Thứ Năm, 28/04/2011 18:42

Lãi suất sẽ giảm khi…

(Vietstock) – Dù lãi suất hiện nay đã quá cao, nhưng với bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại chúng tôi cho rằng lãi suất rất khó giảm xuống trong ngắn hạn. Lãi suất chỉ có thể giảm khi lạm phát bớt nóng và đầu tư của khu vực nhà nước được cắt giảm triệt để hơn nữa để giảm cầu tiền.

* Thực trạng kinh tế Việt Nam qua số liệu quý 1/2011

* Tín hiệu vĩ mô 2008 và 2011 – Tương đồng và khác biệt

* Trị lạm phát, cần tăng “liều” chính sách tài khóa

Về dài hạn, để có một mặt bằng lãi suất hợp lý cần phải tái cấu trúc lại nền kinh tế, tăng hiệu quả và giảm tỷ lệ đầu tư từ khu vực nhà nước.

Lãi suất thực dương: Từ lý thuyết đến thực tế

Theo cách hiểu thông thường, lãi suất thực là mức chênh lệch giữa lạm phát và lãi suất tiền tiền gửi hoặc cho vay.

Chẳng hạn năm 2010, lãi suất tiền gửi bình quân là 12% trong khi đó lạm phát trung bình là 9.19%, lúc đó lãi suất thực người gửi tiền nhận được là 2.81%. Tuy nhiên, đối với một người cụ thể nào đó gửi tiền đầu năm với lãi suất là 12% thì lãi suất thực mà người đó chỉ còn là 0.25%, vì lạm phát cuối kỳ lên tới 11.75%.

Với mức lạm phát tháng 4/2011 so với cùng kỳ năm trước là 17.51%, trong khi đó trần lãi suất huy động là 14%, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất thực của người gửi tiền hiện tại là âm 3.51%.

Thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Một cách chính xác thì lãi thực của người gửi tiền dương hay âm phải so sánh với mức tăng của lạm phát trong khoảng thời gian gửi tiền. Thị trường thường căn cứ vào lạm phát kỳ vọng trong kỳ để chấp nhận một mức lãi suất phù hợp.

Chẳng hạn hiện tại lạm phát là 17.51%, người gửi tiền thường kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới thường sẽ trên mức này. Do vậy, lãi suất đòi hỏi của thị trường đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thường là trên 17.51%, để đảm bảo lãi suất thực dương.

Mức tăng CPI có thể sẽ tăng cao lên 18-20% cho đến cuối năm nếu Chính phủ không sớm thực hiện các giải pháp mạnh mẽ trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách và đầu tư công.

Do vậy, việc người gửi tiền kỳ vọng mức lãi suất tiền gửi cao hơn 14% cũng là một điều dễ hiểu.

Lãi suất sẽ giảm khi…

Hiện tại, lãi suất cho vay đã phổ biến trên 20%, thậm chí cho vay tiêu dùng đang tiệm cận mức 30%. Trong khi đó, theo thống kê của Vietstock, ROE của hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ đạt trung bình 18%. Do đó, mức lãi suất trên 20% sẽ tác động rất mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến nhận định lãi suất sẽ giảm từ quý 3/2011. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đây vẫn là một nhận định tương đối lạc quan.

Xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ được quyết định bởi 2 yếu tố là chuyển biến của lạm phát và việc cắt giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 đã tăng 9.46% so với đầu năm và tăng 17.51% so với cùng kỳ năm trước. Với xu thế tăng giá của các hàng hóa hiện nay, chắc chắn lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Lạm phát chỉ có thể bắt đầu giảm dần từ quý 3, nhưng chúng tôi cho rằng vẫn sẽ ở mức 15-17% khi kết thúc năm 2011. Từ khía cạnh này, rất khó để kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ quý 3.

Năm 2010, dù tăng trưởng tín dụng lên tới gần 30% nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức rất cao. Trong khi đó, năm 2011, tín dụng được kiểm soát dưới 20% thì việc kỳ vọng lãi suất giảm bớt sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Xét về phía cầu, việc cắt giảm đầu tư và chi tiêu quá mức của Chính phủ sẽ giúp làm giảm cầu tiền. Ngoài ra, việc siết chặt chi tiêu công sẽ loại bỏ việc đầu tư vào các dự án kém hiệu quả - nguyên nhân quan trọng dẫn đến bất ổn vĩ mô hiện nay.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ đầu tư của Việt Nam thường lên tới trên 40% GDP, một tỷ lệ quá cao so với các nước khác. Trong đó, tỷ lệ đầu tư của khu vực nhà nước lên tới hơn 40% trong tổng đầu tư.

Như vậy, cầu tiền về đầu tư cũng là một yếu tố khó thay đổi, đặc biệt là đầu tư từ khu vực nhà nước. Thực tế, sau khi ra soát hơn 1,000 dự án đầu tư ở các tỉnh thành và các bộ cũng chỉ cắt giảm được 3,400 tỷ đồng vốn đầu tư, bằng khoảng 1% tổng đầu tư của khu vực nhà nước trong năm 2010.

Do vậy, cần một quyết tâm rất lớn và thời gian dài để tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả đầu tư công để giảm cầu tiền một cách mạnh mẽ.

Trong ngắn hạn, rất khó để kỳ vọng nhiều vào việc cầu tiền sẽ giảm mạnh, giúp kéo lãi suất hạ nhiệt.

Việc áp đặt trần lãi suất huy động hay kiến nghị quy định trần lãi suất cho vay cũng sẽ không giúp kéo giảm lãi suất thị trường. Giải pháp hành chính này không có cơ sở vững chắc về lý thuyết. Hơn nữa, thực tiễn trong thời gian qua đã chứng minh chính sách này để lại nhiều hệ lụy hơn là tác động tích cực.

Hồ Bá Tình

Các tin tức khác

>   Thực trạng kinh tế Việt Nam qua số liệu quý 1/2011 (13/04/2011)

>   Đánh đổi lãi suất cao và giảm tăng trưởng để ổn định vĩ mô (27/03/2011)

>   Giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng 2 tỷ giá (23/03/2011)

>   PXS: Báo cáo phân tích cổ phiếu – Tháng 03/2011 (24/03/2011)

>   Giá xăng dầu tại Việt Nam và vấn đề xuất lậu (21/03/2011)

>   Lạm phát: Cần hiểu đúng và có những phản ứng phù hợp (17/03/2011)

>   PSG: Company Visit Notes – Tháng 03/2011 (17/03/2011)

>   Gỡ nút thắt thị trường chợ đen: Không chỉ dùng các biện pháp hành chính (14/03/2011)

>   Tín hiệu vĩ mô 2008 và 2011 – Tương đồng và khác biệt (11/03/2011)

>   Định giá cổ phiếu hấp dẫn, thị trường đã về đáy? (08/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật