Khả năng Hy Lạp vỡ nợ và các hệ lụy nếu điều này xảy ra
(Vietstock) – Đánh giá khả năng Hy Lạp sẽ vỡ nợ, những phương thức vỡ nợ và hệ lụy có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính.
* Toàn cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu - Phần 1
Khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp
Hy Lạp gia nhập Cộng đồng châu Âu vào năm 1981 và đi tiếp vào khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) vào tháng 01/2001.
Sự nôn nóng và tham vọng khoát lên chiếc áo mới để được sánh vai cùng các quốc gia giàu mạnh trong khi thực lực kinh tế chưa đủ mạnh, đã đẩy quốc gia này chìm đắm trong những khoản nợ kếch xù.
Để che giấu tình hình tài chính không mấy khả quan, những số liệu kinh tế không trung thực đã được công bố, đặc biệt là về thâm hụt ngân sách.
Tình trạng tiết kiệm thấp và vay nợ nước ngoài cho chi tiêu công vẫn diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn 2002-2007, đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế lên mức 4.2%/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm khi các số liệu kinh tế giả mạo bị phát hiện và nghi ngờ về khả năng mất thanh toán của Chính phủ Hy Lạp tăng cao, nhà đầu tư đã vội vã rút vốn khỏi nước này.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên các ngành công nghiệp chủ chốt của Hy Lạp. Doanh thu ngành du lịch và vận tải biển sụt giảm mạnh trên 15% vào năm 2009. Kinh tế Hy Lạp lâm vào khó khăn, nguồn thu để tài trợ cho ngân sách bị co hẹp, trong khi vẫn phải tăng cường chi tiêu công để kích thích kinh tế, đã đẩy nợ công đến con số khổng lồ. Đến năm 2010, theo thống kê của Eurostat, nợ công của Hy Lạp đã lên tới con số gần 330 tỷ euro, tương đương với 142.8% GDP
Ngoài ra, kinh tế Hy Lạp còn phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, bộ máy quan liêu, tham nhũng và hệ thống thuế yếu kém.
Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã thông qua hàng loạt các chương trình thắt lưng buộc bụng. Gói thắt lưng buộc bụng đầu tiên được thực hiện vào ngày 9/2/2010, bao gồm việc cắt giảm tiền thưởng, tiền ngoài giờ… Sau đó, các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ tiếp tục được thực hiện để nhận được các gói cứu trợ từ IMF và các quốc gia trong khu vực Eurozone, bất chấp những cuộc biểu tình mạnh mẽ của dân chúng.
Hiện Hy Lạp gần như mất khả năng thanh toán và xác suất vỡ nợ là rất cao. Có lẽ chi phí của việc vỡ nợ vẫn sẽ thấp hơn chi phí của việc phụ thuộc vào các nguồn vốn vay với các điều kiện khắc nghiệt.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Hy Lạp đang nỗ lực để tránh vỡ nợ. Nguyên nhân là do với mức thâm hụt ngân sách quá lớn, vào khoảng 15.4% GDP năm 2009 và ước tính 10.5% GDP năm 2010, việc vỡ nợ sẽ dẫn đến những tổn thất lớn và có khả năng xảy ra bất ổn xã hội nếu Chính phủ Hy Lạp không thể tiếp tục vay mượn.
Có thể thấy, các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong thời điểm nền kinh tế gần như đình trệ đã không mang lại lợi ích đáng kể nào cho Hy Lạp.
Theo thống kê, tăng trưởng GDP quý 2/2011 của Hy Lạp đã giảm 6.9% so với quý 2/2010; trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp tính đến tháng 5/2011 đã là 16.6% so với con số 15.9% quý 1/2011. Ngoài ra, những bất ổn xã hội, bạo loạn, đình công vẫn tiếp tục đe dọa và gây áp lực lên sự ổn định, phát triển của nền kinh tế quốc gia này.
So sánh Hy Lạp với các quốc gia có tỷ lệ nợ công lớn trong khu vực Eurozone
So với các nước đang chịu gánh nặng nợ công lớn trong khu vực Eurozone, kinh tế Hy Lạp đặc biệt khó khăn hơn, khi vừa có mức thâm hụt ngân sách lẫn nợ công lớn, lần lượt là 10.5% và 142.8% GDP năm 2010.
Mặc dù Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đều có mức thâm hụt ngân sách lớn, nhưng tỷ lệ nợ công vẫn thấp hơn nhiều so với Hy Lạp.
Thâm hụt ngân sách Ireland tăng cao từ mức 14.3% trong năm 2009 lên 32.4% năm 2010 là do hoạt động cứu trợ ngành ngân hàng của Chính phủ nước này, bao gồm việc quốc hữu hóa các ngân hàng và chi tiền để tái cấp vốn cho một số ngân hàng trong nước.
Như vậy, khủng hoảng nợ của Ireland thực tế là do chính phủ phải đi cứu trợ cho hệ thống ngân hàng nước này, khiến cho nợ xấu từ khu vực tư nhân tạo thành gánh nặng nợ công Chính phủ; khác với nguyên nhân khủng hoảng nợ công Hy Lạp là do quản trị tài chính công yếu kém với những khoản chi tiêu quá lớn và vượt kiểm soát.
Trong khi đó, nếu dựa vào Chỉ số thuận lợi kinh doanh (Ease of Doing Business Index) của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thì Ireland được xếp hạng thứ 9 trong năm 2010; cao hơn rất nhiều so với thứ hạng 109 của Hy Lạp.
Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha lần lượt đứng ở các thứ hạng 80, 31, 49 trong năm 2010.
Chỉ số thuận lợi kinh doanh được Ngân hàng Thế giới tính toán để đánh giá các quy tắc ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. Theo nghiên cứu, ảnh hưởng của việc hoàn thiện những điều chỉnh để nâng bậc xếp hạng chỉ số này đối với tăng trưởng kinh tế là rất mạnh mẽ.
Cho vỡ nợ hay phải giải cứu Hy Lạp?
Ngân hàng trong nước là những chủ nợ chính của Chính phủ Hy Lạp và đang bị đe dọa mất khả năng thanh toán; tiếp đến là các ngân hàng của Pháp và Đức.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settements – BIS), tính đến cuối quý 3/2010, các ngân hàng Pháp đã cho Hy Lạp vay tới 63.6 tỷ USD; các ngân hàng của Đức cho vay 40.3 tỷ USD; trong khi đó ngân hàng Anh chỉ cho vay khoảng 15.1 tỷ USD. Cũng theo thống kê này, tổng số tiền các ngân hàng trên thế giới cho Hy Lạp vay lên đến 170.7 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho thấy đà tăng cao của lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Hy Lạp đã lan sang các nước khác như Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …
Sự tương quan nhìn thấy trên biểu đồ đã làm dấy lên nhiều quan ngại rằng nếu Hy lạp vỡ nợ có thể dẫn đến một sự lây lan trên diện rộng ở nhiều quốc gia trong khu vực Eurozone. Đây là lý do chính khiến cho Hy Lạp khó có khả năng để cho vỡ nợ trong giai đoạn này.
Điều này không có nghĩa là các gói giải cứu sẽ được thông qua nhanh chóng và dễ dàng, mà đổi lại Hy Lạp phải đưa ra các kế hoạch thắt lưng buộc bụng chi tiết trong những năm tới để kéo giảm gánh nặng nợ công.
Tuy nhiên, khả năng vỡ nợ của Hy Lạp vẫn còn được để ngỏ nếu cần phải ngăn chặn mọi diễn biến không kiểm soát nổi trong khối đồng tiền chung châu Âu.
Hy Lạp có thể vỡ nợ theo các cách nào?
Hình thức Hy Lạp vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến những chi phí mà Hy Lạp và khu vực Eurozone phải gánh chịu. Trên thực tế, Hy Lạp có thể chọn vỡ nợ theo ba cách sau.
Đầu tiên, Hy Lạp có thể chọn để chuyển đổi khoản nợ hiện tại thành khoản nợ mới với giá trị danh nghĩa thấp hơn. Trong trường hợp này, nền kinh tế Hy Lạp có thể ổn định trở lại nếu không có cuộc khủng ngân hàng trong nước và không có hình phạt nào từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến vấn đề thanh khoản và trong trường hợp xấu nhất là Hy Lạp đối mặt với vấn đề mất khả năng thanh tóan vì các khoản nợ Hy Lạp có thể không còn được chấp nhận như tài sản thế chấp.
Thứ hai, Hy Lạp có thể đơn phương thay đổi khoản nợ hiện tại thành khoản nợ mới với cùng giá trị danh nghĩa nhưng với kỳ hạn dài hơn. Điều này sẽ tạm thời xoa dịu được gánh nặng nợ nần của Hy Lạp.
Tuy nhiên, nếu thay đổi kỳ hạn thanh toán và lãi suất mà Hy Lạp vẫn không có khả năng trả nợ thì gánh nặng nợ nần vẫn còn nguyên giá trị. Ngoài ra, việc đơn phương áp đặt sự vỡ nợ lên các chủ nợ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc đánh giá xếp hạng và hệ quả là việc vay nợ trên thị trường sẽ rất khó khăn.
Thứ ba, Hy Lạp có thể chọn hình thức vỡ nợ thứ hai, nhưng thay vì đơn phương thay đổi, nước này có thể thương lượng những điều khoản với các chủ nợ. Sự thương lượng hay sự tự nguyện của các chủ nợ sẽ mang lại nhiều quyền lợi hơn cho Hy Lạp và thị trường tài chính bởi vì các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap – CDS) có thể sẽ không bị kích hoạt.
Trong bối cảnh mức thâm hụt ngân sách khá cao như hiện nay, việc Hy Lạp đơn phương vỡ nợ sẽ mang đến những bất ổn xã hội nếu không thể tìm được nguồn vốn vay trên thị trường. Có lẽ lựa chọn tốt nhất cho Hy Lạp là hình thức vỡ nợ thứ ba với sự thương lượng của các chủ nợ.
Những hệ lụy có thể xảy ra nếu Hy Lạp vỡ nợ
Là thành viên của khối tiền tệ chung Eurozone, việc vỡ nợ của Hy Lạp không những mang lại những chi phí đắt đỏ cho chính quốc gia này mà còn gây những ảnh hưởng tiêu cực đến toàn khu vực.
Chi phí đầu tiên Hy Lạp phải đối mặt là mất khả năng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế hoặc những điều kiện ưu đãi đi kèm khoản vay sẽ mất đi. Mặc dù không bị loại trừ khỏi thị trường tài chính, nhưng Hy Lạp sẽ đối mặt với rủi ro bị hạ bậc tín nhiệm và hệ quả là chi phí vay mượn sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng thời gian để các nước vỡ nợ có khả năng tham gia lại thị trường tài chính đang ngày càng rút ngắn.
Với khoảng 30% nợ công được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước, việc vỡ nợ có khả năng dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính trong nước, do các tổ chức tài chính bị buộc phải bán tháo các tài sản nợ.
Chi phí trực tiếp của việc Hy Lạp vỡ nợ đến các tổ chức tài chính và các chính phủ châu Âu là không lớn. Tuy nhiên, chi phí ảnh hưởng lan truyền của việc vỡ nợ này đến hệ thống tài chính của khu vực nội vi châu Âu là rất lớn và hiện vẫn chưa ước tính được, bởi vì điều này còn phụ thuộc vào cách thức Hy Lạp vỡ nợ.
Nếu các ngân hàng không phải bút toán giảm những khoản nợ ngay lập tức và nếu việc kích hoạt những hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) không gây ra quá nhiều rối loạn, thì ảnh hưởng của nó lên hệ thống ngân hàng tuy đáng kể nhưng có thể quản lý được.
Nếu các ngân hàng phải bút toán giảm những khoản nợ ngay lập tức và nếu việc kích hoạt những hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) gây ra những ảnh hưởng bất lợi và có tính lây lan thì những vấn đề nghiêm trọng về thanh khoản và khả năng thanh toán có thể xảy ra.
Trong trường hợp xấu nhất, Hy Lạp bị cho là sẽ đưa ra những điều kiện kém hấp dẫn hơn những gì nước này có thể đề nghị với các chủ nợ.
Việc vỡ nợ buộc các ngân hàng trong và ngoài nước phải bút toán giảm những khoản nợ. Những nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ từ chối chấp nhận những khoản nợ này như là tài sản thế chấp. Tuy Hy Lạp không bị bắt phải rời khỏi khu vực Eurozone, nhưng cơ quan Eurosystem có thể sẽ đưa ra những điều kiện bất lợi buộc Hy Lạp phải tự nguyện rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|