14 điều cần nhớ của Thông tư 74
(Vietstock) – Thông tư 74 có thể xem là một bước ngoặt phát triển của TTCK Việt Nam sau 10 năm thành lập. Trong lúc chờ đợi các hướng dẫn cụ thể hơn, dưới đây là những điểm cần nhớ từ Thông tư này.
* Toàn văn Thông tư số 74 hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán
* Nhận định thị trường chứng khoán sau Thông tư 74
* Nhiều ý kiến trái chiều trước quy định mới về TTCK
* Từ 01/08 được giao dịch Margin và mua bán cùng phiên
Ngày 01/06/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn hoạt động giao dịch chứng khoán. Thông tư 74 đưa ra nhiều quy định cho phép giao dịch ký quỹ (margin), mua bán trong phiên, mở nhiều tài khoản…
Dù phần lớn nội dung của Thông tư là chỉ để hợp thức hóa các hình thức giao dịch đã diễn ra trên thực tế, đây vẫn có thể xem là một bước ngoặt phát triển của TTCK Việt Nam sau 10 năm thành lập.
Thông tư này sẽ thay đổi căn bản nhiều hoạt động giao dịch trên thị trường; và hệ thống giao dịch, quản trị... sẽ phải chỉnh sửa đáng kể để có thể tương thích. Thời gian 2 tháng từ nay đến ngày có hiệu lực (01/08/2011) xem ra là một thách thức không nhỏ cho cả cơ quan điều hành lẫn các thành viên thị trường.
Trong lúc chờ đợi các hướng dẫn cụ thể hơn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), dưới đây là những điểm cần nhớ từ Thông tư 74:
Giao dịch ký quỹ (margin)
(1) Giao dịch ký quỹ (margin) là giao dịch mua chứng khoán của khách hàng có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán (CTCK) và sử dụng các chứng khoán khác có trong tài khoản và chứng khoán mua được bằng tiền vay để cầm cố.
Điều này có nghĩa là khi nhà đầu tư có một khoản tiền nào đó hoặc chứng khoán có sẵn trong tài khoản thì có thể vay thêm tiền từ CTCK để mua cổ phiếu.
Chẳng hạn một nhà đầu tư có 100 triệu đồng trong tài khoản, nếu tỷ lệ margin là 1:2 thì họ có thể vay thêm 200 triệu đồng từ CTCK để có tổng cộng là 300 triệu đồng và mua chứng khoán.
Trường hợp khác, nếu có số lượng cổ phiếu trị giá 100 triệu đồng nhà đầu tư cũng có thể vay thêm 200 triệu tiền mặt để mua chứng khoán mới.
Số chứng khoán mới mua và chứng khoán cũ có trong tài khoản sẽ trở thành tài sản thế chấp.
(2) Để thực hiện giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư phải mở một tài khoản ký quỹ (margin account) đi kèm với tài khoản giao dịch thông thường tại CTCK. Hai tài khoản này phải tách biệt với nhau.
(3) Không phải cổ phiếu, chứng chỉ quỹ nào cũng được giao dịch ký quỹ. Thay vào đó, UBCK sẽ có quy định chi tiết và mỗi CTCK sẽ công bố danh sách cổ phiếu được phép giao dịch kỹ quỹ. Điều này cũng có nghĩa là mỗi CTCK có thể sẽ có danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ khác nhau.
(4) UBCK sẽ phải ban hành nhiều quy định cụ thể thì nghiệp vụ giao dịch ký quỹ mới có thể thực hiện. Đặc biệt là các quy định về tỷ lệ ký quỹ ban đầu bằng tiền mặt/chứng khoán (initial margin), giá trị tối thiểu để duy trì tài khoản ký quỹ (maintainance margin) và các quy định quản trị rủi ro...
(5) Nhìn chung, hoạt động giao dịch margin về thực chất là sử dụng đòn bẩy để đầu tư chứng khoán. Điều này có nghĩa là trong trường hợp thuận lợi, lợi nhuận thu được có thể được khuếch đại so với số vốn tự có. Ngược lại, giao dịch margin cũng sẽ gây thua lỗ lớn nếu ra quyết định sai. Vì vậy, không phải ai cũng phù hợp với hoạt động đầu tư có sử dụng margin, vốn có mức độ rủi ro rất cao.
Được mở nhiều tài khoản giao dịch
(6) Nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản tại các CTCK khác nhau. Vẫn có thể mở hai tài khoản tại một CTCK, nếu đó là một tài khoản giao dịch thông thường và một tài khoản giao dịch margin.
(7) Nhà đầu tư phải công bố số lượng và mã tài khoản của tất cả các tài khoản đã mở, trong hồ sơ mở tài khoản tại CTCK thứ hai trở đi.
(8) Khi mở nhiều tài khoản, nghĩa vụ cổ đông lớn được tính trên số chứng khoán sở hữu, tức là tổng cộng chứng khoán của tất cả các tài khoản.
Giao dịch cùng loại chứng khoán trong ngày
(9) Nhà đầu tư phải sử dụng một tài khoản mở tại một CTCK để giao dịch cùng mua và bán một loại chứng khoán trong ngày.
Có thể hiểu, trong trường hợp nhà đầu tư mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK khác nhau thì không thể sử dụng các tài khoản khác nhau này để cùng mua và bán một loại chứng khoán trong ngày.
Quy định này nhằm giúp cơ quan quản lý dễ dàng giám sát và hạn chế việc thao túng giá chứng khoán.
(10) Chỉ được mua (bán) nếu lệnh bán (lệnh mua) trước đó của chứng khoán cùng loại đã được thực hiện.
Cũng có nghĩa là nhà đầu tư không được đặt đồng thời lệnh mua và bán cùng lúc, khi lệnh đặt trước đó chưa được thực hiện (chưa được khớp).
(11) Giao dịch bán sau đó mua lại chứng khoán (bán-mua) có thể thực hiện được nếu có sẵn tiền trong tài khoản, hoặc sử dụng dịch vụ ứng tiền trước của các CTCK.
Giao dịch mua chứng khoán sau đó bán ngay (mua-bán) chỉ thực hiện được nếu có sẵn chứng khoán trong tài khoản. Nếu không, điều này sẽ không thực hiện vì trở ngại từ quy trình thanh toán T+4.
Ủy quyền giao dịch chứng khoán
(12) Nhà đầu tư có thể ủy quyền cho tổ chức (CTCK và ngân hàng lưu ký) thực hiện giao dịch thay cho mình. Thủ tục hành chính cho việc ủy quyền cho cá nhân tỏ ra phức tạp hơn so với tổ chức.
Có lẽ điều này được quy định chặt chẽ hơn, do những vụ việc gian lận trên TTCK trong thời gian vừa qua.
(13) Việc ủy quyền cho cá nhân yêu cầu phải có xác nhận của địa phương hoặc công chứng, nêu rõ phạm vi ủy quyền và người được ủy quyền không được giao dịch với chính họ, với người thứ ba mà họ cũng được ủy quyền.
(14) Ngoài ra, nhân viên CTCK không được phép nhận ủy quyền của nhà đầu tư.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|