lít.

Mức giá này cộng thêm khoản phí kinh doanh 600 đồng/lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Như vậy, tổng cộng giá thành xăng A92 là 20,823 đồng/lít, cao hơn 1,523 đồng so với giá bán trên thị trường đang ở mức 19,300 đồng/lít.

Theo cách tính này, với mỗi lít xăng A92 bán ra thị trường, công ty xăng dầu chịu lỗ 1,223 đồng/lít (không bao gồm lợi nhuận định mức).

Trên thực tế, khi quy đổi theo tỷ giá chính thức, giá xăng A92 bán lẻ tại Việt Nam thấp hơn  hầu hết các nước trong khu vực như Lào (25,377 đồng/lít), Campuchia (25,307 đồng/lít), Trung Quốc (24,190 đồng/lít), Singapore (33,281 đồng/lít).

Trong khi đó, theo Trung tâm thông tin quản lý năng lượng Hoa Kỳ (EIA) thì giá xăng bán lẻ thấp nhất là tại tiểu bang Colorado với mức giá ngày 14/03/2011 là 3.36 USD/gallon. Nếu quy đổi theo tỷ giá 21,000 VND/USD thì mức giá này tương đương với 18,651đồng/lít. Trong khi đó,  tiểu bang có mức giá cao nhất là California với 3.95 USD/gallon, tương đương 21,935 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực nhưng vẫn cao hơn một số tiểu bang ở Hoa Kỳ, và không chênh lệnh nhiều so với mức giá bán lẻ cao nhất tại nước này. Một điều đáng lưu ý là khác với Việt Nam, tại các nền kinh tế phát triển, giá xăng dầu thay đổi thường xuyên cùng với giá thế giới. Ngoài ra, giá bán cũng rất khác nhau ở từng khu vực tùy theo nhà cung cấp, chi phí vận chuyển và chính sách thuế.

Cơ cấu giá thành xăng dầu chốt vào ngày 15/03/2011

Tại sao giá xăng dầu lại khác nhau giữa các quốc gia?

Xăng dầu là một mặt hàng đồng nhất và có tính ngoại thương cao nên giá thành sản xuất tại hầu hết các nền kinh tế đều chênh lệch không đáng kể. Tuy nhiên, giá bán lại rất khác nhau giữa các quốc gia và có khi lại chênh lệch đến hàng chục lần.

Tại một số nước xuất khẩu dầu mỏ như Venezuela, Iran, Qatar, Bahrain, giá xăng dầu rẻ hơn cả nước ngọt vì được nhà nước trợ giá. Giá bán xăng dầu tại các quốc gia này thường dưới 20 cen/lít (khoảng 4,000 đồng).

Tuy nhiên, tại một số quốc gia khác thì giá xăng dầu vô cùng đắt đỏ do phí tiêu thụ xăng dầu rất cao. Những nước có giá xăng dầu cao thường là các nước phát triển như Đức, Hà Lan, Anh, Pháp, Na Uy…. Ở những quốc gia này, giá xăng dầu thường đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với Hoa Kỳ.

Chẳng hạn tại Na Uy, thuế tiêu thụ lên mỗi lít xăng lên tới 1.42 USD/lít, tại Anh là 0.59 Bảng Anh, tại Đức 0.47 EUR. Các khoản thuế này cộng thêm VAT từ 10% - 20% làm cho giá thành xăng dầu tại những quốc gia này đội lên rất nhiều so với giá thành của chúng.

Tóm lại, giá bán xăng dầu có sự khác biệt giữa các quốc gia phần lớn là do chính sách thuế khác nhau. Tại các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, giá xăng dầu được nhà nước trợ cấp. Trong khi đó, tại nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nước phát triển, thuế đánh vào xăng dầu rất cao và là nguồn thu quan trọng cho ngân sách. Ngoài ra, thuế xăng dầu còn nhằm điều tiết cung cầu hạn chế tiêu thụ để bảo vệ môi trường.

Việt Nam chưa thực sự đang bù lỗ giá xăng dầu

Vừa qua, không ít ý kiến cho rằng hiện tại Nhà nước đang phải bù lỗ giá xăng dầu. Tuy nhiên, qua phân tích ở trên chúng ta thấy với giá thành xăng A92 vào ngày 15/03 thì tổng các thuế và phí lên tới 4,634 đồng/lít. Ngay cả thời điểm giá trước ngày 24/02/2011 thì giá xăng dầu bán lẻ cũng vẫn cao hơn so với giá nhập khẩu cộng với chi phí phân phối.

Như vậy, với mức giá xăng dầu hiện nay thì Nhà nước mới chỉ giảm nguồn thu thuế chứ chưa phải bù lỗ giá xăng dầu cho người tiêu dùng. Thậm chí, thuế thu được từ xăng dầu còn là nguồn rất quan trọng bổ sung vào ngân sách.

Từ nhận định này, có thể thấy việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới không thực sự là “thảm họa” đối với Việt Nam như nhận định của không ít người. Không những vậy, theo cách tính của Petrolimex, với mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường (giá ngày 15/03/2011), Petrolimex phải chịu lỗ 1,223 đồng, nhưng tổng cộng ngân sách nhà nước thu được 4,634 đồng (gồm thuế, phí, quỹ bình ổn).

Lời kết

Như vậy, mỗi lít xăng A92 bán qua biên giới (bán lậu) thì Việt Nam thu ròng 4,034 đồng chứ không hề thua thiệt như nhiều phát biểu của lãnh đạo một số công ty kinh doanh xăng dầu như thời gian qua.

Ngoài ra, việc đề xuất  “tăng giá xăng dầu” hay “thả nổi giá xăng dầu” để hạn chế xuất lậu không phải là giải pháp có tính thuyết phục. Việc xuất lậu xăng dầu có thể gây thiệt hại cho các công ty kinh doanh nhưng về tổng thể thì vẫn có lợi cho nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần lưu ý là giá xăng dầu khác nhau giữa các quốc gia phụ thuộc phần lớn vào các chính sách thuế của mỗi nước. Do vậy, không chỉ vì “hạn chế xuất lậu” một lượng không đáng kể mà phải thay đổi cả chính sách thuế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong toàn bộ nền kinh tế.

Hạn chế buôn lậu để đảm bảo kỷ cương của nền kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải được giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau chứ không chỉ là việc đề xuất tăng giá xăng dầu như hiện nay. Trong bối cảnh lạm phát, lãi suất đều rất cao, nếu tăng giá xăng dầu không tính toán kỹ thì sẽ tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế.

Hồ Bá Tình

Các tin tức khác

>   Lạm phát: Cần hiểu đúng và có những phản ứng phù hợp (17/03/2011)

>   PSG: Company Visit Notes – Tháng 03/2011 (17/03/2011)

>   Gỡ nút thắt thị trường chợ đen: Không chỉ dùng các biện pháp hành chính (14/03/2011)

>   Tín hiệu vĩ mô 2008 và 2011 – Tương đồng và khác biệt (11/03/2011)

>   Định giá cổ phiếu hấp dẫn, thị trường đã về đáy? (08/03/2011)

>   PGD: Báo cáo phân tích cổ phiếu – Tháng 03/2011 (05/03/2011)

>   Gói giải pháp của NHNN sẽ tác động mạnh đến chứng khoán (26/02/2011)

>   Trị lạm phát, cần tăng “liều” chính sách tài khóa (24/02/2011)

>   Nâng lãi suất tái cấp vốn: Liều thuốc đắng nhưng tác dụng kép (18/02/2011)

>   6 tác động tích cực khi NHNN điều chỉnh tỷ giá (11/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật