Tăng DTBB ngoại tệ thêm 1%: Bước đi đầu tiên giúp chính sách tiền tệ “dễ thở” hơn
(Vietstock) – Động thái tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1% không có nhiều bất ngờ, và là bước đi đầu tiên để giúp chính sách tiền tệ “dễ thở” hơn về cuối năm 2011.
* Chính sách tiền tệ sẽ “dễ thở” hơn về cuối năm 2011
Trong một động thái không có nhiều bất ngờ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) bằng ngoại tệ thêm 1% đối với các tổ chức tín dụng áp dụng kể từ đầu tháng 9/2011.
Theo đó, tỷ lệ DTBB đối với ngoại tệ không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng là 8%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải chịu DTBB.
Đây là lần thứ 3 trong năm 2011, NHNN đã tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ. Mức tăng DTBB ngoại tệ hai lần trước được áp dụng liên tiếp vào tháng 5 và tháng 6/2011 với tỷ lệ lần lượt là 6% và 7% đối với ngoại tệ không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tương ứng ở mức 4% và 5%.
Đâu là mục đích phía sau động thái này của NHNN?
Thứ nhất, kiểm soát tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ sẽ khiến các tổ chức tín dụng cân nhắc cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Với lý do để bù cho phần vốn huy động phải dự trữ tăng thêm, các tổ chức tín dụng buộc phải cân nhắc cắt giảm lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay ngoại tệ. Cũng cần chú ý thêm là lãi suất huy động USD hiện nay đã được khống chế ở mức trần 0.5%/năm đối với tổ chức và 2%/năm đối với cá nhân.
Khi lãi suất huy động ngoại tệ giảm, người dân sẽ chuyển sang nắm giữ và gửi VND do mức chênh lệch khá cao (hiện vào khoảng 12%); trong khi lãi suất cho vay USD tăng cao, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc giảm vay ngoại tệ và chuyển sang vay VND. Hệ quả là từ đó giúp kéo giảm tình trạng găm giữ USD, giảm bớt tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế và tăng cung ngoại tệ cho thị trường.
Động thái này cũng sẽ phát huy hiệu quả tích cực hơn những lần trước đây, khi được cộng hưởng bởi lãi suất cho vay VND sẽ được kéo giảm trong những tháng tới, kích thích doanh nghiệp mạnh dạn vay VND.
Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong những tháng gần đây đã liên tục duy trì ở mức cao, trong khi đó tăng trưởng nội tệ lại giảm tốc đáng kể.
Trong tháng 7/2011, tín dụng bằng VND giảm 0.88%, trong khi đó tính dụng bằng ngoại tệ tăng 1.96% (tổng tín dụng tính chung giảm 0.19% so với tháng 6).
Tính từ đầu năm đến ngày 20/07/2011, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ ở mức 7.57%, nhưng trong đó tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã ở quanh ngưỡng 24%.
Thứ hai, giảm áp lực lên tỷ giá, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm. Với động thái tăng DTBB ngoại tệ liên tục, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sẽ dần hạ nhiệt trong những tháng tiếp theo và kéo theo đó là áp lực lên tỷ giá sẽ không còn quá lớn như những tháng cuối năm 2010.
Chênh lệch lãi suất hiện đang khiến việc vay vốn bằng bằng USD vẫn được lợi hơn và hệ quả là tăng trưởng tín dụng ngoại tệ liên tục duy trì ở mức cao. Điều này sẽ tăng sức ép lên tỷ giá khi một khối lượng lớn các khoản vay ngoại tệ đáo hạn.
Trong khi đó, những hoạt động mang tính chất đầu cơ ở thị trường vàng đã thu hút một lượng lớn ngoại tệ đổ vào. Diễn biến khá phức tạp từ đây đến cuối năm 2011 của mặt hàng này sẽ tiếp tục thu hút giới đầu tư và kéo theo đó là nhu cầu ngoại tệ gia tăng.
Ngoài ra, thâm hụt thương mại vẫn là một yếu tố “kinh điển” của nền kinh tế Việt Nam và luôn gây áp lực lớn đến tỷ giá, đặc biệt khi nhập siêu có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm vì tính mùa vụ.
Thứ ba, tạo ra bước đệm để NHNN nới lỏng cung tiền đồng. Có thể hiểu rằng, nếu không có những biện pháp “mạnh tay” như việc tăng tỷ lệ DTBB này thì việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hạ lãi suất sẽ mang lại những bất lợi trong việc nắm giữ đồng nội tệ khi chênh lệch lãi suất ngày càng hẹp đi. Do đó, việc nắm giữ đồng USD thay cho đồng VND là một hệ quả tất yếu trước nguy cơ đồng nội tệ bị mất giá trước.
Như vậy, có thể thấy việc tăng tỷ lệ DTBB là bước chuẩn bị để dần ổn định thị trường ngoại hối và chuẩn bị cho hoạt động nới lỏng tiền tệ. Có thể dự đoán, tiếp theo sau động thái này là việc cung ứng ra một lượng tiền đồng khá lớn để hỗ trợ việc kéo giảm mặt bằng lãi suất như tuyên bố của NHNN.
Đâu là hiệu ứng tiêu cực có thể xảy ra?
Trong bối cảnh tín dụng tiền đồng bị siết chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt, không ít doanh nghiệp đã cố gắng tiếp cận nguồn tín dụng ngoại tệ (một trong những lý do khiến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng cao). Việc hạn chế tín dụng ngoại tệ có thể tiếp tục đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn hơn.
Tuy vậy, có lẽ điều này cũng hàm ý rằng NHNN sẽ có động thái nới lỏng tín dụng tiền đồng trong những tháng sắp tới.
Trước đây, chúng tôi cũng từng nhận định rằng, thậm chí các NHTM cũng đang chịu áp lực gia tăng tín dụng nội tệ trong giai đoạn cuối năm 2011.
Một số ngân hàng cũng có thể gặp căng thẳng về thanh khoản khi mất cân đối cung cầu ngoại tệ. Tuy vậy, với nguồn dự trữ ngoại hối đã dồi dào trở lại (trong 7 tháng đầu năm dự trữ ngoại hối tăng thêm hơn 6 tỷ USD), NHNN dường như cũng đang có nguồn lực để bình ổn thị trường ngoại hối, nếu có diễn biến tiêu cực, trong những tháng cuối năm.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|