Đánh đổi lãi suất cao và giảm tăng trưởng để ổn định vĩ mô
|
Nếu không giải quyết được bài toán “nâng cao hiệu quả” thì bất ổn vĩ mô là tất yếu |
(Vietstock) - Sau khi các chính sách thắt chặt tiền tệ được triển khai, lãi suất trên thị trường đang có dấu hiệu tăng mạnh. Tuy nhiên, đây là một giải pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát và bảo vệ giá trị của đồng tiền. Cái giá phải trả khi thực hiện chính sách này là lãi suất chịu áp lực tăng mạnh; nhiều doanh nghiệp và ngân hàng gặp khó; thị trường chứng khoán có thể đi xuống.
Nhiều giải pháp bình ổn vĩ mô
Kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm 2010 và đầu 2011 có nhiều biến động như thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối sụt giảm và đồng nội tệ mất giá mạnh. Bên cạnh đó, lạm phát cũng bắt đầu tăng rất mạnh và lãi suất cũng ở mức cao.
Trước tình trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với rất nhiều chính sách nhằm bình ổn vĩ mô lấy lại lòng tin người dân. Trong đó, các giải pháp cơ bản tập trung vào thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Cụ thể, Chính phủ đặt lại mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2011 dưới 20%, tăng trưởng cung tiền M2 từ 15-16%. Tín dụng cho vay bằng ngoại tệ cũng bị khống chế dưới mức 20%. Ngoài ra, Chính phủ còn chủ trương giảm dòng tiền chảy vào khu vực phi sản xuất. Cụ thể, NHNN khống chế tỷ lệ tín dụng cho khu vực này vào cuối năm dưới 16%.
Đối với chính sách tài khóa (chính sách chi tiêu), Chính phủ cũng đặt mục tiêu kiểm soát thâm hụt ngân sách dưới 5%. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng thu ngân sách 7-8% so với dự toán năm 2011, giảm 10% chi thường xuyên, không ứng trước vốn ngân sách trong năm 2012, hoãn việc thực hiện các dự án chưa thực sự cần thiết.
Khó có bài toán “vẹn cả đôi đường”
Sau hơn 1 tháng ban hành Nghị quyết 11, Chính phủ và NHNN đã thực hiện một số biện pháp cụ thể. Chẳng hạn đối với chính sách tiền tệ, NHNN đã nâng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm lên 12%, gần bằng mức cao nhất của năm 2008. Ngoài ra, NHNN cũng đã “hút ròng” gần 80 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở trong tháng 2 (61.3 nghìn tỷ đồng) và tháng 3/2011 (15.8 nghìn tỷ đồng).
Hiện tại, tỷ giá trên thị trường tự do mấy ngày gần đây đã giảm về mức 21,100 đến 21,300 VND/USD. Theo Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chính sách công – Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright thì chính việc NHNN “hút tiền” về là nguyên nhân chính khiến cho tỷ giá giảm dần, các biện pháp có tính hành chính đang được ráo riết thực hiện có tính bổ trợ. Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng việc thặt chặt này là cần thiết nhưng sẽ làm lãi suất tăng cao và thị trường chứng khoán đi xuống.
Về chính sách tài khóa, dù những nội dung trong Nghị quyết 11 là khá “quyết liệt”, nhưng mới đây tại phiên khai mạc Quốc hội, Chính phủ lại tuyên bố việc thắt chặt chính sách tài khóa không đồng nghĩa với việc sẽ cắt giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Trên thực tế, việc cắt giảm đầu tư công là công việc không hề dễ dàng. Trong nhiều năm qua, thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao dù nhiều lần Chính phủ “hạ quyết tâm”giảm thâm hụt. Trong thời gian qua, tốc độ tăng nợ công của Việt Nam rất cao khiến các nhà kinh tế tỏ ra quan ngại.
Để tài trợ cho thâm hụt, Chính phủ phải phát hành trái phiếu để huy động vốn. Năm 2010, Chính phủ bán thành công gần 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Còn mới chỉ 2 tháng đầu năm 2011, Chính phủ đã huy động gần 40 nghìn tỷ đồng qua việc phát hành trái phiếu. Những diễn biến này khiến nhiều người quan ngại về tính hiện thực của mục tiêu kiểm soát thâm hụt ngân sách dưới 5% GDP tại Nghị quyết 11.
Tóm lại, giải quyết bài toán bất ổn vĩ mô hiện nay thì rõ ràng Chính phủ phải đánh đổi với các mục tiêu khác. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết để giảm lạm phát nhưng đánh đổi lại lãi suất sẽ tăng cao và gây khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường chứng khoán; tăng trưởng kinh tế bị giảm.
Đối với chinh sách tài khóa, để giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 5% thì Chính phủ không thể không cắt giảm đầu tư từ ngân sách.
Về dài hạn, bài toán mà Chính phủ phải giải là “nâng cao hiệu quả” đầu tư cho nền kinh tế. Để làm được điều này, các nguồn lực phải được sử dụng một cách hiệu quả, giảm các chi phí “ma sát” trong sự vận hành của nền kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, nâng cao chất nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Nếu không giải quyết được bài toán “nâng cao hiệu quả” thì bất ổn vĩ mô sẽ là một hệ quả tất yếu.
Hoàng Nam
|