Chủ Nhật, 13/11/2011 17:03

Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 14 – 18/11

(Vietstock) – Nếu mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 ở mức 12% thì “room” cho hai tháng cuối năm sẽ vào khoảng 3.4%. Có thể thấy dư địa cho việc nới lỏng tín dụng vẫn còn khá nhiều, và NHNN sẽ chờ đợi đủ điều kiện để thực hiện. 

KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Thông tin tích cực từ nền kinh tế là thâm hụt ngân sách trong tháng 10, tháng đầu tiên của năm tài khóa 2012, đứng ở mức 98.47 tỷ USD, thấp hơn mức 140.43 tỷ USD trong tháng 10 năm ngoái và dự báo 102.5 tỷ USD của các nhà kinh tế nhờ doanh thu thuế tăng cao.

Ngoài ra, xuất khẩu tăng mạnh hơn nhập khẩu đã giúp thâm hụt thương mại Mỹ giảm từ 44.9 tỷ USD trong tháng 8 xuống 43.1 tỷ USD trong tháng 9, trái với dự báo tăng lên 45.9 tỷ USD của các nhà kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 10, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo được thêm 80,000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, tháng tăng thứ 13 liên tiếp; và trong hai tháng 8 và 9 tổng số việc làm mới được tạo thêm lên tới 102,000 người, vượt xa báo cáo ban đầu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo tín dụng tiêu dùng Mỹ tăng 3.5% lên 2,452 tỷ USD trong tháng 9, từ mức 2,444.6 trong tháng 8. Đây là một dấu hiệu tích cực đối với đà phục hồi yếu kém của nền kinh tế.

Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 05/11 giảm 10,000 xuống 390,000, mức thấp nhất trong 7 tháng và thấp hơn so với dự báo giảm xuống 400,000 của các nhà kinh tế.

Tuy nhiên, một nghiên cứu tỷ lệ thất nghiệp dài hạn cho thấy khoảng 2 triệu người đã sử dụng quy chế trợ cấp 99 tuần nhưng sau đó vẫn chưa tìm được việc làm. Như vậy, cuộc khủng hoảng việc làm kéo dài đến nỗi phần lớn không còn được nhận trợ cấp thất nghiệp nữa.

Châu Âu: Những lo lắng từ Hy Lạp nay đang nhường bước cho mối bận tâm lớn hơn của khu vực đồng tiền chung Châu Âu: nước Ý, nền kinh tế lớn thứ ba khu vực.

Với giá trị thị trường trái phiếu vào khoảng 1,900 tỷ EUR, việc vỡ nợ ở quốc gia này có thể được xem là thảm họa không những cho khu vực eurozone mà cũng sẽ là đón giáng mạnh lên thị trường tài chính toàn cầu.

Trong tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm đã vọt lên 7.07% khi nhà đầu tư bán tháo trái phiếu Chính phủ Ý, do lo sợ nước này sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ.

Ngày 10/11, Thủ tướng George Papandreou đã chính thức từ chức và ông Lucas Papademos, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã được chỉ định làm thủ tướng tạm quyền của Hy Lạp.

Trong khi đó, ngày 11/11, Thượng viện Ý đã thông qua dự thảo luật nhằm ổn định tình hình kinh tế đất nước, trong đó có các biện pháp chống khủng hoảng đã cam kết với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được đưa ra Hạ viện thông qua vào ngày 12/11.

Như vậy, sau khi Quốc hội Ý thông qua các biện pháp ổn định nền kinh tế thì Thủ tướng Silvio Berlusconi sẽ chính thức từ chức như đã tuyên bố ngày 8/11.

Trong lúc này, hành động của Ý, Pháp, Đức và một số quốc gia “khỏe mạnh” trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ là chỉ báo quan trọng cho sự sống còn của khu vực này.

Mới đây, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đưa ra ý tưởng một “châu Âu hai tốc độ”, tức khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu phát triển mạnh mẽ hơn Liên minh châu Âu 27 thành viên (có khả năng mở rộng lên 35 thành viên).

Tuy vậy, ý tưởng này đang bị nhiều quốc gia khác thuộc EU phản đối với lý do bất kỳ sự điều chỉnh hiệp ước nào của toàn khối đều cần sự ủng hộ của họ. Ngoài ra, cũng có quan ngại cho rằng rằng điều này đồng nghĩa với việc vẽ lại bản đồ địa lý và làm phát sinh những căng thẳng mới.

Hiện các quan chức Đức và Pháp vẫn đang thảo luận kế hoạch cho một cuộc cải tổ triệt để của Liên minh châu Âu (EU), liên quan đến việc thiết lập một khu vực đồng EUR thích hợp và nhiều khả năng thu nhỏ lại.

Điều này cũng đã được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes hồi tuần trước khi Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đều gợi ý Hy Lạp phải rời khỏi khối tiền chung nếu muốn duy trì sự ổn định lâu dài của khối này.

Trong khi Pháp tích cực hành động nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ cộng khu vực, thì nền kinh tế quốc gia này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm OAT của Pháp đứng ở mức 3.456% so với lợi suất 1.176% của Đức.

Ngày 7/11, Pháp đã công bố gói biện pháp khắc khổ trị giá 7 tỷ EUR (9.6 tỷ USD) và kế hoạch cân bằng ngân sách vào năm 2016 nhằm bảo vệ xếp hạng tín nhiệm AAA. Tuy vậy, một sự cố hạ nhầm xếp hạng Pháp mới đây của cơ quan S&P đã ít nhiều gây hoang mang cho giới đầu tư.

Thật khó đoán định số phận của khu vực này khi mà sự mơ hồ, vô định đang dần thể hiện rõ ở các quốc gia trong khu vực. Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo Eurozone có thể rơi vào một cuộc suy thoái sâu và kéo dài trong năm tới, khi cuộc khủng hoảng nợ đang bộc lộ một số dấu hiệu vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Rõ ràng, nền kinh tế khu vực Eurozone hiện không còn nhiều cơ hội để thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng nợ công, nếu không có những hành động nhanh chóng và dứt khoát. Nếu điều này xảy ra, khủng hoảng nợ châu Âu có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào “thập kỷ mất mát” theo như lời nhận định của bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Số dư tiền gửi hệ thống ngân hàng sụt giảm, NHNN vẫn đang chờ đợi đủ điều kiện để nới lỏng tín dụng

Theo số liệu của NHNN, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến 20/10 ước giảm 0.74% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND giảm 1.29% và tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1.73%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 8.59%.

Tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 10 ước tăng 0.05% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND và bằng ngoại tệ đều tăng 0.05%. So với cuối năm, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8.61%.

Sự hấp dẫn của vàng, e ngại tỷ giá và lãi suất huy động bị áp trần là những lý do khiến kênh tiền gửi tiết kiệm bằng VND trở nên kém hấp dẫn. Thực tế này cho thấy hệ thống ngân hàng vẫn phải đang vật lộn với căng thẳng thanh khoản, và lãi suất liên ngân hàng có lúc tăng vọt là minh chứng bổ sung khá rõ ràng.

Nếu mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 ở mức 12% thì “room” cho hai tháng cuối năm sẽ vào khoảng 3.4%. Có thể thấy dư địa cho việc nới lỏng tín dụng vẫn còn khá nhiều, và NHNN sẽ chờ đợi đủ điều kiện để thực hiện.

Trong khi huy động từ dân cư vẫn đang căng thẳng, nhìn chung tín dụng (lãi suất thấp) chỉ có thể thúc đẩy từ nhóm ngân hàng có yếu tố Nhà nước (vốn có thanh khoản dồi dào) hay khi tiếp cận được nguồn vốn từ NHNN qua kênh thị trường mở hay tái cấp vốn.

“Giải cứu” thị trường bất động sản?

Trước các bất ổn ngày càng trầm trọng trên thị trường bất động sản, tuần qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với NHNN rà soát lại tình hình thị trường này và đề xuất các giải pháp cụ thể trước ngày 15/11 (thứ Ba). Trước đó, NHNN đã yêu cầu các NHTM báo cáo dư nợ tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản về cơ quan này trước ngày 9/11.

Đã xuất hiện trên báo chí quan điểm không chính thức từ Bộ Xây dựng về khả năng Nhà nước bỏ tiền mua lại bất động sản như là một cách bơm vốn ra thị trường, trợ giúp doanh nghiệp; đồng thời tăng quỹ nhà đất đáp ứng nhu cầu nhà ở công vụ, nhà ở cho các đối tượng chính sách hay nhà ở xã hội.

Đây có thể là một đề xuất trong gói giải pháp của Bộ Xây dựng; nhưng với các cơ chế hiện tại thì rõ ràng là không dễ để thực hiện điều này.

Kỳ vọng về một biện pháp “giải cứu” thị trường bất động sản không phải là không có lý. Tuy nhiên, với chính sách tài chính tiền tệ chính yếu phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định hơn là tăng trưởng kinh tế, thị trường chỉ nên kỳ vọng về một gói hỗ trợ nhỏ và từng phần.

Bên cạnh đó, “giải cứu” như thế nào và đối tượng nào được ưu tiên chọn lựa để được “giải cứu” là câu hỏi lớn trong thời gian tới.

Dự thảo Nghị định quản lý vàng: Độc quyền không đồng nghĩa với ổn định

NHNN thời gian vừa qua đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Về cơ bản, các quy định trong Nghị định dự thảo nhằm mục tiêu giúp bình ổn thị trường vàng, hạn chế tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, hạn chế hoạt động đầu cơ trên thị trường tự do, hạn chế ảnh hưởng của thị trường vàng đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá…

Tuy nhiên, những quy định chi tiết và khắt khe như vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh mua bán, sản xuất vàng miếng… của dự thảo này làm dấy lên mối quan ngại về tình trạng độc quyền tăng cao. Hơn nữa, giải pháp “mạnh tay” đánh thuế có thể gây ra những tác động ngược, làm gia tăng tình trạng đầu cơ trước sức hút của lợi nhuận “khủng” do chênh lệch cung cầu.

Mặc dù chỉ mới là dự thảo, nhưng nó đã sớm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh vàng ở hầu hết các doanh nghiệp (ngoại trừ SJC) trên thị trường này. Tâm lý lo ngại mất giá nếu nắm giữ vàng miếng các thương hiệu ngoài SJC đã khiến cho nhiều người đẩy mạnh bán ra, bất chấp chênh lệch mua bán giữa vàng SJC và các thương hiệu này có lúc lên tới hơn 500,000 đồng/lượng.

Có thể thấy tình trạng độc quyền trên thị trường vàng đã manh nha xuất hiện. Mặc dù sự kiểm soát có thể dễ dàng hơn, điều này sẽ không đồng nghĩa với việc thị trường vàng sẽ ổn định hơn, bớt xáo trộn hơn trong tương lai.

Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây các NHTM vẫn đang âm thầm nâng lãi suất huy động vàng bằng nhiều cách khác nhau. Không loại trừ khả năng các ngân hàng đẩy mạnh huy động vàng để cung ứng lại cho các ngân hàng trong chương trình bình ổn để hưởng chênh lệch, chuyển đổi thành tiền động hoặc dùng để tiếp cận thanh khoản tiền đồng với lãi suất ưu đãi.

Có lẽ việc kinh doanh vàng tài khoản sẽ nhanh chóng được cho phép trở lại, với sự quản lý quy củ hơn.

Tin tức kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

• Tại phiên họp sáng 9/11, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu lạm phát năm 2012 dưới 10%. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thông qua một số chỉ tiêu khác như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tăng khoảng 6% - 6.5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, nhập siêu khoảng 11%-12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, bội chi ngân sách dưới 4.8% GDP và tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33.5% GDP.

• Quốc hội đã thông qua kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ đến năm 2015; theo đó Chính phủ không được bổ sung mới danh mục dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015.

• Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định các NHTM sẽ phải dành tối thiểu 20% tổng dư nợ để đảm bảo tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trong năm 2012. Riêng Agribank, tỷ lệ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp tối thiểu phải đạt 80% tổng dư nợ.

• Trong một diễn biến khác, NHNN cho biết đang khẩn trương chỉ đạo xây dựng Đề án cơ cấu lại Agribank.

• Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, từ ngày 01/01/2012 sẽ chính thức đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành.

• Standard & Poor’s (S&P) điều chỉnh Đánh giá Mức độ Rủi ro trong Hệ thống Ngân hàng (BICRA) của Việt Nam từ “Nhóm 9” lên “Nhóm 10” do thay đổi phương pháp luận. Ngoài ra, S&P cũng gia tăng mức độ rủi ro của nền kinh tế từ “9 điểm” lên “10 điểm” và đánh giá độ rủi ro ngành ở mức “8 điểm”.

Tuy vậy, cơ quan này đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ đối với hệ thống ngân hàng trong nước.

• Theo số liệu công bố của Hải quan Mỹ vào ngày 4/11, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ trong năm 2011 tiếp tục tăng mạnh so với năm 2010. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 11.3 tỷ USD, tăng 20.6%; và kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đạt 2.7 tỷ USD, tăng 21.5% so với cùng kỳ năm 2010.

• Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, sản xuất xi măng toàn ngành trong 10 tháng năm 2011 đạt 39.4 triệu tấn, bằng 72.3% so với kế hoạch năm 2011; và cộng gộp lượng tiêu thụ của ngành đạt 39.1 triệu tấn, bằng 71% kế hoạch năm 2011.

Ngành xi măng đã xuất khẩu 3.4 triệu tấn xi măng và clinker, và lượng tồn kho của ngành vào khoảng trên 3 triệu tấn tính đến 31/10/2011.

• Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cùng hơn 20 tổng công ty, công ty con tại Việt Nam vừa bị khởi kiện tại tòa ở London. Nguyên đơn khởi kiện là công ty Elliott VIN có trụ sở ở Hà Lan và bị đơn gồm 22 công ty với Vinashin đứng đầu danh sách bên bị.

Đơn kiện đã được Tòa Thương mại, Chi nhánh Queen’s Bench thuộc Tòa Thượng thẩm nhận và mở hồ sơ ngày 01/11/2011.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 07 – 11/11 (05/11/2011)

>   Chiến lược giao dịch ngày 03/11/2011 (03/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 31/10 - 04/11 (30/10/2011)

>   Kiềm chế lạm phát: Cơ hội đã rõ, nhưng… (24/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 24 – 28/10 (22/10/2011)

>   Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam: Cập nhật Quý 4/2011 (06/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 03 – 07/10/2011 (30/09/2011)

>   Macro View - Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 26 - 30/09/2011 (23/09/2011)

>   Khả năng Hy Lạp vỡ nợ và các hệ lụy nếu điều này xảy ra (20/09/2011)

>   Toàn cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu - Phần 1 (16/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật