Thứ Sáu, 05/08/2011 10:28

Chính sách tiền tệ sẽ “dễ thở” hơn về cuối năm 2011

(Vietstock) - Với các thông tin mới công bố, có nhiều chỉ dấu cho thấy chính sách tiền tệ sẽ “dễ thở” hơn về cuối năm 2011, và ngân hàng thương mại thậm chí cũng đang chịu áp lực phải hạ thấp lãi suất cho vay.

Chính sách tiền tệ sẽ “dễ thở” hơn về cuối năm 2011

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 20/07/2011, tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 0.19% so với tháng 6 và chỉ tăng 7.57% so với cuối năm 2010; tổng phương tiện thanh toán tăng 0.39% so với tháng trước và tăng 3.57% so với cuối năm.

Có thể thấy tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong 7 tháng vừa qua (lần lượt 7.57% và 3.57%) là khá thấp so với chỉ tiêu tương ứng ở mức 20% và 16% đặt ra cho cuối năm 2011.

Như vậy, “room” tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán còn lại là khá lớn (vào khoảng 12.4%) và cơ hội để NHNN nới lỏng tín dụng là điều mà chúng tôi tin rằng chắc chắn sẽ xảy ra trong những tháng cuối năm 2011.

Để đối phó với nguy cơ tăng cao của lạm phát, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ rất chặt chẽ, vì căn nguyên của lạm phát trong thời gian qua ở Việt Nam chủ yếu vẫn là yếu tố tiền tệ.

(Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng ngoài yếu tố tiền tệ, trong những tháng đầu năm 2011, lạm phát còn đến từ nguyên nhân chi phí đẩy; cụ thể là việc tăng giá xăng dầu, điện, tỷ giá và giá cả trên thị trường thế giới tăng cao đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức đáng e ngại.)

Lãi suất cao là hệ quả tất yếu của việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát.

Việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn và mức lãi suất cho vay VND bình quân 18-19%/năm đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp đứng trước khả năng đình đốn sản xuất.

Tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại đáng kể so với năm 2010 đã phần nào nói lên được những khó khăn của doanh nghiệp. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2011 chỉ tăng 5.57% so với cùng kỳ năm 2010, thấp hơn nhiều so với con số 6.16% của năm 2010.

Chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ giúp nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ rơi vào đình đốn sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn đang phải vật lộn với lạm phát tăng cao, tăng trưởng tín dụng cuối năm 2011 sẽ chỉ dừng ở con số 20% hoặc thấp hơn.

Ngân hàng thương mại trước áp lực phải hạ lãi suất

Cũng theo thông tin từ NHNN, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 20/7 ước giảm 0.25% so với tháng trước, cụ thể tiền gửi bằng VND tăng 0.51% và tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 3.29%. Trong khi đó, tín dụng bằng VND giảm 0.88%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 1.96% (tính chung tổng tín dụng giảm 0.19%).

Đây là tháng thứ 3 liên tiếp có diễn biến trái chiều giữa tăng trưởng tín dụng, huy động vốn bằng VND và USD.

Nguyên nhân là do lãi suất cho vay VND bình quân (theo NHNN) vào khoảng 18.64%/năm, lãi suất cho vay USD bình quân 6.1%/năm, trong khi đó lãi suất huy động VND bình quân vào khoảng 15% và lãi suất huy động USD bình quân chỉ ở mức 1.96%/năm.

Với các mức lãi suất chênh lệch như vậy, việc gửi tiết kiệm bằng VND và đi vay bằng USD sẽ lợi hơn; và điều này đã giải thích cho lý do số dư tiền gửi bằng VND tăng 0.51% và tín dụng bằng ngoại tệ tăng 1.96%.

Có thể thấy hiện nguồn cung ngoại tệ đang được cải thiện và tỷ giá ổn định, một phần nhờ vào các hoạt động vay USD và bán để đổi lấy VND phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đến cuối năm, nhu cầu đối ngoại sẽ tăng cao khi các hợp đồng vay USD đến hạn thanh toán và áp lực nhập siêu gia tăng sẽ gây áp lực lên vấn đề tỷ giá.

Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng rất có thể NHNN sẽ cân nhắc các biện pháp tăng dự trữ bắt buộc đối với USD hoặc nâng trần lãi suất huy động USD để hãm phanh tăng trưởng tín dụng ngoại tệ và giảm áp lực lên tỷ giá vào thời điểm cuối năm.

Chúng tôi cũng dự đoán các ngân hàng lúc này sẽ phải quay trở lại với lĩnh vực tín dụng tiền đồng. Cần để ý là 7 tháng đầu năm, tiền gửi VND vẫn duy trì mức tăng 0.51% trong khi tín dụng VND lại giảm mạnh 0.88%. Điều này sẽ phần nào gây áp lực điều chỉnh giảm nhẹ mặt bằng lãi suất để thu hút khách hàng trong thời gian tới, vì tín dụng vẫn là lĩnh vực kinh doanh chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam.  

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng “lạm phát đình trệ”? (26/07/2011)

>   Lạm phát 2011 trước áp lực tăng giá thực phẩm (21/07/2011)

>   Giảm lãi suất OMO, Ngân hàng Nhà nước “thả lỏng” chính sách tiền tệ? (05/07/2011)

>   Vì lẽ gì đi “thâu tóm” một ngân hàng? (11/07/2011)

>   Việt Nam trong mớ “bòng bong” kinh tế thế giới (07/07/2011)

>   SC5: Company Visit Notes - Tháng 06/2011 (06/07/2011)

>   Giảm lãi suất OMO, Ngân hàng Nhà nước “thả lỏng” chính sách tiền tệ? (04/07/2011)

>   LCG: Company Visit Notes - Tháng 06/2011 (28/06/2011)

>   Thấy gì từ đề xuất giãn và miễn giảm thuế của Bộ Tài chính? (24/06/2011)

>   Khi nào Việt Nam mới hết nhập siêu? (23/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật