Việt Nam trong mớ “bòng bong” kinh tế thế giới
(Vietstock) - Nghị quyết 11 của Chính phủ với hàng loạt các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô đã dần phát huy tác dụng. Tuy nhiên, sự bất ổn và trì trệ có thể còn tiếp tục kéo dài trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu – chỉ đang phục hồi “kỹ thuật”.
Kinh tế thế giới đang tiếp tục nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Xét ở phương diện vĩ mô, nền kinh tế thế giới đã đạt được những thành công nhất định khi nhanh chóng vượt qua suy thoái.
Tuy nhiên, sự phục hồi này là kết quả của việc thực hiện đồng loạt các gói kích thích kinh tế và các chính sách tiền tệ mở rộng ở nhiều nước trên thế giới. Liệu điều gì sẽ xảy ra khi những liều thuốc này dần phát huy hết tác dụng của nó?
Kinh tế thế giới chỉ đang phục hồi “kỹ thuật”
Tính đến hết quý 1/2011, nền kinh tế thế giới đã mở rộng với tốc độ 4.3% và theo dự báo của IMF, tốc độ tăng trưởng sẽ không thay đổi nhiều trong những năm 2011 - 2012. Các nền kinh tế phát triển vẫn đang tăng trưởng ở mức khá yếu và chưa hết khả năng rơi vào suy thoái.
Trong quý 1, kinh tế Mỹ đạt được tốc độ tăng trưởng 1.9%; còn kinh tế khu vực châu Âu tăng trưởng 0.8%, cao hơn so với 2 quý trước lần lượt là 0.4% và 0.3%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn tiếp tục mạnh mẽ. Đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất cao với mức tăng lần lượt là 9.7% và 7.8%.
Tuy nhiên, nếu xét trên chỉ tiêu quan trọng khác là tỷ lệ thất nghiệp thì có thể thấy sự phục hồi kinh tế này chưa thật sự bền vững và chỉ có tính chất “kỹ thuật”. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong những tháng gần đây đã có dấu hiệu tăng trở lại, và ở mức 9.1% vào tháng 5/2011, trong khi đó tỷ lệ này ở Châu Âu vẫn duy trì ở mức 9.9%.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy để phục hồi và duy trì tăng trưởng, hầu hết các nền kinh tế đã phải chấp nhận một mức thâm hụt ngân sách lớn.
Thâm hụt ngân sách tại Mỹ đã ở mức 10.3% GDP tính đến tháng 9/2010; và theo ước tính của IMF, năm 2011 mức thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng lên 10.8% GDP.
Ngoài ra, một số nước phát triển cũng có mức thâm hụt ngân sách cao như Hy Lạp (10.5%), Anh (10.4%), Tây Ban Nha (9.2%) và Pháp (7%).
Để bù đắp cho mức thâm hụt ngân sách này, chính phủ các nước đã tung ra một khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ và các Ngân hàng Trung ương bị “buộc” phải mua. Tiếp theo đó, chính sách tiền tệ của các quốc gia cũng được mở rộng mạnh mẽ.
Với sự phục hồi chậm chạm và yếu hơn dự đoán của nền kinh tế Mỹ, Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức 0.25%/năm. Lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn ở mức 1.25%, còn Ngân hàng Anh (BoE) là 0.5%. Như vậy, Ngân hàng Trung ương của các nền kinh tế lớn vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong lịch sử và liên tục kéo dài trong gần 3 năm qua.
Sự phục hồi của các nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu chững lại, được thể hiện thông qua sức cầu và giá cả của các loại hàng hóa và nguyên liệu.
Sau đợt tăng mạnh vào tháng 4/2011, giá cả của hầu hết các mặt hàng đã liên tục sụt giảm trong những tháng gần đây. Trong tháng 6, giá dầu thô đã giảm gần 10% và hiện đang ở xung quanh mức 90 USD/thùng; còn giá lúa mì, ngô cũng đã giảm gần 20%, đậu tương cũng giảm gần 10%.
Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải tiếp tục đối phó với những khó khăn tàn dư của cuộc khủng hoảng. Dưới áp lực kiềm chế lạm phát, các nền kinh tế mới nổi đang phải nỗ lực thắt chặt tiền tệ; trong khi đó, các nền kinh tế phát triển lại vật lộn với các gánh nặng nợ nần chồng chất. Như vậy, có thể thấy sự phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro.
Việt Nam trong mớ “bòng bong” kinh tế thế giới
Với độ mở khá cao của nền kinh tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự biến động của kinh tế thế giới. Giá hàng hóa thế giới tăng mạnh trong thời gian qua đã góp phần làm gia tăng lạm phát và gánh nặng nhập siêu ở Việt Nam. Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng mạnh do tình hình kinh tế thế giới vẫn đang khó khăn và bất ổn.
Không những chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, kinh tế Việt Nam còn phải lo đối phó với các vấn đề nội tại của mình. Hiện tại, lãi suất và lạm phát đang ở mức quá cao, và điều đó đang gây tác động tiêu cực đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế và doanh nghiệp. Tăng trưởng kinh tế đã bị suy giảm một cách đáng kể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 5.57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm này, Nghị quyết 11 của Chính phủ với hàng loạt các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô đã dần phát huy tác dụng. Tuy nhiên, sự bất ổn và trì trệ có thể còn tiếp tục kéo dài trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu – chỉ đang phục hồi “kỹ thuật”.
Thân Hoàng Dung
|