Tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ để chống bất ổn tỷ giá trong tương lai
(Vietstock) – Ngân hàng Nhà nước vừa có các quyết định dồn dập là tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1% và yêu cầu doanh nghiệp nhà nước bán lại ngoại tệ. Mục đích chính là nhằm cải thiện dự trữ ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ và cả thắt chặt tiền tệ.
* NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1%
Ngày 01/6/2011, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1209/QĐ-NHNN về điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng. Quyết định ngày có hiệu lực ngay trong tháng 6.
Theo đó, dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ kỳ hạn dưới 12 tháng đối với các ngân hàng thương mại (ngoại trừ Agribank) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 7%; đối với Agribank và Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
Đối với kỳ hạn trên 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ đối với các đối tượng trên lần lượt là 5% và 4%.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay đã cao hơn 1% so với lần điều chỉnh mới chỉ cách đây 1 tháng, và cao hơn khá nhiều so với đồng nội tệ (hiện ở mức 3% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng và 1% kỳ hạn trên 12 tháng).
Việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tuy không quá bất ngờ nhưng lại ở trong bối cảnh khác so với quyết định trước đó.
Đợt tăng dự trữ bắt buộc lần trước cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ đã tạo được những hiệu ứng khá tích cực. Tỷ giá trên thị trường đã bình ổn trở lại và không còn chênh lệch giữa tỷ giá thị trường chợ đen và tỷ giá chính thức. Với sự ổn định tỷ giá này, NHNN cũng vừa mua được hơn 1 tỷ USD.
Lần tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ trước đây được kỳ vọng là sẽ làm giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến ngày 20/05 lại cho thấy dư nợ ngoại tệ tương ứng tăng 2.48% so với tháng 4 và tăng 18.87% so với đầu năm, còn huy động vốn bằng ngoại tệ lại lần lượt giảm 1.56% và tăng 18.28%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng và tiền gửi bằng động nội tệ lại đồng loạt giảm trong tháng 5.
Điều này chỉ có thể được lý giải với lãi suất đồng nội tệ quá cao hiện nay thì người vay tiền vẫn thích vay ngoại tệ hơn.
Cần phải nhắc thêm NHNN cũng vừa ban hành Thông tư số 13/2011/TT-NHNN, trong đó quy định từ 01/07/2011, doanh nghiệp phi tài chính nhà nước sở hữu 50% vốn trở lên phải bán lại ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng.
Sẽ có rất nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán chịu tác động bởi Thông tư yêu cầu bán lại ngoại tệ này.
Trong 5 tháng đầu năm nhập siêu cả nước đạt 6.6 tỷ USD, bằng 19% kim ngạch xuất khẩu. Tiền kiều hối và vốn đầu tư trực tiếp không khả quan, còn vốn gián tiếp thì tăng không đáng kể.
Những con số này làm nảy sinh nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm nay, đặc biệt, trong bối cảnh mà dự trữ ngoại hối chỉ còn ở mức rất thấp.
Như vậy, những quyết định dồn dập của NHNN trong hai ngày qua nhằm hướng tới làm tăng dự trữ ngoại hối và ổn định thị trường ngoại tệ trong tương lai. Sâu xa hơn, điều này còn nhằm ngăn chặn những bất ổn vĩ mô và tình trạng đô la hóa nền kinh tế vốn đang ở mức khá cao.
Ngoài ra, tăng dự trữ ngoại hối còn góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ bằng ngoại tệ, giúp kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế.
Hồ Bá Tình
|