Tín hiệu “nới” tín dụng, chứng khoán và bất động sản có được hưởng lợi?
(Vietstock) – Ý định nới lỏng tín dụng của NHNN đã được thể hiện rất rõ. Nhưng việc chưa đề cập đến thay đổi hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản và chứng khoán cho thấy tinh thần của Nghị quyết 11 về hạn chế tín dụng “phi sản xuất” vẫn còn nguyên.
* NHNN: Tạm thời chưa áp dụng quy định tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư 13 và 19
* Thông tư 13: Bốn thay đổi căn bản sẽ tạo hiệu ứng tích cực
* Thông tư 13 chặn đứng dòng tiền vào TTCK?
Tại cuộc họp với 12 NHTM lớn cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đưa ra 9 giải pháp triển khai hoạt động ngân hàng trong 4 tháng cuối năm 2011.
Đáng chú ý trong nhóm giải pháp này là NHNN xem xét tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 19/2010/TT-NHNN.
Mục đích là nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường 1 và thị trường 2, giữa TCTD thừa và TCTD thiếu vốn, giúp các tổ chức thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay.
Tín hiệu nới lỏng tín dụng đã được phát đi
Theo Thông tư 13 được NHNN ban hành ngày 20/05/2010, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của các ngân hàng bị giới hạn ở mức 80% (tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 85%).
Thoạt nhìn con số tỷ lệ LDR quy định đối với NHTM ở mức 80% có vẻ cao. Tuy vậy, điểm đáng lưu ý ở Thông tư 13 là các khoản huy động được tính lại không bao gồm: tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, tiền của Kho bạc Nhà nước và tiền vay của các tổ chức tín dụng trong nước.
Với quy định này thì nguồn vốn mà các NHTM có thể cho vay sẽ thấp hơn nhiều so với 80% số vốn huy động được.
Chúng tôi đã có nhận định cho rằng những quy định tại Thông tư 13 sẽ ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng tín dụng vào nền kinh tế và TTCK.
Cuối tháng 9/2010, NHNN đã có một số điều chỉnh bằng cách ban hành Thông tư số 19.
Thông tư 19 định nghĩa lại “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” thay vì “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” như Thông tư 13. Như vậy, theo tinh thần TT 19 thì vốn cấp tín dụng không bị hạn chế liên quan đến vốn chủ sở hữu.
Có thể hiểu rằng tỷ lệ cấp tín dụng đối với ngân hàng là 80%, của tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 85% so với nguồn vốn huy động, và cộng thêm 100% từ vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, định nghĩa về “Nguồn vốn huy động” của Thông tư 19 rộng hơn rất nhiều so với Thông tư 13, khi bổ sung thêm nguồn vốn huy động bao gồm: (1) Tiền gửi kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước, (2) 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng, trước đây Thông tư 13 loại trừ hoàn toàn) và (3) Tiền vay của TCTD khác có kỳ hạn 3 tháng trở lên, trừ tiền vay để đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả.
Động thái này được xem là nhằm mục đích nới lỏng tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm 2010. Đến cuối năm 2010, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 27.65% so với năm trước đó.
Với việc tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư 13 và 19, rõ ràng ý định nới lỏng tín dụng của NHNN đã được thể hiện rất rõ.
Nhận định này càng được củng cố khi đầu giờ sáng nay, NHNN đã quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1%, mở đường hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, và định hướng vào tăng trưởng tín dụng nội tệ trong những tháng cuối năm 2011.
Tuy vậy, cần để ý là hiện tại NHNN vẫn đang giới hạn trần tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2011 ở mức 20%.
Chứng khoán và bất động sản có được hưởng lợi?
Ngoài việc tăng trưởng tín dụng đang được khống chế ở mức trần 20% (không rõ NHNN có ý định nới lỏng quy định: tại tất cả các ngân hàng và tại mọi thời điểm hay không?), cần lưu ý là chủ trương thay đổi hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán không hề được đề cập trong nhóm các định hướng điều hành của NHNN.
Theo Thông tư 13, các khoản vay kinh doanh bất động sản và các khoản vay cho vay đối với CTCK có hệ số rủi ro được nâng từ 100% trước đó lên đến mức 250%. Trong khi đó, hệ số rủi ro của các khoản cho vay đầu tư chứng khoán ở mức kịch trần 250%.
Các quy định hệ số rủi ro để tính tỷ lệ an toàn vốn này đã khiến các ngân hàng đồng loạt cắt giảm các khoản mục cho vay bất động sản và đầu tư chứng khoán trong suốt từ giữa năm 2010 đến nay.
Với thực tế NHNN chưa đề cập đến việc thay đổi hệ số rủi ro đối với các khoản vay ở hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, có thể hiểu Chính phủ vẫn đang duy trì chủ trương nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, và tinh thần của Nghị quyết 11 về hạn chế tín dụng “phi sản xuất” vẫn còn nguyên.
Kịch bản tích cực đối với chứng khoán là luồng tín dụng dự kiến được nới rộng vào cuối năm 2011 sẽ giúp cải thiện đáng kể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đến lượt thúc đẩy TTCK tăng điểm.
Ngoài ra, một khi dòng tiền vào nền kinh tế nói chung được cải thiện thì tác động lan tỏa đến kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản, bằng cách này hay cách khác, cũng sẽ diễn ra.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|