Chủ Nhật, 30/10/2011 10:05

Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 31/10 - 04/11

(Vietstock) – Qua các động thái gần đây của NHNN, có thể hiểu nhóm ngân hàng yếu kém đã được nhận diện và theo dõi. Đây có lẽ là bước đi dọn đường cho công tác tái cấu trúc trong tương lai gần.

KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Những bất đồng chính trị tiếp tục diễn ra khá căng thẳng trên chính trường Mỹ. Các nghị sỹ đảng Dân chủ ngày 26/10 vừa qua đề nghị cắt giảm 3,000 tỷ USD thâm hụt ngân sách thông qua cắt giảm chi tiêu dài hạn của chính phủ, bao gồm cả chương trình chăm sóc y tế Medicare và 1,500 tỷ USD huy động thông qua việc tăng thuế đánh vào tầng lớp thượng lưu Mỹ.

Một lần nữa, kế hoạch tăng thuế đánh vào “nhà giàu” vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe Cộng hòa với lý do là bất kỳ sự tăng thuế nào cũng sẽ làm suy yếu nền kinh tế đang lung lay của Mỹ.

Rõ ràng những nỗ lực phục hồi kinh tế của chính quyền Obama và đảng Dân chủ liên tục vấp phải những rào cản khá lớn từ đảng Cộng hòa khi chiến dịch bầu cử tổng thống 2012 đang tới rất gần.

Bất chấp những bất ổn chính trị, nền kinh tế Mỹ vẫn đang nỗ lực tăng trưởng khi GDP quý 3 tăng trưởng 2.5%, đúng như dự báo của các nhà kinh tế, nhưng cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng 1.3% trong quý 2.

Tuy vậy, theo các nhà kinh tế, GDP của Mỹ phải tăng trưởng ít nhất 3% thì mới có thể thúc đẩy các doanh nghiệp tuyển dụng trở lại.

Sự cải thiện của hoạt động chi tiêu tiêu dùng là động lực chính đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế trong quý vừa qua. Cụ thể, chi tiêu cá nhân tăng vọt 2.4%, cao hơn gấp 3 lần so với mức tăng chỉ 0.7% trong quý 2. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chi tiêu nhiều hơn khi đầu tư vào thiết bị và phần mềm tăng vọt 17.4%.

Nền kinh tế nước này cũng tiếp tục đón nhận những thông tin khả quan như số đơn đặt hàng lâu bền giảm 0.8% trong tháng 9, nhẹ hơn so với dự báo giảm 1% của các nhà kinh tế. Doanh số bán nhà mới cùng tháng tăng 5.7% lên 313,000 đơn vị, cao hơn so với dự báo tăng lên 300,000 đơn vị.

Bên cạnh đó, số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 22/10 giảm nhẹ 2,000 xuống 402,000, trái với dự báo tăng 2,000 lên 405,000 của các nhà kinh tế. Số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bình quân trong 4 tuần qua cũng giảm 1,750 xuống 405,500.

Tuy vậy, theo Conference Board, niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 10 giảm xuống 39.8 điểm từ mức 46.4 điểm trong tháng 9, thấp hơn dự báo giảm xuống 46 điểm của các nhà kinh tế, nhưng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa bán ra 8.87 tỷ USD trái phiếu kho bạc đáo hạn từ tháng 10/2013 – tháng 2/2014 trên thị trường mở vào ngày 28/10, là một phần của chương trình "Operation Twist". Theo chương trình này, Fed sẽ bán ra 400 tỷ USD trái phiếu kho bạc ngắn hạn để mua vào 400 tỷ USD trái phiếu kho bạc dài hạn nhằm hạ thấp lãi suất thế chấp và các chi phí vay mượn dài hạn khác.

Châu Âu: Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 26/10 vừa qua được đánh giá khá thành không khi đã thông qua các thỏa thuận quan trọng như xóa 50% nợ cho Hy Lạp, nâng hệ số vốn cấp 1 của ngân hàng và tăng cường sức mạnh cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).

Đối với thỏa thuận xóa nợ cho Hy Lạp, các chủ nợ tư nhân đã đồng ý giảm 50% giá trị trái phiếu chính phủ Hy Lạp mà họ đang nắm giữ. Động thái này sẽ giúp Hy Lạp giảm được gánh nặng nợ nần bớt 100 tỷ EUR (tương đương 140 tỷ USD). Theo Fitch, việc cắt giảm 50% giá trị trái phiếu của Hy Lạp được xem là vỡ nợ.

Trong khi đó, EU đã nhất trí nâng hệ số vốn cấp 1 của các ngân hàng khu vực lên 9% vào cuối tháng 6/2012. Hơn nữa, các ngân hàng lớn tại châu Âu sẽ phải huy động thêm 106 tỷ EUR (tương đương 148 tỷ USD) nhằm chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã nhất trí tăng cường sức mạnh cho quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ 440 tỷ EUR lên 1,000 tỷ EUR. Tuy vậy, vẫn chưa có thông tin chi tiết về cách thức gia tăng quy mô EFSF; có thể sẽ gia tăng thông qua mô hình bảo hiểm hay công cụ đầu tư với mục đích đặc biệt (SPIV), hoặc kết hợp cả hai. 

Mặc dù kế hoạch cho các gói giải pháp này vẫn chưa được thảo luận chi tiết nhưng có thể thấy rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được những thỏa thuận cần thiết để xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ công vốn đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Các quan chức của quỹ EFSF cũng đang nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ từ các định chế tài chính và chính phủ các nước như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Một khi những kế hoạch chi tiết và khả thi của khu vực liên minh châu Âu (EU) chưa được thông qua thì rất khó có thể nhận được một sự hỗ trợ cụ thể nào từ các tổ chức trên.

Đối với Ý, các nhà lãnh đạo châu Âu gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Silvio Berlusconi về cách thức đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách. Trước sức ép ngày càng tăng lên, Thủ tướng Ý đã cam kết sẽ huy động 5 tỷ EUR/năm (tương đương 8 tỷ USD) từ việc bán tài sản, tăng tuổi nghỉ hưu và nới lỏng luật lao động.

Bất chấp thỏa thuận mà EU vừa đạt được nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, chi phí vay mượn của Ý liên tục tăng cao kỷ lục. Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ý đã tăng lên 6.06%, mức cao nhất kể từ khi đồng EUR ra đời năm 1999.

Trong khi đó, niềm tin vào triển vọng của nền kinh tế châu Âu sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 10. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng và kinh doanh của 17 quốc gia Eurozone giảm từ 95 điểm trong tháng 9 xuống 94.8 điểm trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2009.

KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Tín hiệu tích cực từ số liệu kinh tế vĩ mô tháng 10/2011

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc, kinh tế trong nước tháng 10/2011 đã phát đi nhiều tín hiệu khá khả quan. Cụ thể:

(1) Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tăng 5.2% so với tháng 9, và tính chung 10 tháng đầu năm 2011 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7% so với cùng kỳ năm 2010.

(2) Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 10 đạt khoảng 167.6 nghìn tỷ đồng, tăng 1.55% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 1,561 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ.

(3) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 cả nước tăng 0.36% so với tháng trước và tăng 21.59% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là mức tăng CPI theo tháng thấp nhất trong năm và đà tăng đã được hãm tốc đáng kể.

(4) Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 của cả nước đạt 8.3 tỷ USD, tăng 4.5% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 78 tỷ USD, tăng 34.6% so với cùng kỳ; và nhập siêu bằng 10.8% kim ngạch xuất khẩu.

(5) Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong tháng 10 đạt 1.37 tỷ đồng (bao gồm cả đăng ký mới và tăng thêm), trong đó số đăng ký tăng thêm là 732 triệu USD. Vốn giải ngân trong tháng đạt 900 triệu USD, tương đương tháng 9/2011.

Tính đến 20/10, Việt Nam mới thu hút được 11.3 tỷ USD vốn FDI, chỉ bằng 78% so với cùng kỳ năm 2010; và tổng số vốn FDI giải ngân đạt khoảng 9.1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng đầu trong bản xếp hạng thu hút vốn đầu tư là ngành chế biến, chế tạo với tổng giá trị đầu tư mới và tăng thêm là 5.63 tỷ USD; trong khi ngành kinh doanh bất động sản lùi xuống vị trí thứ 6 với 17 dự án có giá trị vốn đăng ký khoảng 417 triệu USD. Đây có thể coi là một sự dịch chuyển khá tích cực.

Ngoài ra, nền kinh tế đang có những chuyển biến khả quan hơn trong định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ khi Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) vừa đề xuất lập KCN cho ngành công nghiệp phụ trợ với diện tích 300 ha ở huyện Củ Chi, TPHCM. Theo đó, KCN này sẽ ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin – công nghiệp nội dung số, nhựa, cao su, sản xuất lắp ráp ô tô và da giày.

Dọn đường để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

Áp lực thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục và có lúc đạt mức 30 – 40%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) liên tục tăng và chiếm tỷ trọng 3.21% trên tổng dư nợ tính đến hết tháng 8/2011… là những điểm “nóng” trên hệ thống ngân hàng.

Trước những bất ổn mang tính hệ thống ngày càng gia tăng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng liên tục là tâm điểm trong các cuộc thảo luận của các nhà hoạch định chính sách và được xác định là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng.

Trong tuần có thông tin cho rằng NHNN đã tái cấp vốn cho khoảng 5 - 6 ngân hàng thiếu thanh khoản, mỗi ngân hàng từ 1,000 đến 5,000 tỷ đồng, kèm theo một số điều kiện nhất định. Động thái này đã góp phần xoa dịu căng thẳng thanh khoản và hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Qua các động thái gần đây của NHNN, có thể hiểu nhóm ngân hàng yếu kém đã được nhận diện và theo dõi. Đây có lẽ là bước đi dọn đường cho công tác tái cấu trúc trong tương lai gần.

Đã có những tín hiệu chuyển động chính thức đầu tiên trong M&A ngành ngân hàng khi GiaDinhBank thông báo sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2011 vào ngày 03/11, để xin đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank), tăng vốn điều lệ từ 2,000 tỷ đồng lên 3,000 tỷ đồng và bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT. Có tin cho biết Vietcombank đã thoái phần vốn 30% tại ngân hàng này cho một nhóm nhà đầu tư.

Cam kết giữ biến động tỷ giá 1%: Thách thức đáng kể!

Sau hơn một tháng được giữ ổn định, tỷ giá liên ngân hàng liên tiếp được điều chỉnh tăng và hiện đang đứng ở 20,803 VND/USD sau 14 đợt điều chỉnh của NHNN. So với mức 20,628 VND/USD thì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở thời điểm hiện tại đã tăng 0.85%, và đang tiến rất gần tới con số mục tiêu 1% do NHNN đưa ra.

Áp lực lên tỷ giá USD/VND hiện vẫn đang đến từ nhiều phía như các khoản vay ngoại tệ đáo hạn, biến động lớn trên thị trường vàng, tâm lý kỳ vọng đồng nội tệ tiếp tục mất giá… Trong đó, vấn đề nhức nhối và khó giải quyết nhất vẫn là tâm lý lo ngại mất giá đồng nội tệ; và từ đó gây ra những hệ quả xấu như biến động lớn trên thị trường vàng và tâm lý kỳ vọng tỷ giá để đầu cơ.

Cơ quan quản lý đang có hàng loạt động thái để ổn định thị trường tiền tệ như ban hành Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính, NHNN trình Chính phủ nghị định về quản lý thị trường vàng…. Ngoài ra, chỉ thị mới đây của NHNN hé lộ thêm khả năng cơ quan này sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường ngoại tệ.

Chọn giải pháp bảo toàn tương đối nguồn dự trữ ngoại hối hay sử dụng nó để giữ tỷ giá tăng không quá 1% là câu hỏi lớn đặt ra lúc này? Nếu ổn định thị trường vàng bằng nguồn dự trữ ngoại hối thì liệu thời gian bình ổn này sẽ kéo dài được bao lâu, khi giá vàng trên thế giới liên tục có những biến động khó lường.

7 biện pháp quản lý thị trường vàng

Sau khi Nghị định 95 về xử phạt hành chính được banh hành, trước yêu cầu cấp thiết NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó đáng chú ý đưa ra 7 biện pháp lớn để quản lý thị trường hàng hóa đặc biệt này.

Về cơ bản, các quy định trong Nghị định dự thảo nhằm mục tiêu giúp thị trường vàng bình ổn, hạn chế tình trạng "vàng hóa” trong nền kinh tế, hạn chế ảnh hưởng của thị trường vàng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá.

Nghị định sửa đổi lần này thắt chặt hơn các điều kiện để hoạt động kinh doanh trong toàn bộ chuỗi sản xuất vàng, từ nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng và vàng nữ trang, cũng như kinh doanh vàng tài khoản, các sản phẩm phái sinh.

Các biện pháp trên cùng với chủ trương tạo cơ chế cho NHNN bình ổn vàng và điều tiết qua chính sách thuế, hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là đầu cơ trên thị trường tự do sẽ bị hạn chế đáng kể.

Cũng như các nước châu Á khác, nhu cầu sở hữu vàng vật chất của người dân trong nước là rất lớn. Nhu cầu này thường có xu hướng gia tăng mạnh trong những giai đoạn bất ổn.

Các giải pháp của NHNN là tích cực và giúp giảm thiểu các rối ren và gia tăng sự ổn định trên thị trường vàng. Dù vậy, sự ổn định bền vững trên thị trường vàng cũng như tỷ giá chỉ có thể đạt được khi niềm tin về đồng nội tệ trở lại, lạm phát được kéo giảm, bất ổn vĩ mô được giải quyết,…

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Kiềm chế lạm phát: Cơ hội đã rõ, nhưng… (24/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 24 – 28/10 (22/10/2011)

>   Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam: Cập nhật Quý 4/2011 (06/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 03 – 07/10/2011 (30/09/2011)

>   Macro View - Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 26 - 30/09/2011 (23/09/2011)

>   Khả năng Hy Lạp vỡ nợ và các hệ lụy nếu điều này xảy ra (20/09/2011)

>   Toàn cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu - Phần 1 (16/09/2011)

>   Room tín dụng phi sản xuất cuối năm 2011: Ước hơn 77,000 tỷ đồng (13/09/2011)

>   CSM: Company Visit Notes - Khó có khả năng hoàn thành kế hoạch 2011 (06/09/2011)

>   Thông tư 22 sửa đổi Thông tư 13 và 19: Đánh giá những ảnh hưởng đến dòng tín dụng (31/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật