Thứ Ba, 07/06/2011 13:29

VIC trả cổ tức “khủng”, vì sao?

(Vietstock) - Dường như có một số nghịch lý trong chính sách cổ tức 58.8% của VIC. Tại sao VIC vẫn quyết định dùng một số tiền “khủng” lên đến 2,300 tỷ đồng để trả cổ tức?

Mới đây, HĐQT của CTCP Vincom (HOSE: VIC) đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2010. Theo đó, tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt tổng cộng trong 3 đợt là 58.8% mệnh giá, tương đương 5,880 đồng/cổ phần.

Việc VIC quyết định trả cổ tức tiền mặt cao ngất ngưỡng trong bối cảnh tín dụng bất động sản đang bị co hẹp, lãi suất cao và nguồn tiền của công ty không thật dồi dào khiến cho giới đầu tư không thể không đặt câu hỏi.

Nghịch lý dòng tiền, cơ cấu vốn và quyết định trả cổ tức

Theo thông báo từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 16/06 sẽ là phiên giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức của CTCP Vincom (HOSE: VIC).

Cổ tức năm 2010 được công ty chi trả bằng tiền với tỷ lệ 58.8% chi thành 03 đợt gồm:

Đợt 1: Tỷ lệ thực hiện 19.6%. Thời gian thực hiện: 12/07/2011

Đợt 2: Tỷ lệ thực hiện 19.6%. Thời gian thực hiện: 02/08/2011

Đợt 3: Tỷ lệ thực hiện 19.6%. Thời gian thực hiện: 23/08/2011

Tổng cộng số tiền VIC trả cổ tức cho năm 2010 lên đến 2,300 tỷ đồng, gần bằng mức lợi nhuận sau thuế năm 2010 là 2,307 tỷ đồng. Như vậy, với quyết định trả cổ tức này VIC hầu như không giữ lại một khoản tiền nào từ lợi nhuận năm 2010 để tái đầu tư cho tăng trưởng.

Tăng rủi ro trong cơ cấu nợ

Theo báo cáo tài chính quý 1/2011, tổng số nợ phải trả của VIC lên tới 17,131 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ là 7,472 tỷ đồng. Như vậy, tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu (DER) của công ty là 2.23 lần, một mức khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Tổng số nợ vay của VIC lên đến 11,302 tỷ đồng. Với lãi suất hiện nay, VIC có thể phải trả lãi vay trên dưới 1,500 tỷ đồng trong năm 2011. Đây là sức ép rất lớn đối với việc quản trị rủi ro trả nợ của công ty.

Với việc chi ra 2,300 tỷ đồng trả cổ tức vào tháng 7 và tháng 8 tới, vốn chủ sở hữu vào thời điểm đó của VIC chỉ còn khoảng 5,000 tỷ đồng, đồng nghĩa với DER của VIC tăng vọt lên hơn 3 lần. Cơ cấu nợ này làm cho rủi ro của VIC tăng mạnh, dù phần lớn nợ vay là nợ dài hạn bằng trái phiếu.

Đáng chú ý là trong bối cảnh lãi suất ở mức rất cao, thị trường bất động sản trầm lắng và chính sách thắt chặt tín dụng đối với khu vực phi sản xuất thì việc vay tiền cho các dự án bất động sản sẽ hết sức khó khăn.

Nguồn gốc lợi nhuận liệu có vững chắc?

Doanh thu năm 2010 của VIC đạt 3,873 tỷ đồng, trong quý 1/2011 doanh thu chỉ đạt 474 tỷ đồng, một mức khá thấp so với quy mô của công ty. Cũng có thể doanh thu của các dự án đã được lên kế hoạch phân bổ từ trước nên sẽ được hạch toán tăng lên trong các quý tiếp theo.

Tuy vậy, cần để ý rằng doanh thu và lợi nhuận năm 2010 của VIC tăng mạnh nhờ chuyển nhượng phần lớn khu căn hộ và văn phòng tại Vincom Center và chuyển nhượng 100% dự án tòa nhà Vincom Finance Tower.

Doanh thu thường xuyên từ các hoạt động dịch vụ cho thuê văn phòng của công ty năm 2010 chỉ đạt 507 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy hoạt động của VIC phụ thuộc lớn vào việc bán các dự án bất động sản. Trong khi đó, với bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, hoạt động kinh doanh bất động sản của VIC chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2011 lần lượt đạt 5,151 tỷ và 2,293 tỷ đồng của VIC sẽ gặp không ít thách thức.

Lấy tiền đâu để trả cổ tức?

Theo báo tài chính quý 1/2011, lượng tiền và tương đương tiền của VIC chỉ còn 648 tỷ đồng, giảm 867 tỷ đồng so với đầu năm.

Vậy câu hỏi đặt ra là chỉ trong vòng 3-4 tháng tới công ty huy động số tiền mặt gần 2,000 tỷ đồng ở đâu để trả cổ tức mà vẫn đảm bảo an toàn về mặt tài chính và khả năng thanh toán?

Từ khoản đầu tư tài chính: Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty là 4,365 tỷ đồng (đến cuối quý 1/2011). Trong đó, theo thuyết minh báo cáo tài chính hơn 1,700 tỷ đồng là cho các công ty khác vay, 1,800 tỷ đồng gửi tại Tổng Công ty CP Tài chính Dầu khí Việt Nam (HOSE: PVF) và Công ty Tài chính Điện lực, còn lại 845 tỷ đồng là đầu tư chứng khoán.

VIC hoàn toàn có thể rút các khoản tiền gửi về để trả cổ tức. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn của nhiều công ty tài chính thì việc rút một khoản gần 2,000 tỷ đồng sẽ không dễ dàng, trừ trường hợp những món tiền này được cam kết gửi lại.

Từ các khoản phải thu: Khoản phải thu ngắn hạn 5,682 tỷ đồng trong báo cáo tài chính quý 1 không thay đổi nhiều so với đầu năm. Không những vậy, vòng quay khoản thu có tính chất tương đối ổn định cho nên rất khó để công ty có thể thu hồi nợ ngay lập tức với số tiền hơn 2,000 tỷ đồng.

Vay mượn và tái cấu trúc nợ: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của VIC cho thấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư luôn là con số âm liên tục trong những năm gần đây. Khoản tiền tài trợ cho công ty luôn là các hoạt động tài chính, tức là từ tăng vốn, phát hành trái phiếu và vay ngân hàng. Do vậy, nếu dùng đến một khoản tiền lớn như vậy thì VIC có thể phải sử dụng đến nguồn từ nợ vay hoặc là một hình thức tương tự.

Kết luận: Với những phân tích trên cho thấy việc VIC bỏ ra đến 2,300 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức thật sự là một thử thách đối với việc quản trị tài chính của công ty; ngay cả khi VIC đang sở hữu nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD và có thể thế chấp để vay tiền hay bán tài sản để trả cổ tức.

Việc trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn lưu động và khả năng tự chủ tài chính của công ty trong thời gian tới.

Lý do đằng sau việc trả cổ tức “khủng” của VIC

Các phân tích ở trên cho thấy dường như có một số nghịch lý trong chính sách cổ tức của VIC. Tại sao VIC vẫn quyết định dùng một số tiền “khủng” như vậy để trả cổ tức?

Về mặt lý thuyết có 2 lý do cơ bản để giải thích việc VIC trả cổ tức tiền mặt cao như vậy:

(1) Khả năng tăng trưởng thấp, nên công ty chỉ sử dụng một tỷ lệ lợi nhuận giữ lại rất ít để tái đầu tư, còn lại trả cổ tức cho cổ đông.

(2) Do cơ cấu cổ đông của công ty có cổ đông chiếm tỷ lệ lớn và chi phối. Những cổ đông lớn thường không dễ dàng để bán cổ phiếu, nhưng họ lại cần các nguồn tiền mặt để đảm bảo các hoạt động của mình. Do vậy, công ty thường phải trả cổ tức cao để đáp ứng nhu cầu này. Cũng cần để ý là với số cổ phần chiếm đa số, các quyết định như thế này thường được dễ dàng thông qua.

Trong trường hợp của VIC, có thể thấy dường như trường hợp thứ nhất không phù hợp vì công ty đang triển khai rất nhiều dự án với tổng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD.

Do vậy, lý do hợp lý hơn cả là cơ cấu cổ đông của VIC khiến cho công ty có nhiều “động lực” trong việc chia trả cổ tức cao.

Theo Báo cáo thường niên năm 2010, VIC có 4 cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần của công ty. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 153,232,047 cổ phần, tương đương 41.12%, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam sở hữu 12%, bà Phạm Thúy Hằng giữ 5.18%, CTCP ĐT và PT Địa ốc Thành phố Hoàng Gia có 5%. Như vậy, với việc chi cổ tức của VIC thì ông Phạm Nhật Vượng sẽ nhận được số tiền mặt hơn 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện tại công ty vẫn còn số lượng trái phiếu chuyển đổi là 59.3 triệu USD. Theo thỏa thuận, trái chủ có quyền chuyển đổi vào bất kỳ thời điểm nào từ nay cho đến 04/12/2014. Trước đó, đã có 40.7 triệu USD trái phiếu chuyển đổi thành 12.73 triệu cổ phiếu (giá trung bình 60,000 đồng/cổ phiếu). Áp lực pha loãng cổ đông và quyền biểu quyết cũng có thể là động lực để cổ đông hiện tại của công ty quyết định chia cổ tức từ toàn bộ lợi nhuận trong năm 2010 ngay lúc này.

Một số thông tin liên quan đến cổ phiếu VIC

Từ đầu năm 2011 đến nay, giá của VIC tăng gần 17.94%, và đóng cửa phiên giao dịch ngày 06/06/2011 với giá 115,000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, VIC đạt đỉnh với mức giá 136,000 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/04. Với mức giá này, giá trị thị trường của VIC lên tới 44.8 nghìn tỷ đồng (2 tỷ USD).

Theo giá điều chỉnh của VIC thì tính từ lúc lên sàn vào ngày 20/09/2007, giá của VIC đã tăng hơn 3 lần. Tính từ mức đáy vào ngày 23/02/2009 thì giá đã tăng tới 10 lần.

Từ đầu năm 2011 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 7.13 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 754.81 tỷ đồng.

EPS năm 2010 của VIC đạt 5,921 đồng/cổ phiếu, còn quý 1/2011 đạt 248 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với mức giá hơn 100,000 đồng/cổ phiếu thì PE của VIC vẫn được xem là quá cao. Dù vậy, VIC là một doanh nghiệp có rất nhiều dự án “khủng” nên giá trị thực sự của công ty vẫn là một ẩn số.

Hồ Bá Tình

Các tin tức khác

>   14 điều cần nhớ của Thông tư 74 (03/06/2011)

>   Tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ để chống bất ổn tỷ giá trong tương lai (01/06/2011)

>   Lạm phát 2011 đã có dấu hiệu hạ nhiệt (24/05/2011)

>   Nâng lãi suất tái cấp vốn lên 15%, NHNN thừa nhận lãi suất huy động đã vượt “trần”? (17/05/2011)

>   Toàn cảnh kết quả kinh doanh Quý 1: Hiệu quả sụt giảm mạnh! (17/05/2011)

>   Lãi suất trần huy động 14% đã quá “lạc hậu” (03/05/2011)

>   Chìa khóa khắc phục sự “méo mó” của VN-Index (01/05/2011)

>   Tăng lãi suất: Chống lạm phát đang đè nặng lên chính sách tiền tệ (29/04/2011)

>   Lãi suất sẽ giảm khi… (28/04/2011)

>   Thực trạng kinh tế Việt Nam qua số liệu quý 1/2011 (13/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật