Thứ Bảy, 26/11/2011 11:29

Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 28/11 - 02/12

(Vietstock) – Ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy một chính sách tiền tệ nới lỏng nhẹ vào cuối năm 2011 và đầu 2012 dường như đã sẵn sàng để thực hiện.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Sau nhiều tháng hợp tác làm việc, ủy ban lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn bế tắc và không đạt được thỏa thuận về các biện pháp cắt giảm ngân sách. Theo kế hoạch trước đó, Quốc hội Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu tự động với quy mô 1.2 ngàn tỷ USD trong 10 năm tới.

Bất chấp sự thất bại này, xếp hạng tín nhiệm Mỹ vẫn được giữ nguyên ở mức AA+ đối với S&P, và ở mức AAA đối với Moody’s. Trong khi đó, Fitch chưa đưa ra thông tin nào cho đến khi quá trình xem xét xếp hạng tín nhiệm Mỹ sẽ kết thúc vào cuối tháng 11.

Tuy vậy, so với “mớ hỗn độn” kinh tế châu Âu, những bất đồng nội tại của nền kinh tế Mỹ đã không thể ngăn cản được nhu cầu tìm kiếm sự an toàn của nhà đầu tư. Theo thống kê, lượng tiền mà các ngân hàng nước ngoài gửi tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng hơn gấp đôi từ mức 350 tỷ USD trong cuối năm 2010 lên 715 tỷ USD vào cuối tháng 9/2011.

Lo ngại tác động xấu từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, Fed yêu cầu 31 ngân hàng lớn nhất nước kiểm tra danh mục cho vay và giao dịch trong kịch bản suy thoái sâu và xảy ra cú sốc từ thị trường châu Âu. Các tập đoàn ngân hàng với tài sản ít nhất 50 tỷ USD phải dự báo doanh thu, thua lỗ và tình hình vốn đến cuối năm 2013 thông qua việc sử dụng 4 kịch bản khác nhau. Trong đó, hai tình huống xấu nhất mà các ngân hàng cần phải tính đến là tỷ lệ thất nghiệp ở mức 13% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm 8%.  

Theo số liệu điều chỉnh của Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 tăng 2%, thấp hơn so với mức ước tính trước đó là 2.5% do các doanh nghiệp cắt giảm lượng hàng lưu kho và không đầu tư nhiều. Trong quý 3, lượng hàng lưu kho giảm 8.5 tỷ USD sau khi tăng vọt 39.1 tỷ USD trong quý 2, lợi nhuận doanh nghiệp cũng giảm từ 61.2 tỷ USD xuống còn 39.8 tỷ USD.

Số đơn đặt hàng lâu bền tại Mỹ giảm 0.7% trong tháng 10, chủ yếu do nhu cầu đối với máy bay thương mại suy giảm; nếu trừ lĩnh vực vận tải, số đơn đặt hàng tăng 0.7%.

Nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục đón nhận những chỉ báo kinh tế khả quan. Theo Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), lợi nhuận quý 3 của các ngân hàng Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 năm; và cũng trong quý 3 này số ngân hàng gặp khó khăn tiếp tục sụt giảm còn khoảng 844, thấp hơn con số 865 trong quý 2 và mức 888 trong quý 1. 

Hiệp hội các nhà bất động sản Mỹ (NAHB) cho biết doanh số bán nhà đã qua sử dụng tăng 1.4%, từ 4.9 triệu đơn vị trong tháng 9 lên 4.97 triệu trong tháng 10.

Số liệu cuối cùng của Đại học Michigan và Thomson Reuters cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng từ 60.9 điểm trong tháng 10 lên 64.1 điểm trong tháng 11, mức cao nhất kể từ tháng 6. Dù vậy, kết quả vẫn thấp hơn so với dự báo tăng 65 điểm của các nhà kinh tế.

Châu Âu: Sau Pháp, Đức đang có dấu hiệu “thấm đòn” cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu khi lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của quốc gia này bất ngờ tăng 14.5 điểm cơ bản lên 2.056% trong đợt phát hành trái phiếu trị giá 6 tỷ EUR ngày 23/11. Trong 6 tỷ EUR (9.3 tỷ USD) huy động đợt này, chỉ có 3.64 tỷ EUR tức 60% giá trị chào bán được các nhà đầu tư đón nhận.   

Tuy vẫn còn quá sớm để khẳng định Đức đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, nhưng rõ ràng kết quả đợt phát hành trái phiếu này đã làm dấy lên mối quan ngại về cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường tài chính châu Âu.

Bất chấp sự phản đối của Thủ tướng Đức Angela Merkel về ý tưởng phát hành trái phiếu chung châu Âu (eurobond), Ủy ban châu Âu (EC) vẫn trình bày nghiên cứu về 3 đề xuất phát hành trái phiếu chung của Eurozone (eurobond) và thay đổi hoạt động quản trị kinh tế trong khu vực vào ngày 23/11.

Những đề xuất về việc thay đổi hoạt động quản trị sẽ cho phép Ủy ban châu Âu (EC) can thiệp vào chính sách và dự thảo ngân sách của các quốc gia nếu chi tiêu của các quốc gia này không tuân theo tiêu chuẩn của Eurozone.

Ngoài ra, giải pháp sử dụng vàng như tài sản thế chấp cũng được nhắc tới khi mà các ngân hàng trung ương Eurozone hiện đang nắm giữ khoảng 10,792 tấn vàng, tương đương gần 650 tỷ USD.

Theo kế hoạch, ngày 29/11, 17 bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ nhóm họp trước khi diễn ra cuộc họp của 27 bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 30/11. Theo đó, các quan chức sẽ thảo luận về các đề xuất eurobond hay tính khả thi của việc nâng cao vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc giải quyết khủng hoảng.

Tiếp theo, vào ngày 9/12, các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp tại Brussels. Các phương án được Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đưa ra ngày 07 – 08/12, quyết định chính sách của ECB ngày 8/12 và các điều kiện thị trường sẽ có thể ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo EU về một giải pháp cuối cùng cho Eurozone.

Khi thời gian để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu không còn nhiều nữa, thì sự hy vọng của thị trường chỉ còn trông chờ vào những quyết định quan trọng trong các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo sắp tới. Rõ ràng, các nhà lãnh đạo này đang phải gấp rút chạy đua với thời gian để tìm ra giải pháp quyết định sự sống còn của khu vực Eurozone nói riêng và EU nói chung.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quyết định cải cách chương trình hạn mức tín dụng để khuyến khích các quốc gia đối mặt với các cú sốc bên ngoài nhờ đến sự giúp đỡ của tổ chức này với rất ít điều kiện ràng buộc.

ECB cũng đang cân nhắc đến các phương án kéo dài thời hạn cho vay cho các ngân hàng theo kế hoạch hỗ trợ hệ thống ngân hàng Eurozone hay mở rộng phạm vi tài sản mà các ngân hàng có thể sử dụng như tài sản thế chấp để có thể nhận được nguồn vốn từ ECB.

Mới đây, Hungary vừa yêu cầu IMF và EU hỗ trợ về mặt tài chính trong bối cảnh tổng nợ của Chính phủ Hungary đã tăng lên 82% GDP và đồng nội tệ của nước này, forint, đã suy yếu.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

CPI tháng 11 tăng 0.39%: Tiền đề để kéo giảm lãi suất, nới lỏng tín dụng

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2011 tăng 0.39% so với tháng 10/2011, và tăng 19.83% so với cùng kỳ năm 2010.

CPI tháng 11/2011 tăng cao hơn chút ít so với mức tăng 0.36% trong tháng 10. Tuy vậy, so với xu hướng tăng của CPI hai tháng đầu quý 4 năm 2009 và 2010 thì đà tăng của CPI tháng 11/2011 là không đáng ngại. Cụ thể, CPI tháng 10 và 11 tăng lần lượt 0.37% và 0.55% trong năm 2009, và ở mức 1.05% và 1.86% trong năm 2010.

Chúng tôi cho rằng đây là một tín hiệu tích cực xuất phát từ công tác bình ổn giá vào những tháng cuối năm của cơ quan chức năng nhằm kiềm chế lạm phát. Và CPI tháng 11 tăng 0.39% hoàn toàn nằm trong kỳ vọng.

Các biện pháp bình ổn giá sẽ tiếp tục phát huy tác dụng và chúng tôi dự báo lạm phát tháng 12 sẽ dao động trong khoảng 0.5 - 0.6%.

Lạm phát cả năm 2011 sẽ nằm trong khoảng 18.1% - 18.2% so với cuối năm 2010, trong vùng mục tiêu của Chính phủ. Đây sẽ là tiền đề tích cực để giảm mặt bằng lãi suất và nới lỏng tín dụng.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm 2012 tiếp tục là một thách thức không nhỏ trong công tác điều hành chính sách vĩ mô.

Một chính sách tiền tệ nới lỏng nhẹ dường như đã sẵn sàng

Phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi nêu ra trong báo cáo Macro View vài tuần trước, ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy một chính sách tiền tệ nới lỏng nhẹ vào cuối năm 2011 và đầu 2012 dường như đã sẵn sàng để thực hiện.

Trong phiên trả lời chất vất trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết nếu lạm phát tăng thấp trong tháng 11 thì cơ quan này sẽ có điều kiện để xem xét việc giảm trần lãi suất huy động xuống dưới 14%, cũng như giảm các lãi suất điều hành.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết bên cạnh việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, Chính phủ sẽ có giải pháp phục hồi chứng khoán, bất động sản trong thời gian tới.

Chúng tôi cho rằng, bên cạnh giải pháp nới lỏng tín dụng, thị trường chứng khoán và bất động sản chỉ có thể phục hồi một cách lành mạnh cùng với sự ổn định ở khối ngân hàng và CTCK.

Thông tin từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho thấy trong 37 ngân hàng thương mại cổ phần thì có: 8 ngân hàng rất lành mạnh và có thể là trụ cột cho hệ thống, 8 ngân hàng cổ phần hoạt động ở mức trung bình, 8 ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng lành mạnh và 8 ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động chưa được lành mạnh. Hiện NHNN đã hoàn thành việc chuẩn bị đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sắp báo cáo Chính phủ để trình Bộ Chính trị.

Có thể sẽ mất 1-2 năm để quá trình tái cấu trúc này hoàn tất; nhưng những tín hiệu tích cực, nếu có, sẽ sớm tác động lên niềm tin trên thị trường.

Loạn nhịp thị trường vàng vì thiếu thông tin

Diễn biến giá vàng trong nước luôn là đề tài nóng của giới đầu tư trong suốt mấy tuần qua. Điều đáng nói ở đây là việc tăng, giảm giá của mặt hàng này không xuất phát từ diễn biến của giá vàng thế giới, mà chủ yếu từ sự loạn nhịp trên thị trường trong nước trước những hiện tượng “đón lõng” dự thảo Nghị định quản lý vàng.

Việc thiếu thông tin rõ ràng về quy định lưu thông các loại vàng miếng và thời gian chuyển tiếp đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng đã gây ra tâm lý tiêu cực trên thị trường vàng trong thời gian gần đây. 

Hiện tâm lý hoang mang trên thị trường vàng đã phần nào dịu lại trước nội dung thông báo thêm về dự thảo Nghị định quản lý vàng của NHNN vào ngày 21/11.

Theo thông tin mới nhất, nếu dự thảo Nghị định quản lý vàng được thông qua, nhãn vàng SJC sẽ là nhãn vàng của NHNN và sẽ được chuyển đổi thành thương hiệu SBV khi điều kiện cho phép.

Tỷ giá bớt căng thẳng?

Áp lực tỷ giá USD/VND trong những ngày gần đây đã có dấu hiệu bớt căng thẳng nhờ vào dòng kiều hối đổ về khá dồi dào trong những tháng cuối 2011 và những phát pháo đầu tiên cảnh báo vi phạm Nghị định 95 trên thị trường tiền tệ.  

Mặc dù thị trường ngoại hối vẫn đang phải chịu áp lực từ nhiều phía như nhập siêu, biến động trên thị trường vàng, tâm lý kỳ vọng đồng nội tệ tiếp tục mất giá …, nhưng những tín hiệu khả quan ở trên cho thấy tính khả thi của cam kết tạm giữ biến động tỷ giá không quá 1% vào cuối năm 2011 như tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Tuy vậy, chúng tôi cho rằng áp lực tỷ giá vẫn duy trì ở mức cao trong quý 1/2012.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2012 sẽ “sáng màu” hơn. Tổ chức này dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức khoảng 6.1% và CPI sẽ tăng khoảng 10.5% trong năm 2012.

• Trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 25/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết bên cạnh việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, Chính phủ sẽ có giải pháp phục hồi chứng khoán, bất động sản và không để giá vàng chênh lệch lớn giữa trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Trong năm 2012, Chính phủ ưu tiên đưa chỉ số giá tiêu dùng xuống một con số, tạo điều kiện giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

• Trả lời chất vấn chiều ngày 24/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết định hướng, với lạm phát tăng thấp trong tháng 11 này thì nhà điều hành có điều kiện để xem xét việc giảm trần lãi suất huy động cũng như lãi suất điều hành.

• Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước tính đạt 8.3 tỷ USD, tăng 4.5% so với tháng 9/2011. Tính chung mười tháng năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 78 tỷ USD, tăng 34.6% so với cùng kỳ năm 2010.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước tính đạt 9.1 tỷ USD, giảm 4% so với tháng trước. Tính chung mười tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 86.4 tỷ USD, tăng 27.2% so với cùng kỳ năm 2010.

Nhập siêu hàng hóa tháng 10 ước tính đạt 800 triệu USD, bằng 9.6% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu 10 tháng năm 2011 ước tính 8.4 tỷ USD, bằng 10.8% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Nếu loại trừ yếu tố vàng thì nhập siêu hàng hóa 10 tháng năm này ước tính 8.9 tỷ USD, bằng 11.7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.    

• Theo thông tin của Bộ Tài chính, phương án giá điện năm 2012 được tính trên cơ sở các chi phí đầu và mức tăng dự kiến sẽ trên 10% nhưng không cao hơn 15.6%.

• Về điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ cho đánh giá lại Nghị định 84, xem xét sửa đổi chu kỳ tính giá cơ sở 10 ngày cho phù hợp với tần suất điều chỉnh giá, thay cho 30 ngày hiện nay. Đồng thời, xem xét sửa đổi quy định về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức theo hướng phù hợp hơn với thực tế.

• Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2010, dư nợ công của Việt Nam vào khoảng 57.3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 45.7% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 42.2% GDP. Đến ngày 31/12/2011, các con số này lần lượt là 54.6%, 43.6% và 41.5% GDP. Các chỉ tiêu này đến ngày 31/12/2012 sẽ lần lượt là 58.4%, 46.1%, 44.2% GDP và nằm trong ngưỡng an toàn.

Trong số nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay ODA chiếm 74%, vay ưu đãi chiếm 19%, và vay thương mại chỉ chiếm 7%. Bộ Tài chính cũng cho biết, các khoản vay ưu đãi có thời gian ân hạn kéo dài, lãi suất thấp nên không gây sức ép cho ngân khố quốc gia.

• Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư 3,576 tỷ đồng vào chứng khoán; 2,236 tỷ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm; 5,379 tỷ đồng vào bất động sản và 495 tỷ đồng vào quỹ đầu tư; riêng lĩnh vực ngân hàng vượt trội với 10,128 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cơ cấu để giảm dần tỷ lệ vốn góp vào các lĩnh vực trên. Tuy nhiên, việc thoái vốn chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra của Chính phủ do kinh tế thế giới và trong nước suy giảm.

• Theo Bộ Công thương, ba ngành quan trọng, trụ cột của ngành công nghiệp như thép, điện tử, ôtô lại là những ngành đang nhập siêu nhiều nhất Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2010, ngành thép nhập siêu khoảng 6 tỷ USD, ngành hàng điện tử nhập siêu 2 tỷ USD, ngành ôtô nhập siêu khoảng 1.5 tỷ USD. Như vậy, trong số gần 13 tỷ USD nhập siêu cả nước năm 2010 thì 3 ngành này đã chiếm gần 10 tỷ USD.

• Vietnam Airlines sẽ chính thức nhận quyền quản lý gần 70% cổ phần trong hãng hàng không Jetstar Pacific từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC). Với việc chuyển giao này, Vietnam Airlines sẽ nắm đến trên 90% thị trường hàng không nội địa.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Các tin tức khác

>   CPI tháng 11 tăng 0.39%: Cao hay thấp? (24/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 21 – 25/11 (19/11/2011)

>   DPM: Company Update - Lợi nhuận 2011 dự báo sẽ vượt mạnh kế hoạch, bất chấp tình hình cạnh tranh (16/11/2011)

>   4 nhóm dư nợ bất động sản ra khỏi phi sản xuất: Được gì? (15/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 14 – 18/11 (13/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 07 – 11/11 (05/11/2011)

>   Chiến lược giao dịch ngày 03/11/2011 (03/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 31/10 - 04/11 (30/10/2011)

>   Kiềm chế lạm phát: Cơ hội đã rõ, nhưng… (24/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 24 – 28/10 (22/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật