Thứ Bảy, 05/11/2011 11:49

Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 07 – 11/11

(Vietstock) – NHNN vừa yêu cầu các ngân hàng báo cáo dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản chậm nhất vào ngày 09/11/2011 (thứ Tư). Tuy vậy, NHNN sẽ không khỏi gặp khó khăn vì thực tế rất khó kiểm định sự phân loại chính xác từ các NHTM.

KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Lo ngại những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho rằng mức độ phục hồi kinh tế Mỹ có thể diễn ra rất chậm.

Theo đó, Fed dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2011 của Mỹ tăng trưởng từ 1.6-1.7%, thấp hơn mức ước tính từ 2.7-2.9% đưa ra hồi tháng 6. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, Fed hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ năm 2011.

Fed cũng hạ ước tính tăng trưởng năm 2012 từ 3.3-3.7% xuống 2.5-2.9%. Ngoài ra, tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế cũng bị hạ từ 2.5-2.8% xuống còn 2.4-2.7%.

Ngoài ra, Fed ước tính lạm phát tại Mỹ sẽ tăng từ 1.4-2% trong năm 2012 và giữ nguyên mục tiêu lạm phát dài hạn trong khoảng từ 1.7-2%.

Dự báo tỷ lệ thất nghiệp được nâng lên trong năm 2012 từ 7.8-8.2% lên 8.5-8.7% và năm 2013 từ 7-7.5% lên 7.8-8.2%.

Tuy vậy, Fed cũng đưa ra những đánh giá khá lạc quan về triển vọng kinh tế và hiện vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ; nhưng vẫn không loại trừ khả năng nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới nếu cần phải bảo vệ đà phục hồi của nền kinh tế trước biến động xấu.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ đang tìm cách vay thêm 305 tỷ USD trong quý 4/2011, cao hơn 21 tỷ USD so với mức dự báo hôm 01/08 do doanh thu thuế thấp hơn và chi tiêu cao hơn dự báo. Họ cũng đang lên kế hoạch vay thêm 541 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2012.

Theo các số liệu mới công bố, đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang có dấu hiệu chững lại khi một vài chỉ báo kinh tế đạt mức thấp hơn dự báo. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) Chicago giảm từ 60.4 điểm trong tháng 9 xuống 58.4 điểm trong tháng 10, thấp hơn so với ước tính 58.9 điểm của các nhà kinh tế. Tuy vậy, theo thống kê mức trên 50 cho thấy lĩnh vực này đang mở rộng.

Theo Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), chỉ số ISM sản xuất giảm xuống còn 50.8% trong tháng 10, thấp hơn so với dự báo 52.1% của các nhà kinh tế và mức 51.6% trong tháng 9. Chi tiêu xây dựng tháng 9 cũng chỉ nhích nhẹ 0.2%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 1.6% trong tháng 8 và nhẹ hơn so với dự báo tăng 0.3% của các nhà kinh tế.

Ngược lại, theo báo cáo của Công ty xử lý số liệu việc làm tự động (ADP), số việc làm trong lĩnh vực tư nhân tăng thêm 110,000 trong tháng 10, cao hơn dự báo tăng 100,000 của các nhà kinh tế. Trong đó, số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ tăng 114,000 còn số việc làm trong lĩnh vực sản xuất giảm 4,000.

Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua cũng giảm 9,000 xuống 397,000, mức thấp nhất trong 5 tuần. Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 4, chỉ báo này rớt xuống dưới ngưỡng 400,000 và là dấu hiệu cho thấy tốc độ cắt giảm việc làm đã chững lại.

Năng suất lao động của công nhân Mỹ tăng 3.1% trong quý 3 sau khi giảm 0.7% trong quý trước còn chi phí lao động giảm 2.4%, và cả hai số liệu này đều tốt hơn so với dự báo.

Châu Âu: Bằng một quyết định bất ngờ trong ngày 31/10 về việc sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ 130 EUR của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Thủ tướng Hy Lạp đã “xóa sạch” mọi nỗ lực đạt trong được trong hội nghị thượng đỉnh châu Âu tuần trước. Một câu trả lời không sẽ khiến cho tình hình tại châu Âu trở nên rất phức tạp. Tuy nhiên, sau đó vào chiều ngày 03/11, Thủ tướng Hy Lạp lại thông báo bãi bỏ kế hoạch trưng dân ý về các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” này.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, hành động này của Thủ tướng George  Papandreou được xem là “đùn đẩy” trách nhiệm khó khăn cho người dân khi mà chính phủ nước này đang phải gánh chịu đồng thời sức ép cải cách từ phía EU cũng như làn sóng phản kháng và bạo loạn vẫn đang tiếp tục diễn ra gay gắt. Điều này cũng phần nào nói lên sự bế tắc của chính quyền Hy Lạp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Trái ngược với quyết định của Thủ tướng Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính quốc gia này lại kiên quyết phản đối việc bỏ phiếu về gói cứu trợ thứ hai và về tư cách thành viên eurozone.

Rõ ràng, những bất đồng và căng thẳng trong nội bộ chính quyền Hy Lạp đang ngày càng leo thang; và điều này càng làm dấy lên mối quan ngại về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia này (không loại trừ khả năng về một sự sụp đổ có điều kiện của chính quyền đương nhiệm).

Một làn sóng giận dữ lan truyền nhanh chóng trong nội bộ các thành viên khu vực eurozone là điều khó tránh khỏi. Theo đó, gói cứu trợ kế tiếp trị giá 8 tỷ EUR sẽ tạm thời bị giữ lại; và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã lên tiếng khẳng định sự ổn định của đồng EUR quan trọng là giải cứu Hy Lạp.

Lời kêu gọi của Hy Lạp cũng đã khiến Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) vừa trì hoãn phát hành 3 tỷ EUR (tương đương 4.1 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 10 năm cho gói giải cứu Ireland do các điều kiện thị trường còn nhiều biến động.

Lợi suất trái phiếu ở các quốc gia trong khu vực eurozone theo đó cũng bất ngờ tăng vọt. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý tăng 0.22% lên 6.33%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha tăng 0.18% lên 5.59% trên thị trường thứ cấp.

Hơn nữa, động thái kêu gọi trưng cầu dân ý này đã khiến cho việc kêu gọi sự đóng góp của các quốc gia vào quỹ EFSF bị ảnh hưởng đáng kể. Trung Quốc vừa cho biết họ chưa thể cam kết đầu tư vào quỹ này cho tới khi tình hình tại Hy Lạp có kết quả rõ ràng.

Tuy vậy, Nga vẫn chưa có sự thay đổi nào trong kế hoạch giúp đỡ eurozone giải quyết khủng hoảng nợ công thông qua mức đóng góp trực tiếp 10 tỷ USD cho IMF.

Nền kinh tế khu vực eurozone lại tiếp tục đón nhận những tín hiệu bi quan khi tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này đã leo tới mức kỷ lục 10.2% trong tháng 9, cao hơn con số 10.1% trong tháng 8 và là con số cao nhất kể từ tháng 6/2010.

Trước triển vọng khá bi quan của nền kinh tế khu vực, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) bất ngờ hạ lãi suất từ 1.5% xuống 1.25%. Chủ tịch ECB cũng nhận định rằng khu vực eurozone hiện đang đối mặt với một môi trường rất bất ổn.

Trong khi đó, Đức “bất ngờ” giảm 56 tỷ EUR nợ công do việc ghi nhận đến 2 lần cùng một khoản nợ trong bản tổng kết của Ngân hàng Hypo Real Estate (HRE). Theo đó, nợ công của Đức đã giảm từ 83% GDP còn 81% GDP.

MF Global nộp đơn bảo hộ phá sản: Sau vụ đệ đơn xin phá sản của ngân hàng Dexia của Pháp, Bỉ và Luxembourg, việc MF Global Holdings Ltd đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ là cú đòn giáng mạnh vào giới đầu tư toàn cầu trong bối cảnh thị trường tài chính tràn ngập tin xấu.

MF Global hiện nắm giữ 6.3 tỷ USD trái phiếu các nước Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Ireland. Tại thời điểm nộp hồ sơ phá sản, công ty này có tổng số nợ là 39.7 tỷ USD và tổng tài sản là 41 tỷ USD.

Liên quan đến MF Global, JPMorgan Chase đứng “đầu bảng” chủ nợ khi là chủ tín thác cho khoản nợ 1.2 tỷ USD tại MF Gobal (trong đó số nợ chính chủ của JPMorgan Chase là 80 triệu USD). Deutsche Bank AG xếp thứ 2 với số tiền đứng dưới tên chủ tín thác là hơn 1 tỷ USD.

Vụ việc MF Global khiến giới đầu tư quan ngại liệu rằng đây có phải là “phát súng” báo hiệu thêm một cuộc khủng hoảng tài chính hay không, vì một sự đổ vỡ dây chuyền do vấn đề nợ công châu Âu là hoàn toàn có thể xảy ra.

KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Báo cáo dư nợ liên quan đến bất động sản: Có được số liệu chính xác?

NHNN vừa yêu cầu các ngân hàng báo cáo dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản chậm nhất vào ngày 09/11/2011 (thứ Tư).

Chắc chắn NHNN đã có số liệu dư nợ này ít nhất là đến tháng 6/2011, lúc đó được phục vụ cho mục đích kéo giảm dư nợ phi sản xuất về mức 22%. Yêu cầu lần này được đưa ra để cập nhật số liệu, trước các diễn biến xấu gần đây trên thị trường bất động sản (xem thêm bên dưới) và hạn định cuối năm cho mức tỷ trọng tín dụng phi sản xuất 16% theo Chỉ thị 01.

Với thực tế nay các khoản mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ được tính vào dư nợ, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu số liệu cho vay bất động sản sẽ có biến động.

Theo thông tin của NHNN, tính đến cuối tháng 8/2011, dư nợ tín dụng bất động sản là 211,517 tỷ đồng, chiếm khoảng 8.43% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Dư nợ tín dụng bất động sản này chiếm gần 60% dư nợ tín dụng phi sản xuất.

Yêu cầu báo cáo tín dụng bất động sản lần này của NHNN không ngoài mục đích nhằm đánh giá rủi ro của lĩnh vực này lên hoạt động của ngân hàng và khoanh vùng những ngân hàng rủi ro cao để có biện pháp ứng phó. Tuy vậy, NHNN sẽ không khỏi gặp khó khăn vì thực tế rất khó kiểm định sự phân loại chính xác từ các NHTM.

Có lẽ tín dụng lĩnh vực bất động sản đã được “thả lỏng” quá lâu và vấn đề nay trở nên khá phức tạp để giải quyết triệt để. Đây là một trong những rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng vào thời điểm hiện nay.

Bất động sản: Đã có tín hiệu giới hạn của sức chịu đựng

Một trong những tâm điểm trong tuần qua làn sóng giảm giá bất động sản ở phân khúc căn hộ có dấu hiệu bùng phát và lan rộng. Đình đám nhất là mức “đại hạ giá” ở hai dự án PetroVietnam Landmark ở Quận 2 và An Tiến ở huyện Nhà Bè, TPHCM.

Trước đây, chúng tôi đã nhiều lận có nhận định rằng trên thực tế hàng loạt các công ty bất động sản đang phải “oằn mình” để tồn tại. Lãi suất cao, cầu đóng băng nhiều năm trở lại đây đã khiến dòng tiền của hầu hết doanh nghiệp bị kiệt quệ.

Mặc dù có ý kiến cho rằng việc “đại hạ giá” chỉ là một hoạt động PR, hay đẩy dự án qua một trung gian khác để tìm kiếm chênh lệch giá, diễn biến này phần nào cho thấy sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đang tiệm cận giới hạn. Sẽ không dễ dàng chút nào cho các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phải “hạ mình” giảm giá, sau khi đã nếm trải được nhiều dư vị ngọt ngào trong mấy năm trước đây.

Chúng tôi đang kỳ vọng vào một giói “giải cứu” tiền tệ cho lĩnh vực này có thể vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2012, sau khi các thông số lạm phát, tăng trưởng đã được thiết lập. Tuy vậy, rất có thể các biện pháp đưa ra chỉ ở mức độ vừa phải và chưa thể là cú hích để thị trường tăng trưởng bền vững trở lại.

Căng thẳng vẫn còn trên thị trường ngoại hối

Sau Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính, NHNN tiếp tục phát đi thông tin sẽ tổ chức kiểm tra hoạt động mua bán ngoại tệ tại một số TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài để đảm bảo việc thực hiện nghiêm quy định trần ngoại tệ.

Ở khía cạnh tích cực, động thái này của NHNN sẽ giúp kìm hãm cuộc rượt đuổi căng thẳng giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá giao dịch “ngầm” trên thị trường ngân hàng; từ đó, góp phần hạ nhiệt những biến động leo thang của tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây.

Tuy vậy, vấn đề tiêu cực khác lại nảy sinh khi các NHTM gần như “án binh bất động” đối với các hoạt động giao dịch mua bán ngoại tệ với lý do nguồn cung khan hiếm.

Cụ thể là các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung ngoại tệ trên thị trường ngân hàng; và buộc họ phải tìm đến các giao dịch trên thị trường tự do.

Như vậy, có thể hiểu rằng khi mà các nguyên nhân chính gây sức ép lên tỷ giá như nhập siêu, kỳ vọng mất giá đồng nội tệ…chưa được giải quyết thì các biện pháp hành chính như trên chỉ là giải pháp tình thế nhằm xoa dịu những bất ổn trên thị trường ngoại hối. 

Lãi suất liên ngân hàng “nóng lạnh” thất thường

Sau hàng loạt những động thái của NHNN như đảm bảo thanh khoản cho các NHTM, tái cấp vốn cho khoảng 5 - 6 ngân hàng với mỗi ngân hàng từ 1,000 đến 5,000 tỷ đồng, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể.

Theo thống kê của NHNN, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần tính đến ngày 26/10 ở kỳ hạn từ 1 tuần đến 3 tháng dao động từ 12.73% đến 14.29%, kỳ hạn trên 3 tháng dao động từ 15.81% đến 20.56%.

Tuy vậy, lãi suất cho vay liên ngân hàng trong vài ngày gần đây đã có dấu hiệu “nóng” trở lại. Đây là chỉ dấu quan trọng cho thấy thị trường tiền tệ sẽ còn một thời gian dài nữa mới trở lại ổn định và nhất thiết phải cần những giải pháp mang tính hệ thống.

Tin tức kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

• Sau phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ, đại diện NHNN tái khẳng định tăng trưởng tín dụng của năm 2011 nhiều khả năng sẽ chỉ ở mức 12%, thay vì 20% như kế hoạch đầu năm, nhằm phục vụ ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.

• Để kiềm chế lạm phát, bên cạnh các giải pháp tiền tệ, Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp quản lý giá, kể cả giá điện, trong những tháng cuối năm. Hiện Chính phủ chưa đặt vấn đề tăng giá điện; nhưng về lâu dài, việc quản lý giá điện sẽ tiến dần tới cơ chế thị trường.

• Tái cơ cấu kinh tế được xác định là mục tiêu trọng tâm của nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2012 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vẫn chưa thể hiện rõ yếu tố tái cơ cấu mà tập trung quá nhiều vào tăng trưởng GDP.

• Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và thực hiện đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việc tăng cường công tác hỗ trợ xếp hạng tín nhiệm quốc gia này có ý nghĩa rất lớn đến hình ảnh và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài.

• Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 54 về gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 cho những doanh nghiệp sử dụng thường xuyên bình quân trên 300 lao động năm 2011. Theo đó, thời hạn gia hạn 1 năm kể từ ngày đến thời hạn nộp thuế theo quy định. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 30/11/2011.

• Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt Quy hoạch Phát triển chế biến thủy sản toàn quốc đến năm 2020. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn giai đoạn 2011-2020 đạt gần 24,550 tỷ đồng; trong đó, nhu cầu vốn giai đoạn năm 2011 – 2015 hơn 13,380 tỷ đồng.

• NHNN cho biết lượng kiều hối về Việt Nam trong quý 1/2011 đạt khoảng 2.5 tỷ USD, quý 2 đạt 2 tỷ USD, quý 3 đạt 2.5 tỷ USD và dự báo cả năm 2011 đạt khoảng 8.5 tỷ USD - cao hơn mức kỷ lục 8 tỷ USD của năm 2010.

• Ngày 2/11, Bộ trường Bộ Tài chính đã ký các hiệp định vay vốn ODA của Nhật Bản với tổng giá trị 92.6 tỷ Yên (tương đương 1.2 tỷ USD); bao gồm 6 dự án quan trọng như phát triển cảng biển nước sâu quốc tế Lạch Huyện, xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn Bến Lức – Long Thành), xây dựng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn…

• Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam, theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, chỉ đạt 97 điểm trong quý 3, hạ 7 điểm tính từ đầu năm nay do các quan ngại về nền kinh tế đang có nhiều biến động.

• Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số hàng tồn kho tháng 10/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao đột biết, ước tăng đến 21.1% so với cùng kỳ năm ngoái.

• Tổ điều hành thị trường dự báo giá cả hàng hóa trong tháng 11 sẽ không có biến động lớn và dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này sẽ tăng khoảng 0.2 – 0.3% so với tháng 10.

• Theo thông tin từ Bộ Tài chính, bội chi ngân sách nhà nước tháng 10 ước 7,100 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng ước 48,420 tỷ đồng, bằng 40% mức bội chi cả năm do Quốc hội phê duyệt.

• Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch nhập khẩu đá quý, kim loại quý trong chín tháng đầu năm 2011 lên đến 1.93 tỷ USD, chiếm 2.5% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 430.44% so với chín tháng đầu năm ngoái.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Chiến lược giao dịch ngày 03/11/2011 (03/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 31/10 - 04/11 (30/10/2011)

>   Kiềm chế lạm phát: Cơ hội đã rõ, nhưng… (24/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 24 – 28/10 (22/10/2011)

>   Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam: Cập nhật Quý 4/2011 (06/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 03 – 07/10/2011 (30/09/2011)

>   Macro View - Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 26 - 30/09/2011 (23/09/2011)

>   Khả năng Hy Lạp vỡ nợ và các hệ lụy nếu điều này xảy ra (20/09/2011)

>   Toàn cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu - Phần 1 (16/09/2011)

>   Room tín dụng phi sản xuất cuối năm 2011: Ước hơn 77,000 tỷ đồng (13/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật