Lãi suất trần huy động 14% đã quá “lạc hậu”
(Vietstock) – Một loạt chính sách của NHNN trong thời gian qua, trong đó có ấn định trần lãi suất huy động 14% đang tỏ ra có nhiều mâu thuẫn. Việc bỏ lãi suất trần huy động 14% có thể hợp lý trong bối cảnh hiện tại, nhưng khuyến nghị áp lãi suất trần cho vay là không thuyết phục.
* NHNN đang cân nhắc nâng trần huy động lên 16%/năm
* Nên cân nhắc về quy định trần lãi suất cho vay
* Từ 01/05, tăng lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn thêm 1%
* Lãi suất sẽ giảm khi…
Tại các nền kinh tế điều hành lãi suất theo cơ chế thị trường, mức lãi suất huy động và cho vay được thị trường quyết định. Đối với Việt Nam, với tính chất lịch sử và bối cảnh vĩ mô hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải sử dụng nhiều biện pháp hành chính để can thiệp vào lãi suất thị trường.
Trước đây, lãi suất trần cho vay được ấn định theo lãi suất cơ bản. Hiện tai, cơ chế lãi suất trần theo lãi suất cơ bản đã được dỡ bỏ và lãi suất cho vay được thực hiện theo lãi suất thỏa thuận.
Tuy nhiên, NHNN lại can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng cách ấn định lãi suất trần huy động là 14%. Ngoài ra, NHNN còn can thiệp gián tiếp thông qua áp dụng trần tăng trưởng tín dụng 20% đối với các ngân hàng. Song song với các công cụ hành chính trên NHNN đã tăng lãi suất tái cấp vốn lên 13%, lãi suất tái chiết khấu lên 12%.
Có thể thấy một số mâu thuẫn trong các giải pháp trên của NHNN. Việc NHNN ấn định lãi suất trần nhằm mục tiêu ngăn chặn các tổ chức tín dụng “đua” lãi suất huy động gây xáo trộn trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, bằng cách áp dụng lãi suất trần, NHNN còn kỳ vọng kiềm chế lãi suất cho vay trên thị trường không tăng ở mức quá cao.
Giải pháp này, ở một mức độ nào đó, đã có tác động tích cực khi hạn chế các ngân hàng công khai đua lãi suất.
Tuy vậy, đến nay lãi suất trần đang thấp hơn nhiều so với mức lãi suất cân bằng trên thị trường. Điều này đang buộc các tổ chức tín dụng phải lách quy định và lãi suất huy động thực tế trên thị trường đã lên đến 16-19%.
Việc NHNN muốn lãi suất đầu ra thấp bằng cách ấn định trần lãi suất đầu vào là không hiệu quả theo lý thuyết kinh tế.
Nguyên nhân là do khi hạn chế lãi suất đầu vào thì cung tiền gửi sẽ giảm, dẫn tới lãi suất cho vay tăng (cung giảm làm giá tăng).
Việc áp đặt trần lãi suất với mục tiêu làm giảm lãi suất đầu ra cũng mâu thuẫn với chính sách tiền tệ thặt chặt. Tác dụng của chính sách tiền tệ thắt chặt là làm cho lãi suất thị trường tăng, dẫn đến giảm đầu tư và tiêu dùng để kiềm chế lạm phát.
Mới đây, một số chuyên gia kinh tế đề xuất NHNN nên bỏ quy định trần lãi suất huy động 14% và áp trần lãi suất huy động để giảm lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia này cho rằng hiện tại mức lãi suất huy động trần 14% đã trở nên “lạc hậu”, còn việc áp lãi suất trần cho vay là để giữ mặt bằng lãi suất thấp để “cứu” doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng các ngân hàng hiện nay vẫn “lời khủng” nên cần phải chia sẻ bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc bỏ lãi suất trần huy động có thể hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, khuyến nghị áp lãi suất trần cho vay là không thuyết phục.
Việt Nam đang hướng tới chính sách tự do hóa lãi suất để xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh. Năm 2010, NHNN bỏ được trần lãi suất cho vay sau một quá trình “gian khổ”. Thực tế, chính sách trần lãi suất cho vay để lại nhiều hệ lụy hơn là tác động tích cực.
Hiện nay, lãi suất cho vay ở mức rất cao gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính. Tuy vậy, đây là một hệ quả tất yếu của chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát.
Chỉ nên thực hiện các giải pháp mang tính chất thị trường nếu muốn việc giảm lãi suất có hiệu quả.
Hoàng Nam
|