Thứ Hai, 08/08/2011 11:30

Những lưu ý khi lựa chọn công ty khoáng sản

(Vietstock) - Cổ phiếu ngành khoáng sản thường xuyên nằm trong danh mục của giới đầu tư. Ngoài các yếu tố cơ bản về tình hình hoạt động kinh doanh thì cần quan tâm đến những vấn đề nào khác?

Khoáng sản là nguồn nguyên vật liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, xây dựng… Nhu cầu khoáng sản trong nước và thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vẫn đang duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, ngành khai khoáng Việt Nam được đánh giá là còn sơ khai, công nghệ khai thác mỏ còn lạc hậu và chưa phát huy hết tiềm năng. Các hoạt động kinh doanh chỉ mới dừng lại ở khâu xuất khẩu quặng thô, khâu tinh chế vẫn còn bỏ ngỏ chưa được đầu tư nhiều. Điều này khiến nhiều nguyên vật liệu dùng cho sản xuất trong nước thường phải nhập khẩu - đây chính là điểm yếu của ngành khoáng sản Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công thương năm 2010, sản lượng nhập khẩu khoáng sản gấp 5 lần xuất khẩu, trong khi đó giá trị nhập khẩu lại gấp đến 10 lần xuất khẩu.

Tiềm năng phát triển ngành khai khoáng trong nước là rất lớn và là cơ hội cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản mở rộng đầu tư, nhằm đẩy mạnh khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.

Hiện có tổng cộng 19 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (loại bỏ những công ty đang khai thác dầu mỏ và than đá) được niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán Việt Nam.

Những doanh nghiệp này chủ yếu khai thác vàng, đồng, kẽm, titan, antimony… và các khoáng sản phục vụ cho ngành công nghiệp xây dựng như cát, đá… Hầu hết các công ty khoáng sản thường có tỷ lệ lợi nhuận gộp cao, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản thấp.

Đây là những chỉ dấu cho thấy đầu tư vào các công ty khoáng sản sẽ khá an toàn trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, sự tăng giá của nhiều loại khoáng sản trong thời gian vừa qua giúp cho hoạt động kinh doanh thường có những đột biến. Do đó, cổ phiếu ngành khoáng sản thường xuyên nằm trong danh mục của giới đầu tư.

Câu hỏi đặt ra là ngoài các yếu tố cơ bản về tình hình hoạt động kinh doanh thì nhà đầu tư cần quan tâm đến những vấn đề nào khác? Dưới đây là một số tiêu chí nên quan tâm thêm khi lựa chọn doanh nghiệp khoáng sản.

Giấy phép khai thác: Đây chính là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Có 2 loại giấy phép mà các doanh nghiệp đang sở hữu:

Thứ nhất là giấy phép được cấp phép bởi UBND tỉnh thành, đây thường là giấy phép cấp cho những mỏ quy mô nhỏ, thời hạn cấp phép không dài.

Thứ hai là giấy phép khai thác được cấp bởi Bộ, đây thường là giấy phép cấp cho những mỏ nằm trong quy hoạch của trung ương, quy mô lớn, thời hạn cấp phép dài.

Hiện hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tuân thủ Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01/07/2011. Mọi hoạt động xin cấp phép khai thác đều phải thông qua hình thức đấu thầu, trừ những khu vực khoáng sản có tính chiến lược, khu vực nhạy cảm về môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp phép thông qua các tiêu chí do Chính phủ quy định.

Nguồn tiền của các doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm: Các doanh nghiệp hiện đang khai thác sẽ được phép tiếp tục khai thác cho đến hết thời hạn quy định trong giấy phép.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Khoáng sản sửa đổi, những doanh nghiệp này sẽ phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đổi với phần trữ lượng chưa khai thác. Như vậy, nhiều khả năng dòng tiền của các doanh nghiệp hiện đang khai thác sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian sắp tới.

Ưu thế về mặt giá trị kinh tế của mỏ: Việc sở hữu nhiều mỏ khoáng sản có quy mô và trữ lượng mỏ lớn, vị trí giao thông thuận lợi và đặc biệt là các loại khoáng sản có giá trị cao ít bị thay thế như vàng, antimony… sẽ tạo lợi thế cho doanh nghiệp về các mặt như chi phí đầu tư, hiệu quả hoạt động so với các mỏ có quy mô và trữ lượng nhỏ, vị trí không thuận lợi hay giá trị loại khoáng sản thấp.

Công nghệ khai thác của doanh nghiệp: Việc sử dụng các công nghệ khai thác khoáng sản lạc hậu (mà hầu như các doanh nghiệp khai thác khoáng sản Việt Nam đều đang gặp phải) sẽ dẫn đến sự tổn thất nguồn tài nguyên khi khai thác, gây lãng phí, hiệu quả khai thác không cao. Hệ quả là hoạt động của doanh nghiệp sẽ không hiệu quả.

Ngoài ra, công nghệ lạc hậu có thể dẫn đến việc gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh chi phí để xử lý, hoặc nặng hơn là bị thu hồi giấy phép khai thác hay các hệ lụy xã hội.

Vì vậy, giới đầu tư cần chú ý đến việc xem xét công nghệ khai thác hiện có của doanh nghiệp, những dự định đầu tư cũng như kế hoạch đổi mới công nghệ. Việc đầu tư này có thể giúp công ty những đột biến trong kinh doanh do công suất và hiệu quả khai thác tăng và đặc biệt là đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp có nhà máy tinh chế: Hiện hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khai thác và xuất khẩu quặng thô. Mặc dù lợi nhuận biên hiện vẫn cao nhưng vẫn chưa tương xứng với tỷ lệ lợi nhuận thực sự có thể mang lại khi doanh nghiệp tiến hành việc tinh chế thêm sản phẩm.

Do đó, chúng tôi cho rằng nên lựa chọn các công ty có nhà máy chế biến – tinh chế sau khi khai thác để nâng thêm giá trị sản phẩm, góp phần cải thiện tỷ lệ lợi nhuận gộp.

Lường trước những rủi ro chính sách có thể tác động đến doanh nghiệp: Nên hạn chế đầu tư vào doanh nghiệp đang khai thác các loại khoáng sản chiến lược phục vụ các mục tiêu kinh tế, an ninh, quốc phòng về dài hạn vì có thể xuất hiện những thay đổi chính sách bất ngờ; và các loại khoáng sản thị trường thế giới vẫn còn dồi dào, có thể nhập khẩu được.

Nên tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp đang khai thác các loại khoáng sản phục vụ cho nhu cầu nguyên liệu sản xuất trong nước.

Ngoài ra, nếu đầu tư vào các doanh nghiệp có nguồn doanh thu chính từ việc xuất khẩu thì nên đầu tư vào các doanh nghiệp có nhà máy chế biến, tinh chế quặng sau khi khai thác. Điều này có thể giúp tránh được những rủi ro chính sách liên quan đến việc xuất khẩu quặng thô.

Xem xét các yếu tố tác động đến từ tăng trưởng kinh tế thế giới: Do khoáng sản là nguồn nguyên vật liệu đầu vào của rất nhiều ngành công nghiệp quan trọng trên thế giới, diễn biến giá cả của các mặt hàng khoáng sản sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hay của từng ngành.

Bên cạnh đó, cũng nên chú ý đến tốc động tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khi đây đang là thị trường của 65% sản lượng khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam.

Các yếu tố tác động đến nguyên vật liệu đầu vào của ngành: Việc gia tăng chi phí các nguyên vật liệu đầu vào như than, điện trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến kết qủa lợi nhuận của các doanh nghiệp khoáng sản. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến tính liên tục và ổn định của các nguồn nguyên vật liệu này đối với từng doanh nghiệp.

Đây chỉ là những yếu tố cơ bản, bên cạnh đó cần xem xét kỹ hơn những yếu tố về cơ cấu tài chính để xem sức khỏe của doanh nghiệp, sức mạnh tài chính để xem xét khả năng đầu tư mở rộng của doanh nghiệp, và đặc biệt là trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của ban lãnh đạo trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản.

Nguyễn Đức Cường, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Chính sách tiền tệ sẽ “dễ thở” hơn về cuối năm 2011 (05/08/2011)

>   Kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng “lạm phát đình trệ”? (26/07/2011)

>   Lạm phát 2011 trước áp lực tăng giá thực phẩm (21/07/2011)

>   Giảm lãi suất OMO, Ngân hàng Nhà nước “thả lỏng” chính sách tiền tệ? (05/07/2011)

>   Vì lẽ gì đi “thâu tóm” một ngân hàng? (11/07/2011)

>   Việt Nam trong mớ “bòng bong” kinh tế thế giới (07/07/2011)

>   SC5: Company Visit Notes - Tháng 06/2011 (06/07/2011)

>   Giảm lãi suất OMO, Ngân hàng Nhà nước “thả lỏng” chính sách tiền tệ? (04/07/2011)

>   LCG: Company Visit Notes - Tháng 06/2011 (28/06/2011)

>   Thấy gì từ đề xuất giãn và miễn giảm thuế của Bộ Tài chính? (24/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật